CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án "Tranh chấp về chia di sản thừa kế"

31/05/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án “Tranh chấp về chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là ông Đoàn N với bị đơn là ông Đoàn Văn X, VKSND tối cao nhận thấy cần thông báo rút kinh nghiệm, cụ thể như sau:

1. Nội dung và quá trình giải quyết vụ án

Nội dung vụ án

Nguyên đơn ông Đoàn N trình bày: Bố của ông là cụ Đoàn Văn R (chết ngày 24/8/2001), bố của ông có hai người vợ gồm mẹ của ông là cụ Lại Thị Ng (chết ngày 02/01/1989) và cụ Trần Thị C (chết ngày 31/01/2006) đều không để lại di chúc. Cụ Ng sinh được 03 người con gồm: Ông Đoàn Văn X, ông Đoàn Văn Ch (chết năm 1996) và ông. Cụ C sinh được 11 người con gồm: ông Đoàn Ngọc Th, ông Đoàn Văn T, ông Đoàn Văn S, ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Văn Nh, ông Đoàn Văn H (chết năm 2000), ông Đoàn Văn Tr, ông Đoàn Văn Gi, bà Đoàn Thị Ng1, bà Đoàn Thị Đ và bà Đoàn Thị Ng2. 

Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, đại gia đình ông được chính quyền cách mạng chia thêm cho một diện tích đất ở xóm N.Đ, xã N.L, huyện N.H, tỉnh N.Đ theo bản đồ đo đạc năm 1982, lập bản đồ năm 1986 thuộc tờ số 02 thửa 552 có diện tích 860m2 (nay thuộc thửa số 84, tờ bản đồ số 04 lập năm 2005 có diện tích là 859m2) cách thửa đất của bố ông ở khoảng 200m. Cụ Ng cùng các con là ông X, ông Ch và ông ở trên mảnh đất được chia thêm, còn cụ R, cụ C và các con của cụ C ở thửa đất cũ. Khi trưởng thành ông X và ông Ch lấy vợ nhưng vẫn ở chung với cụ Ng, còn ông đi học tập ở Liên Xô, cuối năm 1975 mới về Việt Nam. Năm 1976, bố mẹ và anh em ông đã bàn, thống nhất: Ông đi nước ngoài về có kinh tế nên ông chấp nhận lo toàn bộ kinh phí để gia đình làm một ngôi nhà mới và cung cấp kinh phí tìm đất để xây nhà cho ông Ch ở riêng tại xóm Tr. S, xã N.L, huyện N.H, tỉnh N.Đ. Ông công tác ở xa nhưng vẫn thường xuyên đi về và mỗi lần về đều ở cùng với mẹ và vợ chồng ông X tại ngôi nhà trên. Từ khi cụ Ng mất năm 1989 đến nay, ông X tạm thời quản lý toàn bộ ngôi nhà và thửa đất nêu trên. 

Năm 1984, ông X viết đơn xin cấp sổ đỏ cho toàn bộ thửa đất này, đứng đơn là Đoàn Văn X nhưng không có ý kiến của cụ R, cụ Ng (lúc này bố mẹ ông vẫn còn sống) và anh chị em trong gia đình. Năm 2005, theo yêu cầu của chính quyền địa phương ông X viết bổ sung thêm một lá đơn xin cấp sổ đỏ có chữ ký của ông X, sau đó UBND huyện N.H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 781214 ngày 20/10/2009 cho vợ chồng ông X. 

Ông cho rằng thửa đất này do cụ R, cụ Ng để lại, ông X không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh quyền sử dụng riêng của ông X đối với toàn bộ thửa đất đó. Nay ông khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản của cụ R, cụ Ng để lại bao gồm đất và tài sản gắn liền với đất, yêu cầu ông X trả lại cho ông phần thừa kế trong di sản thừa kế bố mẹ ông để lại. Đồng thời yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 781214 đã cấp cho hộ ông Đoàn Văn X và bà Trần Thị L ngày 20/10/2009.

Bị đơn ông Đoàn Văn X  trình bày: Thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn là ông Đoàn N về quan hệ huyết thống của gia đình.

Nhà và đất mà ông đang sử dụng là do gia đình ông tạo lập và đã sử dụng từ năm 1969 đến nay. Ông và gia đình đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Ngày 21/8/1984, thực hiện Quyết định số 201-CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước, vợ ông là bà Trần Thị L đã thay mặt hộ gia đình ông làm đơn đăng ký quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Việc đăng ký quyền sử dụng đất của hộ gia đình ông được thực hiện năm 1984, khi đó bố mẹ ông vẫn còn sống và bố mẹ ông không ai có ý kiến gì đối với việc này cho đến khi chết. Cụ R không còn ở cùng với mẹ con ông X và cũng không đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất ông X đang sử dụng, cụ R đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất hộ gia đình cụ R và cụ C đang ở (cách thửa đất ông X đang sử dụng khoảng 200m). Năm 2006, sau quá trình xác minh kiểm tra việc thực tế quản lý, sử dụng đất tại địa phương, hộ gia đình ông X đã được Uỷ ban nhân dân huyện N.H ra Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 22/11/2006 về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu dân cư (số thứ tự 114 trong danh sách kèm theo Quyết định) và gia đình ông X đã được UBND huyện N.H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 781214 ngày 20/10/2009 thửa 84, tờ bản đồ số 04 với tổng diện tích sử dụng 859m2, trong đó có đất ONT là 383m2 và đất LNK là 476m2. 

Ông không nhất trí việc ông N khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với mảnh đất ông đang sử dụng. Ông đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông N.

Quá trình giải quyết vụ án:

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2019/DS-ST ngày 07/8/2019, Tòa án nhân dân tỉnh N.Đ quyết định: 

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Đoàn N về việc yêu cầu “Chia thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND huyện N.H đã cấp cho hộ ông Đoàn Văn X và bà Trần Thị L” thửa đất số 84 tờ bản đồ số 4 diện tích 859m2, tại xóm N.Đ, xã N.L, huyện N.H, tỉnh N.Đ. 

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc chia di sản thừa kế là ngôi nhà ngói 3 gian của ông Đoàn N. 

2. Chia di sản thừa kế của cụ R và cụ Ng để lại cụ thể như sau: 

2.1. Chia cho ông Đoàn Văn X: Phần tài sản thuộc sở hữu của cụ Ng để lại là 186,5m2, ông X được hưởng 2/5 phần di sản là 74,6m2. Phần tài sản cụ R để lại là 223,8m2, ông X được hưởng 1/15 phần 223,8: 15 = 14,92m2. Tổng số di sản thừa kế ông X được chia là 89,5m2. 

2.2. Chia cho ông Đoàn N: Phần tài sản thuộc sở hữu của cụ Ng để lại là 186,5m2, ông N được hưởng 1/5 phần di sản là 37,3m2. Phần tài sản cụ R để lại là 223,8m2, ông N được hưởng 1/15 phần 223,8: 15=14,92m2, cộng với phần di sản thừa kế ông N được các thừa kế cụ C và 12 thừa kế tặng cho. Tổng số đất ông N được hưởng thừa kế là (37,3m2 x 2) + (14,92m2 x 14 phần) = 283,5m2. Phần đất ông N được chia nằm ở phía Tây thửa đất có mặt tiếp giáp với trục đường chính của xã có chiều dài là 8,71 mét, chiều sâu chạy hết thổ đất theo hướng Nam - Bắc cạnh tiếp giáp đất hộ ông A dài 32,1 mét, cạnh phía Bắc tiếp giáp với đất hộ bà B dài 8,72 mét, chiều sâu cạnh tiếp giáp với phần đất hộ ông X chạy dài theo hướng Nam - Bắc dài 33,03 mét. Ông N có trách nhiệm thanh toán trả cho ông X 28.311.940 đồng trị giá tài sản trên đất được chia là bếp xây bi, mái ngói, vì kèo tre. Ông N chịu trách nhiệm xây tường ngăn xác định ranh giới hai bên. Việc phân chia đất có sơ đồ kèm theo.

3. Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A0781214 mang tên người sử dụng đất là hộ ông Đoàn Văn X và bà Trần Thị L. Các đương sự có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất theo như quyết định bản án đã tuyên. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật. 

Ngày 16/8/2019, nguyên đơn là ông Đoàn N và bị đơn là ông Đoàn Văn X có đơn kháng cáo đối với Bản án dân sự sơ thẩm trên.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 79/2020/DS-PT ngày 10/6/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại H.N quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của ông Đoàn N và kháng cáo của ông Đoàn Văn X. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 07/2019/DS-ST ngày 07/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh N.Đ. Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí và thi hành án theo quy định của pháp luật. 

Ngày 31/5/2021, bị đơn là ông Đoàn Văn X có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Ngày 20/7/2022, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 35/2022/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

 Ngày 28/9/2022, tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện VKSND tối cao nhất trí với Quyết định kháng nghị trên của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 79/2020/DSPT ngày 10/6/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2019/DS-ST ngày 07/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh N.Đ; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh N.Đ xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

1. Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm xác định thửa đất số 84, tờ bản đồ số 04, diện tích 859m2 là di sản thừa kế của cụ R, cụ Ng là không chính xác.

Cụ R, cụ Ng sống chung nhưng không đăng ký kết hôn. Sau đó, cụ R đã sống như vợ chồng với cụ C, không còn sống với cụ Ng. Khoảng năm 1956-1957, sau khi cụ Ng không còn ở với cụ R thì mẹ con cụ Ng ra ở trên thửa đất số 84, tờ bản đồ số 04, diện tích 859m2, ở xóm N.Đ, xã N.L, huyện N.H, tỉnh N.Đ. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 và Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội thì chỉ công nhận hôn nhân thực tế giữa cụ R và cụ C (vợ hai), còn quan hệ giữa cụ R với cụ Ng đã chấm dứt từ khi cụ R sống với cụ C, thửa đất trên là tài sản riêng do cụ Ng tạo lập sau khi không còn ở với cụ R nên thửa đất này là di sản thừa kế của riêng cụ Ng.

2. Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm xác định diện tích đất để chia di sản thừa kế không đúng

Tại Biên bản xác minh ngày 15/3/2018, Uỷ ban nhân dân xã N.L trình bày “Năm 1994, khi chia ruộng xã N.L đã khấu trừ đất thổ canh của hộ ông X: 390m2 ao = 130m2 lúa và 270m2 vườn = 135m2 lúa, đất thổ cư còn lại là 199m2”. Như vậy, gia đình ông X đã bị trừ đi 0,73 sào (tương đương với 265m2) định suất ruộng được chia để cân đối với đất vườn ao. Tại thời điểm năm 1994, thực hiện chính sách đất đai của địa phương thì diện tích đất thổ cư thửa 552 chỉ còn 199m2. Theo ông Nguyễn Phú T (chủ nhiệm Hợp tác xã N.L trước năm 1990) thì thực tế diện tích đất thổ cư của từng hộ được xác định là 200m2/ hộ gia đình.

Như vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật đất đai năm 2013 thì chỉ có 199m2 đất thổ cư là di sản thừa kế của cụ Ng để lại. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông X lại xác định diện tích đất thổ cư là 383m2. Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm chưa làm rõ chênh lệch về đất thổ cư nêu trên mà đã xác định 383m2 đất để chia thừa kế là chưa chính xác.

Qua đó cho thấy, việc nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên toà, kiểm sát bản án của Kiểm sát viên cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm còn chưa đạt yêu cầu, đã không phát hiện ra các vi phạm nêu trên của Tòa án để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc thông báo phát hiện vi phạm đề nghị VKSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trần Hương
Tìm kiếm