CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Bồi thường hợp đồng

Người gửi: Khánh

A là khách hàng mua xe ô tô có nộp số tiền 400.000.000 đồng cho tư vấn bán hàng B. Quá trình giao dịch, B thu tiền và viết phiếu thu, sau đó 02 bên ký hợp đồng. Tuy nhiên sau đó, B không mang tiền về nộp cho Công ty C mà chiếm đoạt để đánh bạc. B bị Tòa án xét xử về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và buộc bồi thường số tiền 400.000.000 đồng cho A. Tuy nhiên, A đề nghị Công ty C phải có trách nhiệm bồi thường số tiền trên cho A chứ không phải là B, B phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty C. Vậy quan điểm của A như trên có đúng không?

Câu trả lời

Điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra như sau: "Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".

Để xác định ai có trách nhiệm bồi thường số tiền 400.000.000 đồng cho A thì cần phải làm rõ việc B giao dịch với A có đúng với nhiệm vụ, quyền hạn được Công ty C giao hay không (có được giao thu – nhận tiền, viết phiếu thu…).

- Nếu B có đầy đủ tư cách nhân danh Công ty C để giao dịch với A thì căn cứ Điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2015, Công ty C có trách nhiệm bồi thường số tiền 400.000.000 đồng cho A chứ không phải là B và B phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty C. Do đó, quan điểm của A đưa ra là đúng.

- Trường hợp B không được Công ty C giao thu tiền nhưng vẫn viết phiếu thu và nhận tiền từ A và gây ra thiệt hại cho A và Công ty C thì B phải có trách nhiệm bồi thường số tiền 400.000.000đ cho A mà không phải Công ty C.

Vụ 9 VKSND tối cao