CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Phân biệt tin báo, tố giác tội phạm

Người gửi: Lê Thị Phượng
Cho em hỏi cách phân biệt tố giác và tin báo về tội phạm. Theo quy định khoản 1, khoản 2 Điều 144 BLTTHS năm 2015, chỉ cần căn cứ vào người đi tố giác là cá nhân hay tổ chức để phân biệt đó là tố giác hay tin báo về tội phạm. Theo đó, cứ người đến báo cáo sự việc là cá nhân có danh tính, lai lịch rõ ràng thì đó là tố giác mà không cần biết người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm là ai. Điều đó có đúng hay không? VD: Ngày 25/10/2018 bà A (1960) trú thôn 1, xã B, huyện N, tỉnh QN báo cáo về việc bà bị mất 01 xe máy khi dựng ở hiên nhà. Theo nguồn tin trên thì bà A không hề biết chiếc xe bị ai lấy trộm, chỉ không thấy xe đâu nữa, nghi là đã bị lấy trộm nên báo cáo Công an. Vậy việc bà A có danh tính, địa chỉ rõ ràng có đến báo cáo sự việc thì nguồn tin này có được gọi là tố giác tội phạm hay không?

Câu trả lời

Khoản 1, khoản 2 Điều 144 BLTTHS năm 2015 quy định:

“1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.”

Tố giác và tin báo về tội phạm có những điểm khác nhau sau:

- Về chủ thể cung cấp:

+ Tố giác về tội phạm: Chủ thể tố giác tội phạm là cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng.

+ Tin báo về tội phạm: Ngoài cá nhân, chủ thể báo tin về tội phạm còn bao gồm cơ quan, tổ chức.

- Về yếu tố phát hiện hành vi:

+ Tố giác về tội phạm: Chủ thể phải là người phát hiện, có thể là bị hại hoặc người trực tiếp chứng kiến hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra.

+ Tin báo về tội phạm: Chủ thể có thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm như được nghe lại, kể lại, có thông tin từ người khác,... và báo cho cơ quan có thẩm quyền.

Cá nhân có thể là chủ thể cung cấp tin báo về tội phạm, chủ thể tố giác tội phạm. Như vậy, nhận định “Theo quy định khoản 1, khoản 2 Điều 144 BLTTHS năm 2015, chỉ cần căn cứ vào người đi tố giác là cá nhân hay tổ chức để phân biệt đó là tố giác hay tin báo về tội phạm.” là chưa chính xác.

Trong tình huống trên, bà A trực tiếp phát hiện việc mình bị mất 01 chiếc xe máy dựng ở hiên nhà và tố cáo với cơ quan Công an là tố giác về tội phạm. Bà A không cần biết người thực hiện hành vi là ai bởi lẽ trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.