CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thông báo số 78/TB-VKSTC-V9
 
Ngày 23 tháng 4 năm 2012, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông báo số 78/TB-VKSTC-V9, về việc phân công nhiệm vụ các đồng chí Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trang tin điện tử trích toàn văn nội dung Thông báo để bạn đọc tham khảo.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo phân công nhiệm vụ các đồng chí Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ ngày 01/5/2012, như sau:
1. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo chung và trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ (Vụ Tổ chức cán bộ), công tác thanh tra (Ban Thanh tra); Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ tịch Hội đồng thi đua ngành Kiểm sát nhân dân. 
Phụ trách Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trực tiếp phụ trách các công tác: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng (Vụ 1B); Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về kinh tế - chức vụ (Vụ 1); công tác tổng hợp và công tác văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao); công tác thống kê tội phạm, công nghệ thông tin (Cục Thống kê tội phạm); ký các văn bản, quyết định về công tác tổ chức cán bộ do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao trên cơ sở Quy chế phân cấp quản lý cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân; Chủ tịch hội đồng thi đua, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương của Cơ quan Viện KSND tối cao; Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Điều tra viên Cục Điều tra VKSND tối cao.
Giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các đề án về tổ chức cán bộ và Dự án xây dựng trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác xây dựng, góp ý và hướng dẫn các văn bản pháp luật về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc điều tra giải quyết án tham nhũng, án kinh tế chức vụ.
Phụ trách Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, gồm: Thanh Hoá; Nghệ An; Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định; Khánh Hoà; Phú Yên; Ninh Thuận và thành phố Đà Nẵng.
3. Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trực tiếp phụ trách các công tác: Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự (Vụ 5), kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 12); công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp (Vụ 7).
Giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo công tác xây dựng, góp ý và hướng dẫn các văn bản pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp.
Phụ trách công tác Đảng (Bí thư Đảng uỷ Viện KSND tối cao).
 Phụ trách Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ, gồm: Bạc Liêu; Cà Mau; Kiên Giang; Long An; Tiền Giang; Bến Tre; Sóc Trăng; An Giang; Đồng Tháp; Vĩnh Long; Trà Vinh; Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.
 4. Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trực tiếp phụ trách các công tác: Khoa học kiểm sát (Chủ tịch Hội đồng khoa học và Viện khoa học kiểm sát); công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 3); Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội (Viện PT1); Phụ trách các dự án quốc tế của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các vấn đề chung về nghiên cứu khoa học, công tác xây dựng pháp luật; công tác xây dựng, góp ý và hướng dẫn các văn bản pháp luật về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; chỉ đạo các vấn đề về cải cách tư pháp, dự án quốc tế.
Giúp đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).
Phụ trách Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, gồm: Thái Nguyên; Bắc Kạn; Bắc Giang; Phú Thọ; Yên Bái; Tuyên Quang và Hoà Bình.
5. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trực tiếp phụ trách các công tác: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra   án an ninh (Vụ 2), án ma tuý (Vụ 1C); công tác đào tạo nói chung và Trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát Hà Nội; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế (Vụ Hợp tác quốc tế); công tác báo chí tuyên truyền của ngành Kiểm sát (Tạp chí kiểm sát, báo Bảo vệ pháp luật); công tác vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Kiểm sát nhân dân (Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Kiểm sát nhân dân); công tác Công đoàn (Chủ tịch Công đoàn cơ quan Viện KSND tối cao).
Giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo công tác xây dựng, góp ý và hướng dẫn các văn bản pháp luật về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra giải quyết án an ninh, án ma tuý; hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp; góp ý xây dựng và hướng dẫn các văn bản pháp luật về đào tạo cho toàn ngành.
 Phụ trách Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, gồm: Quảng Ninh; Vĩnh Phúc; Bắc Ninh; Hải Dương; Hưng Yên; Thái Bình; Nam Định; Hà Nam; Ninh Bình và thành phố Hải Phòng.
6. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trực tiếp phụ trách công tác: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A); công tác điều tra tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp (Cục điều tra); công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù (Vụ 4); công tác kiểm sát thi hành án (Vụ 10).
Giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo công tác xây dựng, góp ý và hướng dẫn các văn bản pháp luật về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra giải quyết án hình sự về trật tự xã hội; công tác điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; công tác kiểm sát thi hành án thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
 Phụ trách Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh miền Núi phía Bắc, gồm: Cao Bằng; Lạng Sơn; Lào Cai; Hà Giang; Sơn La; Lai Châu và Điện Biên.
7. Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp Viện trưởng phụ trách Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Phân hiệu Trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh (Quá trình chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị có đại diện ở phía Nam, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực phía Nam và đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách khối cần trao đổi thống nhất. VKSND tối cao sẽ ban hành quy chế phối hợp công tác này).
Phụ trách công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm (Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại thành phố Đà Nẵng, Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh); công tác kế hoạch, tài chính ngành Kiểm sát (Vụ 11).
Giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo công tác xây dựng, góp ý và hướng dẫn các văn bản pháp luật về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; góp ý xây dựng và hướng dẫn các văn bản pháp luật về đào tạo; về công tác kế hoạch, tài chính.
Phụ trách Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, gồm: Bình Thuận; Đồng Nai; Bình Dương; Tây Ninh; Bình Phước; Bà Rịa – Vũng Tàu; Lâm Đồng; Đắk Lắk; Đắk Nông; Gia Lai và Kon Tum.
8. Đồng chí Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự trung ương, trực tiếp phụ trách hệ thống Viện kiểm sát Quân sự.
Các đồng chí Phó Viện trưởng ngoài những công tác trên còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao; chủ động phối hợp để giải quyết những công việc có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương khác nhau.
Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ điều chỉnh phân công này khi có yêu cầu và phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo để Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương biết thực hiện.
Thông báo này thay thế Thông báo số 299/TB-VKSTC-V9 ngày 13 tháng 8 năm 2010 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc phân công nhiệm vụ của các đồng chí Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao./. 
TÌM KIẾM