CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII

12/10/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 11/10/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 khóa III. Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến, nối từ điểm cầu chính Hội trường Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đến hơn 2.000 điểm cầu trong cả nước; trong đó có 06 điểm cầu thuộc Đảng bộ VKSND tối cao, gồm: Điểm cầu Trụ sở Cơ quan VKSND tối cao; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. Hồ Chí Minh; VKSND cấp cao tại Đà nẵng; VKSND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh và Đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại Tp. Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy VKSND tối cao; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chi ủy, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Viện trưởng các đơn vị nghiệp vụ và tương đương các đơn vị thuộc VKSND cấp cao tại Hà Nội.

Đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 khóa III (Ảnh chụp màn hình)

Tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, từ ngày 04/10 đến ngày 07/10/2021, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp Hội nghị lần thứ Tư để thảo luận và cho ý kiến 05 nội dung chính, gồm:

1. Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; về việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.

2. Báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua; quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

3. Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

4. Sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm.

5. Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5.

Tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII lần thứ Tư có 210 đại biểu, trong đó có 192 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng (173 Uỷ viên chính thức và 19 Uỷ viên dự khuyết) và 18 đại biểu mời không là Uỷ viên Trung ương Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Sau hơn 03 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Đại biểu tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo. Bộ Chính trị đã họp, thảo luận để tiếp thu ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao nội dung ý kiến tiếp thu và giải trình của Bộ Chính trị, thông qua những nội dung cơ bản các văn kiện của Hội nghị Trung ương.

Đại biểu tham dự Hội nghị tuyến thông báo nhanh kết quả
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII tại điểm cầu VKSND tối cao

Về kinh tế - xã hội năm 2021 – 2022: Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian xem xét, nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024; cũng như việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trung ương thống nhất nhận định, năm 2021 - năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - bên cạnh thuận lợi, nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có một số chuyển biến tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số địa phương: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác... Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, Trung ương cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; đối chiếu, phân tích khả năng hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch năm 2021.

Ban Chấp hành Trung ương cũng cơ bản tán thành nội dung báo cáo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19; quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng, chống dịch trong tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định: Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch Covid-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của Nhân dân và tâm lý, tâm trạng xã hội; đặc biệt, đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của toàn hệ thống chính trị, trong đó, nổi bật là vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, đã góp phần quan trọng khống chế kịp thời những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của dịch Covid-19 gây ra.

Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, nhất là tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới, Trung ương xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Ban Chấp hành Trung ương thống nhất xác định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng, có bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên, nhận diện đầy đủ hơn những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đoàn kết, thống nhất trong Đảng được tăng cường; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của Nhân dân tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, có mặt, có lúc, có bộ phận còn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, với kinh nghiệm và thực tiễn phong phú ở địa phương, cơ quan, đơn vị đang công tác, các đồng chí Ủy viên Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể về tình hình, nguyên nhân, cũng như xác định rõ các mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề, nhất là những giải pháp có tính đột phá trong nhiệm kỳ này đối với việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ban Chấp hành Trung ương cũng xem xét, thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới; đồng thời, coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này; kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy những kết quả quan trọng, toàn diện đã đạt được trong 09 tháng qua; nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất là những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

TG
Tìm kiếm