CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ma tuý năm 2021

01/03/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Ban Chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-BCĐ138 về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ma tuý năm 2021.

Việc ban hành Kế hoạch nhằm mục tiêu tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36-CT/TW; các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và Kế hoạch, Chương trình của Ban Chỉ đạo 138/CP về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp và Thủ trưởng đơn vị trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp, phối hợp với liên ngành Tư pháp và các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm và tệ nạn về ma túy; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát các cấp trong việc thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy trong đời sống, xã hội; xử lý nghiêm, kịp thời các vụ án ma túy đã được phát hiện, cùng các lực lượng chuyên trách từng bước xóa bỏ các đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy... Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, kết hợp với tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, các biện pháp ngăn ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy; kịp thời phát hiện những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước đối với các chất ma túy và tiền chất, kịp thời ban hành văn bản kiến nghị để có biện pháp sửa chữa, khắc phục.

Các nội dung cần triển khai, thực hiện trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy năm 2021:

1. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW; Nghị quyết số 98/NQ-CP. Các đơn vị trong Ngành cần phải tổ chức triển khai, quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Căn cứ vào thực tế diễn biến tình hình vi phạm, tội phạm về ma túy trên địa bàn hoặc tính chất, nội dung công tác đặc thù của mỗi đơn vị để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ma túy cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt quan tâm quán triệt tới từng công chức, viên chức và người lao động phải nêu cao tinh thần gương mẫu, tuyệt đối không tham gia vào việc chứa chấp, sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất và các hành vi vi phạm khác liên quan đến ma túy; đồng thời có trách nhiệm giáo dục con, em và người thân trong gia đình, bạn bè, ... tránh xa tệ nạn và tội phạm về ma túy.

2. Theo lĩnh vực công tác được phân công, các đơn vị nghiệp vụ có liên quan và Viện kiểm sát các cấp tiếp tục nghiên cứu áp dụng hiệu quả quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Tích cực tham gia góp ý xây dựng vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan. Thu thập, quản lý hệ thống dữ liệu và phân tích, xử lý thông tin về tình hình ma túy. Chủ động trong nghiên cứu khoa học, đánh giá thực chất diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn về ma tùy theo địa bàn, lĩnh vực được phân công, đánh giá nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống ma túy phù hợp với tình hình hiện nay.

Phối hợp với đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các dự án phòng, chống tội phạm và tệ nạn về ma túy có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

3. Các đơn vị: Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Trang tin điện tử của Ngành và Viện kiểm sát các cấp thông qua hoạt động công tác thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tập trung tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp Nhân dân về tác hại của ma túy đối với người sử dụng, đối với mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội; lưu ý tới tác hại và hậu quả đặc biệt nguy hiểm gây ra bởi một số chất ma túy tổng hợp mới xuất hiện trong thời gian qua; kết hợp với tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách và quy định của Chính phủ về công tác cai nghiện ma túy nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cộng đồng và nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và các tổ chức chính trị, xã hội, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

4. Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án ma túy. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để nắm chắc, đầy đủ các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có liên quan đến tội phạm ma túy; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết, đề ra yêu cầu xác minh, phân loại xử lý kịp thời, đúng thời hạn. Tăng cường tính chủ động trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án ma túy, chú ý quan tâm các vụ án lớn, tính chất phức tạp, có tổ chức và có yếu tố nước ngoài, vật chứng là ma túy thu giữ có số lượng đặc biệt lớn được dư luận quan tâm. Nghiên cứu nắm chắc những đặc điểm đặc trưng của loại tội phạm về ma túy, chủ động đề ra các giải pháp hạn chế việc lạm dụng giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; kịp thời phân loại bắt, giữ người phạm tội của Cơ quan điều tra, hạn chế tối đa việc giữ người sau đó không xử lý về hình sự được; thực hiện đồng bộ các giải pháp chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường hoạt động thực hành quyền công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, tiếp cận sớm hồ sơ vụ án, trong trường hợp cần thiết yêu cầu Cơ quan điều tra cho tiếp cận các tài liệu trinh sát để nghiên cứu nhằm đề ra yêu cầu điều tra sát với nội dung vụ án; cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát trực tiếp hoạt động điều tra, tuân thủ quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh, về giao nhận hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, biên bản về hoạt động điều tra, không để vi phạm tố tụng có thể dẫn đến tài liệu có giá trị chứng minh nhưng không được coi là chứng cứ vì không thu thập hợp pháp. Hạn chế tối đa việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với các vụ án ma túy do có lỗi chủ quan của Kiểm sát viên, do thiếu chứng cứ, do vi phạm tố tụng, do để lọt tội phạm hoặc do chưa có sự thống nhất về quan điểm nhận thức trong đánh giá chứng cứ. Đảm bảo việc truy tố phải có đủ căn cứ, việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, đề xuất mức hình phạt tương xứng với hành vi của người phạm tội để vừa bảo đảm tính trừng phạt của pháp luật và mang tính giáo dục, phòng ngừa chung.

Yêu cầu Cơ quan điều tra nâng cao hiệu quả hoạt động xác minh, truy tìm làm rõ tình trạng tài sản của bị can để áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản đối với nguồn tài sản bất minh, tài sản đảm bảo thi hành án của các đối tượng phạm tội về ma túy, xử lý đối với tài sản do phạm tội mà có.

5. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách trong các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy; tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy, ngay cả trong cơ quan, đơn vị mình. Triển khai, tham gia có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” 26/6 hàng năm theo sự chỉ đạo chung của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân và chính quyền các địa phương.

6. Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4), Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) và các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 1, 2, 3 cần tập trung quan tâm đến công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực giải quyết án ma túy cho Viện kiểm sát cấp dưới, chỉ đạo kịp thời đối với các vụ án ma túy lớn, có tính chất phức tạp, có nhiều bị can, liên quan đến nhiều địa phương khác nhau do Viện kiểm sát cấp dưới thụ lý giải quyết, đảm bảo việc xử lý được nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, nhưng cũng không để lọt tội phạm và người phạm tội.

7. Công tác kiểm sát việc chấp hành pháp luật tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và Trại giam cần chú ý đến các biện pháp đấu tranh phòng ngừa việc mua bán hoặc đưa ma túy vào sử dụng trái phép; thực hiện kế hoạch kiểm sát định kỳ hoặc đột xuất để phát hiện nắm tình hình vi phạm, chú ý các dấu hiệu khả nghi từ các phạm nhân và các thông tin, dư luận từ quần chúng nhân dân để phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng hoặc mua bán trái phép chất ma túy trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam hoặc Trại giam. Ban hành văn bản kiến nghị, xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm.

8. Thường xuyên phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp để đảm bảo kiểm sát đầy đủ các các phiên họp xét Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định, bảo đảm đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định, kiên quyết không đồng ý với các trường hợp không đảm bảo về thủ tục pháp lý. Thông qua công tác này cần tập hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để nghiên cứu ban hành kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác lập hồ sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung khắc phục tình trạng rườm rà, không khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tế, quan tâm bảo vệ quyền con người của người nghiện nhưng cũng phải bảo đảm an toàn cho xã hội, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

9. Duy trì quan hệ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm có liên quan đến ma túy. Đối với những vụ án có yếu tố nước ngoài, các đơn vị chú trọng thực hiện tốt công tác tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật; kịp thời kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin khi có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự đối với các vụ án về ma túy thuộc trách nhiệm giải quyết, đảm bảo đúng quy định pháp luật; các Viện kiểm sát địa phương chủ động phối hợp với các Cơ quan tiến hành tố tụng và Cơ quan có, thẩm quyền (Cơ quan ngoại vụ) của địa phương để có các hình thức, biện pháp trao đổi thông tin và tương trợ giúp đỡ khi xử lý các tội phạm về ma túy theo đúng quy định.

10. Các Viện kiểm sát địa phương căn cứ vào số lượng án ma túy thụ lý hàng năm cần quan tâm, sắp xếp đội ngũ công chức, Kiểm sát viên có năng lực, phẩm chất, giàu kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có nhiệt huyết cho đơn vị, bộ phận làm án ma tuý, bảo đảm đủ biên chế để phục vụ cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Trong khi Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi cho lực lượng giải quyết án ma túy, Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần quan tâm, động viên đội ngũ công chức làm án ma túy để giữ vững nhiệt huyết.

File đính kèm
NTH (giới thiệu)
Tìm kiếm