CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

GIỚI THIỆU CÁC QUY ĐỊNH CHUNG CỦA BLTTHS CHLB ĐỨC

13/04/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

GIỚI THIỆU PHẦN CÁC QUY ĐỊNH CHUNG CỦA BLTTHS CHLB  ĐỨC

THS. Nguyễn Xuân Hà    

 

Cộng hoà Liên bang Đức (CHLB Đức) là một đất nước có truyền thống pháp  luật lục địa lâu đời, thủ tục tố tụng hình sự của họ được xây dựng và áp dụng trên mô hình tố tụng thẩm vấn, xét hỏi. Trên cơ sở được xây dựng, hình thành từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, qua quá trình dài hoàn thiện, được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, cho đến nay Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) của CHLB Đức có thể nói là một Bộ luật đồ sộ, công phu gồm 6 phần với khoảng gần 470 điều quy định cụ thể từng hoạt động, thủ tục trong trình tự tố tụng giải quyết vụ án hình sự của CHLB Đức.

Những quy định chung được quy định tại Phần Một của Bộ luật, gồm 11 chương, từ Điều 1 cho đến Điều 149, trong đó đề cập các vấn đề: thẩm quyền xét xử của Tòa án, địa điểm xét xử, loại trừ và yêu cầu thay đổi cán bộ Tòa án, các quyết định thông báo của Toà án, các thời hạn, nhân chứng, giám định, các biện pháp đảm bảo việc truy tố, xét xử…trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin được thông tin khái quát, cơ bản nhất về những quy định chung của BLTTHS của CHLB Đức tới bạn đọc để tham khảo.

Thẩm quyền xét xử của Toà án được quy định dẫn chiếu tại Điều 1, theo đó nêu ngắn gọn: Thẩm quyền xét xử của các Toà án sẽ được Luật tổ chức Toà án quy định. Tại Điều 2 quy định về nhập và tách vụ án. Theo đó, những vụ án hình sự có liên quan với nhau mà từng vụ án riêng lẻ thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án ở các cấp khác nhau thì có thể được cùng một Toà án cấp cao xét xử. Các vụ án hình sự có liên quan thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án hình sự đặc biệt theo Điều 74 khoản 2, Điều 74a và 74c Luật tổ chức Toà án có thể cùng được xét xử bởi một Toà án hình sự được quyền xét xử trước tiên theo Điều 74e Luật tổ chức Toà án. Toà án có thẩm quyền có thể quyết định tách vụ án hình sự có liên quan với nhau nếu có căn cứ hợp lý. Sau khi tách hoặc nhập vụ án, Toà án có thể ra quyết định tách hoặc nhập vụ án có liên quan với nhau ngay cả sau khi đã mở phiên toà xét xử chính thức, căn cứ vào đề nghị của Cơ quan Công tố, của bị cáo hoặc theo quan điểm của chính Toà án. Toà án cấp trên tại khu vực nơi mà các Toà án khác trực thuộc có thẩm quyền ra quyết định đó. Nếu không có Toà án nào như vậy thì Toà án cấp trên thông thường sẽ ra quyết định (Điều 4). Thời hạn nhập vụ án sẽ phụ thuộc vào vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp trên.

          Về nơi xét xử được quy định tại Chương II, từ Điều 7 đến Điều 21, theo đó: Việc xét xử sẽ được tổ chức tại Toà án khu vực nơi tội phạm đã được thực hiện hoặc cũng có thể được tiến hành tại Toà án khu vực nơi bị cáo cư trú tại thời điểm bị truy tố. Nếu bị cáo không có nơi ở cố định thì việc xét xử có thể được tiến hành tại nơi thường trú và, nếu không xác định được nơi thường trú, thì tại nơi ở cuối cùng của người đó trước khi bị bắt, giữ. Việc xét xử cũng có thể sẽ được tiến hành tại Toà án khu vực nơi bị cáo đã bị bắt giữ.

Nếu tội phạm được thực hiện trên một tàu thuỷ treo cờ Liên bang, tàu bay mang ký kiệu quốc gia bên ngoài phạm vi lãnh thổ thì Toà án có thẩm quyền xét xử là Toà án khu vực nơi có cảng tàu đó sẽ quay về hoặc cảng trong phạm vi lãnh thổ mà tàu đó cập bến đầu tiên sau khi tội phạm xảy ra. Đối với những tội phạm được thực hiện trên biển bên ngoài phạm vi lãnh thổ,  không xác định được nơi xét xử  thì Toà án địa phương Hamburg có thẩm quyền thụ lý và tiến hành xét xử.

Đối với công dân Đức có đặc quyền ngoại giao cũng như các quan chức của Liên bang hay một Bang của Đức đang công tác ở nước ngoài thì việc  xét xử sẽ được tiến hành  tại nơi ở  họ đã ở tại Đức. Nếu họ không có nơi ở như vậy thì nơi có Chính phủ Liên bang sẽ được coi là nơi ở của họ.

Nếu có từ hai Toà án trở lên có thẩm quyền xét xử đối với cùng một vụ án nêu trên thì Toà án đầu tiên nơi đã mở cuộc điều tra sẽ có thẩm quyền xét xử . Tuy nhiên, việc điều tra và quyết định giải quyết vụ án có thể được Toà án cấp trên chuyển cho một trong các Toà án có thẩm quyền khác.

Đối với những vụ án hình sự có liên quan với nhau mà mỗi vụ lại thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án khác nhau thì việc  xét xử sẽ được tiến hành tại mỗi  Toà án có thẩm quyền đối với một trong các  vụ án hình sự. Nếu có từ hai vụ án hình sự có liên quan với nhau trở lên đang chờ được xét xử tại các Toà án khác nhau thì chúng có thể được nhập toàn bộ hoặc một phần vào một trong các Toà án khi các Toà án đồng ý với đề nghị của Cơ quan Công tố. Nếu không đạt được thỏa thuận như vậy thì Toà án cấp trên, căn cứ vào đề nghị của Cơ quan Công tố hoặc đề nghị của bị cáo sẽ quyết định việc có nhập vụ án hay không và Toà án nào sẽ nhập vụ án để xét xử. Các vụ án đã được nhập lại có thể được tách ra theo cách thức tương tự.

Nếu có tranh chấp giữa các Toà án liên quan đến thẩm quyền xét xử thì Toà án cấp trên sẽ quyết định Toà án nào được tiến hành xét xử và đưa ra quyết định. Nếu việc xét xử không thể được tiến hành tại bất kỳ Toà án nào trong phạm vi lãnh thổ của Luật liên bang này hoặc nếu như không thể xác định được Toà án đó thì Toà án Tư pháp Liên bang sẽ quyết định Toà án nào có thẩm quyền xét xử. Nếu Toà án có thẩm quyền trong một vụ án cụ thể gặp trở ngại hoặc việc xét xử nếu tiến hành tại Toà án đó có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia thì Toà án cấp trên trực tiếp sẽ phân công việc xét xử và quyết định cho một Toà án cấp tương đương ở khu vực khác.

Trong phần những quy định chung cũng đề cập tới việc thay đổi thẩm phán tại Chương III của Bộ luật. Theo đó, một Thẩm phán sẽ không được thực hiện công tác xét xử của mình theo quy định của pháp luật nếu: là bị hại trong vụ án hình sự đó; Nếu đang hoặc đã từng là vợ (chồng) hoặc người giám hộ của bị cáo hoặc bị hại; Nếu có quan hệ trực hệ hoặc hôn nhân, quan hệ họ hàng ở hàng thứ ba hoặc quan hệ do hôn nhân ở hàng thứ hai với bị cáo hoặc bị hại; Nếu đã tham gia vào vụ án với tư cách là nhân viên của Cơ quan Công tố, nhân viên cảnh sát, luật sư của bên bị hại hoặc luật sư biện hộ; Hoặc nếuđã tham gia vào vụ án với tư cách là nhân chứng hoặc chuyên gia.( Điều 22)

Một thẩm phán cũng có thể bị yêu cầu thay đổi theo quy định của pháp luật và không được tham gia thực hiện công tác xét xử khi có căn cứ cho rằng người đó có định kiến, không khách quan nếu tham gia xét xử vụ án hình sự. Cơ quan Công tố, tư tố viên và bị cáo có quyền yêu cầu thay đổi. (Điều 24 )

Khác với luật tố tụng Việt Nam, các quy định liên quan đến xét xử vụ án hình sự của Toà án tại phiên toà được quy định ở phần thủ tục xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự CHLB Đức quy định về các quyết định và thông báo của Toà án ( Chương IV ) ở phần những quy định chung.

          Về cách tính thời hạn được quy định tại Chương V, thời hạn tố tụng được tính bằng ngày, tuần và tháng. Theo đó, tính thời hạn được xác định theo ngày, ngày bắt đầu thời hạn hay sự kiện bắt đầu thời hạn sẽ không được tính. Thời hạn được xác định theo tuần hoặc tháng sẽ hết  vào cuối ngày của tuần cuối cùng hoặc tháng cuối cùng, có tên hoặc số  tương ứng với ngày bắt đầu thời hạn; khi tháng cuối cùng không có ngày trùng thì thời hạn sẽ hết vào cuối ngày cuối cùng của tháng đó. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn rơi vào ngày Chủ nhật, ngày nghỉ lễ hoặc ngày thứ Bảy thì thời hạn sẽ hết vào  cuối ngày làm việc tiếp theo.

          Những quy định về nhân chứng, lấy lời khai nhân chứng được đề cập ở Chương VI, theo đó: Khi có lệnh triệu tập, nhân chứng phải có mặt, lệnh triệu tập nhân chứng có ý nghĩa xác định hậu quả pháp lý nếu người đó không có mặt. Đối với nhân chứng là Tổng thống Liên bang thì việc lấy lời khai sẽ được tiến hành tại nơi cư trú của Tổng thống mà không bị triệu tập đến phiên toà xét xử chính thức. Biên bản lấy lời khai Tổng thống của Toà án sẽ được đọc tại phiên  xét xử chính thức. Đối với nhân chứng là các thành viên của Nghị viện Liên bang, của Hội đồng Liên bang, của Quốc hội Bang hoặc Hội đồng cấp hai việc lấy lời khai được tiến hành tại nơi làm việc khi họ có mặt . Đối với các thành viên của Chính phủ Liên bang hoặc của chính quyền Bang sẽ được lấy lời khai tại văn phòng làm việc của họ hoặc nếu họ không có mặt ở đó thì tại nơi họ đang có mặt.

Bất cứ sự thay đổi nào về địa điểm lấy lời khai của những người này khi họ là nhân chứng khác với những quy định nào nêu trên đều phải có  sự phê chuẩn của cơ quan nơi đó làm việc. Trong trường hợp là thành viên của Chính phủ Liên bang thì cần phải có sự phê chuẩn của Chính phủ Liên bang. Trong trường hợp là thành viên của Chính phủ Bang thì cần phải có sự phê chuẩn của Chính phủ Bang. Những người này, nếu được lấy lời khai bên ngoài phiên xét xử chính thức, thì sẽ không bị triệu tập ra tòa. Biên bản về việc kiểm tra của Tòa án đối với họ sẽ được đọc tại phiên xét xử chính thức .

Nhân chứng không có mặt mặc dù đã được triệu tập hợp lệ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với chi phí do việc vắng mặt gây ra . Đồng thời, người đó phải chịu một khoản tiền phạt bắt buộc và nếu tiền phạt không thể thu được thì lệnh tạm giam bắt buộc sẽ được phê chuẩn. Nhân chứng cũng có thể bị bắt buộc phải ra trước Toà. Trong trường hợp nhân chứng tiếp tục không có mặt thì biện pháp cưỡng chế có thể được áp dụng lần thứ hai. Chi phí sẽ không phải trả và biện pháp cưỡng chế sẽ không được áp dụng trong trường hợp nhân chứng đã trình bày lý do vắng mặt của mình một cách đầy đủ và đúng thời hạn. Nếu lời giải thích vắng mặt không được đưa ra đúng thời hạn theo quy định ở câu một thì chi phí cũng như biện pháp cưỡng chế sẽ chỉ được miễn trừ nếu chứng minh được rằng việc giải thích bị châm  không phải do lỗi của nhân chứng. Nếu nhân chứng sau đó đã giải thích đầy đủ thì những quyết định đã đưa ra sẽ được huỷ bỏ theo những điều kiện quy định tại câu hai. Việc ban hành những quyết định về các biện pháp như vậy thuộc thẩm quyền của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị tố tụng cũng như Thẩm phán được uỷ thác hoặc theo yêu cầu.

Theo quy định của Chương này thì những người sau đây cũng có quyền từ chối làm chứng, khai báo, đó là: Vợ (hoặc chồng) chưa cưới của bị cáo; Vợ (chồng) của bị cáo, ngay cả khi hôn nhân không còn tồn tại nữa; Người là hoặc đã có quan hệ trực hệ hoặc quan hệ theo hôn nhân, quan hệ bàng hệ ở hàng thứ ba hoặc có quan hệ theo hôn nhân ở hàng thứ hai với bị can/bị cáo. Nếu người vị thành niên chưa có nhận thức đầy đủ hoặc người vị thành niên hoặc người đang phải điều trị bênh tâm thần hoặc có nhược điểm về tâm thần và tình cảm không có sự hiểu biết đầy đủ về tính chất quan trọng của quyền từ chối khai báo của họ, thì việc lấy lời khai chỉ có thể được thực hiện khi họ sẵn sàng khai báo và nếu người đại diện theo luật của họ cũng đồng ý việc lấy lời khai. Nếu người đại diện theo luật chính là bị can/bị cáo thì anh ta có thể không quyết định thực hiện quyền từ chối khai báo; quy định tương tự cũng sẽ áp dụng đối với cha mẹ, người không phải là bị can/bị cáo, nếu cả cha và mẹ đều có quyền hành động với tư cách là đại diện theo luật .

Theo quy định của Điều 53 thì những người vì lý do nghề nghiệp chuyên môn cũng có thể từ chối khai báo, đó là : Giới tăng lữ, liên quan đến những thông tin mà họ được tin tưởng cho biết hoặc họ đã được biết vì chức năng của mình với tư cách là những người cố vấn về tinh thần; Luật sư biện hộ của bị cáo, liên quan đến những thông tin mà họ được tin tưởng cho biết hoặc đã được biết vì chức năng của mình; Luật sư, Luật sư chuyên ngành sáng chế, công chứng viên, kiểm toán viên, kế toán viên có bằng chứng nhận, cố vấn về thuế và đại diện thuế, bác sỹ, nha sỹ, người chữa bệnh bằng các liệu pháp tâm lý, chuyên gia điều trị tâm lý cho trẻ em và người chưa thành niên, dược sỹ và bà đỡ, liên quan đến những thông tin mà họ được tin tưởng cho biết hoặc đã được biết vì chức năng nghề nghiệp của mình ; Người tư vấn về nghiện ma tuý trong cơ quan tư vấn được công nhận hoặc được thành lập bởi một cơ quan có thẩm quyền, một đơn vị , viện hoặc quỹ theo luật công, liên quan đến những thông tin mà họ được tin tưởng cho biết hoặc đã được biết vì chức năng của họ; Những thành viên của Quốc Hội Liên bang, của Quốc Hội Bang hoặc cơ quan lập pháp cấp hai, liên quan đến những người nắm giữ các thông tin  vì  chức năng của họ với tư cách là thành viên của những cơ quan này hoặc những người biết được các thông tin vì chức năng cụ thể, cũng như  chính các thông tin đó; Những cá nhân đang hoặc đã là những người có chuyên môn liên quan đến việc chuẩn bị, sản xuất hoặc phổ biến  những ấn phẩm định kỳ hoặc chương trình phát thanh liên quan đến tác giả, cộng tác viên hoặc người đưa tin đã có đóng góp và cung cấp tài liệu và thông tin liên quan những người này đã tiếp nhận vì chức năng chuyên môn của họ  mà những đóng góp, tài liệu và thông tin có liên quan này phục vụ việc biên tập cho công việc  của họ…

Đối với việc lấy lời khai nhân chứng của Thẩm phán và các công chức thì các quy định đặc biệt của pháp luật liên quan đến các nhân viên nhà nước sẽ áp dụng đối với việc lấy lời khai của Thẩm phán, các công chức và những người khác trong cơ quan công quyền với tư cách là những nhân chứng liên quan đến những sự việc thuộc phạm vi nghĩa vụ của công chức phải giữ bí mật, cũng như việc cho phép khai báo. Những thành viên của Quốc hội Liên bang, Quốc hội Bang, của Chính phủ Liên bang hoặc Chính phủ Bang và những người làm việc trong nhóm công tác của Quốc hội Liên bang hoặc Bang sẽ là đối tượng có thể được áp dụng những quy định đặc biệt. Tổng thống Liên bang có thể từ chối khai báo nếu lời khai  của ông ta bất lợi cho quyền lợi chung của Liên bang hoặc một Bang của Đức. Những quy định này cũng sẽ áp dụng nếu những người được đề cập ở trên không còn là thành viên của cơ quan công quyền hoặc những người làm việc cho nhóm công tác của Quốc Hội nữa hoặc nếu nhiệm kỳ của họ đã kết thúc liên quan đến những vấn đề xảy ra trong nhiệm kỳ phục vụ , đến công việc hoặc cơ quan của họ hoặc họ đã biết được trong nhiệm kỳ phục vụ , khi làm việc hoặc tại cơ quan của họ.( Điều 54)

Mọi nhân chứng đều có thể từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào mà việc trả lời sẽ làm cho họ hoặc một trong số những người họ hàng theo quy định tại Điều 52 khoản (1) của Bộ luật có nguy cơ bị truy tố về một tội phạm hình sự hoặc một tội phạm được pháp luật quy định. Nhân chứng sẽ được thông báo về quyền từ chối khai báo của họ. Các nhân chứng sẽ được lấy lời khai một cách độc lập  và không có sự hiện diện của những nhân chứng khác sẽ được lấy lời khai sau đó. Việc đối chất với những nhân chứng khác hoặc với bị can  trong giai đoạn chuẩn bị tố tụng sẽ được cho phép thực hiện nếu việc đó cần thiết để phục vụ những thủ tục tố tụng sau này. Việc lấy lời khai của nhân chứng có thể được ghi lại bằng thiết bị âm thanh-hình ảnh. Việc lấy lời khai sẽ được ghi lại trong các trường hợp: Người dưới 16 tuổi bị thương tích do tội phạm gây ra hoặc nếu có khả năng người đó không thể được lấy lời khai tại phiên xét xử chính thức và nếu việc ghi lại là cần thiết để nhằm xác định sự thật.Việc ghi lại âm thanh- hình ảnh sẽ chỉ được chấp nhận với mục đích truy tố hình sự và chỉ được thực hiện ở mức độ cần thiết để xác định sự thật.

Trước khi lấy lời khai, các nhân chứng sẽ được nhắc nhở là phải nói lên sự thật và được thông báo rằng lời khai của họ phải được đưa ra kèm theo lời tuyên thệ, trừ khi được pháp luật có quy định khác. Các nhân chứng sẽ được yêu cầu tuyên thệ từng người một sau khi họ đã được lấy lời khai . Trừ trường hợp có quy định khác, lời tuyên thệ sẽ  được đưa ra tại phiên xét xử chính thức. Cũng không cần có tuyên thệ trong các trường hợp : Đối với những người mà vào thời điểm lấy lời khai họ vẫn dưới 16 tuổi hoặc những người không hiểu hết tầm quan trọng và bản chất của lời tuyên thệ do họ có nhược điểm về sự phát triển trí tuệ hoặc  bị bệnh tâm thần hoặc  có khiếm khuyết về tâm thần hoặc tình cảm; Đối với những người bị tình nghi đã phạm tội và là đối tượng của việc điều tra hoặc đã tham gia vào việc thực hiện tội phạm hoặc những người bị tình nghi là đồng phạm, cản trở công lý hoặc tiêu thụ tài sản trộm cắp hoặc đã bị tuyên hình phạt về việc đó. Toà án có thể tự quyết định không thực hiện việc tuyên thệ: Đối với người vào thời điểm lấy lời khai đã đủ 16 tuổi nhưng vẫn chưa đủ 18 tuổi; Đối với bị hại cũng như những người theo quy định tại Điều 52 khoản (1) là họ hàng của người bị hại hoặc bị cáo; Nếu Toà án không đánh giá cao tầm quan trọng đặc biệt của lời khai  và cho rằng không thể có được lời khai quan trọng ngay cả khi thực hiện việc tuyên thệ; Trong trường hợp người đó đã từng bị kết án về tội khai báo gian dối trước Toà án (Điều 154 và 155 Bộ luật hình sự) hoặc nếu Cơ quan Công tố, Luật sư biện hộ và bị cáo bỏ qua thủ tục tuyên thệ.

Trong Phần quy định chung này cũng quy định việc thay thế lời tuyên thệ, quy định hình thức tuyên thệ, kiểm tra căn cước và các đặc điểm nhân thân của nhân chứng trước khi phiên xử bắt đầu…Đối với việc tham gia của Luật sư, Điều 68b quy định: Với sự đồng ý của Cơ quan Công tố, một luật sư có thể được phân công tham gia trong thời gian lấy lời khai của nhân chứng, người mà trước đó không có cố vấn pháp lý, nếu có bằng chứng cho thấy họ không thể tự thực hiện các quyền của mình trong quá trình lấy lời khai và nếu bất kỳ lợi ích nào đáng được bảo vệ của họ có thể không thể được xem xét đến theo một cách khác. Khi việc lấy lời khai liên quan đến: Một tội phạm nghiêm trọng; Một tội phạm ít nghiêm trọng quy định tại các Điều từ 174 đến 174c, 176, 179 khoản (1) đến (3), Điều 180, 180b, 182 hoặc Điều 225 khoản (1) hoặc (2) Bộ luật hình sự, hoặc một tội phạm ít nghiêm trọng khác có tính chất quan trọng đáng kể liên quan đến lĩnh vực thương mại hoặc thường xuyên được thực hiện hoặc do thành viên của một băng đảng thực hiện hoặc được thực hiện bằng những thủ đoạn khác có tính chất có tổ chức thì việc phân công Luật sư sẽ được quyết định căn cứ vào yêu cầu của nhân chứng hoặc của Cơ quan Công tố.

          Trong phần những quy định chung của Bộ luật TTHS của CHLB Đức cũng đề cập quy định đến vấn đề giám định ở Chương VIII, cụ thể như: mời chuyên gia tham vấn; kiểm tra thân thể, thử máu; lấy dấu vân tay; kiểm tra phân tử và ghen; phân tích DNA; khám nghiệm, giải phẫu tử thi…

Những vấn đề về thu giữ, nghe lén các phương tiện viễn thông, tìm kiếm bằng máy tính, sử dụng các thiết bị kỹ thuật, sử dụng trinh sát và khám xét được quy định ở Chương VIII trong Phần này. Theo quy định của Điều 94 thì những đồ vật có thể bị thu giữ là: Những đồ vật có thể có tính chất quan trọng như chứng cứ trong quá trình điều tra sẽ bị thu giữ hoặc được bảo quản theo một cách khác; Những đồ vật đó sẽ bị thu giữ nếu được tìm thấy trong một người và không được tự nguyện giao nộp…Như vậy, một người có mang những đồ vật này khi có yêu cầu thì phải có nghĩa vụ xuất trình và giao nộp đồ vật đó.Trong trường hợp không chấp hành, các biện pháp cưỡng chế có thể được sử dụng đối với người đó. Các tài liệu, âm thanh, hình ảnh và những dữ liệu ghi bằng phương tiện thông tin, minh họa hoặc những hình ảnh khác thuộc quyền quản lý của cơ quan biên tập, nhà xuất bản, cơ quan in ấn hoặc công ty phát thanh truyền hình hoặc của nhưũng người khác theo quy định của pháp luật sẽ không bị thu giữ nếu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định về quyền của những người có thể từ chối khai báo.

Về thẩm quyền ra lệnh thu giữ, lệnh thu giữ chỉ có thể do Thẩm phán ban hành và, trong những trường hợp khẩn cấp, có thể do Cơ quan Công tố và các cán bộ giúp việc (Điều 152 Luật tổ chức Toà án). Thu giữ các tài liêu, ấn phẩm của một cơ quan biên tập, nhà xuất bản, cơ quan in ấn hoặc công ty phát thanh và truyền hình chỉ có thể do Thẩm phán ra lệnh. Người  đã thu giữ đồ vật mà không có lệnh của Toà án thì phải yêu cầu Toà án phê chuẩn việc đó trong vòng 3 ngày nếu như cả người có liên quan cũng như một người lớn là họ hàng đều đã không có mặt khi thu giữ hoặc nếu người có liên quan và, trong trường hợp người đó vắng mặt, một người lớn là họ hàng của người đó đã có ý kiến phản đối việc thu giữ.. Người có liên quan có thể yêu cầu có lệnh của Toà án bất cứ khi nào. Nếu chưa có quyết định truy tố thì Toà án địa phương nơi việc thu giữ đã được tiến hành sẽ ra quyết định về việc đó. Nếu việc thu giữ, thu giữ thư tín hoặc khám xét đã được tiến hành ở một khu vực khác, Toà án địa phương ở nơi có Cơ quan Công tố đang tiến hành thủ tục tố tụng ban đầu sẽ ra quyết định. Người có liên quan trong trường hợp này cũng có thể đệ đơn lên Toà án địa phương nơi việc thu giữ được tiến hành. Thẩm phán sẽ được thông báo về việc thu giữ trong thời hạn 3 ngày nếu việc đó do Cơ quan Công tố hoặc một trong số các cán bộ giúp việc của Cơ quan Công tố thực hiện sau khi đã có quyết định truy tố; đồ vật bị thu giữ sẽ do người đó quyết định xử lý. Nếu cần thiết phải tiến hành việc thu giữ trong một trụ sở cơ quan nhà nước hoặc cơ sở của Lực lượng vũ trang Liên bang, nơi công chúng không được phép vào thì cơ quan cấp trên của Lực lượng vũ trang Liên bang sẽ được yêu cầu thực hiện lệnh thu giữ. Cơ quan yêu cầu có quyền tham gia vào quá trình thu giữ. Không cần thiết phải có yêu cầu này nếu việc thu giữ  được tiến hành tại những nơi ở dành riêng cho người không phải thành viên của Lực lượng vũ trang Liên bang.

Theo quy trình của chính phủ này thì việc nghe lén và ghi âm điện thoại cũng là một biện pháp điều tra nghiệp vụ Luật tố tụng hình sự cho phép việc có thể được tiến hành nếu có một số tình tiết nhất định cho thấy có nghi ngờ rằng một người là kẻ phạm tội hoặc kẻ xúi giục hoặc có liên quan đến c#c téi ph#m nh#: Các tội phạm chống lại hoà bình, phản bội Tổ quốc, chống lại chế độ dân chủ dựa trên pháp quyền, hoặc phản bội Tổ quốc và xâm phạm an ninh đối ngoại (Điều 80 đến 82, 84 đến 86, 87 đến 89, 94 đến 100a, Bộ luật hình sự, Điều 20 khoản (1), điểm 1 đến 4, Luật về Hội (Associations Act); Các tội phạm chống lại quốc phòng (Điều 109d đến 109h, Bộ luật Hình sự); Các tội xâm phạm trật tự công cộng (Điều 129 đến 130, Bộ luật Hình sự, Điều 92 khoản (1), điểm 7, Luật về Người Nước Ngoài (Aliens Act); Xúi giục hoặc có liên quan đến việc đào ngũ hoặc xúi giục việc chống lệnh cấp trên (Điều 16, 19 và Điều 1 khoản (3) Luật Hình sự Quân sự) mà không phải là thành viên của Lực lượng Quân đội Liên bang; Các tội xâm phạm an ninh của quân đội các nước thành viên không phải là Đức của Hiệp định Bắc Đại Tây Dương đóng tại nước Cộng hoà Liên bang Đức hoặc quân đội của một trong ba Siêu cường có mặt tại Berlin (Điều 89, 94 đến 97, 98 đến 100, 109d đến 109g, Bộ luật Hình sự, Điều 16, 19 Luật Hình sự Quân sự, và Điều 7 Luật sửa đổi Luật Hình sự lần thứ tư)...Việc nghe lén và ghi âm thông tin viễn thông chỉ có thể được thực hiện khi Thẩm phán cho phép. Trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan Công tố có thể ra lệnh. Lệnh của Cơ quan Công tố sẽ không có hiệu lực nếu không được Thẩm phán phê chuẩn trong thời hạn 3 ngày. Lệnh phải bằng văn bản, ghi rõ tên và địa chỉ của người bị áp dụng và số điện thoại và thông tin xác nhận danh tính của việc kết nối thông tin viễn thông của người đó. Hình thức, phạm vi và thời gian áp dụng phải được ghi rõ trong lệnh. Lệnh có thời hạn tối đa là 3 tháng. Việc gia hạn không quá 3 tháng được thực hiện nếu vẫn còn các căn cứ quy định tại Điều 100a.

Phần những quy định chung còn quy định việc khám xét vào ban đêm. Nhà riêng, nơi làm việc và bất động sản có rào bao quanh chỉ có thể bị khám xét vào ban đêm để tìm kiếm người phạm tội quả tang, trong trường hợp khẩn cấp, hoặc đề nhằm truy bắt tù nhân bỏ trốn. Đối với những địa điểm mà ai cũng có thể vào lúc ban đêm, hoặc địa điểm mà cảnh sát đã biết là nơi trú ngụ hoặc tụ tập của những kẻ phạm tội, là nơi chứa chấp tài sản do phạm tội mà có, hoặc nơi tổ chức đánh bạc, buôn bán ma tuý hay mãi dâm thì được khám xét bất kỳ lúc nào. Việc khám xét chỉ do Thẩm phán quyết định và, trong trường hợp khẩn cấp, cũng có thể do Cơ quan Công tố và các cán bộ giúp việc quyết định (Điều 152, Luật tổ chức Toà án).

Khác với Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam, quy định Bắt và tạm giam ở Chương về các biện pháp ngăn chặn, Bộ luật TTHS của CHLB Đức quy định các biện pháp bắt và tạm giam tại Chương IX của Phần những quy định chung. Theo đó, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can nếu có căn cứ xác đáng để nghi ngờ người đó đã phạm tội và nếu có căn cứ để bắt. Biện pháp này có thể không được cho phép áp dụng nếu nó không tương xứng với tính chất của vụ án hoặc hình phạt hoặc biện pháp cải tạo và phòng ngừa có thể sẽ được áp dụng. Việc bắt có thể được tiến hành nếu có những căn cứ cho thấy: Xác định bị can đã bỏ trốn hoặc đang trốn tránh; Xét tới các tình tiết của vụ án cụ thể, có khả năng bị can sẽ trốn tránh (nguy cơ bỏ trốn); hoặc hành vi của bị can dẫn tới nghi ngờ có căn cứ rằng người đó sẽ: Phá huỷ, thay đổi, di chuyển, giấu, hoặc làm giả chứng cứ; Tác động không đúng đắn tới đồng phạm, nhân chứng, hoặc chuyên gia, hoặc khiến người khác làm những việc trên, và do đó, nếu có nguy cơ cho thấy việc xác định sự thật của vụ án sẽ khó khăn hơn (nguy cơ gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ). Việc bắt cũng có thể được tiến hành nếu có căn cứ xác đáng để nghi ngờ rằng bị can: Đã thực hiện một tội phạm theo các Điều 174, 174a, 176 đến 179 của Bộ luật Hình sự, hoặc đã nhiều lần hoặc tiếp tục thực hiện một tội phạm xâm hại nghiêm trọng trật tự pháp luật theo Điều 125a, Điều 224 đến 227, Điều 243, 244, 249 đến 255, 260, Điều 263, Điều 306 đến 306c hoặc Điều 316a Bộ luật Hình sự hoặc Điều 29 khoản (1), số 1, 4 hoặc 10, hoặc khoản (3), Điều 29a khoản (1), Điều 30 khoản (1), Điều 30a khoản (1) của Luật phòng chống ma tuý (the Narcotics Act); và nếu có căn cứ cho thấy khả năng trước khi có bản án kết tội, người đó sẽ thực hiện tiếp những tội phạm nghiêm trọng tương tự hoặc sẽ tiếp tục hành vi phạm tội, nếu việc tạm giam là cần thiết để ngăn ngừa sự nguy hiểm sắp xảy ra, và trong những trường hợp quy định tại số 2, hình phạt trên một năm tù giam dự kiến sẽ được áp dụng.

Nếu tội phạm chỉ bị áp dụng mức phạt tù giam đến 6 tháng, hoặc phạt tiền đến một trăm tám mươi đơn vị tính theo ngày (daily units), thì tạm giam có thể không được áp dụng với lý do có khả năng gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ. Trong trường hợp đó, tạm giam có thể được áp dụng vì lý do bị can có thể bỏ trốn chỉ trong trường hợp: Bị can trước đó đã trốn tránh pháp luật hoặc đã chuẩn bị cho việc bỏ trốn; Bị can không có nơi ở cố định hoặc nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ theo quy định của luật này, hoặc bị can không thể khai báo danh tính của mình.Tạm giam sẽ do Thẩm phán quyết định bằng một lệnh bắt.

Tại Chương X của Phần này quy định về việc lấy lời khai báo cáo. Theo  Điều 133 thì để lấy lời khai của bị cáo, cần triệu tập bằng văn bản. Lệnh triệu tập có thể ghi rõ rằng bị cáo sẽ bị áp giải tới Toà án nếu không chấp hành lệnh và bị cáo sẽ được đưa tới trước Thẩm phán ngay lập tức và được Thẩm phán lấy lời khai. Không được giữ bị cáo lâu hơn cho tới thời điểm cuối ngày tiếp theo ngày anh ta bị đưa ra trước Toà án lần đầu tiên. Tại thời điểm bắt đầu việc lấy lời khai lần đầu tiên, bị cáo sẽ được thông báo về tội danh bị khởi tố và các điều khoản luật hình sự áp dụng. Anh ta sẽ được thông báo việc theo luật pháp, anh ta có quyền trình bày ý kiến đối với lời buộc tội hoặc không phát biểu bất cứ điều gì về lời buộc tội và, ngay trước khi tiến hành kiểm tra, trao đổi với luật sư bào chữa do anh ta lựa chọn. Anh ta sẽ được hướng dẫn việc có thể yêu cầu thu thập chứng cứ để phục vụ việc bào chữa. Trong những trường hợp phù hợp, bị cáo sẽ được thông báo rằng anh ta có thể trình bày ý kiến bằng văn bản.

Một trong những nội dung quan trọng được quy định tại Phần những quy định chung của Bộ luật TTHS của CHLB Đức đó là về vấn đề bào chữa. Theo những quy định tại Chương XI thì: Bị can/bị cáo có thể nhận sự giúp đỡ của luật sư bào chữa tại bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Tối đa là ba luật sư bào chữa có thể được lựa chọn đối với một bị can, bị cáo. Nếu bị can/bị cáo có người đại diện theo pháp luật, người đó cũng có thể tham gia vào cùng với luật sư bào chữa một cách độc lập.

Các luật sư được phép hành nghề tại một Toà án Đức và các giáo sư giảng dạy luật tại các trường Đại học của Đức có thể tham gia việc bào chữa. Những người khác có thể được chấp nhận chỉ khi có sự đồng ý của Tòa án và, trong các trường hợp việc tham gia của luật sư là bắt buộc và người được chọn lại không phải nằm trong số những đối tượng có thể được chỉ định làm luật sư bào chữa thì người đó có thể được chấp nhận làm luật sư bào chữa do bị can/bị cáo tự lựa chọn cùng với người có thể được chỉ định.

Luật sư bào chữa sẽ không được tham gia tố tụng nếu có căn cứ hoặc có nghi ngờ ở mức độ nhất định tại thời điểm mở phiên toà xét xử rằng: Có liên quan đến tội phạm là đối tượng của việc điều tra; Đã lợi dụng việc thông tin với bị can đang bị cách ly với mục đích thực hiện hành vi phạm tội hoặc gây nguy hại đáng kể cho an ninh nơi giam giữ, hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội mà trong trường hợp bị can bị kết tội sẽ cấu thành hành vi đồng phạm, cản trở công lý hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Luật sư bào chữa cũng sẽ không được tham gia tố tụng trong vụ án liên quan đến tội phạm theo Điều 129a Bộ luật Hình sự, nếu có các tình tiết nhất định cho phép nghi ngờ anh ta đã thực hiện hoặc đang thực hiện những hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật. Luật sư bào chữa cũng sẽ không được tham gia thủ tục tố tụng liên quan đến một trong những tội phạm được quy định tại Điều 74a khoản (1), điểm 3, Điều 120 khoản (1), điểm 3, Luật tổ chức Toà án hoặc hành vi vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm theo Điều 138 Bộ luật Hình sự liên quan đến tội phản quốc hoặc xâm phạm an ninh đối ngoại theo Điều 94 đến 96, 97a, 100 Bộ luật Hình sự, nếu có căn cứ cho rằng việc tham gia của luật sư sẽ ảnh hưởng tới an ninh của nước Cộng hoà Liên bang Đức.

Những quy định của Phần chung của Bộ luật tố tụng hình sự của CHLB Đức còn bao gồm rất nhiều nội dung cụ thể khác, tuy nhiên do yêu cầu giới hạn của bài viết nên chỉ thông tin tới bạn đọc một cách sơ lược những nội dung cơ bản quan trọng nhất của Phần này để tham khảo nghiên cứu./.

Tìm kiếm