CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VỀ CƠ QUAN CÔNG TỐ HÀN QUỐC

13/04/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

VỀ CƠ QUAN CÔNG TỐ HÀN QUỐC

Nông Xuân Trường - Viện khoa học kiểm sát - VKSNDTC

Pháp luật hình sự truyền thống của Hàn Quốc được bắt đầu từ kỷ nguyên Gochosun (2333-108 trước Công nguyên), triều đại cổ xưa đầu tiên trong lịch sử của mình với đạo luật về 8 điều cấm.

Sau đó, các triều đại kết tiếp đã có những cơ quan của riêng mình để thực hiện nhiệm vụ truy tố như Cơ quan Eosadae trong triều đại Koryo (936-1391 sau Công lịch) và Saheonboo trong triều đại Chosun (1392-1910 sau công nguyên). Đặc biệt, trong triều đại Chosun có một cơ quan đặc biệt có tên là Euigumboo để duy trì sự công bằng và điều tra một cách không thiên vị các tội phạm do Hoàng Gia cáo buộc.

Tiếp đó, mặc dù chức năng truy tố và xét xử vẫn chưa được phân chia trong việc giải quyết các vụ án như những quốc gia trong thời kỳ tiền hiện đại trên thế giới, nhưng nguyên tắc xét xử theo 3 cấp đã được thiết lập nhằm tìm hiểu thận trọng những tình tiết thực tế và phương án giải quyết tối ưu vụ án. Nguyên tắc cơ bản này rất tương đồng với nguyên tắc về tính hợp pháp trong luật hình sự hiện đại bao trùm lên toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự , đặc biệt là ở triều đại Chosun.

Hệ thống công tố hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Hàn Quốc là vào năm 1895 với việc ban hành Luật tổ chức Toà án và Sắc lệnh của Hoàng Gia về tổ chức cơ quan công tố. Các công tố viên vào thời điểm này là thành viên của Toà án nhưng thực hiện nhiệm vụ điều tra và truy tố trên cơ sở thẩm quyền và trách nhiệm độc lập. Phân loại về chuyên môn của công tố viên cũng theo những đạo luật này được quy định rất chặt chẽ như hệ thống hiện hành và tiếp tục tồn tại cho đến khi kết thúc triều đại Chosun khi Nhật Bản xâm lược và sát nhập quốc gia này vào Đế quốc Nhật.

Sau khi giải phóng thuộc địa khỏi tay phát xít Nhật năm 1945, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt tay vào thành lập một hệ thống tư pháp hiện đại bao gồm cả việc ban hành Luật về Viện công tố 1949, theo đó thành lập một tổ chức công tố độc lập với hệ thống Toà án.

Khung pháp lý cơ bản của Luật tố tụng hình sự Hàn Quốc được hoàn thành vào năm 1945 bằng việc ban hành Bộ luật tố tụng hình sự theo đó tạo ra một cấu trúc điều tra và xét xử đơn nhất bằng việc tiếp nhận một số đặc trưng của hệ thống xét xử Anglo-Saxon thể hiện ở khía cạnh công tố viên tham gia vào quá trình này như một bên tranh tụng chống lại bị cáo.

Hiện nay, hệ thống cơ quan công tố Hàn Quốc được tổ chức theo mô hình Kim tự tháp trong đó bao gồm: Viện công tố tối cao (SPPO), 5 Viện công tố cấp cao (HPPO), 13 Viện công tố cấp quận (DPPO) và 42 Văn phòng chi nhánh của Viện công tố quận.

Các Công tố viên được phân chia thành 4 cấp theo chức trách chuyên môn của mình: Tổng trưởng công tố (PG), Công tố viên trưởng cấp cao (SPC), Công tố viên trưởng (PC) và Công tố viên. Mỗi vị trí được bổ nhiệm bằng một quyết định tương ứng với cấp bậc.

Hệ thống cấp bậc của Công tố viên được phân chia theo cấp bậc của các quan chức Chính phủ khi mà họ có được những quy chế ưu đãi và tôn trọng đặc biệt bao gồm cả việc được bồi thường và chế độ đảm bảo nghiêm ngặt về công tác v.v…giống như chế độ đối với các Thẩm phán.

Địa vị của Tổng trưởng công tố tương đương với Bộ trưởng trong Nội các, Công tố viên trưởng có địa vị ngang hàng Thứ trưởng và Công tố viên cao cấp có vị trí ở giữa hai cấp bậc này. Các Công tố viên được phân ở cấp thứ ba theo năng lực chuyên môn của họ.

 

I. TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN CÔNG TỐ

a.Viện công tố tối cao

Viện công tố tối cao (SPPO) là cơ quan đầu não của tất cả mọi hoạt động công tố có trách nhiệm thiết lập và thực thi những chính sách cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của Công tố viên, hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ tất cả các Viện công tố trên toàn quốc. Viện công tố tối cao cũng có trách nhiệm trong các công việc công tố liên quan đến xét xử tại Toà án tối cao.

Tổng trưởng công tố là người đứng đầu của tất cả các Công tố viên, có trách nhiệm chỉ huy và chịu trách nhiệm về tất cả những vấn đề liên quan đến công tố. Một Phó Tổng trưởng công tố có nhiệm vụ giúp việc cho Tổng trưởng công tố tại Viện công tố tối cao. Phó Tổng trưởng công tố được bổ nhiệm trong số các Công tố viên cao cấp.

Viện công tố tối cao có 9 Cục, Vụ bao gồm: Vụ kế hoạch và điều phối công tác; Cục điều tra trung ương; Cục hình sự; Cục các tội phạm bạo lực; Cục điều tra ma tuý; Vụ an ninh công cộng; Vụ xét xử hình sự và dân sự; Vụ Thanh tra và Tổng cục hành chính. Mỗi Cục, Vụ lại có các ban thực hiện công việc chuyên môn riêng biệt.

Tổng giám đốc của các Cục, Vụ được bổ nhiệm trong số các Công tố viên trưởng và các giám đốc thuộc quyền của họ được chọn ra từ những Công tố viên có nhiều kinh nghiệm, những người được biết đến với chức danh Công tố viên cao cấp.

b.Viện công tố cấp cao (HPPO)

Viện công tố cấp cao được thành lập tại 5 thành phố lớn nhất là Seoul, Taejon, Taegu, Pusan và Kwangju. Viện công tố cấp cao thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:

+ Giám sát các Viện công tố quận trong phạm vi địa bàn của mình.

+ Duy trì quyền công tố liên quan đến những vụ án mà các bên chống án lên Toà án cấp cao.

+ Thực hiện hoặc hướng dẫn những hoạt động của các cơ quan khác liên quan đến những vụ kiện mà chính quyền trung ương hay địa phương là một bên trong vụ án.

Một chức năng đặc trưng của Viện công tố cấp cao như một phần của thẩm quyền giám sát đối với Viện công tố cấp quận là xem xét lại những vụ án không được các Công tố viên của quận đưa ra truy tố mà bị nguyên đơn, người đã đưa ra lời cáo buộc kẻ bị tình nghi khiếu nại.

Các Công tố viên của Viện công tố cấp cao có thể ra lệnh cho Viện công tố quận điều tra lại vụ án hoặc Viện công tố cấp cao có thể quyết định buộc tội kẻ bị tình nghi khi có những sai lầm nghiêm trọng hoặc không phù hợp trong quá trình điều tra có liên quan bị phát hiện và điều này làm ảnh hưởng đến quyết định trước đó.

c.Viện công tố quận

Viện công tố quận được đặt tại thủ phủ của 4 thành phố chính và 9 tỉnh và dưới đó là các chi nhánh thực hiện các chức năng tư pháp trong phạm vi 3 hay 4 huyện nhỏ nhằm mục đích tạo thuận lợi cho mọi công dân.

Viện công tố quận thường có một vài phòng có trách nhiệm trong một lĩnh vực nhất định để tăng cường tính hiệu quả và chuyên môn của các cuộc điều tra, số lượng và nhân sự của các phòng này là khác nhau phụ thuộc vào số dân trong phạm vi thẩm quyền tư pháp của nó.

Các phòng của Viện công tố cấp quận do các giám đốc, người có đủ kinh nghiệm trong công tác công tố lãnh đạo. Họ thường được gọi là Công tố viên cấp cao và có quyền đưa ra các hướng dẫn và giám sát đối với Công tố viên cấp dưới và các thư ký.

Tên của các phòng và nhiệm vụ của chúng được phân chia như sau:

Phòng hình sự: Quyết định và điều tra bổ sung liên quan đến những vụ án do cảnh sát báo cáo lên và đưa ra những hướng dẫn cho cảnh sát về việc điều tra.

Phòng điều tra đặc biệt: Phát hiện và tiến hành điều tra ban đầu đối với những tội phạm nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công lý công cộng bao gồm các tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, tội phạm cổ cồn trắng…

Phòng các tội phạm bạo lực: Có nhiệm vụ đấu tranh chống các tội phạm bạo hành như tội phạm có tổ chức, buôn lậu người và ma tuý v.v…

Phòng an ninh công cộng: Có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh công cộng và nền dân chủ bằng việc ngăn ngừa và kiểm soát các hoạt động do thám, các hành vi gây rối loạn trật tự công cộng, những hành vi xâm phạm đến luật lao động, luật bầu cử v.v…

Phòng án khởi tố theo yêu cầu bị hại: Điều tra chuyên sâu và ở cấp độ rộng những vụ án có tính chất phức tạp do các nạn nhân đệ trình lên mà những vụ án này cần phải được Công tố viên giải quyết đầu tiên một cách công bằng.

Phòng xét xử: Thực hiện các hoạt động tại Toà án, thi hành các bản án và những vấn đề khác liên quan đến xét xử hình sự.

Thêm vào đó, để đối phó với khuynh hướng phát triển của tội phạm hiện nay đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng và thay đổi phức tạp, mang tính chất xuyên quốc gia, cơ quan công tố Hàn Quốc cũng đã thành lập thêm một số phòng nghiệp vụ chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm những phòng như: Phòng xử lý tội phạm vị thành niên, Phòng đối ngoại và Phòng tội phạm tin học v.v…

Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của tổ chức cơ quan công tố

Tất cả Công tố viên ở Hàn Quốc là bộ phận cấu thành của một tổ chức có thứ bậc nghiêm ngặt, thực hiện nhiệm vụ của mình trong 1 tổng thể dưới sự hướng dẫn và giám sát của Tổng trưởng công tố. Họ có nghĩa vụ tuân thủ những mệnh lệnh của cấp trên, đó là nguyên tắc gọi là: “Nguyên tắc đồng nhất của Công tố viên”.

Nguyên tắc này nhằm mục đích cân bằng giữa hai bản chất có tính xung đột về địa vị của Công tố viên, một mặt thuộc nhánh hành pháp, phải tuân thủ thẩm quyền quản lý của Tổng thống, mặt khác cũng thuộc về cái gọi là nhân viên bán tư pháp, những người mà tính độc lập về chuyên môn phải được bảo đảm. Do đó, nguyên tắc này có khả năng đối xử bình đẳng với tất cả các công dân trên cả nước bằng cách đặt ra 4 tiêu chuẩn đồng nhất trong việc giải quyết các vụ án với cùng một bản chất.

Do Viện công tố ở Hàn Quốc gắn liền với Bộ Tư pháp nên Bộ trưởng Tư pháp có toàn quyền giám sát công tác công tố với tư cách là cấp giám sát cao nhất.

Tuy nhiên, để củng cố và duy trì tối đa quyền độc lập của cá nhân Công tố viên với tư cách là những nhân viên bán tư pháp, thẩm quyền giám sát đối với từng cá nhân Công tố viên của Bộ trưởng Tư pháp bị hạn chế nghiêm ngặt và chỉ được giám sát những vấn đề chung mà thôi. Liên quan đến từng vụ án cụ thể, Bộ trưởng chỉ có thể chỉ đạo Tổng trưởng công tố và Tổng trưởng công tố lại có quyền tự quyết định xem liệu có truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp đến Công tố viên có trách nhiệm trong vụ án đó hay không.

Nguồn nhân lực của Viện công tố Hàn Quốc

Tính đến tháng 8 năm 2001, tổng số Công tố viên ở Hàn Quốc tăng lên theo từng năm, ước tính khoảng 1200 người được một đội ngũ gồm 6300 nhân viên giúp việc bao gồm các điều tra viên, thư ký hành chính và các thư ký.

Số lượng Công tố viên là nữ cũng gia tăng một cách đáng kể, vượt quá 50 người tính đến năm 2001.

Về tiêu chuẩn và chế độ bảo đảm của Công tố viên

Công tố viên được lựa chọn và bổ nhiệm trong số những người có tiêu chuẩn như Luật sư bằng cách vượt qua kỳ thi tốt nghiệp của khoá đào tạo 2 năm trong Học viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp sau khi đã vượt qua kỳ thi quốc gia của Hiệp hội Luật sư quốc gia và chứng minh được năng lực chuyên môn của mình cũng như những tiêu chuẩn cá nhân được kiểm tra thông qua một quá trình tuyển lựa thận trọng.

Địa vị chuyên môn của Công tố viên được pháp luật đảm bảo và bảo vệ nghiêm ngặt. Họ sẽ không bị buộc thôi việc, đình chỉ công tác hay giảm mức lương trừ khi bị nghi ngờ, buộc tội và bị trừng phạt nặng hơn hình phạt giam giữ hay bỏ tù hoặc phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc bằng những quy định pháp luật trong các đạo luật khác.

Nhìn chung, khối lượng công việc của các Công tố viên đều gia tăng hàng năm. Năm 2000, một Công tố viên giải quyết án trung bình riêng trong lĩnh vực điều tra ước tính khoảng 12 kẻ bị tình nghi một ngày.

Ngoài công tác điều tra, các Công tố viên còn giành một khoảng thời gian đáng kể để xem xét lại những án lệnh và đưa ra các hướng dẫn cho cảnh sát liên quan đến quá trình buộc tội của vụ án.

Ngoài tổng số án đã được thụ lý, tỷ lệ án truy tố mà Công tố viên phải quyết định là sẽ áp dụng thủ tục thông thường hay rút gọn đại khái khoảng 50% và ước tính khoảng 99.9% số bị cáo bị đưa ra truy tố được Toà án tuyên có tội.

II. VỀ VAI TRÒ CỦA CÔNG TỐ VIÊN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Vai trò của Công tố viên trong hệ thống tư pháp hình sự của Hàn Quốc có thể được phân thành 3 lĩnh vực: Điều tra, truy tố và những vấn đề khác liên quan đến chứng minh tội phạm và thi hành án.

Thêm vào đó, với tư cách là người đại diện cho lợi ích công, họ cũng thực hiện những nhiệm vụ khác nhau bao gồm cả vai trò của người bảo vệ nhân quyền trong tố tụng hình sự và Luật sư đại diện cho Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích của công chúng.

Vai trò trong hoạt động điều tra

Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự của Hàn Quốc đề cập tới thẩm quyền của Công tố viên khởi đầu và kết luận về quá trình điều tra vụ án hình sự theo nguyên tắc pháp quyền giống như các nước Châu Âu tiên tiến như Pháp hay Cộng hòa liên bang Đức.

Do đó, Công tố viên được trao quyền hạn và trách nhiệm duy nhất là thực hiện điều tra hình sự và cảnh sát được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Công tố viên.

Nguyên do của quy định như đã nêu trên là để buộc trách nhiệm của Công tố viên phải đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của cảnh sát và tiến hành tố tụng công bằng bằng cách đưa ra những chỉ đạo tiến bộ, đồng thời ngăn ngừa cảnh sát có những hành vi vi phạm quyền con người trong quá trình điều tra.

Tuy nhiên, trên thực tế, Công tố viên không hướng dẫn chỉ đạo cảnh sát trong tất cả những vụ án mà chỉ hướng dẫn trong những vụ án có tầm quan trọng hay có ý nghĩa nhất định như liên quan đến quyền con người của công dân. Ví dụ như những vụ án có áp dụng biện pháp tạm giam kẻ bị tình nghi v.v…

Hơn thế, đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại cần điều tra chuyên sâu hơn (những vụ án chỉ được thụ lý theo đơn kiến nghị của các nạn nhân nhằm tìm cách trừng phạt bằng biện pháp hình sự chống lại một bị cáo) mà có ảnh hưởng sâu sắc tới lợi ích của nạn nhân và tội phạm, Hàn Quốc đã thực hiện một chương trình lớn từ năm 2001 mà theo đó quy định cảnh sát có nghĩa vụ tuân thủ hướng dẫn của Công tố viên trong suốt cuộc điều tra và chuyển những vụ án đó sau khi nhận được cho Công tố viên.

Tuy vậy, vì việc điều tra chỉ có thể do Công tố viên kết luận nên trong tất cả những vụ án do cảnh sát điều tra đều phải được gửi đến Công tố viên để ra quyết định cuối cùng.

Khi vụ án đã được chuyển cho Công tố viên, thì Công tố viên sẽ mở cuộc kiểm tra toàn diện để xem xét những biện pháp điều tra của cảnh sát có thích hợp hay không và tất cả những quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục tố tụng công bằng sẽ được thẩm định. Nếu những vấn đề nêu trên không có trong vụ án, Công tố viên sẽ ra lệnh cho cảnh sát điều tra lại hoặc thực hiện việc khắc phục những thiếu sót trong quá trình điều tra.

Thêm vào đó, Công tố viên có trách nhiệm đảm bảo công bằng xã hội bằng cách trực tiếp điều tra một số vụ án có tác động quan trọng đối với trật tự xã hội và cuộc sống bình thường của các công dân như: những vụ án lừa đảo kinh tế, tham nhũng của công, các tội phạm ma tuý và tội phạm có tổ chức v.v…

Phát động và duy trì quyền công tố

Khi đã kết thúc điều tra vụ án, Công tố viên phải đưa ra quyết định có đưa ra lời buộc tội hay không. Nếu Công tố viên không đưa ra cáo trạng thì hành động này thông thường được gọi là không truy tố.

Có hai hình thức cấu thành lên việc truy tố. Đó là truy tố theo thủ tục thông thường và truy tố theo thủ tục rút gọn. Truy tố theo thủ tục thường là bị cáo phải ra hầu tòa và bị xét xử bởi một Thẩm phán, còn truy tố theo thủ tục rút gọn là Thẩm phán chỉ ra phán quyết về bản án sau khi đã kiểm tra hồ sơ điều tra được trình lên và bị cáo không cần phải ra Tòa.

Thủ tục truy tố rút gọn luôn được thực hiện khi Công tố viên xác định rằng bị cáo chỉ đáng bị xử phạt tiền. Tuy nhiên, trong những vụ án khi bị cáo chống án bằng kháng cáo hoặc khi Thẩm phán cho rằng phạt tiền là hình phạt không thích hợp thì vụ án sẽ được chuyển lại để xét xử theo thủ tục thông thường.

Truy tố theo thủ tục thông thường được chia làm một số loại bao gồm quyết định “không có tội” khi hành vi không cấu thành tội phạm được luật pháp quy định hoặc không chứng minh được bằng những chứng cứ hợp pháp và quan trọng và việc đình chỉ truy tố xảy ra khi không thể phát hiện ra tình tiết của vụ án do thiếu sự hiện diện của kẻ bị tình nghi hoặc nhân chứng.

Công tố viên cũng có thể thực hiện quyền tự quyết là không buộc tội mà không cần quan tâm đến chứng cứ trong khi xem xét đến những trường hợp cụ thể của kẻ bị tình nghi và bản chất của tội phạm thông qua một thủ tục gọi là đình chỉ buộc tội.

Khi có sự khác nhau của khuynh hướng này, việc đình chỉ buộc tội theo điều kiện như hướng dẫn có thể được Công tố viên lựa chọn đối với những bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng dưới 20 tuổi, những người cho thấy họ có khả năng cải tạo. Những người vị thành niên như vậy được những người láng giềng đã trưởng thành tình nguyện giúp đỡ. Nếu họ tuân thủ những điều kiện và đáp ứng được trong vòng 6 tháng thì sẽ không bị coi là tái phạm, những người chưa thành niên này nói chung sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Biện pháp này chiếm một tỷ lệ cao và đóng góp đáng kể vào sự thành công trong việc cải tạo người phạm tội có tuổi đời trẻ do sự tham gia tích cực của những tình nguyện viên có nhiệm vụ giáo dục những thành viên trong cộng đồng mình.

Thi hành án

Tại Hàn Quốc, pháp luật cũng trao nhiệm vụ cho Công tố viên thi hành bản án hình sự của Toà án và chỉ đạo những quan chức liên quan cho những mục đích như cải tạo, phạt tù, thu tiền phạt trong những cơ quan lao động công ích khi sự thay thế của nó được thực hiện bởi thư ký hoặc các giám sát viên của Viện công tố theo lệnh Công tố viên.

 

Công tố viên với vai trò là người bảo vệ nhân quyền

Công tố viên Hàn Quốc được yêu cầu là người đứng ra bảo vệ nhân quyền của mọi công dân với tư cách là người đại diện cho lợi ích công.

Họ có quyền đệ trình lên Toà án tất cả những chứng cứ không chỉ thiên về có tội mà cả những chứng cứ thiên về phía bị cáo. Công tố viên cũng yêu cầu Toà án áp dụng pháp luật một cách công bằng và không thiên vị để bảo đảm rằng bị cáo sẽ không nhận được sự đối xử bất công hay quá mức. Điều này được gọi là “nghĩa vụ biện hộ ảo”, và được coi là một phẩm chất cần thiết của Công tố viên.

Công tố viên cũng đến thăm và kiểm tra những nhà tạm giữ trong các đồn cảnh sát một cách bất ngờ mỗi tháng một lần để ngăn ngừa và khắc phục những sai phạm có khả năng xâm phạm đến quyền con người bằng cách kiểm tra xem có bất kỳ ai bị bắt giữ không qua một thủ tục tố tụng hợp pháp hay không hay có bất kỳ vụ án nào được tiến hành không đúng luật không.

Vai trò với tư cách Luật sư Nhà nước

Khi thực hiện nhiệm vụ với tư cách Luật sư Nhà nước, các Công tố viên Hàn Quốc có trách nhiệm tham gia vào việc dự thảo và tranh luận về những dự luật, thực hiện hay hướng dẫn chiến lược kiện tụng cho chính quyền trung ương hay địa phương nếu như chính quyền ở các cấp này có liên quan đến vụ kiện.

Thêm vào đó, Công tố viên còn cung cấp những lời khuyên pháp lý miễn phí cho những công dân để đảm bảo rằng họ có đại diện phù hợp và thoả mãn với những thủ tục tố tụng công minh. Khi cần thiết, các Công tố viên có thể phân công người bản địa của Tập đoàn trợ giúp pháp lý Hàn Quốc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.

Công tố viên cũng có trách nhiệm trợ giúp những cơ quan Chính phủ khác bao gồm cả các đại sự quán ở nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế ở nước ngoài khi họ yêu cầu cung cấp trợ giúp pháp lý.

Nghiên cứu và đào tạo

Nói đến tầm quan trọng về vai trò của Công tố viên là nói đến các áp lực liên tục được đặt ra để nhằm tăng cường tính chuyên môn và cạnh tranh của tất cả những Công tố viên tham gia vào hệ thống cơ quan công tố thông qua những khoá đào tạo tương ứng và thích hợp.

Nhằm mục đích này, trước khi bổ nhiệm và trong suốt sự nghiệp của mình, tất cả các Công tố viên và trợ lý của họ phải trải qua những chương trình đào tạo khác nhau cũng như các cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp tổ chức, nơi có trách nhiệm đào tạo cho tất cả những nhân viên gắn với Bộ Tư pháp. Chương trình này bao gồm các khoá đào tạo cơ bản và nâng cao nhằm cải thiện khả năng chuyên môn trong một số lĩnh vực đặc trưng như tội phạm tài chính, tội phạm bạo lực, tội phạm về an ninh công cộng, tội phạm về sức khoẻ và môi trường.

Mỗi Công tố viên cũng được yêu cầu phải qua một khoá đào tạo nghề nghiệp trong những ngành khác nhau bao gồm cả lĩnh vực tin học. Hơn nữa, hiện nay, hàng năm có hơn 40 Công tố viên được gửi đến các trường đại học danh tiếng để nghiên cứu luật so sánh và những kiến thức tổng quát về những vấn đề của thế giới.

Viện công tố tối cao của Hàn Quốc đã có những nỗ lực to lớn trong việc phát triển và cập nhật thông tin quản lý của mình cũng như hệ thống tin học đã được thành lập từ năm 1994.

Tất cả các dữ liệu hay vật chứng của Viện công tố được lưu trữ trong kho dữ liệu điện tử trong máy tính chủ ở Viện công tố tối cao. Bằng việc xây dựng lên một hệ thống thông tin liên lạc tốc độ cao có khả năng kết nối với tất cả các Viện công tố, các thư viện điện tử, quản lý thông tin và hệ thống thống kê tự động, quá trình tin học hoá đã đã trở nên dễ dàng với tất cả các Công tố viên vào năm 2001.

Trong quá rình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các Công tố viên Hàn Quốc luôn cố gắng tìm hiểu sự thật của vụ án và bảo vệ các quyền con người của công dân thông qua việc thu thập và phân tích chứng cứ bằng cách sử dụng các phương pháp khoa học.

Từ những nhu cầu đó, Viện công tố tối cao Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc thành lập ra một số Phòng thí nghiệm về một vài lĩnh vực như: phân tích ADN, kiểm tra tài liệu, phân tích âm thanh và thử kiểm tra mạch tim (máy kiểm tra nói dối v.v…).

Hợp tác quốc tế

Trong thời đại toàn cầu hóa, các Công tố viên Hàn Quốc đã tăng cường những nỗ lực của mình để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mà ngày nay đã trở nên mang tính xuyên quốc gia cũng như tổ chức chặt chẽ và phức tạp hơn cùng năm tháng bằng biện pháp hợp tác với các tổ chức quốc tế và Chính phủ nước ngoài.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ký nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm với một số quốc gia trên thế giới và Viện công tố tối cao cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng những thoả thuận song phương với rất nhiều Cơ quan công tố trong khu vực và trên thế giới.

Thêm vào đó, Hàn Quốc cũng tham gia một cách tích cực vào các Hội nghị quốc tế cũng như các diễn đàn giải quyết những vấn đề về một số tội phạm như buôn bán ma tuý, vi phạm nhân quyền, tội phạm môi trường, gian lận thương mại quốc tế, ván đề trẻ vị thành niên phạm pháp và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia v.v… để gia tăng hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm.

Về dẫn độ tội phạm, Hàn quốc đã ký Hiệp ước song phương với một số nước lớn trên thế giới và trong khu vực như Australia, Hoa Kỳ, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Canada, Thailand, Tây Ban Nha, Philippin, Chile…Còn trong lĩnh vực tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự Hàn Quốc đã ký hiệp ước song phương với Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Hong Kong, Trung Quốc… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong cuộc đấu tranh chống tội phạm chung trên phạm vi toàn cầu.

Kết luận

Nói chung, có thể khái quát về thẩm quyền và nhiệm vụ của Công tố viên Hàn Quốc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình như sau:

Theo quy định của Luật về Cơ quan công tố Hàn Quốc thì Công tố viên có những nhiệm vụ, quyền hạn trong khi thực thi công vụ là:

- Tiến hành những biện pháp cần thiết để điều tra tội phạm cũng như thực thi và duy trì quyền công tố;

- Hướng dẫn và giám sát cơ quan cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật khác liên quan đến quá trình điều tra tội phạm.

- Yêu cầu Toà án áp dụng pháp luật một cách đúng đắn;

- Hướng dẫn và giám sát việc thi hành các phán quyết của Toà án;

- Đệ trình, chỉ đạo và giám sát các vụ kiện dân sự, hành chính mà trong đó Chính phủ hoặc các cơ quan thuộc Chính phủ là một bên trong vụ án hay là bên tham gia vụ án.

Phần việc lớn nhất của Công tố viên khi thực thi chức năng công tố nằm trong tiến trình tố tụng hình sự. Nhận thức về tầm quan trọng của vai trò của Công tố viên, Luật về cơ quan công tố đã quy định rằng Bộ trưởng Tư pháp, với tư cách là người giám sát cao nhất chức năng công tố có hể hướng dẫn và giám sát chung đối với các Công tố viên nhưng không được chỉ đạo đối với từng vụ án cụ thể mà chỉ có thể hướng dẫn và giám sát Tổng trưởng công tố. Đây là một quy định bảo đảm an toàn cho địa vị của Công tố viên với tư cách là một quan chức bán tư pháp bằng việc bảo vệ tính độc lập cho từng Công tố viên khỏi những ảnh hưởng liên quan đến vụ án mà họ đang giải quyết.

Tổng thống có quyền bổ nhiệm và phân công công tác đối với các Công tố viên theo sự đề cử của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Các tiêu chuẩn của Công tố viên và Thẩm phán giống hệt nhau, đó là: Phải trải qua kỳ thi tư pháp quốc gia và tiếp đó là một khóa 2 năm đào tạo trong Học việc nghiên cứu và đào tạo tư pháp. Ngoài những yêu cầu này, một số kinh nghiệm chuyên môn cũng là yếu tố cần thiết khi bổ nhiệm Công tố viên ở cấp bậc cao. Nhìn chung là Công tố viên có 4 cấp: Tổng trưởng công tố, Công tố viên trưởng cấp cao, Công tố viên trưởng và Công tố viên.

Địa vị của Công tố viên giống như Thẩm phán được pháp luật bảo đảm. Công tố viên không thể bị bãi nhiệm hay đình chỉ công tác khi thực thi quyền hạn của mình hoặc không thể bị cắt giảm lương trừ khi bị hình thức kỷ luật, buộc tội hình sự và trừng phạt bằng hình phạt tù hoặc những hình thức trừng phạt nghiêm khắc hay những hành động kỷ luật trên cơ sở những quy định của pháp luật.

  

LUẬT VỀ CƠ QUAN CÔNG TỐ HÀN QUỐC

Đã được sửa đổi, bổ sung bằng luật số:

-3382 ngày 31/12/1986

-4043 ngày 31/12/1988

-4395 ngày 22/11/1991

-4961 ngày 4/8/1995

-5430 ngày 13/12/1997

 

CHƯƠNG I – NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1: Mục đích

Luật này quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, nhân sự và những vấn đề khác của cơ quan công tố.

Điều 2: Viện công tố

1. Văn phòng Công tố có nhiệm vụ giám sát tất cả mọi hoạt động của các Công tố viên

2. Các Văn phòng Công tố bao gồm: Viện công tố tối cao, Viện công tố cấp cao và Viện công tố cấp quận.

Điều 3: Vị trí và thẩm quyền theo lãnh thổ của Viện công tố

Viện công tố tối cao ngang cấp với Toà án tối cao, Viện công tố cấp cao ngang cấp với với Toà án phúc thẩm, Viện công tố quận ngang cấp với Toà án quận và Toà án gia đình.

Trong một khu vực có chi nhánh của Toà án quận thì cũng có chi nhánh Văn phòng Viện công tố quận tương đương (sau đây gọi là Văn phòng chi nhánh) thành lập ở đó.

Vị trí, tên gọi của Viện công tố tối cao và của các Viện công tố khác và các chi nhánh của nó được Tổng thống quyết định bằng Sắc lệnh.

Thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Viện công tố và chi nhánh của nó tương ứng với mỗi Toà án và chi nhánh Toà án cấp tương đương.

Điều 4: Nhiệm vụ của Công tố viên

Các Công tố viên có những nhiệm vụ và được ủy quyền đại diện cho quyền lợi công theo những quy định sau:

1. Điều tra các tội phạm, thực hành quyền công tố và thực hiện những công việc cần thiết để duy trì quyền hạn đó.

2. Hướng dẫn và giám sát công tác của nhân viên cảnh sát có liên quan đến việc điều tra các tội phạm.

3. Yêu cầu Toà án áp dụng pháp luật và các văn bản dưới luật một cách đúng đắn.

4. Hướng dẫn và giám sát việc thi hành các bản án hình sự

5. Xác lập, hướng dẫn, giám sát các vụ kiện dân sự và tố tụng hành chính với tư cách người bảo vệ quyền lợi của Nhà nước hoặc với tư cách là một bên trung gian và thực hiện những quy định tại các luật và các văn bản dưới luật khác.

Trong khi thi hành công vụ, Công tố viên phải giữ thái độ trung lập về chính trị, trung thành với nhân dân và không được lạm dụng quyền hạn mà pháp luật trao cho họ.

Điều 5: Thẩm quyền theo lãnh thổ nơi Công tố viên thực hiện nhiệm vụ

Trừ những quy định của luật và các văn bản dưới luật khác, Công tố viên phải thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Viện công tố nơi họ công tác. Quy định rằng nếu đòi hỏi phải tiến hành điều tra thì họ có thể thực hiện nhiệm vụ bên ngoài phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

 

Điều 6: Cấp bậc của Công tố viên

Cấp bậc của Công tố viên được phân thành: Tổng trưởng công tố, Công tố viên trưởng cấp cao, Công tố viên trưởng và Công tố viên (được sửa đổi, bổ sung bằng luật số 4543 ngày 10/3/1993).

Điều 7: Nguyên tắc tập trung thống nhất của Công tố viên

1. Công tố viên phải chấp hành mọi mệnh lệnh của cấp trên về những vấn đề liên quan đến công việc.

2. Tổng trưởng công tố, Công tố viên trưởng cấp cao của mỗi Viện công tố hoặc Công tố viên trưởng của chi nhánh đều có nhân viên dưới quyền và những nhân viên này thực hiện công việc của mình dưới sự giám sát của cấp trên.

3. Tổng trưởng công tố, Công tố viên trưởng của mỗi Viện công tố hoặc chi nhánh Viện công tố có thể tự mình thực hiện công việc hoặc thực hiện công việc của cấp dưới hay ra lệnh cho cấp dưới thực thi những nhiệm vụ đó.

Điều 8: Hướng dẫn và giám sát của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Bộ trưởng Tư pháp là cấp trên cao nhất của ngành công tố có nhiệm vụ hướng dẫn và giám sát chung các Công tố viên. Đối với từng vụ án cụ thể thì chỉ giám sát và hướng dẫn Tổng trưởng công tố.

Điều 9: Trợ giúp qua lại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

Các nhân viên của Viện công tố phải trợ giúp người khác trong việc thi hành nhiệm vụ của Viện công tố.

Điều 10: Kháng nghị và xem xét lại các quyết định

1. Những người khiếu nại hay bị cáo không nhất trí với một quyết định không cấu thành việc truy tố có thể đệ đơn bằng văn bản lên Viện trưởng Viện công tố cấp cao có thẩm quyền thông qua Viện công tố cấp quận hoặc chi nhánh Viện công tố mà Công tố viên đó công tác. Trong trường hợp này, nếu Công tố viên Viện công tố quận hoặc chi nhánh cho rằng việc kháng nghị như vậy có những căn cứ hợp lý thì phải sửa lại quyết định của mình.

2. Nếu Công tố viên trưởng của Viện công tố cấp cao cho rằng kháng nghị được nêu ở khoản 1 là xác đáng thì ông ta có thể hướng dẫn trực tiếp nhân viên thuộc quyền sửa lại quyết định đã không tạo ra một hành động công của Công tố viên Viện công tố cấp quận hay chi nhánh. Trong trường hợp này, Công tố viên của Viện công tố cấp cao sẽ thực hiện những nhiệm vụ của Công tố viên cấp quận hay chi nhánh Viện công tố (được bổ sung bằng Luật số 5430 ngày 13/12/1997).

3. Bất kỳ người khiếu nại nào bất đồng với quyết định từ chối xem xét kháng nghị được nêu ở đoạn 1 có thể đệ trình văn bản kháng nghị lại lên Tổng trưởng công tố thông qua Viện công tố cấp cao, nơi Công tố viên đã từ chối đó công tác. Trong trường hợp này, nếu Công tố viên của Viện công tố cấp cao cho rằng việc tái kháng nghị có cơ cở xác đáng thì anh ta sẽ xem xét lại quyết định của mình.

4. Bản kháng nghị và tái kháng nghị theo quy định của luật như đã đề cập ở khoản 1 và 3 phải được hoàn thành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo theo quy định của Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối đơn kháng nghị. Nếu người chống án không làm đơn kháng nghị hoặc tái kháng nghị trong thời hạn nêu trên theo đúng thời hạn luật định bởi những lý do bất khả kháng thì thời hạn kháng nghị sẽ được tính lại kể từ khi tình huống bất khả kháng đó chấm dứt. (được bổ sung bằng Luật số 5430 ngày 13/12/1997).

5. Tất cả những đơn kháng nghị và tái kháng nghị nêu ở đoạn 4 ở trên sẽ bị từ chối trừ trường hợp phát hiện những bằng chứng quan trọng mới và người kháng nghị hoặc bị cáo giải thích rõ ràng được nguyên nhân chậm trễ. (được bổ sung bằng Luật số 5430 ngày 13/12/1997).

6. Nếu kháng nghị trong trường hợp như quy định tài Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự đã được đệ trình mà bị bác trước khi Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực thì có thể đệ trình 1 bản kháng nghị mới theo thời hạn như trong khoản 4. (được bổ sung bằng Luật số 5430 ngày 13/12/1997).

7. Nếu một người kháng nghị yêu cầu quyết định của Toà án thì kháng nghị của người đó có thể bị xem xét để rút lại.

Điều 11: Quy định về ủy quyền

Những vấn đề cần thiết cho công tác của Viện công tố sẽ được xác định bằng Sắc lệnh của Bộ Tư pháp.

 

CHƯƠNG II - VIỆN CÔNG TỐ TỐI CAO

Điều 12: Tổng trưởng công tố

1. Tổng trưởng công tố có quyền phân công công việc đối với Viện công tố tối cao.

2.Tổng trưởng công tố chịu trách nhiệm về những công việc của Viện công tố tối cao, thực hiện quyền điều hành chung tất cả các công việc của Viện công tố, trực tiếp hướng dẫn và giám sát các công chức của các Viện công tố.

3. Nhiệm kỳ của Tổng trưởng công tố là 2 năm và sẽ không được bổ nhiệm lại (được bổ sung bằng Luật số 4043 ngày 31/12/1988).

4. Tổng trưởng công tố không được bổ nhiệm vào bất kỳ cương vị quan chức nào trong thời hạn 2 năm kể từ ngày từ nhiệm (được bổ sung bằng Luật số 5263 ngày 13/1/1997){Đoạn này đã bị bãi bỏ bằng phán quyết của Toà án Hiến pháp vì cho rằng không hợp hiến trong phán quyết ngày 16/7/1997}.

5. Tổng trưởng công tố không được khuyến khích hay tham gia bất kỳ đảng phái chính trị nào trong thời hạn 2 năm kể từ ngày từ nhiệm (được bổ sung bằng Luật số 5263 ngày 13/1/1997){Đoạn này đã bị bãi bỏ bằng phán quyết của Toà án Hiến pháp vì cho rằng không hợp hiến trong phán quyết ngày 16/7/1997}.

Điều 13: Phó Tổng trưởng công tố

1. Phó Tổng trưởng công tố được bổ nhiệm trong số các Công tố viên cấp cao và có quyền phân công công tác trong Viện công tố tối cao.

2. Phó Tổng trưởng công tố trợ giúp cho Tổng trưởng công tố và thực hiện nhiệm vụ của Tổng trưởng công tố trong trường hợp Tổng trưởng công tố bị tai nạn hay đột tử.

Điều 14: Công tố viên của Viện công tố tối cao

Các Công tố viên của Viện công tố tối cao bao gồm các Công tố viên trưởng ở địa phương được bổ nhiệm làm Công tố viên của Viện công tố tối cao.

Điều 15: Nhân viên nghiên cứu của Viện công tố tối cao

1. Viện công tố tối cao bao gồm các nhân viên nghiên cứu công tố

2. Các nhân viên nghiên cứu được bổ nhiệm trong số các Công tố viên và họ có thể cùng lúc đảm đương cương vị Công tố viên của Viện công tố cấp quận hoặc Công tố viên của Viện công tố cấp cao (được bổ sung bằng luật số 4543 ngày 10/3/1993).

3. Nhân viên nghiên cứu công tố có trách nhiệm giúp việc cho Tổng trưởng công tố hoạch định kế hoạch và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến công tác công tố.

Điều 16: Tổ chức của Viện công tố

1. Viện công tố tối cao có các Vụ và 1 Cục hành chính, trong Cục Hành chính và các vụ có các Ban. Cục Hành chính và các Ban được thành lập theo Sắc lệnh của Tổng thống.

2. Các Vụ trưởng, Tổng giám đốc Cục Hành chính và các Trưởng Ban được phân công phụ trách các đơn vị như đã nêu ở khoản 1. Các Vụ trưởng được bổ nhiệm trong số các Công tố viên trưởng; Tổng giám đốc Cục Hành chính được bổ nhiệm trong số các quan chức thực hiện chức năng quản lý hoặc nhân viên công tố hành chính bậc 2; Các Trưởng Ban được bổ nhiệm trong số nhân viên hành chính và điều tra bậc 4, các nhân viên kỹ thuật và tin học. Các Trưởng Ban thuộc các Vụ có thể được bổ nhiệm trong số các Công tố viên.

3. Vụ trưởng, Tổng giám đốc Cục Hành chính và Trưởng Ban như đã quy định tại khoản 2 do cấp trên chỉ đạo và điều hành, chịu trách nhiệm về công tác của đơn vị mình như các Vụ, Ban và Cục Hành chính; trực tiếp giám sát các nhân viên thuộc quyền.

 

CHƯƠNG III-VIỆN CÔNG TỐ CẤP CAO

Điều 17: Viện công tố cấp cao

1. Mỗi Viện công tố cấp cao có một Viện trưởng được bổ nhiệm trong số các Công tố viên trưởng cao cấp.

2. Viện trưởng Viện công tố cấp cao chịu trách nhiệm về mọi công việc trong cơ quan mình. Trực tiếp điều hành và giám sát các nhân viên thuộc quyền.

Điều 18: Phó Viện trưởng Viện công tố cấp cao

1. Mỗi Viện công tố cấp cao có một Phó Viện trưởng được bổ nhiệm trong số các Công tố viên trưởng.

2. Phó Viện trưởng Viện công tố cấp cao có trách nhiệm trợ giúp cho Viện trưởng và thay mặt Viện trưởng thực hiện những công việc của Viện trưởng trong trường hợp Viện trưởng không thể đảm đương công việc.

Điều 18-2: Trưởng phòng của Viện công tố cấp cao

1. Mỗi Viện công tố cấp cao có các Phòng thực hiện một phần công việc của cơ quan.

2. Mỗi Phòng của Viện công tố cấp cao có một Trưởng phòng.

3. Trưởng phòng chịu sự điều hành của cấp trên và có quyền điều hành các công việc của Phòng mình (được bổ sung bằng luật số 5430 ngày 13/12/1997).

Điều 19: Công tố viên của Viện công tố cấp cao

1. Mỗi Viện công tố cấp cao có một số Công tố viên

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể phân công một vài Công tố viên ở Viện công tố cấp cao giải quyết các công việc của Viện công tố quận theo thẩm quyền của mình.

Điều 20: Tổ chức của Viện công tố cấp cao

1. Viện công tố cấp cao có một số phòng, một Cục Hành chính, một số Ban. Việc thành lập và quy định về nhiệm vụ của các Ban do Sắc lệnh của Tổng thống quy định.

2. Mỗi Phòng của Viện công tố cấp cao có thể có thể có một số Ban, nhiệm vụ của các Ban này cũng được quy định bằng Sắc lệnh của Tổng thống.

3. Giám đốc Cục Hành chính và các Trưởng Ban được nêu ở khoản 1 và 2 có thể được bổ nhiệm trong số các Công tố viên hành chính, điều tra viên bậc 4 hoặc bậc 5. Họ cũng có thể được bổ nhiệm từ nhân viên điện tử viễn thông bậc 5 hoặc nhân viên điều tra ma tuý bậc 5.

4. Giám đốc hành chính và các Trưởng Ban chịu sự điều hành của cấp trên, có trách nhiệm thực hiện công việc của Cục Hành chính và của các Ban, giám sát và trực tiếp điều hành các nhân viên thuộc quyền.

 

CHƯƠNG IV: VIỆN CÔNG TỐ QUẬN VÀ CÁC CHI NHÁNH CỦA

VIỆN CÔNG TỐ

Điều 21: Viện trưởng Viện công tố quận

1. Mỗi Viện công tố quận có một Viện trưởng được bổ nhiệm trong số các Công tố viên trưởng.

2. Viện trưởng có trách nhiệm thực hiện các công việc của Viện công tố quận, trực tiếp điều hành và giám sát nhân viên thuộc quyền.

Điều 22: Trưởng chi nhánh của Viện công tố

1. Mỗi chi nhánh của Viện công tố có một Trưởng chi nhánh được bổ nhiệm trong số các Công tố viên (được bổ sung bằng luật số 4543 ngày 10/3/1993 và luật số 4930 ngày 5/1/1995).

2. Trưởng chi nhánh chịu sự chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng Viện công tố quận, thực hiện công việc và giám sát nhân viên thuộc quyền.

Điều 23: Phó Viện trưởng Viện công tố quận và Phó Trưởng chi nhánh

1. Mỗi quận và chi nhánh có một Phó Viện trưởng và một Phó Trưởng chi nhánh được quy định bằng Sắc lệnh của Tổng thống.(được bổ sung bằng luật số 4543 ngày 10/3/1993).

2. Phó Viện trưởng Viện công tố có trách nhiệm giúp việc cho Viện trưởng, thay mặt Viện trưởng thực hiện công việc trong trường hợp Viện trưởng không thể đảm đương nhiệm vụ.

Điều 24: Trưởng phòng

1. Viện công tố quận và chi nhánh Viện công tố có thể thành lập các Phòng để thực hiện một phần công việc của cơ quan.

2. Mỗi phòng của Viện công tố quận và chi nhánh có một Trưởng phòng, chịu sự điều hành của cấp trên và thực hiện nhiệm vụ của phòng đó.

Điều 25: Công tố viên của Viện công tố quận và chi nhánh

Các Công tố viên được phân công làm việc tại Viện công tố quận và chi nhánh Viện công tố.

Điều 26: Tổ chức của Viện công tố quận và chi nhánh

1. Mỗi Viện công tố quận và chi nhánh Viện công tố được thành lập một Cục Hành chính theo Sắc lệnh của Tổng thống. Cục Hành chính được thành lập các Ban. Nhiệm vụ của các ban thuộc Cục Hành chính do Tổng thống quy định.

2. Mỗi Phòng của Viện công tố quận cũng có thể thành lập các ban, nhiệm vụ của các Ban thuộc Phòng do Tổng thống quy định bằng Sắc lệnh.

3. Giám đốc hành chính được bổ nhiệm trong số các công chức hành chính công tố bậc 3, 4 hoặc điều tra viên bậc 4. Các Trưởng Ban được bổ nhiệm từ các công chức hành chính công tố bậc 4, 5 hoặc từ các điều tra viên, nhân viên điện tử viễn thông, nhân viên điều tra ma tuý bậc 5.

4. Giám đốc hành chính và các Trưởng ban chịu sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của mình và giám sát, điều hành các nhân viên thuộc quyền.

 

CHƯƠNG V-CÔNG TỐ VIÊN

Điều 27: Tiêu chuẩn của Tổng trưởng Công tố

Tổng trưởng công tố được bổ nhiệm trong số những người đã từng đảm đương những chức vụ dưới đây ít nhất 15 năm (được bổ sung bằng luật số 4930 ngày 5/1/1995):

1. Thẩm phán, Công tố viên hoặc Luật sư

2. Người có tiêu chuẩn như Luật sư và đã từng làm công tác trong lĩnh vực pháp lý cho 1 tổ chức của Chính phủ, chính quyền địa phương, cho các doanh nghiệp do Nhà nước thành lập hoặc doanh nghiệp tư nhân, các Học viện do Nhà nước đầu tư như quy định tại Điều 2 Luật khung về quản lý các Học viện do Nhà nước đầu tư hoặc bất kỳ người nào có kỹ năng luật pháp và;

3. Người có tiêu chuẩn Luật sư và đã có học hàm giáo sư luật hoặc Phó Giáo sư luật tại các trường đại học.

 

 

Điều 28: Tiêu chuẩn của Công tố viên trưởng cấp cao

Công tố viên trưởng cấp cao và Công tố viên trưởng được bổ nhiệm trong số những người đã từng giữ những cương vị như quy định tại Điều 27 không dưới 10 năm.

Điều 29: Tiêu chuẩn của Công tố viên

Công tố viên được bổ nhiệm trong số những người có đủ tiêu chuẩn theo những quy định dưới đây:

1. Những người đã hoàn thành các khoá học tại Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp sau khi đã vượt qua các cuộc kiểm tra tư pháp và;

2. Những người có tiêu chuẩn như một Luật sư (Điều này đã được sửa đổi toàn bộ bằng luật số 4543 ngày 10/3/1993).

Điều 30: Bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng đối với Công tố viên của Viện công tố cấp cao

1. Trưởng phòng của Viện công tố cấp cao, Trưởng chi nhánh Văn phòng Viện công tố, Phó Công tố viên trưởng theo quy định của Điều 23 khoản 1 và Phó Viện trưởng Viện công tố quận được bổ nhiệm theo Sắc lệnh của Tổng thống trong số những người đã giữ cương vị như theo quy định của Điều 27 ít nhất 10 năm.

2. Công tố viên của Viện công tố cấp cao và Phó Công tố viên trưởng, Trưởng phòng chi nhánh Viện công tố, Chi nhánh trưởng của Viện công tố quận và các chi nhánh khác được quy định trong đoạn 1 được bổ nhiệm trong số những người đã từng giữ cương vị như quy định tại Điều 27 ít nhất 5 năm.

Điều 31: Tổng số năm công tác

Đối với những người đã từng giữ 2 hay nhiều cương vị khác nhau thì số năm công tác trên mỗi cương vị sẽ được cộng lại để áp dụng cho các quy định của các điều 27, 28 và 30.

 

Điều 32: Uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ của Công tố viên

1. Tổng trưởng công tố, theo đề nghị của Giám đốc Viện nghiên cứu và đào tạo pháp lý ra lệnh cho bất kỳ học viên nào của Viện thực hiện thay các nhiệm vụ của Công tố viên tại các Viện công tố quận hoặc chi nhánh của Viện công tố trong thời gian nhất định.

2. Nếu Viện trưởng Viện công tố quận thấy cần thiết thì có thể cử Công tố viên hành chính bậc 4, Công tố viên điều tra bậc 5 hoặc Công tố viên hành chính bậc 5, nhân viên điều tra ma tuý bậc 5 của Viện công tố quận đại diện cho Công tố viên tại chi nhánh Viện công tố (được sửa đổi, bổ sung bằng Luật số 4961 ngày 4/8/1995).

3. Không ai có quyền hành động thay mặt Công tố viên như quy định tại khoản 1 và 2 để đưa vụ án ra Hội đồng xét xử theo Luật tổ chức Toà án.

Điều 33: Không đủ tiêu chuẩn trở thành Công tố viên

Không ai được bổ nhiệm là Công tố viên trong các trường hợp sau đây:

1. Người là không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 33 khoản 1 của Luật công chức Nhà nước.

2. Người bị kết án phạt tù không phải khổ sai hoặc đã chịu một hình phạt nghiêm khắc và;

3. Người bị bãi nhiệm do nghi ngờ phạm pháp và đã không qua được 5 năm thử thách.

Điều 34:Bổ nhiệm và phân công Công tố viên

Việc bổ nhiệm và phân công công tác đối với Công tố viên do Tổng thống quyết định theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 35: Uỷ ban nhân sự Công tố viên

1. Để tuân thủ mọi tham vấn của Bộ trưởng Bộ tư pháp về những vấn đề cần thiết cho việc bổ nhiệm, thăng chức hoặc các vấn đề nhân sự khác của Công tố viên, Uỷ ban nhân sự của Công tố viên sẽ được thành lập trong Bộ tư pháp.

2. Những vấn đề liên quan đến thành phần, hoạt động và tư vấn của Uỷ ban nhân sự công tố do Tổng thống quy định bằng Sắc lệnh.

Điều 36: Phân công công tác, khen thưởng, kỷ luật

1. Công tố viên là loại công chức đặc biệt và những vấn đề cần thiết cho việc phân công công tác, khen thưởng, kỷ luật đối với Công tố viên được quy định trong các đạo luật khác.

2. Địa vị của Công tố viên được tôn trọng. Việc khen thưởng các Công tố viên được xác định tương ứng với nhiệm vụ và thành tích của họ.

3. Đối với những học viên của Viện nghiên cứu và đào tạo pháp lý, những người thay mặt Công tố viên thực thi nhiệm vụ của họ theo quy định tại Điều 32 khoản 1 thì công tác phí được thanh toán theo các điều kiện quy định trong Sắc lệnh của Tổng thống.

Điều 37: Sự đảm bảo địa vị của Công tố viên

Không một Công tố viên nào có thể bị sa thải, đình chỉ công tác hoặc cắt giảm mức lương trừ trường hợp phạm tội, bị kết án tù không phải là hình phạt khổ sai hoặc bị trừng phạt nghiêm khắc bằng các biện pháp khác hoặc là đối tượng của một hình thức kỷ luật nặng.

Điều 38: Về hưu tạm thời

1. Nếu một Công tố viên bị gọi nhập ngũ hoặc động viên vào lực lượng dự bị hay thuyên chuyển khỏi cơ quan nhằm thực hiện nhiệm vụ khác như được quy định trong luật thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ ra lệnh cho người đó tạm thời hồi hưu cho đến khi họ thực hiện xong nghĩa vụ của mình và nếu Công tố viên đệ trình đơn đề nghị tạm dừng công tác nhằm mục đích nghiên cứu pháp luật và học tập tại một học viện, trường Cao đẳng hay đại học ở nước ngoài hay điều trị y tế để chữa bệnh…thì Bộ trưởng Tư pháp có thể nếu xét có căn cứ hợp lý thì sẽ cấp giấy chứng nhận cho Công tố viên đó tạm nghỉ công tác với thời hạn tối đa không quá 2 năm.

2. Trong các trường hợp như quy định ở khoản 1, những vấn đề cần thiết cho việc thanh toán tiền thưởng v.v…trong thời gian tạm nghỉ công tác sẽ được quyết định bằng Sắc lệnh của Tổng thống.

Điều 39: Về hưu do bị bệnh thần kinh hoặc hạn chế năng lực hành vi

Nếu Công tố viên không thể thực thi nhiệm vụ của mình do bị bệnh về thần kinh hoặc hạn chế năng lực hành vi thì Tổng thống sẽ ra lệnh cho người đó phải nghỉ hưu theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 40: Nghỉ hưu trong danh dự

1. Nếu Công tố viên đã phục vụ từ 20 năm trở lên trong ngành công tố tự nguyện nghỉ hưu trước khi đến tuổi, người đó có thể được thêm trợ cấp danh dự

2. Những vấn đề liên quan đến việc thanh toán, trợ cấp danh dự được đề cập trong đoạn 1 được quy định trong Sắc lệnh của Tổng thống.

Điều 41: Tuổi nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu của Tổng trưởng công tố là 65. Đối với các Công tố viên khác thì tuổi nghỉ hưu là 63.

Điều 42: Giới hạn độ tuổi đối với cấp bậc

1.Thời hạn nâng bậc của Công tố viên trưởng cấp cao là 4 năm nhưng có thể rút ngắn 1 năm. Quy định rằng nếu tổng thời gian mà người đó công tác với cương vị Công tố viên trưởng cấp cao và Công tố viên trưởng là ít hơn 10 năm thì người đó sẽ được xem xét để coi là đến tuổi nâng bậc kể từ ngày phục vụ tròn 10 năm.

2. Độ tuổi giới hạn để nâng bậc đối với Công tố viên trưởng là 8 năm nhưng có thể rút ngắn 2 năm..

3. Việc gia hạn thời hạn nâng bậc của các Công tố viên do Tổng thống quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

4. Việc tính thời hạn nâng bậc được quy định tại khoản 1 và 2 được tính là: Nếu một Công tố viên được tái bổ nhiệm sau khi đã nghỉ hưu thì tổng số thời gian mà người đó đã công tác trước khi nghỉ hưu sẽ được cộng tiếp và thời gian người đó tạm nghỉ hưu cũng được tính vào năm công tác.

Điều 43: Cấm tham gia vào các hoạt động chính trị

Không Công tố viên nào được phép tham gia vào những hoạt động dưới đây khi đang đương chức:

1. Là thành viên của Quốc hội hoặc Hội đồng địa phương

2. Tham gia vào các phong trào chính trị

3. Được thuê mướn kinh doanh nhằm mục đích thu lợi nhuận và;

4. Được hứa hẹn khen thưởng vì công việc mà chưa được sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 44: Công tố viên kiêm nhiệm

Bất kỳ ai là thành viên của Bộ Tư pháp hay các cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp có tiêu chuẩn như Công tố viên có thể làm việc kiêm nhiệm ở Viện công tố.

Điều 44-2: Nghiêm cấm điều phái Công tố viên

Không Công tố viên nào được phép làm việc cho Ban thư ký của Phủ Tổng thống hoặc giữ thêm một chức vụ khác tại Văn phòng Ban thư ký Phủ Tổng thống.

 

CHƯƠNG VI-NHÂN VIÊN VIỆN CÔNG TỐ

Điều 45: Nhân viên Viện công tố

Viện công tố có nhân viên quản lý và các Công tố viên hành chính bậc 2,3. Các Công tố viên điều tra bậc 4, 5 và các nhân viên điều tra ma tuý bậc 6,7,8,9 và các công chức chuyên trách đặc biệt.

Điều 46: Nhiệm vụ của Công tố viên hành chính

1. Công tố viên hành chính bậc 4 và các điều tra viên, Công tố viên hành chính bậc 5, Công tố viên hành chính và điều tra viên ma tuý bậc 6,7 được thực hiện những công việc dưới đây:

a.Các công việc có liên quan đến điều tra theo lệnh Công tố viên

b.Chuẩn bị và lưu trữ các báo cáo về tội phạm

c.Trợ giúp công tác hành chính trong các vụ kiện và được Công tố viên chỉ định để thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự với tư cách là bên bảo vệ quyền lợi của Nhà nước hoặc bên trung gian hay thực hiện những công việc liên quan đến việc chuẩn bị và lưu trữ các báo cáo và tài liệu khác có liên quan đến tố tụng dân sự và các công việc hành chính sự vụ khác.

2. Nhân viên điều tra và Công tố viên hành chính bậc 4, nhân viên điều tra ma tuý và nhân viên điều tra bậc 5 có nhiệm vụ trợ giúp các Công tố viên tiến hành điều tra và buộc tội theo hướng dẫn của Công tố viên.

3. Công tố viên hành chính và các nhân viên điều tra ma tuý bậc 8,9 trợ giúp cho các Công tố viên hành chính, điều tra viên và nhân viên điều tra ma tuý bậc 5,6 và 7.

Điều 47: Thực hiện nhiệm vụ cảnh sát tư pháp

1. Nếu Công tố viên hành chính, nhân viên điều tra ma tuý bậc 6,7,8 hoặc 9 nhận được hướng dẫn từ Tổng trưởng công tố hoặc Viện trưởng Viện công tố thì Công tố viên hành chính, nhân viên điều tra ma tuý bậc 6,7 sẽ thực hiện nhiệm vụ của nhân viên cảnh sát tư pháp như quy định tại Điều 196 khoản 1 Bộ luật tố tụng hình sự và Công tố viên hành chính, nhân viên điều tra ma tuý bậc 8,9 sẽ làm nhiệm vụ của cảnh sát tư pháp theo Điều 196 khoản 2 Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Bất kỳ một viên chức nào trong Viện công tố tương đương với bậc 5,6,7 mà nhận được hướng dẫn, chỉ thị của Viện trưởng Viện công tố sẽ phải thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát tư pháp theo Điều 196 khoản 1 Bộ luật tố tụng hình sự và những người có chức vụ tương đương bậc 8, 9 sẽ thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát tư pháp theo Điều 196 khoản 2 Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 48: Trợ lý Tổng trưởng công tố

1. Viện công tố tối cao sẽ phân công một người làm Trợ lý Tổng trưởng công tố.

2. Trợ lý Tổng trưởng công tố được bổ nhiệm trong số điều tra viên, Công tố viên hành chính bậc 4 hoặc công chức Nhà nước tương đương bậc 4 có nhiệm vụ giải quyết những công việc riêng theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng trưởng công tố.

Điều 49: Các nhân viên kỹ thuật và phiên dịch

1. Các Viện công tố có thể tuyển chọn người phiên dịch hoặc các nhân viên kỹ thuật để làm các công việc thuộc lĩnh vực kỹ thuật.

2. Những nhân viên quy định trong khoản 1 Điều này có trách nhiệm làm công tác dịch thuật, kỹ thuật theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.

Điều 50: Phân công công tác đối với nhân viên Viện công tố

1. Việc phân công công tác đối với các nhân viên của Viện công tố do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định. Điều này không áp dụng đối với các điều khoản đặc biệt của luật này và các luật khác.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể uỷ quyền cho Tổng trưởng công tố hoặc Viện trưởng Viện công tố phân công công tác như quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Các quy định tại khoản 1 và 2 Điều 33 và 35 luật này có thể được áp dụng để điều động cán bộ, nhân viên của Viện công tố.

 

Điều 51: Thành lập tạm thời Viện công tố

Bộ Tư pháp có thể tổ chức tạm thời một Viện công tố theo quy định của luật này. Trong trường hợp đó có thể áp dụng việc điều động cán bộ hoặc khen thưởng theo quy định của đoạn cuối Điều 44.

Điều 52: Biên chế của Viện công tố

Tổng biên chế của Viện công tố được quy định bằng Sắc lệnh của Tổng thống.

 

CHƯƠNG VII - HƯỚNG DẪN VÀ GIÁM SÁT NHÂN VIÊN

CẢNH SÁT TƯ PHÁP

Điều 53: Nhiệm vụ của cảnh sát tư pháp

Nhân viên cảnh sát tư pháp phải tuân thủ bất kỳ mệnh lệnh chính thức nào của Công tố viên có thẩm quyền trong quá trình điều tra hình sự.

Điều 54: Yêu cầu thay thế

1. Nếu nhân viên cảnh sát tư pháp có cấp bậc cao hơn trưởng đồn, tương đương hoặc thấp hơn giám thị trại giam có hành động bất hợp pháp trong khi thực thi nhiệm vụ thì Công tố viên trưởng của Viện công tố quận có thể ra lệnh cho người đó đình chỉ điều tra vụ án có liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền chỉ định một người khác thay thế.

2. Người có khả năng được chỉ định phải phù hợp với yêu cầu quy định tại khoản 1 và phù hợp với khả năng của người bị thay thế để đáp ứng công việc trừ khi anh ta đưa ra lý do chính đáng để từ chối.

PHỤ LỤC

1.Ngày có hiệu lực:

Luật này có hiệu lực vào ngày ban hành

2.Các biện pháp chuyển giao

Nhiệm kỳ của Tổng trưởng công tố phục vụ trên cương vị của mình được tính từ ngày Luật này có hiệu lực và được tính lại từ ngày được bổ nhiệm.

3.Bỏ qua

PHỤ LỤC (LUẬT SỐ 4043 NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1988)

Các biện pháp chuyển giao liên quan đến nhân viên Viện công tố

Trừ quy định tại Điều 45, các nhân viên đặc biệt, công chức hành chính và các nhân viên y tế được chuyển đến công tác tại Viện công tố từ Bộ Y tế hoặc Bộ Phúc lợi sẽ được tính thâm niên công tác tương đương với cấp bậc được quy định theo Điều 46 và 47 của Luật này kể từ khi Luật này có hiệu lực và có thể thực hiện những nhiệm vụ của nhân viên cảnh sát tư pháp.

PHỤ LỤC (LUẬT SỐ 4395 NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 1991)

Luật này có hiệu lực từ ngày ban hành

Phụ lục (Luật số 4543 ngày 10 tháng 3 năm 1993)

1.Luật này có hiệu lực kể từ ngày ban hành

2.Các biện pháp chuyển giao

Những người giữ cương vị là Công tố viên cao cấp hay Công tố viên tại thời điểm Luật này có hiệu lực sẽ được xem xét để bổ nhiệm là Công tố viên theo quy định của Luật này.

PHỤ LỤC (LUẬT SỐ 4930 NGÀY 05 THÁNG 1 NĂM 1995)

Luật này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 1995.

PHỤ LỤC (LUẬT SỐ 4946 NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 1995)

Luật này có hiệu lực từ ngày ban hành.

PHỤ LỤC (LUẬT SỐ 5263 NGÀY 13 THÁNG 1 NĂM 1997)

Luật này có hiệu lực từ ngày ban hành. Quy định rằng bổ sung thêm Điều 44-2 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 1997.

PHỤ LỤC (LUẬT SỐ 5430 NGÀY 13 THÁNG 12 NĂM 1997)

Luật này có hiệu lực từ ngày ban hành.

Tìm kiếm