CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

23/09/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.

Nghị định số 108/2020/NĐ-CP nêu rõ, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (gọi chung là Trưởng phòng) là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện do Hội đồng nhân dân cấp huyện bầu, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Giảm 1 Phó Trưởng phòng của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

Theo quy định hiện hành, số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là không quá 03 người. Tuy nhiên, từ ngày 25/11/2020 khi Nghị định số 108/2020/NĐ-CP có hiệu lực, bình quân mỗi phòng chỉ có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.

Sửa đổi, bổ sung chức năng các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

Bên cạnh đó, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, như: Phòng Nội vụ, phòng Tư pháp, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Y tế, Thanh tra huyện, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Dân tộc.

Trong đó, Phòng Tư pháp có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi, hộ tịch, chứng thực và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Quy định mới đã bỏ chức năng "kiểm soát thủ tục hành chính" so với quy định hiện hành tại Nghị định số 37/2014/NĐ-CP).

Theo khoản 4 Điều 7 Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; biển và hải đảo (đối với các huyện có biển, đảo); đo đạc và bản đồ; biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ "giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về… đo đạc và bản đồ; biến đổi khí hậu" là chức năng mới được bổ sung cho Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài 10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định tại Điều 7 của Nghị định, Ủy ban nhân dân cấp huyện được tổ chức một số cơ quan chuyên môn để phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính cấp huyện, như: Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng và Phòng Dân tộc.

Đối với Phòng Kinh tế và Hạ tầng làm nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; thương mại; quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm: cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị; quản lý nghĩa trang, trừ nghĩa trang liệt sĩ; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị); nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng; giao thông; khoa học và công nghệ.

Riêng đối với các huyện có tốc độ đô thị hóa cao thì Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc tổ chức 02 phòng chuyên môn (gồm: Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị) theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 8, quy định rõ hơn điều kiện thành lập của Phòng Dân tộc. Cụ thể như sau:

Phòng Dân tộc được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

- Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển.

- Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

Trường hợp không tổ chức riêng Phòng Dân tộc thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực dân tộc do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện.

Huyện đảo Phú Quốc được thành lập đến 12 phòng chuyên môn

Ở các huyện đảo, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng huyện đảo, việc tổ chức các cơ quan chuyên môn do Ủy ban nhân dân huyện đảo trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn, bảo đảm không vượt quá 10 phòng. Riêng đối với huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang được thành lập không quá 12 phòng.

NTH
Tìm kiếm