CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Cần hoàn thiện quy định về nhiệm vụ quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng

24/02/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Đồn biên phòng là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, thực tiễn còn xảy ra một số bất cập do quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng chưa thống nhất.

“Bộ đội biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới” (Điều 1 Pháp lệnh Bộ đội biên phòng năm 1997).

Trong các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Đồn biên phòng là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Những người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Đồn biên phòng gồm Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng và cán bộ điều tra thuộc Đồn biên phòng. Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Đồn biên phòng nói riêng, Bộ đội Biên phòng nói chung được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (Luật tổ chức CQĐT hình sự) năm 2015, trong đó tập trung tại các điều 39, 164 BLTTHS năm 2015 và Điều 32 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015.

1. Một số vướng mắc, bất cập

Một là, điểm b khoản 1 Điều 32 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 quy định Bộ đội biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm tại Chương XIII và các điều 150, 151, 152,153,188,189,192, 193, 195, 207, 227, 235, 236, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 303, 304, 305, 306, 309, 330, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý thì những người quy định tại khoản 2 Điều này có nhiệm vụ, quyền hạn là:            

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyêt đinh khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, ..., trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án”.

Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 164 BLTTHS năm 2015 quy định chung chung và khoản 3 Điều 39 Bộ luật này không quy định cho Bộ đội biên phòng có quyền trưng cầu giám định đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp. Đối chiếu với các tội phạm mà Bộ đội biên phòng có thẩm quyền điều tra trong khu vực quản lý, thấy hầu hết các tội phạm đều thuộc loại nghiêm trọng trở lên (ví dụ: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia tại Chương XIII; các tội phạm về ma túy tại các điều 249, 250, 251 và 252 BLHS năm 2015...), rất ít trường hợp phạm tội thuộc loại ít nghiêm trọng (như tội “Buôn lậu” theo khoản 1 Điều 188, tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” theo khoản 1 Điều 189 BLHS năm 2015.). Trong khi đó, kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng để quyết định khởi tố vụ án trong nhiều trường hợp, ví dụ như kết luận giám định về chất ma túy và khối lượng chất ma túy. Do đó, việc BLTTHS năm 2015 quy định Bộ đội biên phòng không có nhiệm vụ, quyền hạn trưng cầu giám định khi cần thiết nhưng lại có quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp là chưa hợp lý và chưa thống nhất với điểm b khoản 1 Điều 32 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015.

Hai là, tại điểm c khoản 1 Điều 32 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 quy định Bộ đội biên phòng khi điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra xảy ra tại khu vực thuộc quyền quản lý thì có quyền “áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của BLTTHS”. Về kỹ thuật lập pháp, điểm c khoản 1 Điều 32 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 có vị trí độc lập với điểm a, điểm b. Do đó, có thể hiểu việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế của Bộ đội biên phòng không phụ thuộc vào loại tội phạm đang điều tra. Tuy nhiên, điểm c này lại quy định dẫn chiếu đến BLTTHS năm 2015; “... việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của BLTTHS”. Theo quy định của BLTTHS năm 2015, Bộ đội biên phòng có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn là giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt (trừ bắt bị can, bị cáo để tạm giam và bắt người bị yêu cầu dẫn độ), tạm giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú (riêng Đồn biên phòng có quyền này), các biện pháp cưỡng chế là dẫn giải, áp giải. Tuy nhiên, theo điểm e Điều 39 BLTTHS năm 2015, đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, Bộ đội biên phòng mới có quyền quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo BLTTHS năm 2015. Còn đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, khoản 3 Điều 39 BLTTHS năm 2015 không quy định Bộ đội biên phòng có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Như đã nêu ở trên, các tội phạm mà Bộ đội biên phòng có thẩm quyền điều tra trong khu vực quản lý hầu hết thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng trở lên (ví dụ: Tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” tại Điều 348 BLHS năm 2015 có cấu thành cơ bản tại khoản 1 với mức cao nhất của khung hình phạt là 05 năm tù, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng...).

Do đó, BLTTHS năm 2015 quy định Bộ đội biên phòng không có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế khi tiến hành tố tụng đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp là không hợp lý. Bởi lẽ, tính chất của các tội phạm mà Bộ đội biên phòng có thẩm quyền điều tra hầu hết thuộc loại nghiêm trọng trở lên, nếu không được áp dụng biện pháp ngăn chặn như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ đối với đối tượng (các biện pháp ngăn chặn “tiền khởi tố”) thì rất khó để củng cố tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là bảo đảm cho việc lấy lời khai đối tượng làm căn cứ để quyết định khởi tố vụ án, sau đó mới tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo.

Rõ ràng, sự chưa thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của BLTTHS năm 2015 và Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng đã dẫn đến những khó khăn, bất cập trong thực tế. Thực tiễn cho thấy, hiện nay các cơ quan của Bộ đội biên phòng và Viện kiểm sát có thẩm quyền vẫn áp dụng triệt để quy định tại khoản 3, 4 Điều 164 BLTTHS năm 2015 là:

“... 3. Các cơ quan của Bộ đội biên phòng... phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 39 và Điều 40 của Bộ luật này và thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng đối với hoạt động điều tra do Bộ luật này quy định. Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra của các cơ quan này.

4. Thẩm quyền điều tra cụ thể của các cơ quan của Bộ đội biên phòng... thực hiện theo quy định của Luật tổ chức CQĐT hình sự”.

2. Đề xuất, kiến nghị

Từ những phân tích về vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật nêu trên, tác giả đề xuất như sau:

Một là, sửa đối điểm a khoản 3 Điều 39 BLTTHS năm 2015 từ “thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm” thành “thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những người có liên quan và thực hiện các hoạt động khác để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật này”. Khi đó, “các hoạt động khác” sẽ được dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015 gồm các hoạt động mà cơ quan có thẩm quyền được tiến hành khi giải quyết nguồn tin về tội phạm như khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định...

Hai là, bổ sung vào khoản 3 Điều 39 BLTTHS năm 2015 và cơ cấu thành điểm “e” với nội dung tương tự như điểm e khoản 2 Điều 39 BLTTHS năm 2015 là “quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này”, cụ thể:

3. Khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, những người được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:

e) Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này”./.

Hứa Minh

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm