CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trật tự xã hội

17/01/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 16/HD-VKSTC về hướng dẫn công tác công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trật tự xã hội năm 2022.

Năm 2022, VKSND tối cao xác định nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trật tự xã hội là: Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong tình hình mới; tăng cường công tác phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng công tác theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo Viện kiểm sát địa phương.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm trên, VKSND tối cao hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt 03 nội dung lớn, gồm: Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án trật tự xã hội; công tác hướng dẫn, chỉ đạo và trả lời thỉnh thị và chế độ thông tin, báo cáo.

Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án trật tự xã hội, VKSND tối cao yêu cầu Viện kiểm sát các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng êu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 (sửa đổi, bổ sung ngày 29/11/2021) của liên ngành tư pháp Trung ương quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Đồng thời, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng VKSND tối cao về chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và các quy chế, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhằm thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Ngoài ra, để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, chỉ đạo và trả lời thỉnh thị các vụ việc, vụ án hình sự về trật tự xã hội đối với Viện kiểm sát cấp dưới, VKSND tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp quan tâm, thực hiện tốt các nội dung:

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Quy định về công tác hướng dẫn, giải đáp về pháp luật, nghiệp vụ và báo cáo thỉnh thị, trả lời thỉnh thị trong ngành Kiểm sát nhân dân.

- Tập trung hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

- Nắm chắc tình hình, kết quả giải quyết án trật tự xã hội do Viện kiểm sát cấp dưới thụ lý giải quyết thông qua nghiên cứu các báo cáo nghiệp vụ, báo cáo tháng, cáo trạng, các quyết định xử lý vụ án,…

- Thông qua theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ phải tổng hợp đánh giá các ưu điểm, hạn chế của Viện kiểm sát cấp dưới, kịp thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm khắc phục những vi phạm, thiếu sót.

- Tăng cường và nâng cao chất lượng trả lời thỉnh thị; nội dung trả lời thỉnh thị phải rõ ràng, cụ thể; không hướng dẫn, trả lời chung chung, khó thực hiện; phải phân công Kiểm sát viên có năng lực để nghiên cứu hồ sơ trả lời thỉnh thị…

TG (Giới thiệu)
Tìm kiếm