CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 24/6/2016 đến ngày 30/6/2016

01/07/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Báo Đời sống và pháp luật số 76 ngày 24/6/2016 có bài: “Xe Cảnh sát 113 gây tai nạn : Nhân chứng nói tài xế say rượu, lãnh đạo bảo không” của tác giả Mai Cường. Nội dung: Khoảng 22 giờ ngày 02/6/2016, xe ô tô mang BKS 47A -003.52 của Cảnh sát 113 Công an tỉnh Đắk Lắk chạy trên đường...

 Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 24/6/2016 đến ngày 30/6/2016

1. Báo Đời sống và pháp luật số 76 ngày 24/6/2016 có bài: “Xe Cảnh sát 113 gây tai nạn : Nhân chứng nói tài xế say rượu, lãnh đạo bảo không” của tác giả Mai Cường. Nội dung: Khoảng 22 giờ ngày 02/6/2016, xe ô tô mang BKS 47A -003.52 của Cảnh sát 113 Công an tỉnh Đắk Lắk chạy trên đường Lê Hồng Phong đã đâm vào xe máy  BKS 47B1-995.12  do anh Trần Mạnh H, sinh 1990, trú tại phường Khánh Xuân, Tp Buôn Ma Thuột điều khiển chở anh Lê Trung T là bạn ở cùng phường đi theo chiều ngược lại làm anh H bị tử vong, anh T bị thương nặng phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp Hồ Chí Minh. Khi tai nạn xảy ra, bà Trần Thị M và anh Nguyễn Văn A là nhân chứng tham gia hỗ trợ cứu giúp nạn nhân đã xác nhận thấy xe của Cảnh sát chạy rất nhanh, lấn sang đường bên trái nên đã đâm vào xe máy, người lái xe nồng nặc mùi rượu và sau đó đi khỏi hiện trường. Tuy nhiên, Đại tá Hoàng Văn Châu, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội công an tỉnh lại cho rằng lái xe Nguyễn Văn Phong không say rượu, không bỏ trốn. Nhân dân và gia đình nạn nhân rất mong vụ việc này được điều tra khách quan, xử lý đúng pháp luật.
Yêu cầu VKSND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Công lý số 51 ngày 24/6/2016 có bài: “Giám đốc doanh nghiệp bị tố lập hồ sơ khống” của tác giả Hùng Minh. Nội dung: Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp và xây dựng Hải Phòng là doanh nghiệp nhà nước đã được Cổ phần hóa từ năm 2005 nhưng Nhà nước vẫn chiếm giữ 48% vốn. Công ty được UBND Tp Hải Phòng giao nhiệm vụ kinh doanh phân bón để bán cho nông dân theo hình thức trả chậm với lãi xuất thấp chỉ có 0,15%/ tháng. Hằng năm, UBND thành phố giao cho Công ty 20 tỷ đồng ứng từ nguồn vốn ngân sách để kinh doanh và phải mở sổ theo dõi, hạch toán riêng. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay Công ty kinh doanh kém hiệu quả nên không sử dụng hết nguồn tiền ngân sách cấp ưu đãi này nhưng ông Đào Mạnh Táu là Giám đốc Công ty, đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập khống hồ sơ quyết toán để báo cáo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính và UBND thành phố đã sử dụng hết nguồn kinh phí ưu đãi để hằng năm được cấp đủ 20 tỷ đồng từ ngân sách, sau đó sử dụng nguồn tiền này vào mục đích khác, trong đó có việc  sử dụng 1,7 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty cho cá nhân ông ông Táu. Đây là hành vi cố ý làm trái và tham nhũng  đã làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nông dân thành phố về các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nông dân. Vì vậy, cần được các cơ quan pháp luật của thành phố Hải Phòng phải kiểm tra làm rõ để xử lý.
Yêu cầu VKSND Tp Hải Phòng kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh số 3108 ngày 27/6/2016 có bài: “Tòa nên tuyên các bị cáo không phạm tội” của tác giả Đinh Văn Quế. Nội dung: Vụ án Nguyễn Hoàng Khang, Nguyễn Vũ Ca, Lê Minh Nhật ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau bị VKSND huyện truy tố về tội “Cướp tài sản” là điện thoại di động của anh Lâm Chí Nhẫn đã được TAND huyện 3 lần mở phiên tòa xét xử nhưng đều phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì chứng cứ truy tố các bị can rất yếu. Tại tòa Kiểm sát viên giữ quyền công tố to tiếng quát nạt các bị cáo, gây căng thẳng tại tòa là việc không được phép làm nhưng chủ tọa phiên tòa cũng không có ý kiến gì nhắc nhở. Vì vậy, nếu Tòa thấy không đủ căn cứ truy tố thì cần thực hiện tuyên bị cáo không phạm tội hoặc Công an và VKSND tỉnh  cần rút hồ sơ lên cấp tỉnh giải quyết, làm rõ các sai phạm của Điều tra viên và Kiểm sát viên làm sai pháp luật để kiểm điểm, xử lý.
Yêu cầu VKSND tỉnh Cà Mau  kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 169 ngày 27/6/2016 có bài: “Sáu điểm mờ trong vụ án giết người ở Bình Phước” của tác giả Song Nguyễn. Nội dung: Vụ án Nguyễn Quang Tuấn bị VKSND tỉnh Bình Phước truy tố về tội giết người xảy ra tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước từ năm 2014 đã được TAND tỉnh Bình Phước trả hồ sơ để điều tra bổ sung đến 4 lần. Ngày 22/6/2016, TAND tỉnh mở phiên tòa lần thứ 5 để xét xử bị cáo nhưng các yêu cầu điều tra bổ sung của những lần trả hồ sơ trước Công an và Viện Kiểm sát vẫn chưa đáp ứng được. Vẫn còn đến 6 điểm chưa được điều tra làm rõ nên Tòa lại quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ 5. Dư luận nhân dân cho rằng các yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa nếu cơ quan Công an và Viện kiểm sát không đáp ứng được thì cần tuyên bị cáo không tội, không nên trả hồ sơ nhiều lần như thế.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước  kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Pháp luật Việt Nam số 182 ngày 30/6/2016 có bài: “Hình sự hóa quan hệ dân sự ” của tác giả Vũ Vân Anh. Nội dung: Ngày 28/6/2016, Văn phòng UBND Tp Đà Nẵng cho biết  Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng  đã có thông báo kết luận thanh tra về quản lý kinh phí tài trợ của Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Thông báo này nhận định việc ông Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc bệnh viện không nhận số tiền 37,2 tỷ đồng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tài trợ   cho bệnh viện để mua máy chụp mạch máu số hóa chuyên can thiệp về tim mạch (máy DSA) là việc làm sai trái, làm mất đi nguồn kinh phí mua sắm của bệnh viện, gây thiệt hại đến tài sản của bệnh viện và có dấu hiệu của tội phạm nên Thanh tra cần chuyển hồ sơ việc này đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố để điều tra, xử lý về hình sự. Việc này đang được dư luận thành phố rất quan tâm. Tuy nhiên, ông Trân lại rất bức xúc về việc này và cho rằng việc làm của mình không có tư lợi gì, không có gì sai trái, còn theo ý kiến của Luật sư Trần Khánh Linh, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng thì việc Ngân hàng tài trợ cho bệnh viện số tiền này để mua máy DSA thì Bệnh viện phải mua loại máy này không được mua các trang thiết bị khác. Nếu không mua thì phải trả lại tiền là hoàn toàn đúng. Vì vậy, nếu giải quyết về hình sự việc này cần phải xem lại vì đã hình sự hóa quan hệ dân sự .
Yêu cầu VKSND Tp Đà Nẵng kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Quốc Hưng
Tìm kiếm