CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

19/12/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký ban hành Quyết định số 359/QĐ-VKSTC về phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Về quan điểm ban hành Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch; góp phần tăng năng suất chất lượng lao động của mỗi cá nhân, đơn vị; đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của các cấp Kiểm sát và trong toàn Ngành.

- Quy hoạch phải phù hợp với đường lối của Đảng, quy định của Nhà nước, nhất là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phù hợp với đặc thù của ngành Kiểm sát nhân dân.

- Quy hoạch phải bảo đảm kế thừa những kết quả đã đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin từ trước đến nay phù hợp đặc thù của Ngành và phát triển của xã hội và hệ thống chính trị; có những bước đi tắt, đón đầu để bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Kiểm sát trong tình hình mới.

- Quy hoạch là căn cứ để xác định kế hoạch đầu tư hằng năm, lộ trình đầu tư các dự án công nghệ thông tin theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm tính khả thi, không trùng lắp, có sự liên thông, kết nối giữa các dự án đầu tư, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Việc thực hiện Quy hoạch là trách nhiệm của toàn Ngành, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị và Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp; đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động; xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành để tập trung chỉ đạo thực hiện. 

Mục tiêu của Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin

1. Mục tiêu tổng quát

Khẩn trương chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin của Ngành thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt hướng tới điện toán đám mây; phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có. Có khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để phục vụ có hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát, đáp ứng các yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong và ngoài Ngành. Đến năm 2030, cơ bản chuyển các hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân lên môi trường số; thay đổi cách thức vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành theo hướng chuyển đổi số.

2. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

2.1. Ứng dụng trong quản lý, chỉ đạo điều hành

- 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành được gắn định danh số trong xử lý công việc, sử dụng thành thạo các ứng dụng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn; được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin.

- Có khả năng đáp ứng về nền tảng quản trị thống nhất cho 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của Viện kiểm sát; 100% nhiệm vụ giao xuống các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện được cập nhật trên hệ thống quản lý công việc; Viện kiểm sát cấp trên có thể theo dõi, kiểm tra được tiến độ công việc của Viện kiểm sát cấp dưới và Thủ trưởng đơn vị có thể quản lý công việc của từng công chức, viên chức thông qua môi trường số và hệ thống thông tin.

- 100% văn bản trao đổi, xử lý công việc hành chính trong ngành Kiểm sát  nhân dân được thực hiện trên môi trường mạng, có chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật và của Ngành).

- Khi có yêu cầu, 100% các cuộc họp có thể tổ chức bằng hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống; 100% các điểm cầu cho phép họp trên các thiết bị di động như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Các chương trình tập huấn, thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý nhà nước có thể thực hiện trực tuyến và đảm bảo chất lượng khi có yêu cầu; tăng cường khả năng làm việc từ xa của công chức, viên chức.

- 100% hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được xác nhận, lưu trữ trên cơ sở dữ liệu nhân sự bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin và quản lý theo phân cấp, kịp thời cập nhật thông tin, dữ liệu khi có thay đổi, bảo đảm liên thông với hồ sơ quản lý đảng viên, quản lý công tác thanh tra, quản lý công tác thi đua khen thưởng...

- 100% đơn vị dự toán trong Ngành sử dụng đầy đủ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính - kế toán, quản lý đầu tư, quản lý tài sản công.

- 100% cơ sở dữ liệu của các đơn vị phục vụ, hành chính - sự nghiệp trong Ngành được hình thành và kết nối, chia sẻ trong nội bộ, có thể liên thông với đơn vị ngoài Ngành khi có yêu cầu.

2.2. Ứng dụng trong hoạt động nghiệp vụ

- 100% hồ sơ vụ án, vụ việc trong ngành Kiểm sát đã đưa vào lưu trữ được số hóa, trên cơ sở đó hình thành kho dữ liệu số về các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát.

- Đến năm 2025, khoảng 60% hồ sơ nghiệp vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát các cấp được số hóa, bảo đảm phục vụ hiệu quả cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và lưu trữ hồ sơ khi kết thúc các hoạt động nghiệp vụ. Đến năm 2030, tỷ lệ số hóa hồ sơ nghiệp vụ là 100%.

- 100% các loại sổ sách theo dõi các khâu công tác về nghiệp vụ (sổ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm; sổ thụ lý điện tử hình sự, sổ thụ lý kiểm sát án dân sư,…) được thực hiện trên các phần mềm quản lý.

- 100% báo cáo thống kê liên ngành, thống kê nghiệp vụ kiểm sát được thực hiện dưới dạng điện tử, được số hóa, áp dụng chữ ký số, thực hiện tự động trên nền tảng ứng dụng.

- Phát triển, trang bị trợ lý ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ cho hoạt động của Kiểm sát viên trong tra cứu văn bản pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ, tham khảo nghiệp vụ đối với các loại vụ việc, vụ án tương tự.

- 100% giám định về âm thanh, hình ảnh khi có nhu cầu được thực hiện tại Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao; đáp ứng 100% các cuộc hỏi cung bị can yêu cầu có hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh.

- 100% các loại văn bản, giấy tờ có thể tống đạt, cung cấp cho người nhận (đương sự, bị can, bị cáo, bị án, luật sư...) bằng hình thức điện tử khi họ có nhu cầu và phải đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Bảo đảm điều kiện kỹ thuật để tiếp nhận các loại đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, đương sự và trả lời theo hình thức trực tuyến.

- Sẵn sàng kết nối để thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành trong việc trao đổi thông tin; tổ chức phiên tòa trực tuyến, hỏi cung, lấy lời khai trực tuyến khi có yêu cầu và kết nối, chia sẻ dữ liệu để thực hiện nhiệm vụ được quy định trong Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư.

2.3. Các chỉ tiêu khác

- Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành kho dữ liệu điện tử dùng chung trong toàn Ngành; từng bước ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- Các đơn vị trong Ngành sử dụng ứng dụng về quản lý khoa học, hợp tác quốc tế, thi đua, khen thưởng...

- Có khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo, phần mềm ứng dụng để phân tích, so sánh, đánh giá, dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật để có kế hoạch đấu tranh, phòng chống hiệu quả và phục vụ báo cáo Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, kiến nghị phòng ngừa.

- Hoạt động của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh; Báo Bảo vệ pháp luật; Tạp chí Kiểm sát được phát triển trên môi trường số, các dịch vụ được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

- Cung cấp đầy đủ thông tin (trừ thông tin thuộc chế độ mật) trên Cổng thông tin điện tử, kịp thời tiếp nhận trao đổi, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.

- Cấp độ an toàn hệ thống thông tin phục vụ hoạt động nội bộ đạt cấp độ 4.

Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 còn nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Quy hoạch này như: Nâng cao, thay đổi nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu, các ứng dụng hướng tới phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin; phát triển nguồn nhân lực…

File đính kèm
TL (tổng hợp)
Tìm kiếm