CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thông báo rút kinh nghiệm về vi phạm trong giải quyết án kinh doanh thương mại “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng”

14/12/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Thông qua công tác kiểm sát giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn: Ngân hàng DK, bị đơn: Anh Đỗ Văn H và chị Phí Hồng T, do Tòa án nhân dân thành phố H xét xử phúc thẩm tại Bản án số 94/2020/KDTM-PT ngày 27/6/2020, VKSND cấp cao tại Hà Nội nhận thấy trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp phúc thẩm có các vi phạm, cần rút kinh nghiệm.

1. Nội dung vụ án và quá trình tiến hành tố tụng

Nguyên đơn - Ngân hàng DK (viết tắt là Ngân hàng) trình bày tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án:

Ngày 27/6/2011, Ngân hàng và anh Đỗ Văn H, chị Phí Hồng T (là vợ anh H) ký kết Hợp đồng tín dụng số 013/0491/HĐTD/GPB-SGD với nội dung: Ngân hàng cho anh H, chị T vay 02 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho hộ kinh doanh cá thể; thời hạn vay 12 tháng; lãi suất kỳ đầu tiên là 23,5 %/năm; lãi suất được điều chỉnh 01 tháng/01 lần vào ngày mùng 10 hàng tháng, bằng lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng cuối kỳ cộng (+) biên độ theo quy định của Ngân hàng tại thời điểm điều chỉnh. Lịch trả lãi: Lãi trả hàng tháng vào ngày 15. Lịch trả nợ gốc: Gốc trả cuối kỳ. Về lãi suất nợ quá hạn: Mục I “Các điều khoản chung của hợp đồng tín dụng” (Dùng cho khách hàng cá nhân; đính kèm và là một bộ phận không thể tách rời của Hợp đồng tín dụng số 013/0491/HĐTD/GPB-SGD ngày 27/6/2011) quy định: Lãi suất nợ quá hạn bằng 150 % lãi suất vay trong hạn được xác định tại thời điểm khoản vay chuyển sang quá hạn.

Tài sản bảo đảm cho khoản vay trên là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng 40,30m2 đất ở tại thửa đất số 53, tờ bản đồ số 7H-III-39 và ngôi nhà 03 tầng trên đất có địa chỉ tại P4 D2, tập thể V, phường VC, quận D, thành phố H (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở số 10109072814, do UBND quận D, thành phố H cấp cho ông Phí Kim M và bà Nguyễn Thị T ngày 25/3/2004) theo Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba ngày 23/6/2011, được công chứng tại Văn phòng Công chứng HG, số công chúng 011547/2011. Ông Phí Kim M, bà Nguyễn Thị T và Ngân hàng đã đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nêu trên tại Phòng Tài nguyên và Môi trường quận D ngày 27/6/2011.

Ngân hàng đã giải ngân cho anh H và chị T số tiền vay 02 tỷ đồng theo Khế ước nhận nợ số 013/0491/HĐTD/GPB-SGD/2011 ngày 27/6/2011, anh H ký nhận 02 tỷ đồng tại Giấy lĩnh tiền ngày 27/6/2011. Sau khi nhận tiền vay, từ ngày 27/6/2011 đến thời điểm Ngân hàng khởi kiện vụ án, ngày 04/3/2013, anh Đỗ Văn H và chị Phí Hồng T chỉ trả nợ số tiền lãi: 147.217.148 đồng (gồm lãi trong hạn 146.779.179 đồng, lãi quá hạn 437.969 đồng). Anh H, chị T vi phạm nghĩa vụ trả lãi từ tháng 03/2012; tính đến ngày xét xử sơ thẩm 27/11/2019, tổng dư nợ là 7.600.501.407 đồng, trong đó, nợ gốc là 02 tỷ đồng, lãi trong hạn 325.503.043 đồng, lãi quá hạn 5.274.998.364 đồng.

Ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc anh Đỗ Văn H và chị Phí Hồng T thanh toán trả Ngân hàng số tiền: 02 tỷ đồng nợ gốc; lãi trong hạn: 325.503.043 đồng; lãi quá hạn: 5.274.998.364 đồng và tiền lãi phát sinh cho đến khi thanh toán xong toàn bộ khoản nợ theo hợp đồng tín dụng hai bên đã ký kết. Trường hợp anh H, chị T không thanh toán được khoản nợ nêu trên thì Ngân hàng có quyền đề nghị Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền phát mãi tài sản đảm bảo cho khoản vay nêu trên để thu hồi toàn bộ khoản nợ.

Bị đơn - anh Đỗ Văn H và chị Phí Hồng T thừa nhận vợ chồng anh, chị ký kết Hợp đồng tín dụng số 013/0491/HĐTD/GPB-SGD ngày 27/6/2011, vay của Ngân hàng số tiền 02 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là quyền sở hữu nhà và đất của ông Phí Kim M và bà Nguyễn Thị T như trình bày của Ngân hàng. Vợ chồng anh, chị đã trả được 05 tháng tiền lãi. Từ tháng 4/2012, do việc kinh doanh gặp khó khăn, anh, chị không có khả năng thanh toán nợ. Anh chị đề nghị Ngân hàng miễn cho anh, chị số tiền lãi suất, xin được thanh toán số tiền gốc chậm nhất vào ngày 31/10/2015.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phí Kim M, bà Nguyễn Thị T thống nhất trình bày: Ông, bà đã ký kết hợp đồng thế chấp tài sản thuộc sở hữu của ông, bà là nhà đất tại P4-D2 tập thể V cho Ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay của chị T, anh H (là con gái và con rể của ông, bà). Hiện trạng tài sản thế chấp không có gì thay đổi kể từ khi tài sản được thế chấp cho đến nay, toàn bộ tài sản thế chấp là của ông M và bà T, không có công sức đóng góp của người khác.

Bản án sơ thẩm số 37/2019/KDTM-ST ngày 27/11/2019 của Tòa án nhân dân quận HD quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng. Buộc anh Đỗ Văn H và chị Phí Hồng T có trách nhiệm thanh toán trả Ngân hàng số tiền còn nợ theo Hợp đồng tín dụng số 013/0491/HĐTD/GPB-SGD/2011 ngày 27/6/2011 tính đến hết ngày 27/11/2019 là: 7.600.501.407 đồng (trong đó: nợ gốc 02 tỷ đồng; lãi trong hạn: 325.503.043 đồng; lãi quá hạn: 5.274.998.364 đồng).

Kể từ ngày 28/11/2019, anh Đỗ Văn H và chị Phí Hồng T còn phải chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong Hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc.

Trường hợp anh Đỗ Văn H, chị Phí Hồng T không trả được toàn bộ khoản nợ nêu trên thì Ngân hàng có quyền đề nghị Cơ quan Thi hành án xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Trường hợp sau khi phát mại tài sản thế chấp, số tiền phát mại không đủ thanh toán thì anh Hải, chị Trang phải có nghĩa vụ tiếp tục trả số tiền còn nợ cho Ngân hàng đến khi thanh toán hết toàn bộ số tiền còn nợ. Trường hợp số tiền phát mại tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn số tiền anh H, chị T còn nợ Ngân hàng thì số tiền còn lại sau khi thanh toán khoản nợ được trả cho người thế chấp là bà Nguyễn Thị T và người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Phí Kim M (do ông M đã chết trong quá trình giải quyết vụ án).

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự. Bản án sơ thẩm nêu trên bị bà Nguyễn Thị T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo đối với phần quyết định về xử lý tài sản thế chấp.

Bản án phúc thẩm số 94/2020/KDTM-PT ngày 27/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố H quyết định: Buộc anh Đỗ Văn H và chị Phí Hồng T phải trả nợ cho Ngân hàng số tiền còn nợ theo Hợp đồng tín dụng số 013/0491/HĐTD/GPB- SGD/2011 ngày 27/6/2011 với số tiền nợ gốc là 02 tỷ đồng.

Chưa chấp nhận yêu cầu đòi nợ lãi của Ngân hàng do không xuất trình được các tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất. Giành quyền khởi kiện về số tiền nợ lãi theo Hợp đồng tín dụng số 013/0491/HĐTD/GPB- SGD/2011 ngày 27/6/2011 ký kết giữa hai bên nêu trên cho Ngân hàng đối với ông Đỗ Văn H và chị Phí Hồng T khi xuất trình được đủ tài liệu khởi kiện.

Trường hợp anh Đỗ Văn H, chị Phí Hồng T không trả hoặc trả không được toàn bộ khoản nợ nêu trên thì Ngân hàng có quyền đề nghị Cơ quan Thi hành án xử lý tài sản bảo đảm là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, diện tích đất 40.30m2 tại thửa đất số 53, tờ bản đồ số 7H-III-39, có địa chỉ tại P4-D2, tập thể V, phường VC, quận D, thành phố H theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10109072814 do UBND quận D, thành phố H cấp ngày 25/3/2004, đứng tên ông Phí Kim M và bà Nguyễn Thị T để thu hồi nợ cho Ngân Hàng. Trường hợp số tiền phát mại tài sản thế chấp lớn hơn số tiền anh H, chị T còn nợ Ngân hàng thì số tiền sau khi thanh toán nợ được trả cho người thế chấp là bà Nguyễn Thị T và người thừa kế (quyền và nghĩa vụ tố tụng) của ông Phí Kim M nếu thời điểm đó Ngân hàng chưa khởi kiện đòi khoản nợ lãi.

Ngày 21/9/2020, Ngân hàng có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm nêu trên. Ngày 30/11/2021, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 20/2021/KN-KDTM, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hủy Bản án Phúc thẩm số 94/2020/KDTM-PT ngày 27/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố H, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố H xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Quyết định giám đốc thẩm số 12/2022/KDTM-GĐT ngày 27/5/2022 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định:

Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 20/2021/KN-KDTM ngày 30/11/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Hủy Bản án phúc thẩm số 94/2020/KDTM-PT ngày 27/6/2020 của TAND thành phố H, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố H xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

Vi phạm quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm:

Trong vụ án này, bị đơn là anh Đỗ Văn H và chị Phí Hồng T thừa nhận việc vay Ngân hàng số tiền 02 tỷ đồng. Tính đến ngày xét xử, anh H, chị T còn nợ toàn bộ số tiền gốc: 02 tỷ đồng. Số tiền lãi Ngân hàng yêu cầu anh H, chỉ T phải thanh toán tính đến ngày xét xử sơ thẩm là: Lãi trong hạn 325.503.043 đồng; lại quá hạn 5.276.932.611 đồng. Anh H, chị T không có ý kiến về số tiền lãi, chỉ đề nghị nguyên đơn xem xét miễn nghĩa vụ trả lãi suất. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc anh H, chị T phải trả nợ cho nguyên đơn số tiền nợ gốc và tiền lãi theo yêu cầu của nguyên đơn. Anh H, chị T không kháng cáo quyết định này của Bản án sơ thẩm, chỉ có bà Nguyễn Thị T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo đối với phần quyết định xử lý tài sản thế chấp. Nhưng khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm lại sửa phần quyết định của Bản án sơ thẩm về nghĩa vụ trả lãi của bị đơn là vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm theo quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 293 quy định: “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị”).

Vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ:

Ngày 27/6/2011, anh H, chị T đã được Ngân hàng giải ngân số tiền 02 tỷ đồng theo Hợp đồng tín dụng số 013/0491/HĐTD/GPB-SGD ngày 27/6/2011. Đến ngày 27/6/2012, anh H, chị T vẫn chưa trả được nợ gốc, do vậy số nợ gốc đã được chuyển thành nợ quá hạn. Việc tính lãi suất quá hạn đối với nợ gốc quá hạn được thực hiện theo Mục I “Các điều khoản chung” của hợp đồng tín dụng bằng 150% lãi suất vay trong hạn được xác định tại thời điểm khoản vay chuyển sang quá hạn.

Như vậy, việc Ngân hàng đã cung cấp cho Tòa án căn cứ để tính lãi suất đến tháng 6/2012 (Quyết định số 1012/2012/QĐ-TGĐ ngày 27/6/2012 của Tổng giám đốc Ngân hàng “Về việc ban hành biểu lãi suất cho vay tối thiểu”) là đã đủ cơ sở để tính lãi suất quá hạn mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn từ ngày 27/6/2012 đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Việc Tòa án cấp phúc thẩm nhận định Ngân hàng chưa xuất trình căn cứ tính lãi quá hạn từ tháng 6/2012 đến thời điểm xét xử sơ thẩm là đánh giá chứng cứ không toàn diện, không chính xác, dẫn đến việc đưa ra quyết định chưa chấp nhận yêu cầu đòi nợ lãi của Ngân hàng, giành quyền khởi kiện yêu cầu đòi nợ lãi đối với bị đơn trong vụ án khác là không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Đưa ra quyết định thiếu căn cứ, trái với quy định của Bộ luật Dân sự

Tại Điều 2 Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba ngày 23/6/2011 thể hiện: Ông Phí Kim M và bà Nguyễn Thị T (bên thế chấp) thế chấp nhà đất của mình cho Ngân hàng (bên nhận thế chấp) để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho anh H, chị T (bên vay vốn). Nghĩa vụ được bảo đảm bảo theo hợp đồng thế chấp này gồm nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn mà anh H, chị T phải trả nợ cho Ngân hàng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng như quá trình giải quyết vụ án, các bên không có thỏa thuận nào khác về nội dung này.

Việc Tòa án cấp phúc thẩm đưa ra quyết định: “Trường hợp số tiền phát mại tài sản thế chấp lớn hơn số tiền anh H, chị T còn nợ Ngân hàng thì số tiền sau khi thanh toán nợ được trả cho người thế chấp là bà Nguyễn Thị T và người thừa kế (quyền và nghĩa vụ tố tụng) của ông Phí Kim M nếu thời điểm đó Ngân hàng chưa khởi kiện đòi khoản nợ lãi”. Nội dung tuyên như vậy sẽ dẫn đến việc Ngân hàng có thể bị mất quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả số tiền lãi mà anh H, chị T chưa trả. Đồng thời trái với thỏa thuận về nghĩa vụ của bên thế chấp trong Hợp đồng thế chấp đã có hiệu lực pháp luật và trái với quy định tại Điều 293 Bộ luật Dân sự (khoản 1 Điều 293 quy định: “Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại”).

TL (tổng hợp)
Tìm kiếm