CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO LÀM VIỆC VỚI BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC BẢO MẬT, AN NINH MẠNG VIỄN THÔNG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

05/06/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 04/6/2008, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức họp với Ban Cơ yếu Chính phủ bàn kế hoạch tiếp tục phối hợp công tác và bảo mật, an ninh mạng viễn thông ngành Kiểm sát nhân dân. Tiến sỹ Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo cuộc họp. Cùng dự có đại diện Lãnh đạo Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Thống kê tội phạm, cán bộ, công chức làm công việc liên quan công tác cơ yếu và công nghệ thông tin. Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ, có Tiến sỹ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, đại diện Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc tham dự
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO LÀM VIỆC VỚI BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ
VỀ CÔNG TÁC BẢO MẬT, AN NINH MẠNG VIỄN THÔNG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

 

Ngày 04/6/2008, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức họp với Ban Cơ yếu Chính phủ bàn kế hoạch tiếp tục phối hợp công tác và bảo mật, an ninh mạng viễn thông ngành Kiểm sát nhân dân. Tiến sỹ Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo cuộc họp. Cùng dự có đại diện Lãnh đạo Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Thống kê tội phạm, cán bộ, công chức làm công việc liên quan công tác cơ yếu và công nghệ thông tin. Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ, có Tiến sỹ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, đại diện Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc tham dự.

Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao công tác cơ yếu ngành Kiểm sát nhân dân được triển khai, hoạt động từ năm 1988. Đường truyền liên lạc cơ yếu đã phủ kín ở 64 Viện kiểm sát tỉnh, TP trực thuộc Trung ương với hai Trung tâm chủ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động, đường truyền liên lạc cơ yếu của ngành Kiểm sát nhân dân được Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan thuộc ngành Cơ yếu quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mật mã và các thiết bị bảo mật. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, triển khai nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ và chuyên môn. Chất lượng công tác cơ yếu được nâng cao, đảm bảo bí mật, kịp thời, chính xác thông tin, phục vụ tích cực cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp.
 Ngày 28/7/2006, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban cơ yếu Chính phủ ký văn bản số 01/VKSTC-BCY thống nhất thỏa thuận phối hợp trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin giai đoạn 2006 - 2010. Theo lộ trình thỏa thuận, Ban Cơ yếu Chính phủ đầu tư trang bị sản phẩm mật mã (hệ thống máy mã thoại Fax MTF-2000) kèm theo bộ bảo mật các bản Fax (cấp độ mật) và bảo mật các cuộc đàm thoại ở Viện kiểm sát các cấp. Tại buổi làm việc, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục hỗ trợ công tác cơ yếu và công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân bao gồm: trang bị bổ sung thiết bị kỹ thuật, mã hóa bảo mật, giám sát an ninh mạng; xây dựng hệ thống bảo mật phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến của Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Viện kiểm sát địa phương, trang tin điện tử (Website) Viện kiểm sát nhân dân tối cao...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá cao kết quả công tác cơ yếu ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được và khẳng định: Ban cơ yếu Chính phủ tiếp tục phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thành những nội dung liên quan theo lộ trình thỏa thuận, đặc biệt về công tác bảo mật, an ninh mạng viễn thông của ngành Kiểm sát nhân dân. Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đề cập đến sự phối hợp giữa hai ngành về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cơ yếu ngành Kiểm sát nhân dân.
Trong lời kết luận, Phó Viện trưởng Dương Thanh Biểu cảm ơn sự quan tâm, phối hợp có hiệu quả của Ban cơ yếu Chính phủ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác cơ yếu thời gian qua. Trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp hiện nay, nhất là trước yêu cầu thực tiễn phát triển công nghệ thông tin, công tác bảo mật, an ninh mạng viễn thông của ngành Kiểm sát nhân dân có ý nghĩa quan trọng và cấp bách. Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cơ yếu trong toàn ngành. Phó Viện trưởng chỉ đạo Văn phòng, Cục Thống kê tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện kế hoạch theo lộ trình thỏa thuận, đồng thời triển khai kế hoạch bảo mật, an ninh mạng viễn thông ngành Kiểm sát nhân dân và các nội dung đã thống nhất tại cuộc họp này.
Tin và ảnh: Ban Biên tập 
Tìm kiếm