CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tin hoạt động VKSND địa phương Nghệ An – Gia Lai – Tiền Giang – Sóc Trăng – Phú Yên

31/08/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 31/8/2018 gồm những nội dung chính sau: VKSND thành phố Vinh phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; VKSND tỉnh Gia Lai tiến hành thanh tra hành chính ...

Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 31/8/2018 gồm những nội dung chính sau: VKSND thành phố Vinh phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; VKSND tỉnh Gia Lai tiến hành thanh tra hành chính và kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát nhân dân tại VKSND thành phố Pleiku; VKSND tỉnh Phú Yên phối hợp với Công an, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhằm hạn chế án hình sự sơ thẩm bị hủy để điều tra, xét xử lại”...

VKSND thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An: Thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát năm 2018, ngày 29/8/2018, VKSND thành phố Vinh phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án hình sự Nguyễn Văn Tiến và đồng phạm về tội “Trộm cắp tài sản”“Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 3, Điều 173 và khoản 2, Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Toàn cảnh phiên tòa rút kinh nghiệm

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã chủ động tham gia xét hỏi, tranh luận; phân tích, đánh giá đầy đủ nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nguyên nhân phạm tội, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Căn cứ kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa và trên cơ sở đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tiến 10 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Công 9 năm 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; Hoàng Khánh Cẩm 24 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Sau khi phiên tòa kết thúc, VKSND thành phố Vinh tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá những ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế đối với Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án. Tại cuộc họp, các đại biểu đã đánh giá thẳng thắn kỹ năng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên, đồng thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Công Phú, Viện trưởng VKSND thành phố yêu cầu mỗi cán bộ, Kiểm sát viên thông qua việc tham dự các phiên tòa cần rút kinh nghiệm cho riêng mình, tích cực học hỏi, nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

VKSND tỉnh Gia Lai: Vừa qua, VKSND tỉnh Gia Lai đã tiến hành thanh tra hành chính và kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát nhân dân tại VKSND thành phố Pleiku.

Đồng chí Nguyễn Đình Quang, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai chủ trì cuộc họp

Kết quả thanh tra cho thấy, trong năm 2017 và 2018, VKSND thành phố Pleiku có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Đơn vị đã tổ chức làm việc theo đúng bộ máy, biên chế được giao. Xây dựng, thực hiện đầy đủ các quy chế làm việc của cơ quan, quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng tài sản công và các quy chế phối hợp giữa thủ trưởng cơ quan với các tổ chức đoàn thể, bảo đảm thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát nhân dân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời ký kết, ban hành nhiều quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Công tác quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh tư pháp, việc phân loại cán bộ, công chức và công tác thi đua khen thưởng được chấp hành đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và của Ngành. 100% cán bộ, công chức, người lao động chấp hành tốt quy định của pháp luật về những điều công chức không được làm và thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định về hoạt động nghiệp vụ của Ngành. Các chế độ về lương, thưởng, phụ cấp và chính sách khác đối với công chức, người lao động được thực thi đầy đủ, đúng quy định; nội bộ cơ quan đoàn kết, thống nhất; chi bộ cơ quan và các tổ chức đoàn thể đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”. Bên cạnh đó, Đoàn thanh tra, kiểm tra cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót về trình tự, thủ tục trong một số mặt công tác, đồng thời kiến nghị đơn vị có biện pháp khắc phục, bổ sung và rút kinh nghiệm, bảo đảm thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đình Quang, Viện trưởng VKSND tỉnh biểu dương những kết quả tích cực VKSND thành phố Pleiku đã đạt được. Đồng chí yêu cầu đơn vị tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường kiểm tra trong các khâu công tác nghiệp vụ và việc chấp hành kỷ luật công vụ, nội vụ; tiếp tục phát huy các ưu điểm, đề ra biện pháp khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót; toàn đơn vị tiếp tục nỗ lực, thi đua phấn đầu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác năm 2018 và những năm tiếp theo.

VKSND huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang: Ngày 29/8/2018, Ban chấp hành Chi đoàn Viện kiểm sát – Tòa án huyện Tân Phú Đông phối hợp với Đoàn trường THCS&THPT Phú Thạnh, Chi đoàn Công an huyện tổ chức phiên tòa giả định về ma túy tại Nhà văn hóa huyện Tân Phú Đông. Đến dự phiên tòa có hơn 200 học sinh, đoàn viên thanh niên huyện Tân Phú Đông.

Toàn cảnh phiên tòa giả định

Phiên tòa giả định dựa trên vụ án có thật với tình huống gần gũi trong đời sống thường ngày nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em học sinh, đoàn viên thanh niên và người dân trên địa bàn huyện, đồng thời tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy tổng hợp, cần sa và các chất hướng thần mới để nâng cao ý thức tự phòng ngừa cho cộng đồng.

VKSND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng: Ngày 23/ 8/2018, Đoàn kiểm sát VKSND huyện Mỹ Xuyên phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tòa án nhân dân cùng cấp tiến hành trực tiếp kiểm sát tại Nhà tạm giữ Công an huyện Mỹ Xuyên.

Toàn cảnh buổi làm việc

Kết quả kiểm sát cho thấy: Nhà tạm giữ Công an huyện Mỹ Xuyên đã làm tốt công tác quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam; việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án phạt tù được đảm bảo đúng quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản khác có liên quan. Bên cạnh những mặt làm được, Đoàn kiểm sát nhận thấy Nhà tạm giữ vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót cần được khắc phục như: Sổ sách chưa ghi chép đầy đủ, chính xác các cột mục theo quy định tại Thông tư số 20/2016/TT-BCA ngày 08/6/2016 của Bộ Công an; thông báo sắp hết thời hạn tạm giam chưa chính xác nội dung nơi nhận…

Trên cơ sở đó, VKSND huyện Mỹ Xuyên đã ban hành kiến nghị số 04/KN-VKS-GG ngày 28/8/2018 yêu cầu Nhà tạm giữ Công an huyện Mỹ Xuyên khắc phục các vi phạm nêu trên để công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại đơn vị được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

 VKSND tỉnh Phú Yên: Ngày 30/8/2018, VKSND tỉnh Phú Yên phối hợp với Công an, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhằm hạn chế án hình sự sơ thẩm bị hủy để điều tra, xét xử lại”.

Theo báo cáo “Thực trạng và giải pháp nhằm hạn chế án hình sự sơ thẩm bị hủy án để điều tra, xét xử lại” được trình bày tại Hội thảo, trong năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh đã xử phúc thẩm 340 vụ/ 473 bị cáo, tuyên hủy án sơ thẩm của cấp huyện để điều tra, xét xử lại 34vụ/54 bị cáo. Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm hủy án sơ thẩm của cấp tỉnh 3 vụ/22 bị cáo; xét xử giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm 5 vụ/6 bị cáo.

Đáng chú ý, trong số các vụ án bị hủy để điều tra, xét xử lại, tội “Cố ý gây thương tích” chiếm tỷ lệ cao nhất là 20 vụ, tiếp theo là tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” 4 vụ, trộm cắp tài sản 2 vụ, tổ chức đánh bạc 2 vụ, hủy hoại rừng 2 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1 vụ.

Toàn cảnh Hội thảo

Việc hủy án để điều tra lại hoặc xét xử lại chủ yếu là do việc điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, vi phạm trong công tác khám nghiệm hiện trường, giám định, vi phạm giới hạn của việc xét xử...

Nguyên nhân dẫn đến hủy án để điều tra, xét xử lại về mặt khách quan chủ yếu là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; việc hướng dẫn, giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên. Về nguyên nhân chủ quan, công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và công tác xét xử các vụ án hình sự còn nhiều tồn tại, hạn chế; công tác phối hợp liên ngành tại một số đơn vị chưa chặt chẽ…

Việc tổ chức Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm giúp các đơn vị đánh giá đúng thực trạng và tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng án hình sự sơ thẩm bị hủy để điều tra, xét xử lại trong thời gian tới.

Hồng Quyên

(tổng hợp)

Tìm kiếm