CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tin hoạt động VKSND địa phương Thái Nguyên – Hà Nam – Quảng Nam – Bình Thuận

30/09/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 30/9/2019 gồm những nội dung chính sau: VKSND tỉnh Hà Nam tọa đàm với Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Nhật Bản; VKSND tỉnh Quảng Nam phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề...

 

Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 30/9/2019 gồm những nội dung chính sau: VKSND tỉnh Hà Nam tọa đàm với Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Nhật Bản; VKSND tỉnh Quảng Nam phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề về “Công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng”; Chi đoàn VKSND tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật…

VKSND tỉnh Thái Nguyên: Ngày 27/9/2019, tại VKSND tỉnh Thái Nguyên, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế”.  

Đồng chí Đặng Xuân Trường, Trưởng Ban Nội chính

Tỉnh ủy Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tại hội nghị, các đơn vị phát biểu tham luận về các vấn đề còn vướng mắc, giải pháp tháo gỡ và phương hướng nhiệm vụ để giải quyết tốt việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Các ý kiến đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót trong công tác như: Chất lượng bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên chưa cao; việc xác minh tài sản, thu nhập của bị can chưa triệt để; việc đánh giá, xác định thiệt hại, thất thoát, tài sản bị chiếm đoạt chưa chính xác; chuyển giao bản án giữa các cơ quan chưa đúng theo quy định...

 Hội nghị đã tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tham luận và đề ra giải pháp khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong thời gian tới. Trong đó cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan tố tụng; nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, Điều tra viên, Kiểm sát viên; đặc biệt chú trọng đến công tác tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm qua việc giải quyết các vụ án, đồng thời thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo trong Ngành và cấp ủy địa phương để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn.

          VKSND tỉnh Hà Nam: Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác quốc tế với JICA Nhật Bản, ngày 25/9/2019, VKSND tỉnh Hà Nam tổ chức buổi tọa đàm với Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Nhật Bản do ông Ryu Uehara, Cục trưởng Cục cảnh sát thuộc Tổng cục Hình sự, Bộ Tư pháp Nhật Bản làm Trưởng đoàn.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn công tác Nhật Bản đến làm việc tại Việt Nam và dành thời gian làm việc với VKSND tỉnh để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tại buổi tiếp, ông Ryu Uehara, Cục trưởng Cục cảnh sát thuộc Tổng cục Hình sự, Bộ Tư pháp Nhật Bản cảm ơn sự đón tiếp của lãnh đạo VKSND tỉnh Hà Nam.

Ông Ryu Uehara cho biết, mục đích chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự giữa VKSND tối cao Việt Nam và Bộ Tư pháp Nhật Bản; trao đổi về những xu hướng cải cách gần đây trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Nhật Bản; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, điều tra kỹ thuật số và kinh nghiệm thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

Tại buổi tọa đàm, cán bộ, Kiểm sát viên VKSND tỉnh đã thảo luận sôi nổi với các chuyên gia Nhật Bản để tìm hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ cao trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là các phương pháp, kỹ thuật để xử lý chứng cứ dưới dạng dữ liệu điện tử; thu thập, bảo toàn, phân tích chứng cứ kỹ thuật số để điều tra vụ việc; khôi phục dữ liệu chứng cứ đã bị xóa; quy định của pháp luật Nhật Bản về việc thu hồi, trưng thu tài sản do phạm tội mà có nhất là trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng...

Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng VKSND tỉnh đánh giá nội dung mà các chuyên gia trình bày rất thiết thực, trong đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam các vấn đề này đang có những nhận thức khác nhau dẫn đến vướng mắc. Do vậy, việc tổ chức buổi tọa đàm là cơ hội để cán bộ, Kiểm sát viên VKSND hai cấp tỉnh Hà Nam được tiếp thu kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn trong thực thi pháp luật và trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao.

VKSND tỉnh Quảng Nam: Ngày 26/9/2019, VKSND tỉnh Quảng Nam phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề về “Công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng”.

Đồng chí Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Phạm Đăng Anh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam trình bày tóm tắt nội dung báo cáo chuyên đề về “Công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng”. Báo cáo đánh giá khái quát về tình hình chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ ngày 01/12/2016 đến ngày 31/5/2019. Cụ thể như sau: Tổng số bị án phải thi hành là 1814 bị án; số được tha tù trước thời hạn có điều kiện 35 bị án; đã giải quyết 1159 bị án, còn đang chấp hành án 655 bị án. Các địa phương đã lập hồ sơ đúng thủ tục quy định, cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt cho 1097 bị án; xét rút ngắn thời gian thử thách án treo, giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ cho 380 bị án. Đa số người chấp hành án đã tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, qua thực hiện chức năng kiểm sát trong lĩnh vực này Viện kiểm sát hai cấp đã phát hiện một số vi phạm và ban hành 2 kháng nghị, 166 kiến nghị, 42 yêu cầu và 5 kiến nghị riêng đối với UBND huyện yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục. Báo cáo cũng đề cập đến những thiếu sót, hạn chế của các địa phương, nhất là cấp xã, chỉ ra nguyên nhân và đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng trong thời gian tới. 

Các đại biểu tại các điểm cầu còn được nghe các đơn vị như Viện kiểm sát cấp huyện, cơ quan Thi hành án hình sự, UBND các phường, xã phát biểu tham luận, chỉ ra những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, khó khăn và đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Viện trưởng VKSND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Đối với Tòa án nhân dân các cấp: Ra quyết định thi hành án chuyển giao bản án, quyết định thi hành án cho cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh, huyện để tổ chức thi hành đúng quy định pháp luật; theo dõi, đôn đốc, phối hợp kịp thời với các cơ quan giải quyết các vấn đề vướng mắc trong việc tổ chức thi hành quyết định nêu trên.

- Đối với cơ quan Thi hành án hình sự của Công an: Cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, cần quan tâm công tác tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ thi hành án của UBND và Công an xã, phường, thị trấn.

- UBND cấp xã: Kịp thời ra quyết định phân công người có trách nhiệm giáo dục, giám sát người chấp hành án. Người được phân công giám sát, giáo dục người chấp hành án phải có tư cách đạo đức, kiến thức pháp luật, kĩ năng công tác xã hội, có trách nhiệm và thường xuyên theo dõi, giám sát, giáo dục giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Có biện pháp khích lệ, động viên, tạo điều kiện cho các bị án thi hành án tại cộng đồng tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

- Đối với VKSND hai cấp: Tiếp tục kiểm sát thi hành án hình sự tại Công an xã, phường, thị trấn có hiệu quả; phát hiện và kiến nghị, kháng nghị để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật; tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy địa phương trong công tác này.

VKSND tỉnh Bình Thuận: Ngày 28/9/2019, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông” năm 2019, bao gồm các hoạt động như ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông của các đơn vị đoàn, trường học trực thuộc; diễu hành tuyên truyền, cổ động đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tập huấn kiến thức an toàn giao thông; tổ chức thi lái xe an toàn cho đoàn viên, thanh niên…

Trong khuôn khổ chương trình, Chi đoàn VKSND tỉnh Bình Thuận phối hợp với Chi đoàn TAND, Sở Tư pháp tỉnh tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Các Chi đoàn đã dựng lại một phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử công khai hai bị cáo về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Tình huống giả định đưa ra tại phiên tòa: Bị cáo là người đã thành niên, chưa có giấy phép lái xe theo quy định pháp luật, tuy nhiên vẫn mượn xe của cha ruột để dự tiệc sinh nhật của bạn. Trong quá trình dự sinh nhật, bị cáo có sử dụng rượu, bia đồng thời khi về bị cáo chở theo 2 người bạn và không đội mũ bảo hiểm, lưu thông trên đường với tốc độ 70-80km/h. Do không làm chủ được tốc độ nên bị cáo đã điều khiển xe chạy sai làn đường và tông vào xe đang chạy ngược chiều dẫn đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Riêng đối với cha bị cáo mặc dù biết con mình không có giấy phép lái xe theo quy định nhưng vẫn đồng ý cho mượn xe và giao cho con mình điều khiển gây tai nạn nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Phiên tòa giả định đã giúp học sinh, đoàn viên, thanh niên nhận biết hành vi vi phạm an toàn giao thông và mức án phạt nếu vi phạm Luật giao thông đường bộ. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

Hồng Quyên

(tổng hợp)

 

 

Tìm kiếm