CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tin hoạt động VKSND địa phương Thanh Hoá – Bình Định – Hậu Giang

03/08/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 03/8/2022 gồm những nội dung chính sau: VKSND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tập huấn ứng dụng Sổ theo dõi điện tử vào công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam”; VKSND thành phố Quy Nhơn phối hợp với Toà án nhân dân cùng cấp tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích”; VKSND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng nghiệp vụ.

VKSND tỉnh Thanh Hóa: Ngày 02/8/2022, VKSND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tập huấn ứng dụng Sổ theo dõi điện tử vào công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam”.

​Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động kiểm sát, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ mới.

Toàn ảnh Hội nghị tập huấn

Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Thanh Hưng, Kiểm tra viên VKSND huyện Thường Xuân, tác giả sáng kiến “Ứng dụng sổ theo dõi điện tử trong công tác tạm giữ, tạm giam” đã trình bày khái quát mục đích, yêu cầu cũng như hiệu quả khi áp dụng Sổ theo dõi điện tử vào công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam; đồng thời hướng dẫn cách lập và theo dõi thời hạn tạm giữ, tạm giam, cách tạo ra các cảnh báo bằng màu sắc về thời hạn tạm giữ, tạm giam sắp hết. Qua đó giúp Kiểm sát viên, công chức làm nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam thực hiện công việc một cách khoa học, linh hoạt và rút ngắn thời gian công việc, tránh gây nhầm lẫn trong quá trình thực hiện công tác.

VKSND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định: Ngày 02/8/2022, VKSND thành phố Quy Nhơn phối hợp với Toà án nhân dân cùng cấp tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 13 bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Theo nội dung cáo trạng, giữa Lương Nhớ và Lê Nhật Tân không có mâu thuẫn gì nhưng xuất phát từ việc Lương Nhớ biết Lê Nhật Tân đang quen bạn gái cũ trước đây của mình nên bực tức. Tối ngày 11/5/2021, Lương Nhớ rủ Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Ngọc Đức Thiện, Hồ Công Trực, Hồ Bảo Huy, Trần Quốc Chí, Phan Anh Quốc, Trần Mạnh Tài, Nguyễn Ngọc Thành Luân, Võ Trí Kiên, Huỳnh Gia Hưng, Nguyễn Trương Nhật Anh, Hồ Văn Vinh mang theo dao, mác tìm đánh Lê Nhật Tân. Khi gặp nhóm Lê Nhật Tân đang ngồi uống cà phê tại 1 quán trên đường Trần Cao Vân, thành phố Quy Nhơn, Lương Nhớ dùng dao, Hồ Văn Vinh và Nguyễn Trương Nhật Anh dùng mác chém Lê Nhật Tân gây thương tích với tỉ lệ 48%.

Đây là vụ án có tính chất rất nghiêm trọng, nhiều đối tượng tham gia, tất cả các đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội đều dưới 18 tuổi, đặc biệt có 8 bị cáo phạm tội khi dưới 16 tuổi. Lãnh đạo VKSND thành phố Quy Nhơn đã quyết định chọn vụ án này làm án xét xử rút kinh nghiệm bằng hình thức số hoá hồ sơ vụ án.

Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tin báo, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽquá trình kiểm tra, xác minh của Cơ quan điều tra, đề ra yêu cầu xác minh rõ ràng, cụ thể nhằm làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, tránh để lọt tội phạm. Đặc biệt, vì các bị can đều chưa đủ 18 tuổi nên các hoạt động tố tụng đều được Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ để đảm bảo đúng thủ tục tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi.

Tại phiên toà, Kiểm sát viên chủ động xét hỏi, đưa ra các hình ảnh, tài liệu đã được số hoá trong hồ sơ vụ án làm chứng cứ buộc tội để bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, đồng thời phân tích rõ vai trò của từng bị cáo trong vụ án để từ đó đề nghị về mức hình phạt tương xứng. Kết quả, Hội đồng xét xử đã cân nhắc và tuyên phạt 13 bị cáo với mức án phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo.

VKSND tỉnh Hậu Giang: Ngày 02/8/2022, VKSND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa; kỹ năng phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Phòng 9 đã trình bày nội dung 2 chuyên đề, gồm: “Kỹ năng xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp” và “Kỹ năng phát hiện vi phạm trong các bản án, quyết định của Tòa án”. Tiếp đó, Hội nghị  tiến hành thảo luận về các phương pháp kiểm sát hiệu quả nhằm phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án để kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Trần Quang Khải, Viện trưởng VKSND tỉnh Hậu Giang phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Quang Khải, Viện trưởng VKSND tỉnh Hậu Giang yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ cần đảm bảo đầy đủ các thao tác nghiệp vụ, tăng cường nghiên cứu quy định của pháp luật, các hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành. Lãnh đạo các đơn vị khi phân công nhiệm vụ cho cán bộ cần đảm bảo phù hợp năng lực sở trường của mỗi cá nhân; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, gắn trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với các vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án, sửa án, xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, Kiểm sát viên. 

TL (tổng hợp)
Tìm kiếm