CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và tăng cường vị thế của phụ nữ

11/12/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Thành công của Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh do Việt Nam chủ trì tổ chức vừa qua cùng với các hoạt động trong năm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, đã tiếp tục khẳng định vị thế, chủ trương thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam và thể hiện trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong duy trì hòa bình an ninh

Năm 2020 thế giới kỷ niệm 20 năm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 1325, đưa vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an. Năm 2020 cũng là dịp kỷ niệm 75 năm ký kết Hiến chương Hội đồng Bảo an, 25 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Bắc Kinh, 5 năm ban hành Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) cũng như là năm triển khai kiểm điểm Các hoạt động xây dựng hòa bình của Liên hợp quốc.

Vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình xây dựng, gìn giữ hòa bình được Liên hợp quốc coi trọng ngay từ những ngày đầu thành lập, thể hiện qua việc thành lập Ủy ban địa vị phụ nữ vào năm 1946. Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới được tiếp tục củng cố với việc thông qua Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979), Tuyên bố về việc tham gia của phụ nữ trong thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế (1982) và tổ chức Hội nghị quốc tế về Phụ nữ tại Bắc Kinh (1995).

Từ năm 2000, vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh đã được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau khi Nghị quyết 1325 được thông qua, lần đầu tiên ghi nhận ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời nhìn nhận vai trò và khả năng đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong phòng ngừa, giải quyết xung đột, xây dựng và gìn giữ hòa bình.

Phụ nữ, Hòa bình và An ninh hiện là chủ đề thảo luận thường niên của Hội đồng Bảo an vào tháng 10 và vấn đề bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang được thảo luận vào khoảng tháng 4 - tháng 6 hàng năm, thường dưới hình thức thảo luận mở (văn kiện thông qua thường là Nghị quyết hoặc Tuyên bố Chủ tịch), gồm 04 trụ cột chính là: (i) Bảo đảm phụ nữ được tham gia một cách đầy đủ và bình đẳng trong quá trình ra quyết định; (ii) Lồng ghép quan điểm giới và sự tham gia của phụ nữ trong ngăn ngừa và giải quyết nguồn gốc của xung đột; (iii) Bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xung đột; (iv) Đáp ứng những nhu cầu cụ thể của phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường vai trò của phụ nữ trong công tác cứu trợ và phục hồi trong và sau xung đột.

Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh với chủ đề “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả”
Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh với chủ đề “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả”

Trong lĩnh vực Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, các nhóm nước thúc đẩy những ưu tiên khác nhau. Quan tâm của các nước phương Tây đối với chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh xuất phát từ quan điểm, chủ trương thúc đẩy dân chủ nhân quyền, tăng cường lồng ghép vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương. Các nước phương Tây thường tập trung vào một số nội dung như chống bạo lực tình dục trong chiến tranh, xung đột; sức khoẻ sinh sản và tình dục; hỗ trợ các tổ chức bảo vệ quyền của phụ nữ, người bảo vệ nhân quyền…

Trong khi đó, các nước đang phát triển nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm hàng đầu của quốc gia, cần đảm bảo tôn trọng chủ quyền quốc gia, các biện pháp tiến hành cần phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của quốc gia; ưu tiên ngăn ngừa và chấm dứt xung đột thông qua các biện pháp hòa bình; tập trung vào hỗ trợ phục hồi sau xung đột. Các nước đang phát triển cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử và bạo lực, ủng hộ cách tiếp cận toàn diện, giải quyết gốc rễ của xung đột và bất bình đẳng giới.

Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh

Là quốc gia từng trải qua chiến tranh, có kinh nghiệm tái thiết hậu xung đột và có nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới, đề cao quyền phụ nữ, Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh từ ngày 7-9/12 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng khẳng định: Sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam, phụ nữ Việt Nam, tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng một thế giới không còn chiến tranh, không bạo lực, không còn sự kỳ thị, một thế giới của hoà bình bền vững.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh từ ngày 7-9/12 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng khẳng định: Sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam, phụ nữ Việt Nam, tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng một thế giới không còn chiến tranh, không bạo lực, không còn sự kỳ thị, một thế giới của hoà bình bền vững.

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, phụ nữ đã có những đóng góp to lớn, góp phần tạo dựng bản sắc truyền thống văn hóa cũng như xây dựng hòa bình và phát triển xã hội Việt Nam hiện đại. Ngày nay, chủ trương nhất quán của Nhà nước là phát huy vai trò tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Những định hướng lớn này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật, đường lối chính sách quan trọng của Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008 - 2009, Việt Nam đã chủ trì phiên thảo luận mở về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, giới thiệu và vận động thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an về phụ nữ giai đoạn hậu xung đột. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an tập trung vào nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn hậu xung đột; yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc xây dựng một bộ chỉ số để đánh giá việc thực hiện các nội dung của chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và kêu gọi Tổng Thư ký có báo cáo về sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hoà bình.

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cũng tích cực đóng góp trong việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh; tham gia Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa giải. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức phiên Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững (10/9/2020), cuộc họp lần thứ 2 của AWPR (ASEAN Women Peace Registry) dưới hình thức trực tuyến (5/6/2020), Hội thảo về Tăng cường vai trò của phụ nữ ASEAN trong thúc đẩy hòa bình bền vững và an ninh (24/11/2020)…

Trong khuôn khổ quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam là phát huy cao độ vai trò và tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Những định hướng lớn này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, Luật bình đẳng giới và nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đã có chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, góp phần tăng cường đóng góp của phụ nữ trong thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.

Đoàn bệnh viện dã chiến Việt Nam sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Liên hợp quốc năm 2018
Đoàn bệnh viện dã chiến Việt Nam sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Liên hợp quốc năm 2018

Hiện nay, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các quá trình hoạch định chính sách. Nhiều phụ nữ Việt Nam ưu tú đang giữ cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đó là: Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban dân vận Trung ương. Tỉ lệ đại biểu nữ tại Quốc hội Việt Nam chiếm 27%, nhiều phụ nữ là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là các nhà ngoại giao, các nhà lập pháp, nhà khoa học, những người sản xuất giỏi, người có uy tín, văn nghệ sĩ tiêu biểu; hàng ngàn phụ nữ là chủ doanh nghiệp đã đóng góp cho sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới được nâng lên; công tác bình đẳng giới tại Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs).

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động quan trọng này.   

Là một trong những nữ chiến sỹ đầu tiền của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Trung úy Sa Minh Ngọc – nữ cán bộ Việt Nam tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan cho biết từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã có khoảng 167.000 chiến sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Tỷ lệ nữ chiếm khoảng 16% trong tổng số chiến sỹ và có khoảng 19% nữ trong số quan sát viên và các thành phần khác. Ngày nay, khái niệm phái bộ gìn giữ hòa bình đã trở lên phổ biến ở Việt Nam và sự tham gia của phụ nữ cũng được quan tâm nhiều hơn trong các phái đoàn.

Trung úy Sa Minh Ngọc cùng Đại sứ Nguyễn Phương Nga trao đổi với các đại biểu quốc tế
Trung úy Sa Minh Ngọc cùng Đại sứ Nguyễn Phương Nga trao đổi với các đại biểu quốc tế

Trung úy Sa Minh Ngọc cũng cho biết rất nhiều phụ nữ trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của Việt Nam và của các nước đã làm nhiều hơn phận sự, yêu cầu nhiệm vụ của mình, theo đó, rất nhiều chiến sỹ nữ đã đến cơ sở dạy trẻ em về vệ sinh, dạy người dân về trồng rau, may khẩu trang phòng chống Covid-19, cung cấp sách, dịch vụ y tế, tập huấn về bạo lực gia đình… Họ là những người truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác có thêm tự tin vượt qua rào cản về giới trong cuộc sống, sự nghiệp và đưa bình đẳng giới vào tất cả các cấp trong môi trường làm việc và cuộc sống. Vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình an ninh không chỉ ở số lượng tham gia mà còn thể hiện ở chất lượng công việc và những đóng góp của họ trong xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình ổn định chung.

Đóng góp vào các nỗ lực chung biến cam kết thành hành động

Trên chặng đường hơn 20 năm qua, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo đảm các quyền cơ bản, tăng cường sự phát triển, vai trò và sự tiến bộ của phụ nữ. Cộng đồng quốc tế đã duy trì quyết tâm mạnh mẽ trong tư duy và hành động với chương trình nghị sự toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh cũng như các cam kết quốc tế khác, như: Cương lĩnh, hành động Bắc Kinh và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Các cam kết này đã được hiện thực hóa thành những kết quả cụ thể trên thực tế, như tỷ lệ phụ nữ tham gia tiến trình hòa bình, lực lượng cảnh sát, quân đội của Liên hợp quốc và ở các nước không ngừng tăng lên. Nhiều hiệp định hòa bình đã có điều khoản về bình đẳng giới. Nhiều quốc gia đã lồng ghép những nội hàm phù hợp của chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình hành động quốc gia.

Mặt khác cũng chia sẻ nhận định chung rằng những biến động trong an ninh chính trị toàn cầu và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với những hệ lụy đa chiều đã và đang đặt ra không ít thách thức đối với việc đảm bảo vai trò, các quyền và lợi ích của phụ nữ trên toàn thế giới. Từ cam kết đến kết quả vẫn còn khoảng cách dài khi thế giới vẫn chứng kiến sự bất bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực và sự hiện diện, đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình còn gặp hạn chế. Những rào cản về giới trong xã hội vẫn là cản trở không nhỏ cho những nỗ lực khát vọng vươn lên của người phụ nữ.

Trước những hạn chế về đáp ứng giới và công tác thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ và khó khăn trong huy động nguồn lực liên quan, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến về chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả” để tập trung thảo luận về tình hình triển khai Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, những khó khăn và thách thức trong việc thúc đẩy sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thực tiễn xây dựng hòa bình. Hội nghị đánh giá việc thực hiện Chương trình Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh về vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình. Trong đó, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 1325 trong 20 năm qua, 10 năm thực hiện các tiêu chí nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết 1325 và 11 năm thực hiện Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an trong bối cảnh Liên hợp quốc tái khẳng định cam kết đối với ngăn ngừa xung đột và gìn giữ hòa bình với Chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh đóng vai trò trung tâm. Giải quyết các thách thức đối với đáp ứng giới và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong quá trình xây dựng hòa bình, bao gồm: Xác định các trở lực về chính trị, bộ máy và giới hạn nguồn lực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh tại Hà Nội lần này đã thông qua bằng đồng thuận "Cam kết hành động Hà Nội" do Việt Nam chủ trì xây dựng
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh tại Hà Nội lần này đã thông qua bằng đồng thuận "Cam kết hành động Hà Nội" do Việt Nam chủ trì xây dựng

Với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất Cam kết Hành động Hà Nội, với những khuyến nghị hành động cụ thể nhằm tăng cường sự hiện diện và tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình, tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, hỗ trợ tài chính và lồng ghép chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào các hoạt động gìn giữ hòa bình ở mọi cấp độ, cũng như ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong giải quyết các thách thức mới nổi lên. Văn kiện này đã nhận được sự hưởng ứng và đồng tác giả của 11 nước gồm Estonia, Phần Lan, Mexico, Malaysia, Lào, New Zealand, Na Uy, Anh, Thụy Điển, Đức, Myanmar và sẽ tiếp tục được giới thiệu rộng rãi để các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tham gia đồng bảo trợ trong thời gian tới, trước khi được Việt Nam chính thức gửi tới Chủ tịch Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Các kết quả đạt được tại Hội nghị sẽ là cơ sở, tiền đề thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thống nhất nhận thức, thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự toàn cầu về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và đạt thêm nhiều kết quả thực chất hơn trong thời gian tới./.

Bảo Yến (Theo quochoi.vn)
Tìm kiếm