CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra trong doanh nghiệp Nhà nước

12/05/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 10/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 695/QĐ-TTg ban hành Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước".

Mục tiêu Đề án đặt ra là: Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, phạm vi, nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước; bảo đảm 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch của các cơ quan có chức năng thanh tra không bị trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra; bảo đảm 100% công chức trực tiếp giám sát doanh nghiệp Nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản trị doanh nghiệp, chính sách, pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước. Nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời, khả thi của các kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Đề án đặt ra là tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu giám sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có nguồn vốn của Nhà nước; định kỳ đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư này của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm liên đới nếu thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi xảy ra vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thực hiện kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với doanh nghiệp Nhà nước về việc tuân thủ pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Khi cần thiết, cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đề nghị cơ quan quản lý nhà Nước phối hợp giám sát doanh nghiệp Nhà nước. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần kiểm tra, thanh tra đột xuất, cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Khi cần thiết, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước khác phối hợp kiểm tra doanh nghiệp Nhà nước. Qua kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa đủ cơ sở kết luận thì người ra quyết định kiểm tra tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thanh tra.

Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra chịu trách nhiệm về nội dung kết luận kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước; việc lấy ý kiến đối với dự thảo kết luận kiểm tra, thanh tra chỉ thực hiện khi cần thiết; kết luận kiểm tra, thanh tra phải chỉ rõ tập thể, cá nhân vi phạm, mức độ trách nhiệm và biện pháp xử lý cụ thể.

Minh bạch trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước

Để thực hiện minh bạch hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước, Đề án đặt ra các nhiệm vụ sau:

- Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nghiêm túc việc công bố thông tin về tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, bảo đảm thông tin được công bố phải kịp thời, đầy đủ, chính xác.

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước phải công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình về giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính, bao gồm: Báo cáo tự giám sát của doanh nghiệp Nhà nước; kết quả giám sát đầu tư và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

- Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phải công khai trên Cổng thông tin điện tử chính thức của cơ quan mình: Kế hoạch, quyết định kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước; kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước.

TG
Tìm kiếm