CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy định mới về cơ chế, chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

03/03/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2021.

Tổ chức đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 13/2021/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa (Nguồn: dangcongsan.vn)
Ảnh minh họa (Nguồn: dangcongsan.vn)

Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được ưu tiên trong đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm

Cụ thể, theo Điều 16 Nghị định này, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được cung cấp thông tin, xu hướng phát triển kỹ năng nghề, việc làm tương lai và thị trường lao động; được tham gia các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm; tham gia các cuộc thi phát triển kỹ năng nghề, thực hành nghề nghiệp gắn với việc làm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới, thực hiện có hiệu quả việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thanh niên và thị trường lao động trong từng giai đoạn; tổ chức và khuyến khích thanh niên tham gia các cuộc thi kỹ năng nghề.

Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tư vấn, hướng nghiệp; cung cấp thông tin, xu hướng việc làm, thị trường lao động để định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; được liên kết với các tổ chức, đơn vị khác để đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, thực hành nghề nghiệp gắn với việc làm cho thanh niên theo quy định của pháp luật.

Gia đình có trách nhiệm tìm hiểu thông tin nghề nghiệp, việc làm và thị trường lao động để tư vấn, định hướng cho thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp khả năng, nguyện vọng và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Ưu tiên tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tâm thần cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Căn cứ Điều 17 Nghị định số 13/2021/NĐ-CP, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được trang bị kiến thức, kỹ năng và cung cấp thông tin tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần và các bệnh xã hội khác; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác; được tuyên truyền, phổ biến và tiếp cận dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

Bộ Y tế đảm bảo cung cấp dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên. Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ năng sống; cung cấp thông tin tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần và các bệnh xã hội khác; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác; kịp thời phát hiện những hành vi về bạo lực gia đình, bạo lực học đường và các tệ nạn khác để xử lý.

Ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần cho thanh niên

Tại Nghị định này, Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, rà soát, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vụ việc gây tổn hại về thể chất và tinh thần của thanh niên bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự cho thanh niên theo quy định của pháp luật.

Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn, lồng ghép các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước. Khi phát hiện vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên phải kịp thời tìm hiểu, báo cáo nhanh chóng, đầy đủ cho các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết.

Gia đình có trách nhiệm giáo dục, phổ biến cho thanh niên về chính sách, pháp luật của nhà nước. Khi phát hiện vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên phải kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, giúp đỡ thanh niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Gia đình cần khuyến khích, tạo điều kiện phát triển năng khiếu cho thanh niên

Về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thanh niên, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng phát triển thanh niên có năng khiếu, đặc biệt thanh niên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo dõi, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đánh giá, báo cáo việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên học sinh có năng khiếu.

Bên cạnh đó, gia đình cần khuyến khích, định hướng, bồi dưỡng, chăm lo, tạo điều kiện phát triển năng khiếu cho thanh niên; phối hợp với cơ sở giáo dục có kế hoạch bồi dưỡng năng khiếu của thanh niên.

NTH
Tìm kiếm