CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Hỏi về thẩm quyền của Kiểm sát viên sơ cấp

Người gửi: gvquannq@gmail.com

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định Kiểm sát viên có quyền đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản. Tuy nhiên, có nhiều ngạch Kiểm sát viên, nếu là Kiểm sát viên sơ cấp công tác tại Viện kiểm sát cấp tỉnh, được phân công giải quyết vụ án cùng Kiểm sát viên trung cấp nhưng Kiểm sát viên trung cấp khi vắng mặt thì Kiểm sát viên sơ cấp có được ký yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra hay không? và được quy định tại văn bản nào?

Câu trả lời

Theo điểm e khoản 1 Điều 42, khoản 2 Điều 159, khoản 6 Điều 165 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021), khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về khởi tố điều tra và truy tố và Điều 41 Điều 47 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 thì Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ việc, vụ án theo quy định của BLTTHS thì có thẩm quyền đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 83 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, khi được phân công giải quyết vụ việc, vụ án, Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn (bao gồm việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, đề ra yêu cầu điều tra).

Như vậy, trong trường hợp được phân công giải quyết vụ việc, vụ án, Kiểm sát viên sơ cấp được Kiểm sát viên trung cấp (thụ lý chính vụ án) chỉ đạo thì Kiểm sát viên sơ cấp được ký yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra.

Câu trả lời có tính chất tham khảo.

BBT