CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH”

12/03/2012
Cỡ chữ:   Tương phản

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG
“HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH”
 
Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng uỷ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh xây dựng Kế hoạch số 02/KH-ĐU ngày 02/3/2007 để thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị, với nội dung cụ thể, nêu rõ mục đích, đối tượng, nội dung tổ chức aahọc tập và cách thức tiến hành, đồng thời lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội trong cơ quan tổ chức thực hiện cuộc vận động. Để tạo thành phong trào, đơn vị xác định việc thực hiện cuộc vận động là nội dung quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và coi đó là một chỉ tiêu để đánh giá công tác thi đua hàng năm của các đơn vị. Với phương châm gắn cuộc vận động với việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn trong cán bộ, công chức, đơn vị đã ra khẩu hiệu hành động: "Cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Trong phong trào trên, nhiều chuyên đề và tác phẩm thể hiện sâu sắc nội dung tư tưởng và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Ban chấp hành Đảng uỷ tổ chức học tập nghiêm túc trong toàn đơn vị. Năm 2007, triển khai chuyên đề: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" và tác phẩm: " Sửa đổi lối làm việc" của Bác; năm 2008 học tập chuyên đề: "Tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu"; năm 2009 học tập chuyên đề: "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" và Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác; năm 2010, triển khai chuyên đề: "Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh "là đạo đức, là văn minh".
Các chuyên đề và tác phẩm không chỉ được nghiên cứu, học tập tập trung, mà còn được các chi bộ, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị, nghiên cứu, thảo luận và tổ chức viết thu hoạch để nâng cao nhận thức về tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ. Thông qua học tập, nghiên cứu các chuyên đề, có 100% số cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn đơn vị viết Bản đăng ký tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Lãnh đạo đơn vị và nhiều cá nhân tích cực nghiên cứu, viết bài tuyên truyền và tham luận tại các hội thảo về chủ đề học tập và làm theo tấm gương của Bác. Năm 2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh viết bài "Tìm hiểu ý nghĩa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát và một số biện pháp thực hiện lời dạy của Người trong giai đoạn hiện nay" được trình bày tại hội thảo toàn ngành Kiểm sát; năm 2009, hai chi bộ thuộc Đảng bộ Viện kiểm sát tỉnh đạt nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, viết bài tham luận về biện pháp và kinh nghiệm tổ chức thực hiện cuộc vận động trong chi bộ được trình bày tại hội thảo của Đảng bộ khối cơ quan tỉnh. Để giáo dục và tuyên truyền sâu rộng về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đơn vị đã tổ chức thi tìm hiểu và kể chuyện về thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ; tổ chức cho cán bộ, đảng viên, Chi hội cựu chiến binh, Chi đoàn thanh niên về thăm quê Bác, thăm Chiến khu Việt Bắc. Năm 2009, đơn vị phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh tổ chức giao lưu trực tiếp trên truyền hình với chủ đề: "Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Do tổ chức thực hiện cuộc vận động một cách có kế hoạch, có sự phối hợp giữa Lãnh đạo Viện với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong cơ quan, đồng thời phát động thành phong trào thi đua học tập sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, hình thức học tập phong phú, nên đã đạt được hiệu quả giáo dục cao. Cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị đều nhận thức rõ lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn; tấm gương đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Người phải trở thành phương châm sống và làm việc của mỗi người. Cán bộ, Kiểm sát viên trong toàn đơn vị đã tự giác rèn luyện, phấn đấu không ngừng để hoàn thiện, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, luôn luôn trau dồi kiến thức khoa học và kinh nghiệm để nâng cao năng lực chuyên môn. Do vậy, từ năm 2007 đến nay, đơn vị không có cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật nghiệp vụ, giữ gìn được phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các tổ chức đảng, đoàn thể trong cơ quan liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. 
Từ công tác triển khai, quán triệt, tổ chức cuộc vận động, bài học rút ra là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ, Lãnh đạo Viện, sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, phát huy vai trò của tổ chức đảng phát động đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú ở tất cả các đơn vị Viện kiểm sát hai cấp, tìm hiểu về tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý nghĩa lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát và đề ra khẩu hiệu hành động cụ thể thực hiện lời dạy của Người. 
Về gắn việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với công tác bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi:
Đơn vị xác định, để trở thành Kiểm sát viên giỏi, người cán bộ Kiểm sát phải có đủ "đức" và "tài", đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, công tác bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi phải gắn liền với việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Gắn liền việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với thực hiện Quy định số 169/QĐ-VKSTC-V9 ngày 10/8/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về "Bồi dưỡng và tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi", năm 2008, đơn vị đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch thi tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi lần thứ Nhất. Cuộc thi được tổ chức công phu, nghiêm túc, với 2 vòng thi và 4 môn thi: Thi kiến thức pháp luật thông qua phương thức thi trắc nghiệm, thi viết cáo trạng, thi viết bản luận tội và cuối cùng là thi báo cáo truy tố một vụ án hình sự. Cuộc thi đã thực sự là một động lực mạnh mẽ tạo nên khí thế học tập sôi nổi chưa từng có trong cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp. Qua cuộc thi đã lựa chọn được 4 Kiểm sát viên và 6 tập thể có thành tích xuất sắc được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh khen thưởng. Thông qua cuộc thi đã giúp lãnh đạo đơn vị đánh giá đúng trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, phát hiện những Kiểm sát viên giỏi, tiêu biểu; để từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sắp xếp cán bộ. Cuộc thi cũng là dịp để các Kiểm sát viên tự kiểm tra, nhìn nhận, đánh giá chính bản thân mình về kiến thức pháp luật và năng lực công tác, kỹ năng nghề nghiệp, từ đó nâng cao ý thức tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên.
Do có sự chỉ đạo đúng đắn, xây dựng chuyên đề, đề tài nghiên cứu, tổ chức thi tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi... sát thực gắn với trách nhiệm mỗi đơn vị, cá nhân ở Viện kiểm sát hai cấp nên phong trào học tập được khơi dậy và đi vào nề nếp. Phong trào đã làm chuyển biến thực sự về nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên là phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ phong trào trên, những năm qua, Viện kiểm sát hai cấp có 269 lượt cán bộ, Kiểm sát viên tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ. Đến nay, toàn ngành Kiểm sát tỉnh Bắc Ninh có 21 đồng chí đạt trình độ Cao cấp lý luận chính trị trở lên; Cán bộ, công chức có trình độ Đại học 126/152 đồng chí, trong đó có 121 Đại học Luật (có 9 Thạc sỹ Luật học).
Chính vì vậy, có thể coi đây là một trong những biện pháp quan trọng góp phần đưa công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong 4 năm qua từng bước được nâng lên về chất lượng và đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Kinh nghiệm rút ra là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện phải chủ động, sáng tạo đề ra những hình thức, biện pháp và chỉ tiêu ngay trong kế hoạch công tác hàng năm gắn liền với hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện, thông qua đó nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn, đảm bảo cho mỗi cán bộ, công chức có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 Với những nỗ lực cố gắng và thành tích đạt được trong những năm vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh liên tục được nhận Cờ thi đua xuất sắc của ngành Kiểm sát nhân dân. Năm 2007, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Năm 2008 được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Năm 2010, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngành, tổng kết phong trào thi đua yêu nước của toàn Ngành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã vinh dự được tặng Cờ thi đua xuất sắc 5 năm liên tục của ngành Kiểm sát nhân dân.
 
Tìm kiếm