CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

BÀN VỀ MÔ HÌNH XÂY DỰNG VIỆN KIỂM SÁT KHU VỰC THEO YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP

05/09/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ đối với cơ quan Viện kiểm sát “Nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị về đề án đổi mới và tổ chức hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49 nêu trên đã khẳng định hệ thống Tòa án nhân dân gồm 04 cấp: Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao...
BÀN VỀ MÔ HÌNH XÂY DỰNG VIỆN KIỂM SÁT KHU VỰC
THEO YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP
          Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ đối với cơ quan Viện kiểm sát “Nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị về đề án đổi mới và tổ chức hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49 nêu trên đã khẳng định hệ thống Tòa án nhân dân gồm 04 cấp: Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao. Tương ứng với tổ chức của Tòa án, tổ chức của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân cũng 04 cấp phù hợp với tổ chức của Tòa án nhân dân. Riêng Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân cơ bản giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, mô hình như hiện nay, nghiên cứu và chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức lại hệ thống Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối. Quy định nêu trên là hoàn toàn phù hợp, vừa đảm bảo được tổ chức bộ máy tinh gọn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan tư pháp, thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại phục vụ có hiệu quả con đường xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
          Trong quá trình nghiên cứu thực hiện Đề án Tòa án, Viện kiểm sát khu vực, thực tiễn cho thấy khi thành lập Tòa án, Viện kiểm sát khu vực phải trên cơ sở các đặc điểm về địa lý, chính trị, xã hội như quy mô địa giới hành chính, điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông, dân số, trình độ phát triển kinh tế, xã hội; các yếu tố về an ninh quốc phòng, các đặc điểm về dân tộc, tôn giáo và đặc biệt là về số lượng án hình sự, dân sự, hành chính giữa các đơn vị phải có sự tương đồng với nhau, bên cạnh đó còn các điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng cán bộ hiện có. Theo các yếu tố trên thì một khu vực phải bao gồm một hoặc một số đơn vị hành chính mà cụ thể là nếu ở một đơn vị hành chính thành lập khu vực phải là các đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc tỉnh; quận, thị xã. Những đơn vị này ngoài các điều kiện về cơ sở hạ tầng, mật độ dân số, sự phát triển kinh tế, xã hội và số lượng các tranh chấp dân sự, hành chính và tội phạm hình sự xảy ra tương đối nhiều, còn phải đảm bảo số lượng, chất lượng cán bộ tương đồng ở Viện kiểm sát, Tòa án. Các đơn vị còn lại thì phải ghép từ 2 đến 3 đơn vị hành chính cấp huyện thành một khu vực mới thỏa mãn các điều kiện trên. Trong thực tiễn nếu vận dụng theo các yếu tố trên để thành lập khu vực hoặc nếu tách ra các huyện vùng cao, vùng sâu,  vùng xa là một khu vực riêng đều gặp một số khó khăn như sau:
          Theo mô hình thứ nhất (các quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã là một khu vực, từ 2 đến 3 huyện thành một khu vực) đối với các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa đường giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách giữa các huyện tương đối xa, có huyện cách nhau hàng trăm km, nếu hợp nhất thành một khu vực thì địa hạt tư pháp quá rộng sẽ rất khó khăn cho hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, mà theo yêu cầu cải cách tư pháp phải tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Trong khi đó, Cơ quan điều tra hiện nay giữ nguyên ở các đơn vị hành chính cấp huyện, như vậy trách nhiệm của các Kiểm sát viên ngày càng nặng nề hơn khi thực hiện các hoạt động thường xuyên như kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, tử thi, thực nghiệm điều tra, kiểm sát các hoạt động điều tra, kiểm sát nhà tạm giữ…
          - Việc đi lại làm việc, các cán bộ, công chức ở đơn vị hành chính này phải vượt hàng trăm km để đến đơn vị hành chính khác để làm việc, gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho ngân sách Nhà nước.
          - Trong mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong quá trình giải quyết vụ án không thể duy trì hàng ngày trong việc kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, kiểm sát tạm giữ như hiện nay.
          - Ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền dân chủ của công dân trong việc khiếu kiện, khiếu nại, tham gia tố tụng… phải đi lại xa xôi.
          Nếu thực hiện theo mô hình thứ hai, cứ mỗi một đơn vị hành chính cấp huyện địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn, nhất là các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa thành lập một đơn vị khu vực cũng sẽ gặp một số khó khăn như sau:
          - Sẽ có những tỉnh có quá nhiều khu vực, tỉnh ít khu vực, mặt bằng giữa các khu vực sẽ chênh lệch nhau như diện tích, địa hạt tư pháp, mất cân đối trong việc phân chia lao động khu vực nhiều người, khu vực ít người, người làm ít việc, người làm nhiều việc.
          - Mô hình tổ chức khu vực cũng sẽ khác nhau, các khu vực có nhiều đơn vị hành chính ghép lại, có số lượng công việc nhiều; mô hình bộ máy tổ chức phải có các phòng, văn phòng cho phù hợp theo từng khu vực. Tuy nhiên, đối với khu vực chỉ một đơn vị hành chính, số lượng công việc không nhiều nếu cơ cấu mô hình tổ chức như trên là không phù hợp, lãng phí.
          Do đó, để thí điểm tổ chức Tòa án, Viện kiểm sát khu vực và trong khi chờ mô hình tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra sắp tới, theo tôi khi thành lập mô hình Viện kiểm sát, Tòa án khu vực ở các nơi ghép nhiều đơn vị hành chính, trước mắt chúng ta phải bố trí bộ phận thường trực gồm 01 đồng chí Phó Viện trưởng và một vài Kiểm sát viên tại đơn vị hành chính cũ nhằm thực hiện thường xuyên các công việc để đảm bảo quyền dân chủ công dân như tiếp dân, giải quyết các công việc khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân, thực hiện việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của Cơ quan điều tra, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và phối hợp với Cơ quan điều tra trong việc kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, tử thi, kiểm sát việc khởi tố và phê chuẩn khởi tố vụ án, bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
          Bộ phận thường trực phải thực hiện đúng theo Quy chế 198 về chế độ thông tin, báo cáo và duy trì việc báo cáo ngày trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam về khu vực để tập hợp báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Hàng tuần Viện kiểm sát nhân dân khu vực phải thực hiện họp giao ban giữa Viện trưởng và các bộ phận thường trực và các phòng hoặc bộ phận nghiệp vụ để nghe báo cáo lại kết quả công tác trong tuần qua và chỉ đạo việc thực hiện công tác nghiệp vụ của tuần tiếp theo.
          Trong khi chờ tổ chức lại hệ thống Cơ quan điều tra, việc duy trì bộ phận thường trực sẽ giúp cho Viện kiểm sát nhân dân khu vực tiết kiệm được thời gian, ngân sách Nhà nước, đảm bảo được mối quan hệ phối hợp thường xuyên giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong việc thực thi công vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do dân chủ của mình.
Trần Vũ Tiến Huy
Tìm kiếm