CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hồi ức của một hồi ức của một kiểm sát viên

30/04/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Về Quảng Bình trong những ngày tháng tư lịch sử- mảnh đất anh hùng, một thời máu lửa, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện dài của các đồng chí, đồng đội đã “xa rời cây súng” hơn 30 năm nay

Hồi ức của một hồi ức của một kiểm sát viên

Về Quảng Bình trong những ngày tháng tư lịch sử- mảnh đất anh hùng, một thời máu lửa, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện dài của các đồng chí, đồng đội đã “xa rời cây súng” hơn 30 năm nay. Sau 30 năm ấy, nếu ai tiếp tục gắn bó với cuộc đời quân ngũ đã mang trên vai mình quân hàm cấp tướng, cấp tá. Còn, những ai “chuyển màu áo lính” thì có bấy nhiêu năm cống hiến, phấn đấu cho sự nghiệp mới mà mình lựa chọn. Nhưng, tất cả họ không bao giờ quên một thời trận mạc- một thời không sợ hy sinh, đã cống hiến tuổi thanh xuân để chiến đấu thống nhất tổ quốc. Đồng chí thương binh Nguyễn Thái Hòa (SN 1952), Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Quảng Trạch là một trong số đó…

Tiếp chúng tôi trong căn phòng riêng của mình, khi đề cập đến những câu chuyện chiến đấu khốc liệt năm xưa, hình như đồng chí vẫn mang trong mình “dòng máu đánh giặc”. “ Gần 30 năm chuyển qua ngành kiểm sát, nhưng tui không bao giờ quên những ngày tháng lăn lộn trong chiến trường, cùng đồng chí, đồng đội trèo đèo, lội suối dốc hết sức trẻ của mình mà chẳng hề sợ hy sinh…”- đồng chí Hòa tâm sự.

Sau khi rời mái trường cấp 3, biết mình chắc chắn đậu trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng đồng chí vẫn lựa chọn con đường binh nghiệp, thích xông pha ra chiến trường để cầm súng đánh giặc giành lại tổ quốc. Nhập ngũ tháng 5/1972, được lựa chọn ra huấn luyện tại đơn vị Bộ đội đặc biệt tinh nhuệ (nay gọi là Binh chủng Đặc công), sau 6 tháng cùng đồng đội lên đường hành quân vào Nam chiến đấu ở các chiến trường B4, B5 và chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên đường hành quân vào Nam, tháng 10/1973 đồng chí được vinh dự kết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 4/1975, đồng chí là một trong số hàng ngàn chiến sỹ tiến công vào Sài Gòn đánh trận cuối cùng thống nhất tổ quốc. Hòa bình lặp lại, được đơn vị lựa chọn cử đi học lớp đào tạo sỹ quan đặc công khóa đầu tiên. Ra trường, năm 1978 được điều động vào trung đoàn 113 thuộc Bộ tư lệnh đặc công để tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây- Nam. Sau nhiều trận đánh ở các chiến trường Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp đồng chí cùng đồng đội đã lập nhiều chiến công được trung đoàn phong cấp hàm Trung úy- giữ chức vụ Đại đội trưởng đơn vị chiến đấu và được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba.
Nhấp ngụm nước chè xanh được coi là “đặc sản” của cơ quan mình, đồng chí nhớ lại: “Trong trận đánh ngày 1/5/1978 trên kênh Vĩnh Tế thuộc huyện Bảy Núi- tỉnh An Giang, sau hai ngày đêm chiến đấu, tui chỉ huy đại đội mình đánh bật 3 chốt của quân Miên (Khơ me đỏ), tiêu diệt hàng chục tên địch giải phóng vùng kênh Vĩnh Tế. Sau khi đánh bật 3 chốt của địch, tui cùng đồng đội đuổi theo để tiêu diệt tán quân địch còn sống sót thì bị trúng một mảnh pháo của địch găm vào đầu, vào bụng và cắt đứt một ngón tay…”.
Sau trận đánh quyết liệt đó, đồng chí Hoà bị thương được đưa đi điều trị tại bệnh viện 21- Quân khu 9. Chưa lành hẳn vết thương, lại tiếp tục cùng đồng đội hành quân ra phía Bắc tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Cao- Bắc- Lạng. Tham gia chiến trường biên giới phía Bắc được một thời gian thì vết thương cũ bị tái phát, nên được đơn vị cho về điều trị và an dưỡng tại các bệnh viện.
Có “duyên” với ngành Kiểm sát cũng từ đó: “Trong thời gian an dưỡng tại Đoàn 40B thuộc Kim Long- T.P Huế, tui tình cờ gặp lại người bạn chiến đấu năm xưa, đã chuyển sang công tác trong ngành Toà án. Chuyện trò tâm sự suốt đêm, lúc này tôi mới hiểu chức năng và nhiệm vụ của ngành kiểm sát. Thấy “ưng” quá, nên ngay ngày hôm sau tui đề đạt với đơn vị xin được chuyển ngành. Với nguyện vọng được cống hiến cho ngành Kiểm sát nên tôi được đơn vị đồng ý…”.
Sau 2 năm công tác tại Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) T.P Huế, đồng chí Hoà được điều động lên phòng Tổ chức cán bộ thuộc VKSND tỉnh Bình Trị Thiên. Do từ lính đặc công chuyển qua, chưa nắm chắc về chuyên môn nghiệp vụ của ngành kiểm sát nên đồng chí Hoà quyết tâm thi đậu vào trường Cao đẳng kiểm sát khoá 2 (1982-1986).
Cũng từ những ngày tháng an dưỡng tại Huế, đồng chí đã “bén duyên” với cô giáo Phạm Thị Châu, đang dạy học tại Trường Quốc học Huế. “Như một duyên cớ trời định, tui gặp lại người bạn gái xinh xắn cùng đội văn nghệ thời học cấp 3. Vì là lính mới chuyển ngành, hơn nữa lại là thương binh nên khó chiếm lĩnh tình cảm, nhưng với ý chí của người lính, một thời gian sau đó đã chinh phục được nàng…”.
Sau khi học xong, vợ chồng sinh được hai người con, cuộc sống hồi ấy cực kỳ vất vả, hơn nữa xa quê hương nên hai vợ chồng quyết định “về quê lập nghiệp”. Từ đó, đồng chí được phân công công tác tại VKSND huyện Quảng Trạch. Năm 1986, được bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp, đến năm 1994 được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng đến nay.
Ngoài công tác nghiệp vụ, với năng khiếu văn nghệ sẵn có, đồng chí tham gia làm “chủ tịch” nhiều tổ chức công đoàn, Hội cựu chiến binh nên được tằng nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen. Nhưng với đồng chí Hoà thì: “Được làm chủ tịch Hội Cựu chiến binh khối nội chính huyện không chỉ là một niềm vinh dự của người cựu chiến binh, mà qua đó để có cơ hội ôn lại những kỷ niệm của một thời là người lính Cụ Hồ…”.
Nguyễn Xuân Hưng
 
Tìm kiếm