CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐT, BDNVKS TẠI HÀ NỘI

03/05/2010
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường (25/4/1970 - 25/4/2010) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Đảng và Nhà nước tặng thưởng. Dự buổi lễ có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Khuất Văn Nga, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐT, BDNVKS TẠI HÀ NỘI
 
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Vừa qua, trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường (25/4/1970 - 25/4/2010) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Đảng và Nhà nước tặng thưởng. Dự buổi lễ có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Khuất Văn Nga, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các đồng chí nguyên là lãnh đạo nhà trường các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo một số Viện kiểm sát địa phương; đại diện lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội cùng toàn thể cán bộ, công chức và học viên của nhà trường các thời kỳ tham dự buổi lễ.
 
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường trình bày diễn văn tại buổi lễ
Diễn văn kỷ niệm do Tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Hà Nội trình bày đã ôn lại truyền thống vẻ vang của nhà trường trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành. Ngày 25/4/1970, Ủy ban Thường vị Quốc hội đã ra Nghị quyết số 900/NQ-TVQH phê chuẩn Quyết định số 62/QĐ-TC của Viện trưởng VKSND tối cao về tổ chức bộ máy của Viện KSND tối cao. Theo đó, Trường Bổ túc và đào tạo cán bộ kiểm sát, hiện nay là Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, một trong những đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, được chính thức thành lập. Theo thống kê, từ khi thành lập trường đến khi kết thúc đào tạo cao đẳng kiểm sát, Trường đã đào tạo được 9 khóa trung cấp kiểm sát với 1366 học viên, 17 khóa cao đẳng hệ chính quy với 2828 sinh viên, 17 khóa cao đẳng hệ chuyên tu với 1079 học viên, 19 khóa cao đẳng hệ tại chức với 3263 học viên. Đào tạo 12 khóa Cao đẳng tập trung hệ cử tuyển với 431 sinh viên, 4  lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát để tạo nguồn bổ nhiệm kiểm sát viên cho 273  học viên là những cán bộ đã có bằng cử nhân luật. Cùng với đó, Trường còn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng vạn lượt cán bộ trong ngành, cụ thể: Đã mở được 5 lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho 523 học viên là cán bộ kiểm sát đã có bằng cử nhân luật nhưng chưa qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; mở 2 lớp đào tạo kiểm tra viên với 232 học viên. Cùng với nhiệm vụ đào tạo, trường đã mở được 41 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 3.386 lượt cán bộ. Ngoài nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm sát, trường còn chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo đại học luật khác để mở các lớp hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật cho số cán bộ trong ngành đã tốt nghiệp cao đẳng kiểm sát. Trong những năm qua, đã có 15 lớp hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật với 2.621 học viên học và tốt nghiệp tại trường. Những kết quả đào tạo, bồi dưỡng trong những năm qua của nhà trường đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cán bộ và chuẩn hóa trình độ các chức danh cán bộ ngành Kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Trường cũng được quan tâm và có những bước phát triển. Trường Cao đẳng kiểm sát được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND các cấp của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Với nhiệm vụ được giao, từ năm 1998 nhà trường đã mở các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho các học viên là Lãnh đạo và Kiểm sát viên VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp của nước bạn Lào, thời gian từ 01 đến 03 tháng. Tính đến năm 2008, Trường đã mở được 7 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho 95 cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Ngày 08/3/2010, tại Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát và Học viện kiểm sát viên Quốc gia Trung Quốc đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác toàn diện về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học. Sự kiện này mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lĩnh vực hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hai nhà trường và của hai ngành Kiểm sát Việt Nam - Trung Quốc.
Trải qua 40 năm phấn đấu, trưởng thành với nhiều gian khổ, nhiều kỷ niệm và rất đáng tự hào. Trong suốt chặng đường ấy, các thế hệ cán bộ, giảng viên của nhà trường đã cố gắng khắc phục khó khăn gian khổ để từng bước xây dựng và phát triển nhà trường, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã góp phần đào tạo được một đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên đông đảo, có năng lực và trình độ, từng bước đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cách mạng, yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Sự lớn mạnh, uy tín, vị thế và những kết quả to lớn trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm qua có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát.
 Với những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành, năm 1984 nhà trường được Nhà nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng Ba; năm 1990 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và năm 2010, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc từ năm 2006 đến năm 2010.
 
Một tiết mục văn nghệ của cán bộ, học viên nhà trường tại buổi lễ
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi lễ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Chúng ta nhìn lại 40 năm xây dựng và phát triển nhà trường để tự hào với những thành tích đã đạt được; để tự tin tiếp tục vững bước đi lên trong giai đoạn mới, quyết tâm xây dựng nhà trường thực sự là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành; xứng đáng với sự tin cậy, kỳ vọng của lãnh đạo và của cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Viện trưởng đề cập đến những nhóm vấn đề nhằm tiếp tục củng cố, phát triển nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đó là: Cần nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò của nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ trong ngành. Lịch sử 40 năm nhà trường đã khẳng định nhà trường là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của toàn ngành. Trong điều kiện hiện nay, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSNDTC tiếp tục giao trọng trách này cho nhà trường. Cần thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò và mối quan hệ của nhà trường với các đơn vị trong ngành KSND. Nhà trường không chỉ là đơn vị triển khai những nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; mà hơn thế, nhà trường phải có những sáng kiến đi trước, phải chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hoạch định chương trình, kế hoạch, nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Khi đã có chương trình, kế hoạch thì chủ động, phối hợp tổ chức thực hiện cho tốt. Trong điều kiện hiện nay, nhà trường phải cố gắng rất nhiều mới có thể đảm nhiệm tốt yêu cầu đặt ra. Bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch hàng năm, nhà trường cần phối hợp với Vụ TCCB và các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng đề án phát triển nhà trường thành trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lớn của ngành và hướng tới tương lai là Học viện kiểm sát. Song song với quá trình xây dựng đề án, nhà trường cần từng bước xây dựng những tiền đề mọi mặt cho định hướng đó. Trước hết là xây dựng lực lượng cán bộ, nhất là đội ngũ giáo viên; xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát; điều kiện về cơ sở vật chất. Hiện nay, đội ngũ giáo viên về cơ bản là mới tuyển dụng vào ngành, chưa có thực tiễn công tác kiểm sát. Nhà trường cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên vừa có trình độ khoa học pháp lý, vừa có lý luận và kinh nghiệm nghiệp vụ kiểm sát; cần xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức có chất lượng từ đội ngũ các cán bộ, KSV có kinh nghiệm trong toàn ngành. Nhà trường cần chủ động phối hợp với Vụ TCCB hoạch định một chương trình tổng thể, toàn diện về những lĩnh vực, những chương trình cần được đào tạo, bồi dưỡng đối với một cán bộ kiểm sát ngay từ khi mới vào ngành cho đến khi hết thời gian công tác; từ khi là chuyên viên, Kiểm tra viên đến khi được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên các cấp, khi được giao trách nhiệm quản lý v.v… Cần hoạch định hệ thống các văn bằng, chứng chỉ mà một người cán bộ Kiểm sát cần có trong suốt quá trình công tác qua các giai đoạn khác nhau; phát hiện, tổng hợp những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác của ngành để từ đó xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Khẩn trương triển khai thực hiện, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có chất lượng, hiệu quả, chống lãng phí, tiêu cực. Cần tăng cường quan hệ phối hợp, mở rộng hợp tác giữa nhà trường với các đơn vị có liên quan trong ngành, nhất là giữa nhà trường với Vụ TCCB, Viện khoa học, Vụ 11, Tạp chí kiểm sát, Phân hiệu Trường tại thành phố Hồ Chí Minh…; giữa nhà trường với các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp khác; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm sát, trước hết là với các nước láng giềng, có quan hệ truyền thống lâu đời với chúng ta như Trung Quốc, CHDCND Lào, Căm-pu-chia… Nhà trường cần phải tham gia tích cực hơn vào hoạt động chung của ngành, trước hết là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý, nghiệp vụ công tác kiểm sát, tội phạm học; tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu. Các đơn vị nghiệp vụ cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho cán bộ nhà trường tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động chuyên môn theo qui định của pháp luật và qui chế hoạt động của ngành; sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi về kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát của nhà trường.
Viện trưởng Trần Quốc Vượng tin tưởng với sự quan tâm của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện và các đơn vị trực thuộc Viện KSNDTC; sự cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường; sự quan tâm, kỳ vọng sâu sắc của Ngành, trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát sẽ không ngừng phát triển, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành KSND.
Ban biên tập
 
 
 
Tìm kiếm