CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu

20/08/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu (kèm theo Quyết định số 3593/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế). Hướng dẫn này là tài liệu được áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố. Bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh đã có vắc xin và kháng sinh đặc hiệu để phòng và điều trị, tuy nhiên vắc xin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh nhưng không ngăn ngừa được sự nhiễm vi khuẩn tại chỗ ở hầu họng, do vậy không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc xin. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi; miễn dịch có được sau mắc bệnh thường bền vững. Sau tiêm vắc xin liều cơ bản miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.

Hãy tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Ngành y tế tỉnh Ðắk Lắk tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Kông Bông (Ảnh: Báo nhandan.com.vn)
Ngành y tế tỉnh Ðắk Lắk tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Kông Bông
(Ảnh: Báo nhandan.com.vn)

Đối với trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng cần tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu nguyên liều, thường kết hợp trong các vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1. Thời gian: Mũi thứ 1 tiêm lúc 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2 lúc 3 tháng tuổi; Mũi thứ 3 lúc 4 tháng tuổi (tốt nhất nên hoàn thành mũi thứ 3 trước 6 tháng tuổi). Thực hiện tiêm nhắc lại: Mũi 4 tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu nguyên liều, tiêm lúc 18 đến 24 tháng tuổi; Mũi 5 tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 4 đến 7 tuổi; Mũi 6 tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 9 đến 15 tuổi.

Đối với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng cần tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều). Thời gian: Mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt; Mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần; Mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu là 6 tháng. Thực hiện tiêm nhắc lại: 2 mũi vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp. Các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.

Tiến hành các biện pháp chống dịch trong 24 giờ đầu tiên

Tại văn bản hướng dẫn kèm theo Quyết định số 3593/QĐ-BYT, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải tiến hành các biện pháp chống dịch càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện ca nghi ngờ đầu tiên.

Thực hiện đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế

Tất cả bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân có thể phải được cho đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế. Tiến hành điều trị đặc hiệu ngay kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm. Ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh có thể cần phải cách ly riêng biệt với ca bệnh xác định. Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng khác nghi ngờ mắc bệnh đều phải nghỉ học và đưa tới cơ sở y tế để quản lý, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định trước khi bệnh nhân được sử dụng kháng sinh.

Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, phải lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần; tổ chức cách ly tại nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe người tiếp xúc gần trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh; hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm người tiếp xúc gần để xét nghiệm.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây:

- Đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

- Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Về phía chính quyền, cơ quan y tế địa phương phải thực hiện:

- Tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành, nơi có ổ dịch cũ, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp về bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống.

- Có kế hoạch chủ động phòng chống bệnh bạch hầu hàng năm. Tăng cường các biện pháp giám sát tại các tuyến, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm chủng thấp.

- Duy trì tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu cao trong cộng đồng theo đúng lịch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

- Chuẩn bị vắc xin, vật tư, hóa chất dự phòng khi có dịch xảy ra.

Cán bộ y tế tiến hành phun khử trùng môi trường xung quanh (Ảnh: benhvien175.vn)
Cán bộ y tế tiến hành phun khử trùng môi trường xung quanh (Ảnh: benhvien175.vn)

Khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch khi có ca bệnh

Các cơ quan chức năng phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch tại nhà bệnh nhân và các hộ liền kề xung quanh; nhà trẻ, lớp học, cơ quan, đơn vị ... nơi có liên quan đến bệnh nhân phải được khử trùng. Quần áo, chăn, màn, ga, gối, đệm của bệnh nhân cần đem phơi dưới ánh nắng mặt trời. Bát, đũa, thìa cốc, đồ chơi của bệnh nhân phải dùng riêng, tốt nhất luộc nước sôi sau khi sử dụng hoặc đem phơi nắng dưới ánh nắng mặt trời. Thực hiện vệ sinh thông khí tại hộ gia đình: thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông khí thoáng cho nhà/phòng ở, nơi làm việc, lớp học hằng ngày. Hạn chế các sự kiện tập trung đông người trong khu vực ổ dịch...

NTH
Tìm kiếm