CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

  • Toàn văn
  • Thuộc tính
  • Tải về
  • In văn bản

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

TỐI CAO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

       Số:07/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày  05 tháng  01  năm 2018

 

 

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH,

 VỤ VIỆC KINH DOANH THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG

 VIỆC KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT NĂM 2018

 

 Để thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018, trong đó yêu cầu đặt ra là: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 27/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thi đua khen thưởng của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018 yêu cầu là: Căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm, các đơn vị phải đề ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của công chức trong thực hiện nhiệm vụ; Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật”, trong đó yêu cầu tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; Kế hoạch số 03/KH-VKSTC ngày 26/12/2017 về công tác trọng tâm của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2018.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) hướng dẫn toàn ngành thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2018 như sau:

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật theo các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

2. Phát hiện vi phạm thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, kháng nghị.

3. Tập hợp kinh nghiệm phát hiện vi phạm, phổ biến, hướng dẫn cho Viện kiểm sát cấp dưới, Kiểm sát viên trong cơ quan, đơn vị thực hiện quyền kháng nghị trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, báo cáo Viện kiểm sát cấp trên để tập hợp hướng dẫn chung (Xác định đây là nhiệm vụ đột phá năm 2018 của toàn Ngành).

          4. Xây dựng báo cáo 3 năm (2015, 2016, 2017) về những bản án, quyết định bị Tòa án xét xử tuyên hủy, sửa nghiêm trọng; tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác này.

          5. Tổng hợp, báo cáo về tình hình và những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quyền yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để thực hiện quyền kháng nghị. Kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp, báo cáo Viện kiểm sát tối cao để tổng hợp, kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

          6. Góp ý xây dựng quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động

          7. Góp ý xây dựng về lập hồ sơ kiểm sát các vụ án  hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

          8. Đổi mới công tác tổ chức cán bộ, gắn công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành với công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Chủ động rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy làm việc theo hướng tinh gọn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị đồng thời đảm bảo theo hướng chuyên sâu.

          9. Tổ chức rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên trước, trong và sau khi tham gia phiên tòa. Yêu cầu đặt ra là không nhất thiết phải có đầy đủ thành phần của Tòa án cùng cấp để phù hợp với thực tế địa phương.

          10. Tham gia các nhiệm vụ khác khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao có yêu cầu.

            II. CÁC BIỆN PHÁP  CỤ THỂ:

   1. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo thủ tục sơ thẩm:

  - Kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện; lý do trả lại đơn khởi kiện; việc Tòa án không thụ lý nhưng không trả lại đơn khởi kiện. Yêu cầu phát hiện vi phạm thực hiện quyền kiến nghị và tham gia phiên họp.

- Kiểm sát thụ lý vụ án. Yêu cầu phát hiện vi phạm trong thụ lý không đúng thẩm quyền, hết thời hiệu khởi kiện... Thực hiện quyền kiến nghị.

- Kiểm sát việc Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ. Phát hiện vi phạm, thiếu sót thực hiện quyền yêu cầu Tòa án thực hiện đúng theo quy định của pháp luật;

- Kiểm sát việc Tòa án ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Yêu cầu phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị;

- Kiểm sát kết quả phiên họp giao nộp, tiếp nhận, công khai chứng cứ, hòa giải, đối thoại

- Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Theo dõi việc tạm đình chỉ kéo dài, không đúng quy định của pháp luật để có biện pháp kiến nghị khôi phục giải quyết vụ án. Yêu cầu phát hiện vi phạm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị;

- Kiểm sát việc Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; yêu cầu phát hiện vi phạm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị;

- Kiểm sát thời hạn chuẩn bị xét xử. Phát hiện vi phạm thực hiện quyền kiến nghị;

- Kiểm sát thời hạn hoãn phiên tòa. Phát hiện vi phạm thực hiện quyền kiến nghị;

- Kiểm sát thời hạn tạm ngừng phiên tòa. Phát hiện vi phạm thực hiện quyền kiến nghị;

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, phiên họp: Kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, kiểm tra biên bản phiên tòa, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị tại chỗ, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

- Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án. Yêu cầu phát hiện vi phạm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.

* Định kỳ hàng tháng tập hợp và báo cáo về kết quả phát hiện vi phạm, kiến nghị gửi đến Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp để tổng hợp, xây dựng thông báo rút kinh nghiệm chung về thực hiện quyền kiến nghị đối với Tòa án.

2. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo thủ tục phúc thẩm:

- Thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm;

- Theo dõi kháng cáo của đương sự;

- Kiểm sát việc thụ lý vụ án. Thực hiện quyền kiến nghị.

- Kiểm sát việc Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ. Phát hiện vi phạm, thiếu sót thực hiện quyền yêu cầu Tòa án thực hiện đúng theo quy định của pháp luật;

- Kiểm sát việc Tòa án ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Yêu cầu phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị.

- Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ xét xử. Theo dõi việc tạm đình chỉ kéo dài, không đúng quy định của pháp luật để có biện pháp kiến nghị khôi phục giải quyết vụ án. Yêu cầu phát hiện vi phạm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị;

- Kiểm sát việc Tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử; yêu cầu phát hiện vi phạm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị;

- Kiểm sát thời hạn chuẩn bị xét xử. Phát hiện vi phạm kiến nghị yêu cầu Tòa án ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử;

- Kiểm sát thời hạn hoãn phiên tòa. Phát hiện vi phạm thực hiện quyền kiến nghị;

- Kiểm sát thời hạn tạm ngừng phiên tòa. Phát hiện vi phạm thực hiện quyền kiến nghị;

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, phiên họp: Kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, kiểm tra biên bản phiên tòa thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị tại chỗ và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

- Kiểm sát bản án, quyết định. Nếu có vi phạm nghiêm trọng ban hành Thông báo đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thẩm quyền;

* Định kỳ hàng tháng tập hợp và báo cáo kết quả phát hiện vi phạm, kiến nghị gửi đến Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp để tổng hợp, phân loại, thông báo rút kinh nghiệm chung và thực hiện quyền kiến nghị đối với Tòa án.

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gửi báo cáo đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tập hợp thông báo rút kinh nghiệm trong toàn Ngành.

3. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:

- Đối với công tác giải quyết án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:

+ Tiếp nhận, xử lý đơn đề nghị, thông báo phát hiện vi phạm đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

+ Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án để xem xét, giải quyết.

+ Yêu cầu hoãn thi hành án, Quyết định hoãn thi hành án.

          + Nghiên cứu hồ sơ vụ án và lập hồ sơ kiểm sát. Xây dựng tờ trình theo mẫu, báo cáo, đề xuất Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Viện.

          . Thông báo không kháng nghị: Trường hợp bản án, quyết định không vi phạm nghiêm trọng

          . Quyết định Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm: Đối với bản án, quyết định có vi phạm nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án.

          + Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Viện thẩm định hồ sơ, tài liệu và Quyết định không kháng nghị hoặc kháng nghị theo quy trình.

          + Hoàn thiện các văn bản, hồ sơ kiểm sát để phục vụ công tác giải quyết án và lưu trữ.

          + Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm để kiểm sát việc tuân theo pháp luật, phát biểu quan điểm bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát.

- Đối với công tác kiểm sát giải quyết các vụ án do Chánh án Tòa án nhân kháng nghị:

+ Tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát.

+ Trình tự nghiên cứu hồ sơ, báo cáo: Như trên.

+ Chuẩn bị bài phát biểu của kiểm sát viên: Như trên.

+ Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm:

. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

. Kiểm sát chặt chẽ việc cung cấp, thu thập tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị của Chánh án Tòa án.

. Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

 . Kiểm sát quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.

* Định kỳ hàng tháng tập hợp và báo cáo tổng hợp vi phạm, kiến nghị gửi đến Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp để tổng hợp, phân loại, thông báo rút kinh nghiệm chung và thực hiện quyền kiến nghị đối với Tòa án.

4. Công tác hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ:

- Viện kiểm sát các cấp phải xây dựng chương trình công tác cho cấp mình.

- Viện kiểm sát cấp trên phải có văn bản hướng dẫn Viện kiểm sát cấp dưới về nghiệp vụ, kỹ năng kiểm sát phát hiện vi phạm đối với bản án, quyết định của Tòa án, việc ban hành kiến nghị, kháng nghị và các biện pháp để nâng cao hiệu quả kiến nghị, kháng nghị. Qua đó khắc phục tình trạng bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm mà Viện kiểm sát không phát hiện được.

- Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra Viện kiểm sát cấp dưới với 02 nội dung: Kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao trong lĩnh vực công tác này và kiểm tra nghiệp vụ;

5. Công tác đột phá: (Thời điểm từ 01/12/2017 đến 31/8/2018)

Viện kiểm sát nhân dân các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác đột phá: Phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị đối với những vi phạm trong việc giải quyết vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Yêu cầu:

- Thường xuyên kịp thời, phát hiện các dạng vi phạm, tập hợp vi phạm.

- Thực hiện quyền kiến nghị;

- Tập hợp báo cáo định kỳ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) để tổng hợp, thông báo rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành và kiến nghị đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế của đơn vị, Viện kiểm sát các cấp có thể xây dựng công tác đột phá cho phù hợp để đáp ứng và phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

III. YÊU CẦU ĐẶT RA:

1. Phân công, bố trí đủ số lượng Kiểm sát viên và cử Kiểm sát viên tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp theo quy định. Đơn vị, địa phương nào thực hiện không đúng thì không hoàn thành nhiệm vụ.

2. Chỉ tiêu nghiệp vụ:

- Chỉ tiêu thực hiện quyền yêu cầu: Khi phát hiện vi phạm phải ban hành văn bản yêu cầu.

- Chỉ tiêu kháng nghị, đảm bảo mọi vi phạm nghiêm trọng phải được phát hiện và kháng nghị. Trường hợp án bị hủy, sửa nghiêm trọng mà đương sự kháng cáo, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng Viện kiểm sát không phát hiện được vi phạm thì trách nhiệm thuộc Viện kiểm sát cấp đó.

- Chỉ tiêu Thông báo phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm để Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Viện kiểm sát không phát  hiện Thông báo (báo cáo) cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thì trách nhiệm thuộc Viện kiểm sát đã kiểm sát.

- Chỉ tiêu kiến nghị: Đảm bảo khi có vi phạm phải kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; tập hợp các dạng vi phạm của Tòa án cùng cấp hoặc cấp dưới trong quá trình giải quyết vụ án, định kỳ 06 tháng và 01 năm tiến hành kiến nghị chung yêu cầu khắc phục vi phạm;

- Chỉ tiêu thông báo rút kinh nghiệm định kỳ hàng quý để đảm bảo 4 thông báo rút kinh nghiệm/1 năm;

- Chỉ tiêu hướng dẫn nghiệp vụ; trả lời thỉnh thị. Đảm bảo kịp thời, chính xác.

- Chỉ tiêu kiểm tra địa phương thực hiện ít nhất 6 tháng 01 lần.

- Chỉ tiêu tổ chức rút kinh nghiệm sau phiên tòa cho Kiểm sát viên ít nhất 06 tháng 01 lần.

Đây là những chỉ tiêu cơ bản để phân loại đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên đây là nội dung cơ bản cần thực hiện. Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp tổ chức nghiên cứu thực hiện và định kỳ báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) tập hợp vi phạm, những khó khăn vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nếu có khó khăn, vướng  mắc, đề nghị kịp thời báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) để hướng dẫn, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:

- Các đ/c Lãnh đạo VKSNDTC (để b/cáo);      

- VKSND cấp cao 1, 2, 3 (để t/hiện);                                              

- VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc TW

 (để t/hiện);    

- Văn phòng VKSTC (phòng tổng hợp);

- Công chức Vụ 10;

- Lưu VT, V10.

 

TL. VIỆN TRƯỞNG

VỤ TRƯỞNG VỤ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, VỤ VIỆC KINH DOANH, THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG VIỆC KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

 

 

(Đã ký)

 

Phương Hữu Oanh

 

 

 

 

Hướng dẫn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2018
Số ký hiệu 07/HD-VKSTC
Loại văn bản Hướng dẫn
Ngày ban hành 05/01/2018
Số lượt xem 717
Số lượt tải 48