CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

  • Toàn văn
  • Thuộc tính
  • In văn bản
Van ban nganh

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỐI CAO

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-*-

-----------------------------------

Số:  24 /VP

Hà Nội, ngày  6  tháng  8 năm 1993

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUI ĐỊNH LẬP HỒ SƠ

KIỂM SÁT ÁN HÌNH SỰ

-----

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

           

- Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành năm 1992;

- Căn cứ Bộ luật tố tụng và Bộ luật hình sự, sửa đổi bổ sung năm 1992;

- Căn cứ Quy chế thông tin, báo cáo số 36/VP ngày 25-12-1992; Quy định án trọng điểm số 06/TTLN ngày 12-9-1990; Quy định án xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm số 05/TTLN ngày 22-12-1982;

- Căn cứ Pháp lệnh kiểm sát viên ban hành năm 1993;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành qui định lập hồ sơ kiểm sát án hình sự thống nhất trong toàn ngành (kèm theo bản qui định).

Điều 2: Quyết định này thay thế quyết định số 100/QĐ ngày28-6-1979.

Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ kiểm sát điều tra án kinh tế, kiểm sát điều tra án trật tự trị an xã hội, kiểm sát điều tra án an ninh, kiểm sát xét xử và chấp hành án hình sự, Viện trưởng các Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm và các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương, Viện kiểm sát quân sự Trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

K/T VIỆN TRƯỞNG

 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

 

PHÓ VIỆN TRƯỞNG

 

Đã ký: Nguyễn Văn Thìn

 

 

 

 

QUI ĐỊNH LẬP HỒ SƠ KIỂM SÁT ÁN HÌNH SỰ

(Theo quyết định số: 24/QĐ ban hành ngày 6-8-1993)

---

Hồ sơ kiểm sát án hình sự giúp cho kiểm sát viên, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử có những tài liệu cơ bản của vụ án, để thực hiện chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền một cách đầy đủ và chủ động trong quá trình giải quyết vụ án qua các giai đoạn của tố tụng hình sự, nâng cao trách nhiệm của kiểm sát viên kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các cấp trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát.

Hồ sơ kiểm sát án hình sự còn có tác dụng phục vụ công tác chỉ đạo, đúc rút kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ, vận dụng chính sách xử lý theo qui định của pháp luật.

Nay qui định thống nhất trong ngành về lập hồ sơ kiểm sát án hình sự, nội dung hồ sơ, việc quản lý, sử dụng và bảo quản.

I- QUY ĐỊNH CHUNG.

Điều 1: Quá trình kiểm sát án hình sự ở mỗi giai đoạn tố tụng kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm kiểm sát xét xử phúc thẩm, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; kiểm sát viên được giao nhiệm vụ phải lập hồ sơ kiểm sát án hình sự theo giai đoạn tố tụng đó.

Điều 2: Hồ sơ kiểm sát án hình sự phải phản ánh được chính xác nội dung chính của hồ sơ vụ án và mọi hoạt động kiểm sát của kiểm sát viên trong quá trình thực hiện tố tụng và việc lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình giải quyết vụ án.

Điều 3: Hồ sơ kiểm sát án hình sự ở giai đoạn tố tụng nào do cấp đó lập và quản lý. Nhưng để giải quyết vụ án được liên tục, có hiệu quả đối với những vụ án có phát sinh kháng cáo, kháng nghị thì hồ sơ kiểm sát án hình sự được chuyển cho các khâu phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm giải quyết tiếp. Sau khi làm xong nhiệm vụ, chuyển trả lại phần hồ sơ cho cấp lập hồ sơ đó quản lý. Khi kết thúc mỗi giai đoạn tố tụng, kiểm sát viên thụ lý hồ sơ phải xác nhận những tài liệu đã có trong hồ sơ kiểm sát, đánh số bút lục để lưu trữ, mỗi hồ sơ kiểm sát án hình sự phải để trong một bìa hồ sơ do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành. Những hồ sơ cần sao chụp lại một phần hoặc toàn bộ thì do lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương hoặc thủ trưởng đơn vị nghiệp vụ quyết định.

II- NỘI DUNG HỒ SƠ KIỂM SÁT ÁN HÌNH SỰ 

Ở CÁC GIAI ĐOẠN TỐ TỤNG.

Điều 4: Hồ sơ kiểm sát điều tra:

a) Về thủ tục tố tụng:

1- Báo cáo tiên tương (bản lưu nếu có), yêu cầu khởi tố của người bị hại.

2- Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định phân công điều tra viên (hoặc trích ghi), kiểm sát viên.

3- Lệnh bắt người (bắt khẩn cấp, bắt tạm giam), lệnh khám xét (người, chỗ ở, địa điểm, đồ vật, thư tín, bưu kiện, bưu phẩm ...) và trích ghi kết quả bắt, khám xét ...

4- Các công văn và quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can hoặc quyết định truy nã bị can (nếu có), các lệnh tạm giữ, tạm giam.

5- Các công văn và các lệnh gia hạn tạm giữ, tạm giam, gia hạn điều tra.

6- Quyết định thay đổi hoặc bổ sung tội danh.

7- Các quyết định (hoặc trích quyết định) trưng cầu giám định của cơ quan điều tra hoặc của Viện kiểm sát về dấu vết, độc chất, tự dạng chữ ... trích ghi các kết luận giám định, quyết định giám định lại hoặc giám định bổ sung (nếu có).

8- Các quyết định tố tụng hình sự và các tài liệu khác (nếu có) và các thông báo theo tố tụng qui định.

9- Bản yêu cầu điều tra của kiểm sát viên, kiểm sát điều tra.

10- Trích sao biên bản xác định án điểm, án xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm (nếu có).

11- Trích ghi các quyết định xử lý các tang vật chứng; việc kiện dân sự, biện pháp để bảo đảm việc phạt tiền, bồi thường và tịch thu tài sản (nếu có).

12- Biên bản bàn giao hồ sơ vụ án; biên bản giao nhận vật chứng và tài sản kê biên, tạm giữ (nếu có).

13- Trích sao các biên bản giao bản kết luận điều tra, giao bản cáo trạng và các biên bản tống đạt các lệnh, quyết định cho bị can.

14- Các quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ bị can, vụ án, quyết định tách nhập vụ án, quyết định chuyển vụ án, quyết định huỷ quyết định đình chỉ, quyết định phục hồi điều tra ,, (nếu có).

b) Tài liệu điều tra.

1- Trích ghi biên bản phạm pháp quả tang (nếu có)

2- Trích ghi biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, vẽ sơ đồ hiện trường, thực nghiệm điều tra (chủ yếu ghi và mô tả đầy đủ dấu vết trên hiện trường thương tích trên ngươì nạn nhân, nguyên nhân chết ...), biên bản khám dấu vết, thương tích trên người bị can (nếu có).

3- Trích ghi các biên bản lấy lời khai nhân chứng, người bị hại, người giám hộ và người có liên quan (theo thứ tự thời gian) các biên bản đối chất và nhận dạng (nếu có).

4- Trích ghi các bản tự khai, biên bản tự thú, biên bản lấy lời khai bị can (ghi theo thứ tự thời gian, lời khai, nội dung nhận tội, chối tội, phản cung ...)

5- Trích ghi lý lịch bị can; trích lục tiền án, tiền sự; ý kiến nhận xét của chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản đối với đối tượng.

6- Bản kết luận điều tra, kết thúc điều tra vụ án của cơ quan điều tra (hoặc trích ghi nêu rõ căn cứ buộc tội, căn cứ gỡ tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tội danh, điều luật áp dụng đề nghị xử lý).

7- Bản cáo trạng của Viện kiểm sát, bản danh sách địa chỉ những người cần triệu tập ra toà (bản lưu).

c) Tài liệu khác.

1- Bản nghiên cứu tổng hợp của kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án (ghi rõ các chứng cứ xác định có tội, vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nguyên nhân điều kiện phạm tội, ý kiến đề xuất xử lý của kiểm sát viên, ý kiến chỉ đạo của trưởng phòng hoặc lãnh đạo Viện kiểm sát huyện, tỉnh).

2- Công văn thỉnh thị và ý kiến chỉ đạo của các vụ nghiệp vụ hoặc lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp trên (nếu có).

3- Biên bản (hoặc trích) nội dung các cuộc họp giải quyết vụ án của nội bộ ngành hoặc liên ngành công an, toà án, kiểm sát.

Các văn bản báo cáo cấp uỷ địa phương xin ý kiến chỉ đạo và các văn bản chỉ đạo của cấp uỷ địa phương (nếu có).

4- Bản ghi các vi phạm của cơ quan điều tra, Toà án, Viện kiểm sát và biện pháp khắc phục.

5- Bản ghi những hoạt động áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm (nếu có).

6- Các đơn tố cáo, khiếu nại ... (nếu có).

Điều 5: Hồ sơ kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự.

1- Bản đề cương dự kiến xét hỏi tại phiên toà; tranh luận với luật sư, bào chữa viên, giám định viên.

2- Bản luận tội và đề xuất mức án, mức bồi thường dân sự, phạt tiền và các hình phạt bổ sung khác (nếu có). Kiến nghị của Viện kiểm sát tại phiên toà.

3- Bản ghi diễn biến phiên toà.

4- Bản án sơ thẩm.

5- Đơn kháng cáo hoặc quyết định kháng nghị đối với bản án sơ thẩm.

6- Báo cáo kết quả kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự và báo cáo án có chống án (nếu có).

Điều 6: Hồ sơ kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự.

1- Báo cáo án có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

2- Bản nghiên cứu hồ sơ của kiểm sát viên phản ảnh rõ những vấn đề của bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, ý kiến đề xuất của kiểm sát viên, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện.

3- Những tài liệu thu thập thêm về vụ án sau khi xét xử sơ thẩm.

4- Danh sách, địa chỉ những người Viện kiểm sát yêu cầu triệu tập đến phiên toà xét xử phúc thẩm, tên kiểm sát viên tham dự phiên toà xét xử phúc thẩm.

5- Bản dự thảo kết luận phúc thẩm.

6- Bản đề cương dự kiến xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm.

7- Báo cáo kết quả kiểm sát xét xử phúc thẩm.

8- Bản phát hiện vi phạm luật hình và luật tố tụng hình sự về vụ án đó của cơ quan tiến hành tố tụng.

9- Báo cáo đề xuất giám đốc thẩm (nếu có).

10- Bản án phúc thẩm (nếu chỉ có 1 bản thì sau khi kiểm tra xong gửi về Vụ 3 Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

11- Thông báo kết quả xét xử phúc thẩm đối với án có kháng cáo, kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên.

Điều 7: Hồ sơ kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, gồm có:

1- Nguồn phát hiện bản án có vi phạm pháp luật với cấp giám đốc thẩm (đề xuất của cấp dưới, đề nghị của các ngành, đơn khiếu nại, tin qua báo đài).

2- Báo cáo kết quả xét xử bản án có hiệu lực pháp luật.

3- Bản nghiên cứu hồ sơ của kiểm sát viên, phản ánh rõ những vấn đề của bản án có vi phạm pháp luật.

4- Bản kết luận hoặc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Bản trả lời đơn khiếu nại nếu không kháng nghị.

5- Bản ghi kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

6- Thông báo kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

7- Bản án giám đốc thẩm, tái thẩm.

Điều 8: Hồ sơ kiểm sát án hình sự được sắp xếp thống nhất như sau:

1- Các giấy tờ trong hồ sơ được sắp xếp theo thứ tự thời gian và đánh số thứ tự.

2- Bìa hồ sơ: dùng bìa thống nhất ngành đã ban hành (ghi đầy đủ theo các tiêu chí in sẵn).

III- VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, BẢO QUẢN  

HỒ SƠ KIỂM SÁT ÁN HÌNH SỰ.

Điều 9: Bộ phận, cấp nào cần nghiên cứu hồ sơ kiểm sát án hình sự để rút kinh nghiệm nghiệp vụ thì yêu cầu cấp quản lý hồ sơ cho mượn, dùng xong trả lại, không được để thất lạc mất mát.

Điều 10: Hàng năm thực hiện nộp hồ sơ kiểm sát án hình sự cho lưu trữ theo chế độ hồ sơ nguyên tắc.

Điều 11: Hồ sơ kiểm sát án hình sự được lưu trữ, quản lý chặt chẽ theo chế độ bảo mật, bảo quản chu đáo không được để hư hỏng, mất mát, thất lạc. Nếu vi phạm qui định này, tuỳ theo tính chất mức độ lỗi của người quản lý, sử dụng, bảo quản sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm minh.

Điều 12: Thời hạn bảo quản hồ sơ kiểm sát án hình sự.

Thời hạn bảo quản hồ sơ thực hiện phù hợp với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án.

Hết thời hạn qui định này, các cấp quản lý hồ sơ thành lập hội đồng (gồm: lãnh đạo Viện, đại diện các đơn vị kiểm sát án hình sự, đại diện văn phòng cơ quan) xem xét để quyết định việc huỷ hồ sơ./.

 

 

Hà Nội, ngày 6 tháng 8 năm 1993

 

K/T VIỆN TRƯỞNG

 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

 

PHÓ VIỆN TRƯỞNG

 

             Đã ký: Nguyễn Văn Thìn

BAN HÀNH QUI ĐỊNH LẬP HỒ SƠ KIỂM SÁT ÁN HÌNH SỰ
Số ký hiệu 24 /VP
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Ngày ban hành 08/06/1993
Số lượt xem 1178
Số lượt tải 0