CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Thẩm quyền ký các biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm

Người gửi: Nguyễn Hữu
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, quy định "Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã rõ về dấu hiệu của tội phạm mà Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thì Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc ra Quyết định phân công Phó Viện trưởng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015." Trường hợp Viện trưởng không trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra nhưng giao cho Phó viện trưởng chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra (chưa ra quyết định phân công theo quy định nêu trên) bao gồm việc ký quyết định phê chuẩn gia hạn tạm giữ (chưa được khởi tố)... Trong trường hợp này, nếu Phó Viện trưởng đã được phân trong chương trình công tác năm hoặc trong các quyết định phân công lịch trực. Vậy Phó Viện trưởng có thẩm quyền ký các quyết định này không, khi chưa được phân công trong một vụ việc cụ thể.

Câu trả lời

Theo quy định tại khoản 3 Điều 41 BLTTHS, khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 41 BLTTHS, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 BLTTHS. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình. Như vậy, đối với những công việc không được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công hoặc ủy quyền, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được thực hiện.
Đối chiếu với nội dung câu hỏi của bạn, chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát chưa phân công cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra trong một vụ án cụ thể bằng một quyết định phân công cụ thể, thì Phó Viện trưởng không có thẩm quyền ký các văn bản, quyết định tố tụng. Tuy nhiên, nếu trường hợp trong phân công nhiệm vụ công tác của năm và trong lịch trực xác định cụ thể nhiệm vụ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thì Phó Viện trưởng được quyền ký các quyết định, văn bản tố tụng trong trường hợp được Viện trưởng phân công chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra hoặc các quyết định, văn bản tố tụng vào đúng ca trực của mình sau khi xin ý kiến của Viện trưởng và được Viện trưởng đồng ý.

Vụ 14, VKSND tối cao