CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Có truy thu vật hoặc tiền do phạm tội mà có

Người gửi: Pham Tien Nam
Có truy thu vật hoặc tiền do phạm tội mà có hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự. Nội dung: Nguyễn Văn A (là đối tượng nghiện hút, không có nghề nghiệp ổn định) đã có hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng của Công ty B, do đã có tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” và chưa được xóa án tích nên A bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra xác định, sau khi trộm cắp tài sản, A đã bán tài sản đó cho Đỗ Văn C với giá 500.000 đồng, số tiền này A đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết, không sử dụng vào mục đích bất hợp pháp nào khác. Tài sản A trộm cắp đã được Cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ và trả lại cho Công ty B, Công ty B đã nhận lại đủ tài sản, không bị thiệt hại gì khác và không yêu cầu A phải bồi thường. Đỗ Văn C khi mua tài sản trên không biết đây là tài sản do A trộm cắp mà có, do số tiền C bỏ ra để mua không lớn (500.000 đồng) nên không yêu cầu A phải bồi hoàn số tiền trên. Tại phiên tòa, Công ty B và Đỗ Văn C không yêu cầu A phải bồi thường hay bồi hoàn gì. Vậy Viện kiểm sát có phải áp dụng biện pháp tự pháp, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên truy thu số tiền 500.000 đồng mà bị cáo có được do bán tài sản trộm cắp để sung vào ngân sách nhà nước. Quan điểm thứ nhất: Viện kiểm sát phải đề nghị Hội đồng xét xử tuyên truy thu số tiền 500.000 đồng mà A có được do bán tài sản trộm cắp để sung vào ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự, bởi lẽ: Số tiền 500.000 đồng trên là do A bán tài sản đã trộm cắp được, như vậy đây là tiền do phạm tội mà có. Trường hợp nếu A chưa sử dụng số tiền trên hoặc mới chỉ sử dụng một phần số tiền trên thì phải tịch thu để trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp, nếu chủ sở hữu hợp pháp không yêu cầu nhận lại khoản tiền này thì tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Trong vụ án này, A đã đã sử dụng số tiền trên chi tiêu cá nhân hết, cơ quan tiến hành tố tụng không thể tịch thu được số tiền này, C cũng không yêu cầu A phải bồi hoàn, như vậy nếu chỉ tuyên hình phạt đối với A mà không truy thu số tiền này thì A đương nhiên được chiếm hữu số tiền trên, dẫn đến việc xử lý vụ án chưa được toàn diện, chưa loại bỏ được điều kiện, mục đích phạm tội của A. Vì vậy cần thiết phải áp dụng biện pháp tư pháp truy thu số tiền 500.000 đồng để sung vào ngân sách nhà nước. Quan điểm thứ hai: Viện kiểm sát không đề nghị Hội đồng xét xử tuyên truy thu số tiền 500.000 đồng mà bị cáo có được do bán tài sản trộm cắp để sung vào ngân sách nhà nước, bởi lẽ trong vụ án này, bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không yêu cầu A phải bồi thường hay bồi hoàn gì, thì không đặt vấn đề giải quyết số tiền 500.000 đồng trên vì đây là nghĩa vụ dân sự do các bên đã tự thỏa thuận, Tòa án không áp dụng biện pháp tư pháp truy thu sung vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó vì bị cáo là đối tượng nghiện hút, không có nghề nghiệp ổn định, tài sản không có gì vì vậy nếu Viện kiểm sát đề nghị và Tòa tuyên truy thu số tiền 500.000 đồng mà A có được do bán tài sản trộm cắp để sung vào ngân sách nhà nước thì cũng không có tính khả thi. Từ thực tế qua công tác xét xử, việc áp dụng điểm b Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự để truy thu sung vào ngân sách nhà nước của các Tòa án còn có sự khác nhau, có Tòa án tuyên truy thu nhưng cũng có Tòa án không tuyên truy thu, dẫn đến chưa có sự áp dụng thống nhất trong việc áp dụng biện pháp tư pháp. Kiểm sát viên mong muốn được tham khảo ý kiến của các Cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan cấp trên và đồng chí trong Ngành về vấn đề này để việc giải quyết vụ án được đúng quy định pháp luật.

Câu trả lời

Chưa có câu trả lời