CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

TỐI CAO

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

Số: 534/TB-VKSTC

                  

 

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2018

 

THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM

V/v xây dựng báo cáo công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm,

tái thẩm đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án Hành chính, dân sự,

hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác

theo quy định pháp luật của VKSND cấp cao và VKS địa phương

 

Thực hiện chỉ thị số 01/CT-VKSTC  ngày 20 tháng 12 năm 2017 về công tác của Ngành kiểm sát nhân dân năm 2018; Kế hoạch số 03/KH-VKSTC ngày 26/12/2017 của VKSTC về công tác trọng tâm của VKSND tối cao năm 2018, theo đó Viện trưởng VKSND tối cao giao cho Vụ 10 phối hợp với Vụ 9, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao “Định kỳ 6 tháng ban hành thông báo rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật”. Ngày 20/6/2018 Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) ban hành Hướng dẫn số 2607/VKSTC-V10, về yêu cầu VKS cấp cao, VKS địa phương báo cáo công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (kèm theo đề cương báo cáo và phụ lục). Sau khi tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) thông báo kết quả như sau:

1. Về việc chấp hành thời hạn gửi báo cáo

 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận được báo cáo của 66/67 đơn vị. Cơ bản Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố đã chấp hành nghiêm quy định về thời hạn gửi báo cáo đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, như Viện kiểm sát nhân dân: Thành phố Hà Nội,  thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên, Kom Tum, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang, Long An….

Tuy nhiên, còn có 4 đơn vị thực hiện gửi báo cáo chậm theo quy định như Viện kiểm sát nhân dân: Thành phố Hải Phòng, Quảng Nam, Cần Thơ, Ninh Thuận (địa phương báo cáo là do không nhận được công văn 2607/VKSTC-V10 và đề cương báo cáo kèm theo). Riêng Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đến thời điểm này chưa gửi báo cáo.

2. Về nội dung chất lượng báo cáo

2.1 Ưu điểm:

Cơ bản Viện kiểm sát các địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư xây dựng báo cáo đảm bảo yêu cầu về thể thức, nội dung. Các báo cáo đã đánh giá được ưu điểm, tồn tại hạn chế, những nội dung cần rút kinh nghiệm về thực hiện quyền kháng nghị, phương pháp phát hiện vi phạm, tích lũy vi phạm, kinh nghiệm đã đúc kết trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án, kiểm sát bản án, quyết định của đơn vị.

Một số Viện kiểm sát địa phương thực hiện tốt, bám sát đề cương báo cáo cũng như nội dung công văn yêu cầu. Báo cáo đã nêu tình hình bản án, quyết định có vi phạm, liệt kê được các dạng vi phạm, đồng thời đưa ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác kháng nghị phúc thẩm như Viện kiểm sát nhân dân: Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Hưng Yên, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Dương, An Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hải Dương, Gia Lai, Long An, Đồng Nai, Cà Mau, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bạc Liêu, Hòa Bình, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

 2.2. Những hạn chế còn tồn tại

Bên cạnh kết quả đạt được công tác báo cáo của các địa phương còn một số tồn tại, hạn chế:

2.2.1. Về số liệu:

- Số liệu nêu trong báo cáo của nhiều Viện kiểm sát địa phương không đầy đủ, chưa bám sát với nội dung yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10),  không có số liệu hoặc không có phụ lục báo cáo kèm theo như Viện kiểm sát nhân dân: tỉnh Kom Tum, Ninh Thuận, Tuyên Quang, Quảng Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Cạn, Hà Giang, Hưng Yên, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Phú Thọ.

 - Một số địa phương báo cáo và phụ lục báo cáo không phản ánh đúng thực trạng công tác kiểm sát giải quyết đối với các loại án, phụ lục báo cáo không phát sinh số liệu, tuy nhiên thực tế hầu hết các VKS đều thực hiện công tác kiểm sát, ví dụ như yêu cầu của báo cáo ghi: “số kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp/ tổng số bản án, quyết định của tòa án đã giải quyết”, Phụ lục số 05 về số liệu kháng nghị theo pháp lệnh 09 yêu cầu là: “số kháng nghị của Viện kiểm sát/ tổng số quyết định sơ thẩm Tòa án đã giải quyết” nhưng số liệu thống kê các đơn vị gửi VKSTC đều ghi "không" không phản ánh cụ thể không có kháng nghị của Viện kiểm sát trên bao nhiêu bản án, Quyết định tòa án đã giải quyết.

- Một số Viện kiểm sát địa phương đã tổng hợp số liệu báo cáo nhưng không tách số liệu theo phụ lục nên rất khó trong quá trình tổng hợp, gồm các VKS: tỉnh Nam  Định, Hải Phòng, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng.

2.2.2. Về nội dung chất lượng báo cáo:

Nhiều Viện kiểm sát địa phương chưa bám sát công văn 2607/VKSTC – V10  của VKSND tối cao để xây dựng báo cáo, dẫn đến báo cáo không đúng, không đủ. Cụ thể tại phần 1 “Tình hình chung” nhiều Viện kiểm sát không tập trung đánh giá về tình hình vi phạm của bản án, quyết định mà lại nêu tình hình tranh chấp xảy ra tại địa phương  (VKS Gia Lai, Hải Dương, Sơn La …). Hoặc đã tổng hợp được tình hình bản án, quyết định có vi phạm nhưng chưa nêu rõ các dạng vi phạm của tòa là vi phạm về thủ tục tố tụng hay vi phạm về nội dung. Đối với những loại vi phạm như vậy thì Viện kiểm sát đã ban hành loại công văn nào để yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm như Yêu cầu, kiến nghị hay kháng nghị… Từ đó rất ít địa phương đưa ra được kinh nghiệm và rút kinh nghiệm cụ thể đối với từng loại án, từng loại tranh chấp.

Cá biệt có đơn vị còn có nhận thức chưa đúng quy định của Luật, báo cáo nêu: “Nếu Tòa án không tiến hành thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát mà vẫn đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa cũng không bổ sung được những vấn đề mà VKS đã yêu cầu thu thập thì Kiểm sát viên vẫn tham gia phiên tòa nhưng không phát biểu quan điểm về nội dung giải quyết vụ án và sẽ báo cáo lãnh đạo Viện sau khi kết thúc phiên tòa để xem xét kháng nghị phúc thẩm theo thẩm quyền”. Đây là quan điểm chỉ đạo chưa chính xác vì theo quy định tại Điều 190 Luật TTHC  và Điều 262 Bộ Luật TTDS quy định thì kiểm sát viên phải phát biểu quan điểm về sự tuân theo pháp luật và về nội dung giải quyết vụ án. Trong trường hợp này VKS vẫn phát biểu về nội dung giải quyết vụ án cụ thể là: “Các căn cứ trong hồ sơ vụ án chưa đầy đủ, VKS đã yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng tòa án không thu thập theo yêu cầu của VKS thì Kiểm sát viên vẫn phải phát biểu quan điểm chưa đủ cơ sở để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện và đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu chứng cứ. Trường hợp Tòa án vẫn  xét xử và ban hành bản án hoặc quyết định thì VKS sẽ thực hiện quyền năng pháp lý theo Luật định”.

Trên đây, là một số nội dung cần rút kinh nghiệm qua việc xây dựng báo cáo công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án Hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật 06 tháng đầu năm và làm cơ sở cho quá trình tổng hợp, xây dựng thông báo rút kinh nghiệm kỳ tới. Đề nghị các đồng chí Viện trưởng VNSND cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ bám sát đề cương và nội dung yêu cầu của báo cáo nêu trong công văn 2607/VKSTC - V10 ngày 20/6/2018 nêu trên kịp thời chấn chỉnh những tồn tại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật cả năm 2018./.

 

Nơi nhận:

- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để b/c);

- Đ/c Trần Công Phàn - PVT VKSNDTC (để b/c);

- VKSND cấp cao 1,2,3 (để nghiên cứu thực hiện);

- VKS các tỉnh, tp trực thuộc TW(để nghiên cứu thực hiện);

- Vụ 9 để phối hợp;

- Văn phòng VKSNDTC (P. Tổng hợp);

- Lãnh đạo Vụ 10

- Lưu VT, Vụ 10.

TL. VIỆN TRƯỞNG

VỤ TRƯỞNG VỤ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, VỤ VIỆC KINH DOANH THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG VIỆC KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

 

(Đã ký)

 

Phương Hữu Oanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

           

 

TÌM KIẾM