CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kết quả 5 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ Chí Minh” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái

19/04/2012
Cỡ chữ:   Tương phản

Kết quả 5 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ Chí Minh” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái
 
Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã tổ chức triển khai, quán triệt cuộc vận động tới cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát tỉnh Yên Bái, gắn nhiệm vụ chính trị của Ngành với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, có sự phối hợp với Ban Chấp hành Đảng bộ, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trong cơ quan.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo cuộc vận động và phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban chỉ đạo cho phù hợp với việc thực hiện theo chuyên đề hàng năm. Ban chỉ đạo đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng thuộc Viện tỉnh, các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện các chuyên đề sát với chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát. Đối với cán bộ, công chức sau khi học tập các chuyên đề theo chủ đề hàng năm, phải viết bài thu hoạch và nêu những việc cần thực hiện đối với nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong thực hiện cuộc vận động.
Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã triển khai theo các bước, các chuyên đề theo kế hoạch: Cụ thể hoá, tổ chức ký kết trong cơ quan, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm việc thực hiện những việc cần "xây", cần "chống" (theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 lần 2), 5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hình thức kiểm điểm được gắn trong các buổi sinh hoạt Chi bộ, đơn vị thường kỳ, hàng tháng, nội dung kiểm điểm chủ yếu đánh giá kết quả việc "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác, rút kinh nghiệm kịp thời những nội dung còn thiếu sót, khuyết điểm.
Công tác kiểm tra thực hiện cuộc vận động, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ là: Làm lãnh đạo phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo, trong 5 năm qua, công tác kiểm tra, giám sát đã được đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên tiến hành tự kiểm tra, kiểm tra định kỳ và kiểm tra theo chuyên đề cuộc vận động... Ban chỉ đạo cuộc vận động đã phối hợp với Lãnh đạo Viện, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của cơ quan và tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương nơi cán bộ, đảng viên cư trú, để triển khai và xây dựng kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra các đơn vị, mỗi năm có từ 5 đến 6 trong tổng số 18 đơn vị được kiểm tra trực tiếp, các đơn vị còn lại tự kiểm tra. Kết quả 5 năm qua, các đơn vị đều được Ban chỉ đạo lần lượt trực tiếp kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… và việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TW của Bộ Chính trị về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ”.
Qua công tác kiểm tra đã đánh giá đúng thực trạng tình hình, đề ra biện pháp kịp thời để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, ngăn chặn kịp thời, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Công tác kiểm tra đã góp phần vào việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, quản lý, giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động, cán bộ, công chức, đảng viên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái nhận thức về cuộc vận động là đầy đủ; coi đây là cuộc vận động lớn, nhằm xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ và xây dựng nền tảng đạo đức trong Đảng, trong xã hội.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các bước của kế hoạch qua 5 năm triển khai, ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, đảng viên có chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu vừa công tác vừa học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ, tin học, phát huy tính dân chủ, kỷ luật trong tổ chức và hoạt động.
Tác động của cuộc vận động đến việc thực hiện bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi là để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, từng bước tiêu chuẩn hoá đội ngũ Kiểm sát viên nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành:
Thực hiện Quy định số 169/QĐ-VKSTC-V9 ngày 10/8/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định tạm thời về tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi trong ngành Kiểm sát nhân dân, Chỉ thị kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; thể chế hoá các yêu cầu, nhiệm vụ mà Quy định số 169 nêu ra, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức cuộc thi tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi lần thứ nhất (năm 2010) với kiến thức tổng hợp (thi trắc nghiệm) và lần thứ hai (năm 2011) với chủ đề “Nâng cao kỹ năng xây dựng bản cáo trạng”. Đối tượng tham gia dự thi tuyển chọn là toàn thể Kiểm sát viên hai cấp của tỉnh và Kiểm tra viên, chuyên viên (là đối tượng khuyến khích) nhằm mục đích đánh giá trình độ hiểu biết pháp luật, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn công tác theo các tiêu chuẩn nghiệp vụ của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Kiểm sát viên cấp huyện.
Qua kết quả cuộc thi, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã biểu dương và nêu gương 02 Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái có bài thi đạt cao nhất là 100 điểm; 02 đồng chí chuyên viên của Văn phòng tổng hợp thống kê tội phạm (thuộc đối tượng khuyến khích tham gia dự thi) nhưng đã có bài thi là 98,10 điểm. Về tập thể, có 02 đơn vị (Phòng 3 và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái) đạt giải Nhất; có 02 đơn vị (Phòng 5 và Viện kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên) đạt giải Nhì; có 02 đơn vị (Phòng 2 và Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu) đạt giải Ba. Về cá nhân, có 28 đồng chí đạt giải A; có 23 đồng chí đạt giải B; có 25 đồng chí đạt giải C.
Từ kết quả trên cho thấy, các đơn vị đã tổ chức tốt cho cán bộ, Kiểm sát viên ôn tập; cán bộ, Kiểm sát viên đã tích cực đầu tư thời gian, công sức để học tập, nghiên cứu đạt được điểm thi tương đối đồng đều. Để đạt được những thành tích trên, lãnh đạo các đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo động viên cán bộ công chức chủ động, tự giác, có trách nhiệm trong quá trình ôn tập, sưu tầm tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn công tác và nghiên cứu. Qua đó, đã phát huy tinh thần không ngừng học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của cán bộ công chức, đảng viên.
Tác động của cuộc vận động trong công tác quản lý, rèn luyện cán bộ công chức:
Thực hiện Chỉ thị số 04/2009/CT-VKSTC ngày 06/10/2009 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc chấp hành chế độ làm việc và Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức ngành Kiểm sát nhân dân và Công văn số 317 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về quản lý, giáo dục cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, phong cách làm việc, đạo đức nghề nghiệp được thực hiện qua các buổi học tập chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, địa phương và Ngành quy định.
Cán bộ, công chức của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định, quyết định… về tổ chức cán bộ, tự rèn luyện phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và học tập nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã ký cam kết và chịu trách nhiệm người đứng đầu với Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh về quản lý, giáo dục, rèn luyện của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý; cán bộ công chức ký cam kết và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện với Thủ trưởng trực tiếp quản lý, với pháp luật của Nhà nước.
Tác động của cuộc vận động tới công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành:
Hiệu quả của việc "làm theo" được đánh giá cụ thể ở phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được phân công của đảng viên, cán bộ công chức. Cấp uỷ viên của các Chi bộ và Đảng bộ luôn gương mẫu để đảng viên, cán bộ, công chức học tập và cùng làm theo. Đảng bộ luôn xác định đây là cuộc vận động toàn diện, có ý nghĩa to lớn, nhằm làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, vì vậy luôn thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp được nâng cao, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc tiếp nhận và kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về vi phạm và tội phạm, không để xảy ra tình trạng bắt oan, sai, hình sự hoá các quan hệ về dân sự, hành chính, kinh tế. Không có vụ án nào Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội.
Công tác xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ phát huy được trí tuệ của tập thể, thực hiện đúng, đủ nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, phát triển đảng viên đảm bảo chất lượng, tổ chức đảng và các đoàn thể thường xuyên được củng cố kiện toàn, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chi bộ; chất lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên đang từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Công tác giám sát có sự chuyển biến tiến bộ, đã giúp cho cấp uỷ triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng.
Công tác dân vận và công tác quần chúng đã khơi dậy được lòng tin của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác. Cơ quan, đơn vị có sự đoàn kết thống nhất, trên cơ sở đấu tranh phê bình và tự phê bình thẳng thắn, xây dựng, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Kết quả: 100% cán bộ công chức, đảng viên được đánh giá phân loại hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm, không có đảng viên, đoàn viên, hội viên yếu kém, vi phạm kỷ luật. Các Chi bộ liên tục đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh; các tổ chức đoàn thể được công nhận vững mạnh xuất sắc. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái 02 năm 2007 - 2008 được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng “Cờ thi đua xuất sắc ngành Kiểm sát”, năm 2005 và 2009 được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen “Tập thể lao động xuất sắc”, Cờ thi đua xuất sắc, năm 2009 được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; năm 2010 được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba”; 03 đơn vị được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba”; 01 đơn vị được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều giải thưởng của ngành, địa phương.
Tác động của cuộc vận động đến cán bộ công chức, đảng viên:
Qua 05 năm thực hiện cuộc vận động, chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát tỉnh Yên Bái được nâng lên rõ rệt. Trong công tác phong trào, các cán bộ, đảng viên đã tham mưu, giúp việc; trong công tác kiểm sát, công tác thi đua đạt hiệu quả, đi vào thực chất, có nhiều tiến bộ. Đa số cán bộ, công chức, đảng viên đã có ý thức giữ gìn, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống hơn, có trách nhiệm hơn trong công việc và quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, với nhân dân ở nơi cư trú; có sự đổi mới nếp nghĩ, cách làm, tác phong công việc. Có một số đảng viên điển hình, gương mẫu trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được ghi nhận và khen thưởng (như tham gia hội thi kể chuyện về Bác Hồ do tỉnh tổ chức đạt giải Khuyến khích).
Năm 2009, kiểm điểm, đánh giá 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đồng thời tuyên dương các điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái và Chi bộ Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh, án ma tuý (Phòng 2) được Đảng uỷ khối các cơ quan Tỉnh tặng Bằng khen với thành tích là tấm gương để đảng viên, công chức học tập, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Năm 2010, tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã có 03 chi bộ và 19 đảng viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2006 đến năm 2010.
Qua quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu, rộng, thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm của mỗi cán bộ công chức, đảng viên thì phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức gắn với việc tổ chức các phong trào thi đua trong toàn Ngành; đặc biệt nêu cao vai trò lãnh đạo của Cấp uỷ, Ban chỉ đạo cuộc vận động, sự tự giác, gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các đoàn thể trong công tác chính trị tư tưởng ở cơ sở, nơi làm việc, nơi đến công tác, nơi cư trú.
Thứ hai, quán triệt đầy đủ, xây dựng nội dung, chương trình cụ thể và chỉ đạo chặt chẽ các nội dung cuộc vận động theo yêu cầu từng năm, gắn với việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của địa phương, của Ngành.
Thứ ba, trong tổ chức chỉ đạo, điều hành phải bám sát hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh uỷ, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và của Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh. Chủ động nghiên cứu các nguồn thông tin về cuộc vận động, hướng dẫn cụ thể, thực hiện đầy đủ các bước triển khai thực hiện cuộc vận động đến các đơn vị. Phải thường xuyên kiểm tra, cập nhật tình hình triển khai của đơn vị để có biện pháp chỉ đạo thực hiện kịp thời. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các đoàn thể đã đề cao trách nhiệm, tạo uy tín, gương mẫu trong thực hiện cuộc vận động, đảng viên phải làm gương cho quần chúng.
Thứ tư, xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát thực hiện cuộc vận động cụ thể, sát với nhiệm vụ của cơ quan trong từng giai đoạn và trong suốt nhiệm kỳ. Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên trong việc chuyển trọng tâm từ “học tập” sang “làm theo”, qua việc giáo dục đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên theo chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; xây dựng người cán bộ Kiểm sát có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, đảng viên về việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động, học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong lề lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ sáu, quan tâm chăm lo, xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, đặc biệt quan tâm chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, đưa thanh niên vào hoạt động thực tiễn để rèn luyện, giáo dục, thử thách, từng bước trưởng thành, trở thành những cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” như mong muốn của Hồ Chủ Tịch; chăm lo cho thanh niên về học tập, công tác, nâng cao trình độ, nâng cao thu nhập, có đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, phong phú; tạo điều kiện để cán bộ công chức, đảng viên công tác, học tập, đóng góp công sức và trí tuệ vào sự nghiệp chung, có điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình, gắn bó, đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao./.
  
Tìm kiếm