CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số vấn đề về xác định chất ma túy theo quy định của pháp luật

25/03/2020
Cỡ chữ:   Tương phản

 

1. Tên gọi các chất ma túy

Chất ma túy được gọi theo tên chất (tên quốc quốc tế theo 3 Công ước quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy hoặc tên của cây có chứa chất ma túy) và tên khoa học (thành phần hóa học tham gia vào cấu trúc chất ma túy). Trong vụ án ma túy, để đề xuất xử lý tội phạm về ma túy, cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào tên chất ma túy. Các vụ án ma túy có thu giữ vật chứng là chất ma túy thì tên chất đó phải được thể hiện trong Kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền giám định chất ma túy.

Chất ma túy nhìn từ góc độ quản lý, gồm: Chất ma túy hợp pháp và chất ma túy bất hợp pháp.

Khoản 9 Điều 2 Luật số 13/VBHN-VPQH ngày 23/7/2013 Phòng, chống ma tuý quy định: Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy bao gồm các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh các chất quy định tại các khoản 1, 4 và 5 Điều này, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Các chất ma túy thuộc các hoạt động này được coi là ma túy hợp pháp.

Ngoài ra, chất ma túy, tiền chất được sử dụng trong y tế, công nghiệp, thú y, phân tích kiểm nghiệm nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền cũng là ma tuý hợp pháp.

Chất ma tuý bất hợp pháp được hiểu là chất ma tuý được giao dịch, thực hiện trái với quy định của pháp luật, bị pháp luật cấm.

Theo 3 Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống và kiểm soát ma túy thì chất ma túy là các chất có trong Phụ lục (còn gọi là bảng, danh mục) I và II; các “chế phẩm”, chất hướng thần có trong bảng III, IV mà đối tượng sản xuất, vận chuyển, mua bán... trái với quy định của các Công ước này bị coi là ma túy bất hợp pháp.

Nội dung của 3 Công ước về phòng, chống và kiểm soát ma túy, Từ điển các chất ma túy và các chất hướng thần của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC)[1] thể hiện không chỉ các chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất thiết yếu tham gia vào cấu trúc chất ma túy có tên trong các bảng mà các cây tự nhiên trên khắp thế giới có chứa chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, các chế phẩm có chứa chất ma túy cũng được quy định việc kiểm soát rất chặt chẽ và nghiêm khắc đối với từng chủng loại đó và có các mức kiểm soát phù hợp với lượng chất ma túy tự nhiên có trong đó.

Theo Điều 2 Luật số 13/VBHN-VPQH ngày 23/7/2013 Phòng, chống ma tuý thì các khái niệm về chất ma túy được hiểu như sau:

Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

Tiền chất là các hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma tuý, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.

Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong các danh mục do Bộ Y tế ban hành, có chứa các chất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Cây có chứa chất ma tuý bao gồm cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định.

Ngoài ra, còn có các loại thuốc dùng trong y tế có thành phần của ma túy, chất hướng thần, tiền chất. Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược trong đó có quy định về: Thuốc phải kiểm soát đặc biệt (gồm thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất), thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện; thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần; thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Hiện còn một số vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể, cần được làm rõ để có quy định kiểm soát phù hợp, giải quyết vướng mắc khi xử lý.

2. Xác định chất ma túy trong vụ án ma túy

- Căn cứ pháp luật:

+ Chương XX “Các tội phạm về ma túy” Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội danh và hình phạt đối với các hành vi trái phép bao gồm: Trồng các loại cây có chứa chất ma túy; sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt các chất ma túy, tiền chất, các dụng cụ dùng cho việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; về tổ chức, chứa chấp sử dụng, cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; và vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện, hoặc các chất ma túy khác. 

Mỗi điều luật đều có cấu trúc nhiều khung hình phạt với tính chất nghiêm khắc tăng dần, tỷ lệ thuận với lượng (diện tích hoặc số cây trồng, khối lượng hoặc thể tích) các chất ma túy, tiền chất, chất hướng thần. Trong đó, hầu hết các tội có quy định mức hình phạt cao nhất là đặc biệt nghiêm khắc, phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, về căn cứ áp dụng hình phạt, người bị kết án về tội phạm ma túy còn có thể bị xử phạt bổ sung là phạt tiền; cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề; cấm cư trú; hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

+ Đối với các chất ma túy không có tên trong BLHS thì căn cứ theo Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 73/NĐ-CP ngày 15/5/2018. Khi phát hiện chất mới chưa có trong các danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định này liên quan đến việc sản xuất, điều chế, sử dụng chất ma túy hoặc theo quy định tại 03 Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy thì Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan xem xét, trình Chính phủ bổ sung và công bố các danh mục đó.

- Xác định chất ma túy căn cứ vào Kết luận giám định:

Văn bản số 08/VBHN-BCA ngày 31/12/2015 hợp nhất 02 thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999, các khái niệm về chất ma túy như sau:

“Chất ma túy” là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

“Tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” là các hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong các danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành.

Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng thì không coi toàn bộ dung dịch hoặc dung dịch pha loãng này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng chất ma túy trong dung dịch để tính trọng lượng chất ma túy đó.

Thông tư cũng quy định: Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:

a) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c) Xái thuốc phiện;

d) Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4. Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật.

Các trường hợp không bắt buộc phải trưng cầu giám định thì cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định trưng cầu giám định ghi rõ nội dung yêu cầu giám định: “Mẫu gửi giám định có phải là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy không? Loại chất ma túy, tiền chất gì? Trọng lượng (khối lượng) của mẫu gửi giám định là bao nhiêu?”[2]

Việc trả lời Kết luận giám định cũng phải thực hiện theo Công văn số 1075/ C54 (TT2) ngày 29/8/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, về việc trả lời Kết luận giám định và trích mẫu ma túy gửi giám định như sau: Nếu yêu cầu giám định: "Trọng lượng (khối lượng) chất ma túy, tiền chất là bao nhiêu?”

Thì kết luận giám định: "Trọng lượng Heroine (Cocaine…) trong …gam, mẫu là…gam”, Ví dụ: Trọng lượng Heroine là 10 gam, mẫu là 7,5 gam.

Trọng lượng chất ma túy, tiền chất gửi giám định ở thể rắn được tính bằng: Trọng lượng mẫu nhân với Hàm lượng.

Trọng lượng chất ma túy, tiền chất gửi giám định ở thể lỏng được tính bằng: Thể tích mẫu nhân với Nồng độ.

Các đơn vị có thẩm quyền giám định về chất ma túy và tiền chất hiện nay là Viện khoa học hình sự (thuộc Trung tâm giám định chất ma túy) Bộ Công an và Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an các tỉnh thực hiện. Trên cơ sở yêu cầu trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan này thực hiện việc giám định và ban hành Kết luận giám định.

Nghị quyết số 41/2017/NQ-QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành các BLHS, BLTTHS… trong đó quy định các trường hợp bắt buộc phải giám định hàm lượng chất ma túy:

“Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13”.

- Xác định chất ma túy không căn cứ vào Kết luận giám định:

Đối với các vụ án khởi tố về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy - Điều  254 BLHS không có vật chứng là chất nghi chất ma túy, các vụ án truy xét, không thu giữ chất nghi là chất ma túy thì cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ Mục 1.4 Văn bản số 08/VBHN-BCA ngày 31/12/2015 hợp nhất 02 thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999: ... “Trường hợp không thu giữ được vật chứng là chất ma túy, tiền chất nhưng có căn cứ xác định được trọng lượng chất ma túy, tiền chất mà người phạm tội đã mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh và điều khoản tương ứng”. Có nghĩa là xác định chất ma túy căn cứ theo các lời khai của người tham gia tố tụng và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án (không bao gồm kết luận giám định). Việc xác định trọng lượng chất ma túy để kết tội bị can trong các vụ án này cần hết sức thận trọng, phải kết hợp giữa các quy định về tính khối lượng, thể tích với quy định về đánh giá chứng cứ trên cơ sở nguyên tắc có lợi cho bị can.

Đối với các chất ma túy mà bị can khai theo đơn vị đo lường theo tập quán trong nước, như: Lượng, đồng cân (chỉ), phân thì căn cứ theo Phụ lục IV Đơn vị đo chuyên ngành đặc biệt, đơn vị đo theo tập quán trong nước ban hành kèm theo Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường để tính khối lượng.

Trên cơ sở xác định được chất ma túy, cơ quan có thẩm quyền điều tra lấy đó làm căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

VKSND có nhiệm vụ kiểm sát việc trưng cầu giám định chất ma túy. Kiểm sát viên có quyền tham dự việc giám định chất ma túy đối với những trường hợp phức tạp, nhưng phải báo trước cho Giám định viên biết./.

TS. Nguyễn Thị Mai Nga - VKSND tối cao

 


[1]UNODC (2006), Mutilingual dictionary of naroctic drug and psychotropic substanes under Interna tional control.

[2]Công văn số 2955/CSĐT (C44) ngày 29/8/2016 của Cơ quan Cảnh sát  điều tra Bộ Công an về việc giải quyết các vụ án ma túy.

 

 

Tìm kiếm