CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

28/04/2012
Cỡ chữ:   Tương phản

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre thực hiện cuộc vận động
"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
 
Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre đã thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động, đề ra Kế hoạch tổ chức triển khai, học tập và Chương trình hành động để thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Ngành. Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động của ngành Kiểm sát tỉnh Bến Tre đã tập trung quán triệt về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của cuộc vận động tới toàn thể cán bộ, đảng viên, Kiểm sát viên trong toàn Ngành; tổ chức học tập để nắm vững các nội dung cơ bản trong tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua việc nghiên cứu các tác phẩm của Người và theo các chuyên đề. Qua học tập, tạo được sự chuyển biến sâu sắc cả trong nhận thức và hành động. Từng đảng viên, quần chúng xác định được mục tiêu tu dưỡng, rèn luyện, học tập và hướng đến những việc làm cụ thể, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, đã tổ chức quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí, tài liệu tuyên truyền, giới thiệu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như: Tổ chức chiếu các tập phim nói về thân thế và cuộc đời hoạt động của Người; Phối hợp tổ chức thành công 02 lần Hội thi “kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Lần 1: Vào tháng 02/2008, có 06 thí sinh tham dự; Lần 2: vào tháng 03/2009, có 12 thí sinh tham dự. Hội thi tổ chức nghiêm túc, được sự tham gia cổ vũ của tất cả đảng viên, quần chúng, góp phần tuyên truyền sâu rộng, thể hiện những tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kết quả Hội thi, chọn cử 01 thí sinh tham dự Hội thi do Đảng uỷ khối các cơ quan tổ chức, kết quả: Đạt giải khuyến khích.
Kết quả thực hiện cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tấm gương tổ chức, cá nhân tiêu biểu, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành. Thành tích đạt đượcqua thực hiện cuộc vận động, liên tục từ năm 2007 đến 2010, hàng năm Đảng bộ được công nhận đạt “Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”, và được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen với thành tích đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 3 năm liền, Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho tập thể Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự (P1) có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện cuộc vận động; Đảng uỷ cấp trên tặng giấy khen cho 04 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền, tặng giấy khen cho 02 chi bộ trực thuộc và 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Cuộc vận động; Đảng uỷ cơ sở tặng Giấy khen cho 01 Chi bộ và 03 đảng viên tiêu biểu thực hiện cuộc vận động; 100% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 26,3% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các đoàn thể đều đạt danh hiệu vững mạnh nhiều năm liền; phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, quy chế dân chủ cơ sở… được giữ vững và phát huy toàn diện.
Việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của ngành Kiểm sát tỉnh Bến Tre còn được gắn với công tác bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi và được Lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và cũng là giải pháp lâu dài của công tác cán bộ, nhằm đáp ứng công cuộc cải cách tư pháp trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn mực về đạo đức, có trách nhiệm và tinh thần tận tuỵ phục vụ nhân dân.
Từ nhận thức và nhất quán về chủ trương, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre quán triệt đến toàn thể Kiểm sát viên, cán bộ ý nghĩa của việc bồi dưỡng và tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn đúng theo Quy định tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-VKSTC-V9 ngày 10/8/2007 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Từ tháng 6/2007, thực hiện Kế hoạch số 18/KH-VKSTC-TCKS ngày 04/5/2007 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc: “Tổ chức Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu của ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ Nhất”, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn nội dung và triển khai đến toàn thể Kiểm sát viên, cán bộ cả hai cấp. Quy trình thực hiện được tiến hành theo hai bước:
Bước 1: Tổ chức cuộc thi Kiểm sát viên giỏi. Đối tượng dự thi là các Kiểm sát viên đang thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử án hình sự ở hai cấp (trừ Kiểm sát viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý). Đề thi do Ban tổ chức biên soạn, gồm 02 phần: Phần kiểm tra kiến thức pháp luật (thi trắc nghiệm); Phần kiểm tra kỹ năng nghiệp vụ (thi viết). Kết quả: 02 đồng chí đạt loại giỏi; 05 đồng chí đạt loại khá; 05 đồng chí đạt trung bình.
Bước 2: Trên cơ sở kết quả thi, đối chiếu với các quy định về điều kiện và tiêu chuẩn, Hội đồng tuyển chọn xem xét chọn 02 Kiểm sát viên có thành tích xuất sắc, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định công nhận đạt danh hiệu Kiểm sát viên tiêu biểu và cử dự Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu toàn Ngành lần thứ Nhất năm 2008.
Năm 2008, thực hiện Quyết định số 169/QĐ-VKSTC-V9 ngày 10/8/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có Kế hoạch và Hướng dẫn nội dung thực hiện số 184/HD-VKS ngày 28/12/2007 đến các Phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị. Trong đó, quy định cụ thể về tiêu chuẩn Kiểm sát viên giỏi ở các khâu công tác gồm: Kiểm sát viên (kể cả Kiểm sát viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án hình sự; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự…; kiểm sát thi hành án; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam.
Hội đồng tuyển chọn tổ chức tuyển chọn theo 02 vòng: Vòng kiểm tra kỹ năng nghiệp vụ và vòng kiểm tra kiến thức pháp luật.
Bộ phận giúp việc phân công thành 03 tổ công tác. Bước đầu, thẩm định, rà soát, đánh giá các vụ việc do Kiểm sát viên tham gia giải quyết từ kết quả kiểm tra toàn diện, kiểm tra nghiệp vụ theo định kỳ hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Tiếp theo là kiểm tra hồ sơ kiểm sát tại đơn vị và kiểm tra trực tiếp việc tham gia xét xử tại các phiên toà của các Kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự. Từng Tổ kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra về Hội đồng tuyển chọn, có nhận xét, đánh giá cụ thể các mặt. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Hội đồng xem xét tuyển chọn ra 09 Kiểm sát viên đủ điều kiện và tiêu chuẩn để dự kiểm tra phần kiến thức pháp luật.
Từ kết quả của 2 vòng kiểm tra, kết hợp với kết quả rèn luyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ chí Minh, Hội đồng tuyển chọn xét và thống nhất đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định công nhận 09 Kiểm sát viên (03 Kiểm sát viên cấp tỉnh; 06 Kiểm sát viên cấp huyện) đạt danh hiệu Kiểm sát viên giỏi năm 2008.
Năm 2009, Lãnh đạo chủ trương không tổ chức tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, mà làm tốt việc chuẩn bị để tổ chức kỳ thi Kiểm sát viên giỏi vào tháng 6/2010, với hình thức giao chỉ tiêu, mỗi đơn vị cử Kiểm sát viên tham gia dự thi. Tuy nhiên, đến nay chưa tổ chức được theo kế hoạch đề ra. Bởi lẽ, từ tháng 01/2010 đến tháng 6/2010 phải tập trung cho công tác bổ nhiệm lại Kiểm sát viên hai cấp đợt tháng 10/2010; biên chế của đơn vị còn thiếu khá nhiều, dẫn đến hầu hết ở các đơn vị đều thiếu Kiểm sát viên. Trong khi số lượng án tăng, phức tạp, và nổi lên là tình hình an ninh - trật tự ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có phần phức tạp, nên phải dồn sức phối hợp tập trung giải quyết án, không đủ thời gian để tổ chức kỳ thi Kiểm sát viên giỏi theo Kế hoạch của năm 2010 và năm 2011.
Để đạt được những kết quả như trên, cùng với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ cấp trên, của Lãnh đạo ngành và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, chúng tôi rút ra được một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị; các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Ngành và Đảng uỷ cấp trên cho tất cả cán bộ, đảng viên, Kiểm sát viên và quần chúng, đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động như: Chiếu phim, sinh hoạt các tài liệu, bài viết về thân thế và cuộc đời hoạt động của Bác; tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức sâu sắc, đầy đủ về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng thực hiện cuộc vận động; từ đó xác định mục tiêu tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, mà cụ thể là thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành và yêu cầu cải cách tư pháp.
Hai là, Đảng uỷ phải phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong việc triển khai cuộc vận động; ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng và tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi theo quy định của Ngành. Kịp thời thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động cụ thể để lãnh đạo thực hiện. Ban Chỉ đạo xây dựng Quy chế hoạt động, xác định nội dung tiêu chuẩn đạo đức đối với tổ chức Đảng và cá nhân, chú trọng việc rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát mà Bác Hồ đã dạy đó là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Ba là, việc thực hiện cuộc vận động luôn gắn chặt với sinh hoạt Đảng và trở thành nội dung sinh hoạt bắt buộc, xem đây là một tiêu chí để đánh giá phân loại đảng viên, tổ chức Đảng, đồng thời cũng là tiêu chí để bình xét thi đua, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi./.
 
Tìm kiếm