CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Bất cập khi xử lý tài sản chung trong thi hành án dân sự

11/12/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Thông qua việc phân tích một số khó khăn, vướng mắc trong xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Luật thi hành án dân sự năm 2008 nhằm nâng cao hiệu quả việc xử lý tài sản chung trong hoạt động thi hành án dân sự.

1. Quy định của pháp luật về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án

Điều 207 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất”.

Theo Điều 74 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS năm 2008) và Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015), việc xử lý tài sản chung để thi hành án được chia thành 02 trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng và tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.

Nếu tài sản chung gồm tài sản là quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng và tài sản là quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên có nghĩa vụ xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình hay xác định phần sở hữu, sử dụng đất theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Sau khi xác định, Chấp hành viên phải thông báo cho vợ, chồng hay các thành viên trong hộ gia đình biết.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, các thành viên trong hộ gia đình không thống nhất thì được quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung. Hết thời hạn 30 ngày mà không có người yêu cầu thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.

Trường hợp thứ hai: Tài sản thuộc quyền sở hữu chung còn lại theo pháp luật (sở hữu chung trong nhà chung cư, sở hữu chung hỗn hợp...).

Trong trường hợp này, Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Sau 30 ngày, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hay trái đạo đức xã hội hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để họ yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản… theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, thực tế, tại một số địa phương, Chấp hành viên chỉ vận dụng Điều 24 Nghị định số 62/2015 để xác định phần quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án (trường hợp thứ nhất), mà không phân biệt rõ phần tài sản thuộc quyền sở hữu chung còn lại theo pháp luật để xác định phần quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án theo điểm b khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2008 (trường hợp thứ hai).  Điều 74 Luật THADS năm 2008 cũng chưa quy định cụ thể về quyền yêu cầu phân chia của các đồng sở hữu, người được thi hành án và Chấp hành viên.

Bên cạnh đó, khi Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì phát sinh trường hợp: Tòa án không thụ lý với lý do là Chấp hành viên không có quyền yêu cầu theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; hoặc Tòa án đã thụ lý nhưng Chấp hành viên không thể cung cấp chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết theo Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

2. Một số khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, theo hướng dẫn của Chính phủ về xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng và tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình, Chấp hành viên không có nghĩa vụ thông báo cho người được thi hành án biết về kết quả phần sở hữu của vợ, chồng hay phần sở hữu, sử dụng của thành viên hộ gia đình, nên ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bất lợi cho người được thi hành án. Pháp luật cũng chưa quy định trong thời hạn chung, người được thi hành án có quyền đề nghị Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định khối tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Thứ hai, khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2008 chưa quy định thời gian cụ thể để Chấp hành viên ra văn bản thông báo cho người được thi hành án. Điều luật chỉ quy định chung là “sau thời gian 30 ngày…”. Trong thực tiễn, nhiều Chấp hành viên kéo dài thời hạn ra thông báo, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong thi hành án, nhưng không có căn cứ, chế tài để yêu cầu Chấp hành viên thực hiện.

Thứ ba, việc phân chia quyền sử dụng đất của hộ gia đình để thi hành án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc:

Theo Công văn số 263/VKSTC-V11 ngày 21/01/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc trả lời khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án: Đối với việc xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án, về nguyên tắc là phải thực hiện theo khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2008, đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) tối cao có văn bản hướng dẫn thống nhất đối với các TAND địa phương. Theo Mục 4.III Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TAND tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, việc xác định tài sản hộ gia đình được thực hiện như sau: Thời điểm để xác định hộ gia đình có bao nhiêu thành viên có quyền sử dụng đất là thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; việc xác định ai là thành viên hộ gia đình phải căn cứ vào hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Khi giải quyết vụ án dân sự, ngoài những người là thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất, Tòa án phải đưa người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất của hộ gia đình, người có công sức đóng góp làm tăng giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản trên đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, văn bản trên chưa quy định về:

- Xác định thành viên hộ vào thời điểm nào: Quyền sử dụng đất của hộ gia đình nhiều lần thay đổi, cấp lại thì căn cứ vào việc cấp lần đầu hay lần sau cùng, đây là một vấn đề còn xảy ra phổ biến khi tranh chấp về xác định phần giá trị quyền sử dụng đất của thành viên hộ hiện nay mà chưa được hướng dẫn.

- Việc cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của cơ quan THADS: Để xác định thành viên hộ, Chấp hành viên phải tiến hành xác định tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, theo Luật đất đai năm 2013 và khoản 2 Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả bao gồm việc xác định thành viên hộ khi được cấp quyền sử dụng đất. Thực tế, tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân nơi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều hồ sơ bị thất lạc, không được lưu trữ hoặc hồ sơ không thể hiện tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có những ai là thành viên hộ gia đình. Do đó, Chấp hành viên phải xác minh tại Công an cấp huyện hoặc Công an cấp xã.

Đối với Công an cấp xã, vì không có đủ điều kiện quản lý hồ sơ lâu dài nên nhiều đơn vị đã chuyển hồ sơ về Công an cấp huyện. Việc xác minh qua nhiều bước gây khó khăn cho cơ quan THADS, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.

Thứ tư, theo khoản 9 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật THADS năm 2008 là một trong những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Đồng thời, khái niệm, phạm vi về yêu cầu và khởi kiện được quy định cụ thể trong pháp luật hình thức. Trong đó, khởi kiện là thủ tục ban đầu để hình thành một vụ án; còn yêu cầu là thủ tục ban đầu để phát sinh một việc dân sự2. Tuy nhiên, điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015 lại quy định: “Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản...” là chưa phù hợp.

3. Đề xuất, kiến nghị

Để hạn chế phát sinh tranh chấp dân sự, đảm bảo việc giải quyết các vụ án dân sự cũng như tổ chức thi hành các phán quyết của Tòa án liên quan đến trách nhiệm dân sự được thuận lợi, tác giả kiến nghị:

Thứ nhất, Nghị định số 62/2015 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Điểm c khoản 2 Điều 24 cần thay đổi cụm từ “khởi kiện” thành “yêu cầu” để đảm bảo đúng thuật ngữ pháp lý trong trường hợp xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của pháp luật; bổ sung quyền của người được thi hành án trong việc xác định giá trị quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng và tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình liên quan đến quyền lợi được thi hành án của mình; quy định giới hạn thời gian Chấp hành viên phải thực hiện nghĩa vụ thông báo việc xác định phân chia giá trị quyền sử dụng đất của bên phải thi hành án cho bên được thi hành án.

Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, lưu trữ hồ sơ, sổ quản lý, theo dõi và thực hiện tốt quy định tại Điều 11 Luật THADS năm 2008 về việc cung cấp thông tin, phối hợp trong việc giải quyết của Tòa án và tổ chức thi hành án dân sự; kịp thời hướng dẫn xác định giá trị tài sản và nghĩa vụ pháp lý của thành viên hộ gia đình đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình.

Huỳnh Hồng Việt - Ngô Văn Lượng (Tạp chí Kiểm sát số 15/2023)
Tìm kiếm