CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Công tác trọng tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2024

16/02/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Theo Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 19/12/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao căn cứ nhiệm vụ đơn vị được giao trong năm 2024 để tổ chức thực hiện.

Trong đó, tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội trong ngành Kiểm sát nhân dân, chú trọng những định hướng lớn của Đảng về công tác tư pháp, bảo đảm thống nhất nhận thức và hành động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và tham mưu thực hiện tốt trong toàn ngành, đồng thời, quán triệt thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Ban cán sự đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời, khắc phục kịp thời những sơ hở dễ bị lợi dụng để nảy sinh tiêu cực. Chỉ đạo, hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp đề ra những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội; tập trung đề ra những biện pháp khắc phục những chỉ tiêu chưa đạt trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp. Xây dựng văn bản hướng dẫn ngay từ đầu năm, nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng 13 chuyên đề nghiệp vụ cơ bản theo Kế hoạch.

Các đơn vị nghiệp vụ phải thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát cấp dưới; xác định những đơn vị, khâu công tác còn hạn chế, tồn tại, đang gặp khó khăn, vướng mắc để tổ chức kiểm tra xác định rõ nguyên nhân, hướng dẫn, chỉ đạo. Thực hiện nghiêm chỉ tiêu chất lượng ban hành thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ cho các đơn vị trong toàn ngành.

2. VKSND tối cao tập trung xây dựng, hoàn thiện các tài liệu, báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đối với các nội dung: (1) Tăng biên chế, Kiểm sát viên các ngạch cho Viện kiểm sát quân sự các cấp và thành lập mới 03 đơn vị mới thuộc hệ thống Viện kiểm sát Quân sự (Vụ 15 chịu trách nhiệm thực hiện); (2) Các báo cáo (Sơ kết 08 năm thực hiện Luật tổ chức VKSND và sơ kết thực tiễn 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân) và Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 (Vụ 14 chịu trách nhiệm thực hiện).

3. Vụ 15 tiếp tục tham mưu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, làm tốt công tác cán bộ, coi đây là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “bản lĩnh, liêm chính, chuyên nghiệp”; nắm vững thực trạng về công tác cán bộ, có đánh giá đúng cán bộ để bố trí sử dụng hợp lý, phù hợp với sở trường, năng lực của từng người, nhất là những đơn vị mũi nhọn, địa bàn trọng điểm, phức tạp cần bố trí cán bộ có bản lĩnh, kiên định, không để xảy ra tình trạng “thấy sai không dám nói, đúng không dám bảo vệ”. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo vị trí việc làm, chức danh tư pháp, dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ, chú ý lựa chọn cán bộ có năng lực, cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng phát triển để giao việc, thử thách nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.

Thanh tra VKSND tối cao tiếp tục kịp thời tham mưu hoàn thiện các quy chế, quy định và hướng dẫn triển khai, thực hiện trong toàn ngành về công tác thanh tra, kiểm tra phù hợp với các yêu cầu của Đảng, Quốc hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; chủ động phát hiện sai phạm của cán bộ trong đơn vị, xử lý nghiêm để làm gương, nghiêm cấm bao che hoặc bỏ qua vì thành tích thi đua của đơn vị theo phương châm “xây - phòng - ngăn chặn - tạo điều kiện”; đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thực hiện nghiêm Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát. Tham mưu các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và việc thực hiện nghiêm Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành.

4. Văn phòng tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kiến nghị, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với VKSND tối cao; văn bản hóa kịp thời các nội dung, kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao để triển khai thực hiện và quản lý chặt chẽ tiến độ, kết quả công tác năm 2024 của toàn ngành; đổi mới công tác tham mưu tổng hợp, phục vụ bảo đảm các điều kiện hoạt động của Cơ quan VKSND tối cao; phối hợp thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho VKSND tối cao và toàn ngành. Củng cố, kiện toàn về nhân lực, vật lực cho phòng giám định tư pháp của ngành để đáp ứng yêu cầu giám định tư pháp, góp phần hỗ trợ cho công tác điều tra giải quyết án, nhất là các loại tội xâm phạm tư pháp.

5. Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 6 tiếp tục tham mưu quán triệt chỉ đạo toàn ngành chủ động, tích cực thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự; xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, quan trọng hàng đầu. Tăng cường trách nhiệm công tố trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử một cách thực chất hiệu quả, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, khi không rõ dấu hiệu của tội phạm hình sự thì thống nhất không thụ lý nguồn tin về tội phạm; cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; chủ động đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử; bảo đảm việc tranh tụng phải có tính thuyết phục, thông qua tranh tụng phải nâng cao được vị thế, uy tín, hình ảnh của Kiểm sát viên nói riêng, của ngành Kiểm sát nói chung; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, chuyển hóa chứng cứ kịp thời bảo đảm việc chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo phân hóa, xử lý các đối tượng liên quan trong vụ án theo nguyên tắc nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với diện đối tượng phụ thuộc, phải chấp hành, không bàn bạc, không có động cơ vụ lợi, ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Tiếp tục thực hiện tốt hơn việc áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước. Rà soát, thực hiện các biện pháp để phục hồi, giải quyết ngay các vụ việc, vụ án đang tạm đình chỉ không có căn cứ hoặc không còn lý do tạm đình chỉ. Kịp thời nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án, vụ việc, thông qua đó, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh, sửa luật phù hợp với thực tế.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao chủ động đề ra biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan điều tra và Điều tra viên. Tăng cường mở rộng các nguồn và kênh thông tin, làm tăng hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm ở tất cả các lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền điều tra; nâng cao chất lượng và tiến độ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến các hoạt động tư pháp; kiên quyết khởi tố đối với hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng.

6. Vụ 7, Vụ 9, Vụ 10 chỉ đạo hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp cần quan tâm, đề ra biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao tỉ lệ kháng nghị được Hội đồng xét xử chấp nhận, trong đó cần tổ chức nghiên cứu kỹ, lựa chọn kháng nghị những bản án, quyết định vi phạm nghiêm trọng, rõ ràng, việc kháng nghị có tính thuyết phục cao; đối với những bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm ít nghiêm trọng cần tổng hợp để kiến nghị, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục.

Giao Vụ 7 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa.

Giao Vụ 10 chủ trì, phối hợp với Vụ 9 xây dựng kế hoạch trọng tâm đột phá trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành chủ động, tích cực, quyết liệt đề ra các biện pháp phù hợp khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém trong công tác này, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

7. Vụ 8 tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp chú trọng biện pháp trực tiếp kiểm sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh vi phạm trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; đề ra các giải pháp căn cơ nhằm bảo đảm hoạt động kiểm sát linh hoạt, thực chất, hiệu quả; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm để đề ra biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm xảy ra trong lĩnh vực này, từ đó bảo vệ quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án, nhất là quyền con người; không để xảy ra tình trạng nể nang, né tránh việc phát hiện, kiến nghị, kháng nghị vi phạm. Tập trung kiểm sát về điều kiện, tiêu chuẩn xếp loại chấp hành án nhằm bảo đảm công bằng trong việc giảm thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định.

8. Vụ 11 tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn toàn Ngành thực hiện các giải pháp kiểm sát chặt chẽ việc tổ chức thi hành án dân sự, đặc biệt là việc thi hành án có áp dụng biện pháp kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc việc thi hành án có liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng; tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính, nhất là đối với những chủ thể phải thi hành án là Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; theo dõi chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo các VKSND địa phương tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp kiểm sát, phát hiện vi phạm để kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm hoặc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thi hành án hành chính nhưng chưa kịp thời thi hành án.

9. Vụ 12 tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn VKSND các cấp thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân của người đứng đầu; gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tăng cường triển khai các biện pháp đồng bộ tại VKSND các cấp nhằm thực hiện hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; chú trọng nâng cao chất lượng trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

10. Vụ 13 tiếp tục tham mưu thực hiện tốt vai trò đầu mối cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao; tham mưu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; phối hợp với các đơn vị trong ngành để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

11. Vụ 14 tham mưu thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND; sơ kết thực tiễn thi hành quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Tích cực phối hợp với các đơn vị trong việc hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về nhận thức áp dụng pháp luật trong thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; kịp thời tham mưu lãnh đạo VKSND tối cao phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng thống nhất quy định của pháp luật và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các luật, văn bản dưới luật.

Chủ trì, phối hợp chuẩn bị tốt 04 đề án: (1) “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng”; (2) “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế giao một cơ quan Nhà nước thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra Tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước”; (3) Nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện; (4) “Những bất cập trong Bộ luật Hình sự và tố tụng hình sự liên quan đến thi hành án tử hình; việc nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù, nhất là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm sở hữu” để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền khi có yêu cầu.

12. Vụ 16 tham mưu triển khai thi hành các quy định của Luật thi đua, khen thưởng năm 2022, đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi đua khen thưởng; kịp thời phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành, coi thi đua là động lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, lấy kết quả thi đua làm căn cứ đánh giá cán bộ, nhất là trong thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của ngành; kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, xuất sắc để tạo động lực phấn đấu thi đua trong toàn ngành.

13. Cục 2 hướng dẫn toàn ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để công nghệ số trở thành công cụ hữu hiệu hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin phục vụ cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp. Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động nền tảng quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân phục vụ việc xử lý án hình sự toàn trình trên môi trường số và Bàn làm việc số của ngành, từng bước tích hợp các ứng dụng số dùng chung của ngành. Chủ động phối hợp, cung cấp kịp thời số liệu thống kê phục vụ xây dựng các tài liệu báo cáo của ngành bảo đảm chính xác, đúng tiến độ và yêu cầu được giao. Tăng cường các biện pháp bảo mật thông tin, tài liệu, dữ liệu công tác trong thực hiện nhiệm vụ.

14. Cục 3 tham mưu quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài chính công và tài sản công; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với việc tuân thủ trình tự, thủ tục về đầu tư và chất lượng công trình; bảo đảm chất lượng hàng hoá đầu tư, mua sắm; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm; kịp thời tham mưu giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc trong việc bảo đảm nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tăng thêm của VKSND theo quy định của pháp luật.

15. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn đáp ứng cao với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp cập nhật những kiến thức thực tiễn trong công tác để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, giải đáp khó khăn, vướng mắc, thường xuyên trang bị, cập nhật kiến thức, lĩnh vực mới cho đội ngũ công chức, Kiểm sát viên toàn ngành. Chú trọng việc tập huấn đối với một số loại tội phạm, vi phạm cụ thể thuộc các lĩnh vực công tác của ngành. Tăng cường phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài ngành để tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên sâu, phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cho đội ngũ lãnh đạo, công chức thuộc Viện kiểm sát các cấp.

16. Cổng thông tin điện tử, Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, về vị trí, vai trò của VKSND trong Nhà nước pháp quyền và trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công lý, chú trọng tuyên truyền hình ảnh Kiểm sát viên tại các phiên tòa.

17. Viện kiểm sát Quân sự Trung ương chỉ đạo các Viện kiểm sát quân sự trong toàn quân quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024. Chủ động tham mưu giúp Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng VKSND tối cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, tập trung giải quyết tốt các vụ án do Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và công tác tập huấn nghiệp vụ trong hệ thống Viện kiểm sát Quân sự;...”.

BBT (Tạp chí Kiểm sát số 01/2024)

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm