CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Giải pháp phòng tránh hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính

02/09/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực tiễn những năm qua cho thấy, do những nguyên nhân khác nhau, vẫn còn trường hợp hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính. Do đó, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận, xác định nguyên nhân để có biện pháp phòng tránh hình sự hóa vi phạm trong các lĩnh vực nói trên là rất cần thiết hiện nay.

1. Khái quát về hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính

1.1. Khái niệm hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính

Trong khoa học luật hình sự, các khái niệm tội phạm hóa, phi tội phạm hóa; hình sự hóa, phi hình sự hóa thường được sử dụng trong hoạt động lập pháp hình sự. Tội phạm hóa, phi tội phạm hóa; hình sự hóa, phi hình sự hóa thuộc thẩm quyền của cơ quan lập pháp, theo đó hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định là tội phạm (tội phạm hóa) hoặc xóa bỏ tội phạm đối với hành vi vốn được pháp luật hình sự trước đó quy định là tội phạm (phi tội phạm hóa); quy định nghiêm khắc hóa chế tài hình sự, bổ sung biện pháp trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn hoặc tăng nặng biện pháp đã được quy định đối với tội phạm (hình sự hóa) hoặc giảm nhẹ tính nghiêm khắc của chế tài hình sự, bổ sung biện pháp trách nhiệm hình sự ít nghiêm khắc hơn hoặc giảm nhẹ biện pháp đã được quy định đối với tội phạm (phi hình sự hóa) là thuộc chức năng của các nhà lập pháp hình sự.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thực tiễn pháp lý hình sự và trên các phương tiện truyền thông; sách báo pháp lý Việt Nam xuất hiện các thuật ngữ “hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế, hành chính”, “hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính” và “dân sự hóa, kinh tế hóa, hành chính hóa tội phạm”, “phi hình sự hóa các quan hệ hình sự”... Những thuật ngữ này không có trong lý thuyết luật hình sự truyền thống, mà hình thành từ thực tiễn đời sống pháp luật và được các nhà lý luận cũng như thực tiễn sử dụng.

Theo chúng tôi, khái niệm “hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế, hành chính” là chưa hoàn toàn chính xác, chưa bao hàm hết các trường hợp hình sự hóa; đặc biệt là trong lĩnh vực hành chính, khi mà không tồn tại bất kỳ giao dịch nào trong việc xử lý bằng biện pháp hình sự. Vì vậy, có thể nói tên gọi “hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính” là phù hợp nhất, đó là khi một hành vi vi phạm pháp luật phi hình sự (dân sự, kinh tế, hành chính), hành vi không phải là tội phạm được các cơ quan áp dụng pháp luật xác định là tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi đó.

1.2. Đặc điểm của hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính

- Về bản chất pháp lý của hình sự hóa: Hình sự hóa là sai lầm trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự của người và cơ quan có thẩm quyền tố tụng, khi xác định vi phạm của một người trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính là tội phạm; hay nói cách khác, người và cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không phải là tội phạm, người không thực hiện tội phạm.

- Về quy trình hình sự hóa: Với bản chất là thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi không phải là tội phạm, các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế, các vi phạm hành chính chưa đến mức là tội phạm, hình sự hóa thể hiện ở việc: (1) Cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án ra quyết định khởi tố khi hành vi không có dấu hiệu của tội phạm; đặc biệt là hành vi đó không nguy hiểm cho xã hội hoặc có nguy hiểm cho xã hội nhưng ở mức độ không đáng kể; (2) Cơ quan có thẩm quyền khởi tố bị can đối với người chưa đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm, tức chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đa số các trường hợp đương sự trong các vụ kiện dân sự, kinh doanh, thương mại (chủ yếu là nguyên đơn) thường có các tố giác sai sự thật với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc gây áp lực để yêu cầu đương sự thực hiện hợp đồng, thay cho khởi kiện dân sự, kinh tế. Cũng có những trường hợp, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các hoạt động quản lý nhà nước, các hoạt động kinh doanh, với động cơ xử lý vi phạm hiệu quả, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã chuyển cho cơ quan có thẩm quyền những vụ việc tuy về mặt hình thức có dấu hiệu của tội phạm, nhưng chỉ là vi phạm kỷ luật, vi phạm hành chính do chưa gây ra hậu quả nguy hại đáng kể cho xã hội hoặc thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền đã nhận thức chưa đúng quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), không điều tra, xác minh đầy đủ, khách quan... dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi chưa phải là tội phạm.

- Nguyên nhân của việc hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính: Ý thức pháp luật của công dân chưa cao, nhiều cá nhân có tâm lý bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình bằng mọi cách mà thiếu suy xét đến lợi ích của người khác, của cộng đồng dẫn đến khiếu nại, tố cáo tràn lan; gửi tin báo, tố giác về tội phạm không đúng. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ những bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật. Cụ thể là: (1) Một số quy định của pháp luật hình sự chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; quy định thiếu minh bạch, rõ ràng, cụ thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau, dễ lạm dụng trong việc áp dụng...; (2) Pháp luật thuộc các lĩnh vực khác chưa đầy đủ, còn lỗ hổng, điều chỉnh thiếu hiệu quả các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, các vi phạm khác trong xã hội, dẫn đến việc sử dụng pháp luật hình sự để thay thế. Nguyên nhân của hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính không chỉ là bất cập của pháp luật về mặt nội dung, mà còn về luật thủ tục. Các nguyên tắc tố tụng quan trọng như suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự; nguyên tắc tự định đoạt trong tố tụng dân sự; việc xử lý vi phạm hành chính không theo thủ tục tố tụng tư pháp... chưa được quy định rạch ròi, tuân thủ nghiêm chỉnh cũng chính là yếu tố hạn chế về mặt pháp luật.

Hiện nay, các quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính và các vi phạm trong các lĩnh vực này thường xuyên thay đổi một cách nhanh chóng; trong khi đó, BLHS quy định tội phạm và hình phạt chưa theo kịp sự thay đổi đó. Vì vậy, dẫn đến việc áp dụng pháp luật hình sự để xử lý các hành vi mà pháp luật khác không còn coi là vi phạm, đây cũng là một trong những nguyên nhân của hình sự hóa.

2. Một số giải pháp phòng ngừa hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính

Thứ nhất, nâng cao ý thức xã hội: Giáo dục đạo đức công dân, nâng cao ý thức vì cộng đồng, ý thức công bằng, bình đẳng; loại bỏ tư tưởng ích kỷ, thu vén cá nhân, chỉ coi trọng quyền, lợi ích cá nhân mà coi thường lợi ích của xã hội, của người khác. Nhiều trường hợp người tố giác sai lệch tranh chấp, cung cấp các chứng cứ thiếu khách quan với mục đích để chuyển tranh chấp dân sự, kinh tế thành vụ án hình sự, từ đó áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự, bao gồm các biện pháp ngăn chặn, kê biên nhằm giải quyết tranh chấp có lợi cho mình; nâng cao ý thức pháp luật để người dân hiểu được hoàn cảnh pháp lý của họ; xác định đúng quan hệ pháp luật; xác định đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ pháp luật để xử sự đúng theo pháp luật là rất cần thiết cho việc phòng tránh hình sự hóa.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật: Đây là giải pháp quan trọng và trung tâm trong hệ thống các giải pháp, cụ thể:

- Hoàn thiện pháp luật hình sự: (1) Mở rộng nguồn của luật hình sự. Tội phạm và hình phạt không chỉ được quy định trong BLHS, vốn mang tính ổn định, ít được sửa đổi, bổ sung, mà còn trong các văn bản luật chuyên ngành. Có như vậy, pháp luật hình sự mới có thể phản ứng nhanh chóng, kịp thời với các thay đổi của các yếu tố kinh tế, xã hội khách quan - yếu tố quyết định sự điều chỉnh của luật hình sự; (2) Nghiên cứu bổ sung vào Điều 3 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) về nguyên tắc xử lý quy định không truy cứu trách nhiệm hình sự những trường hợp tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã được giảm thiểu. Đồng thời, tách khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015 thành một điều luật độc lập để khẳng định quan điểm không coi là tội phạm những hành vi mà tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể. Điều luật này được bổ sung vào Chương IV BLHS năm 2015 về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự do không phải là tội phạm để tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc phòng tránh hình sự hóa; (3) Mở rộng phạm vi áp dụng Điều 25 BLHS năm 2015 về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, không chỉ trong trường hợp gây thiệt hại do rủi ro khi nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng khoa học, công nghệ mới, mà còn trong cả trường hợp liên quan đến quản lý kinh tế, sản xuất kinh doanh với điều kiện chặt chẽ. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét mở rộng phạm vi loại trừ trách nhiệm hình sự tại Điều 26 BLHS năm 2015 về trường hợp chấp hành mệnh lệnh cấp trên; không nên áp dụng tình tiết này chỉ trong lực lượng vũ trang, mà trong cả các lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý sản xuất kinh doanh; (4) Nghiên cứu mở rộng thêm các trường hợp đương nhiên miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 29 BLHS năm 2015, tạo cơ sở cho cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự mà không nghi ngại việc phải chịu trách nhiệm do bỏ lọt tội phạm; (5) Hoàn thiện cấu thành các tội phạm quy định ở Phần các tội phạm đảm bảo xác định rõ ràng, cụ thể các dấu hiệu, nhận thức thống nhất, không bị lợi dụng, lạm dụng để có thể kết tội hành vi không phải là tội phạm. Đặc biệt là các nhóm tội dễ bị hình sự hóa như tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội... Đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, cần sử dụng quy định viện dẫn đến các luật chuyên ngành khác; theo đó, dấu hiệu cấu thành tội phạm và áp dụng trong thực tiễn đối với các tội phạm này sẽ thay đổi linh hoạt theo cơ chế quản lý kinh tế mới.

- Hoàn thiện pháp luật khác: Cùng với pháp luật hình sự, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật khác để tăng cường hiệu quả xử lý các hành vi vi phạm pháp luật không phải là tội phạm, bảo vệ hiệu quả trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể là: (1) Hoàn thiện pháp luật dân sự, tạo cơ sở pháp lý giải quyết hiệu quả các tranh chấp trong các giao dịch dân sự mà không cần thiết giải quyết bằng biện pháp hình sự; (2) Hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính; phân biệt rõ vi phạm hành chính và tội phạm trên cơ sở yếu tố định lượng và các yếu tố khác. Đối với những hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, nhưng lại căn cứ vào yếu tố nhân thân, yếu tố khác thì có coi là tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Ví dụ: Hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội (điểm c khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015). Quy định cấu thành tội phạm mang tính đánh giá chủ quan như trên dễ làm phát sinh sự tùy tiện, lạm dụng trong việc phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm; (3) Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự, hành chính. Thi hành án dân sự, hành chính có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế, phòng tránh hình sự hóa. Phán quyết về tranh chấp dân sự, kinh tế, hành chính phải được tổ chức thi hành có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế thì bị hại, nguyên đơn mới không có nhu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm. Theo đó, cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự, hành chính về các vấn đề như tăng cường xã hội hóa thi hành án bằng các hình thức khác nhau; tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thi hành các bản án, quyết định của Tòa án trong các vụ án hành chính...; (4) Hoàn thiện Luật cán bộ, công chức theo hướng đa dạng hóa và nghiêm khắc hóa các biện pháp kỷ luật công vụ, kỷ luật hành chính đối với các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ… và tăng cường giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Thứ ba, nâng cao năng lực của công chức thực thi công vụ: Để tránh hình sự hóa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính, cần có sự phân công hợp lý, rành mạch chức năng giữa các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan hành chính nhà nước với cơ quan thực hiện quyền tư pháp; phân biệt giữa tư pháp hình sự và tư pháp dân sự, giữa biện pháp tư pháp với biện pháp hành chính.

Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng; giáo dục đạo đức công vụ, chống tư tưởng vụ lợi trong công vụ, coi nhẹ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và nâng cao trách nhiệm trong công việc... là những yếu tố cần thiết để phòng tránh các trường hợp hình sự hóa.

PGS.TS. Trần Văn Độ - ThS. Trần Thị Khánh Trâm

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm