CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hoàn thiện quy định của pháp luật về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm

16/01/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Thời gian gần đây, việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực bảo hiểm ngày càng phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội. Bài viết phân tích, đánh giá những hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm; từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

1. Quy định của pháp luật về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm tại Mục 2 - Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm của Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, cụ thể tại 04 điều luật: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216).

Để cụ thể hóa các quy định của BLHS năm 2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về Tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của BLHS (Nghị quyết số 05/2019), nhằm giải thích một số thuật ngữ trong cấu thành cơ bản, tình tiết định khung hình phạt tại các điều 214, 215, 216 BLHS năm 2015 và hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp.

Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213 BLHS năm 2015) là hành vi của các cá nhân hoặc pháp nhân là bên chi trả bảo hiểm hoặc bên thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại trong các hoạt động yêu cầu quyền lợi bảo hiểm hoặc chi trả bảo hiểm. Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm 04 dạng sau: (1) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật. Đây là hành vi của cá nhân hoặc pháp nhân thương mại chi trả bảo hiểm đã cấu kết, thông đồng với người được thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để chiếm đoạt tiền bảo hiểm; (2) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra. Đây là hành vi của cá nhân hoặc pháp nhân thương mại chi trả bảo hiểm gian lận để từ chối bồi thường, trả bảo hiểm đã gây thiệt hại cho bên thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm; (3) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Đây là hành vi của cá nhân hoặc pháp nhân thương mại gian lận chiếm đoạt tiền bảo hiểm của bên chi trả bảo hiểm; (4) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác.

Các hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm nếu chiếm đoạt từ 20 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên (đối với cá nhân); chiếm đoạt từ số tiền bảo hiểm từ 200 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 400 triệu đồng trở lên (đối với pháp nhân).

Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214 BLHS năm 2015): Về tên gọi, có thể xem là cấu thành riêng của Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, nhưng do tính chất đặc thù của hành vi khách quan, tội này chỉ giới hạn ở 02 hành vi: (1) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội. Hành vi này có thể được thực hiện bởi người lao động hoặc người sử dụng lao động; (2) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là hành vi của người lao động nhằm chiếm đoạt tiền của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215 BLHS năm 2015) là hành vi của cá nhân gian lận chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế hoặc gây thiệt hại về tài sản trong quá trình thực hiện bảo hiểm y tế, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 BLHS năm 2015. Hành vi khách quan của tội phạm này bao gồm các dạng: (1) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng. Đây là hành vi của các cá nhân tham gia thực hiện bảo hiểm y tế gian lận nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ các cơ quan bảo hiểm y tế. Hành vi cấu thành tội phạm khi số tiền chiếm đoạt từ 10 triệu đồng trở lên; (2) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định gây thiệt hại cho cơ quan bảo hiểm y tế. Hành vi cấu thành tội phạm khi gây thiệt hại cho cơ quan bảo hiểm y tế từ 20 triệu đồng trở lên.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ cấu thành Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Tội gian lận bảo hiểm y tế khi hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm không cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355).

Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216 BLHS năm 2015): Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật bảo hiểm y tế năm 2020, Luật việc làm năm 2013 đã xác định các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quy định những chế tài xử lý hành chính đối với những hành vi này. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Một vấn đề nổi lên trong vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tăng, với số tiền lớn, xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Do đó, BLHS năm 2015 đã tội phạm hóa hành vi này bằng tội danh tại Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là hành vi của cá nhân hoặc pháp nhân thương mại mà bằng các thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, hành vi chỉ cấu thành tội phạm khi người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên, có thể là liên tục hoặc cộng dồn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này và trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người lao động trở lên; tội phạm có cấu thành hình thức.

Trong bốn tội phạm trên, chỉ có hai tội phạm tại Điều 213 và Điều 216 quy định hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại. Ba tội phạm, tại các điều 213, 214 và 215 có cấu thành vật chất khi quy định hành vi cấu thành tội phạm nếu chiếm đoạt được một khoản tiền nhất định hoặc gây thiệt hại nhất định về tài sản. Thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 214 và Điều 215 BLHS năm 2015 gây ra không bao gồm số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bị chiếm đoạt.

Theo tác giả, quy định về các tội phạm lĩnh vực bảo hiểm trong BLHS năm 2015 có các ưu điểm sau: Đã đáp ứng yêu cầu phân hóa trách nhiệm cho các hành vi chiếm đoạt và hành vi gây thiệt hại về tài sản trong lĩnh vực bảo hiểm; đáp ứng cao yêu cầu của thực tiễn nhằm phòng, chống hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Hành vi trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam được đánh giá ngày càng trở nên nghiêm trọng, tinh vi, có tổ chức, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm chân chính, mà còn tạo ra những vấn nạn xã hội. Ba trong bốn loại tội phạm của lĩnh vực bảo hiểm quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đã phần nào phản ánh chính sách của Nhà nước đối với các vấn đề an sinh xã hội - một trong những vấn đề cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Quy định của pháp luật về các lĩnh vực này được thực thi và tuân thủ nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội tốt; từ đó, đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội; đã quy định và giải thích tương đối rõ ràng các dấu hiệu cấu thành tội phạm, đặc biệt là dấu hiệu hậu quả, là cơ sở pháp lý để phân biệt với các hành vi chỉ ở mức độ xử lý vi phạm hành chính.

2. Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm

Quy định của BLHS năm 2015 về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm còn tồn tại một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần xem xét, đánh giá một cách toàn diện các tác động xã hội khi quy định và áp dụng BLHS năm 2015 về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Về nguyên tắc, việc áp dụng các quy định của BLHS năm 2015 để can thiệp vào hoạt động kinh tế, xã hội cần được cân nhắc toàn diện, tránh kìm hãm sự phát triển của các hoạt động kinh tế. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người hoặc pháp nhân thương mại sử dụng lao động có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nghĩa là cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Do đó, cần có các nghiên cứu đánh giá toàn diện tình hình vi phạm và thực trạng áp dụng Điều 216 BLHS năm 2015 để đưa ra sửa đổi theo hướng: Thu hẹp tội phạm và chỉ quy định là tội phạm với các hành vi có tính nguy hiểm cao mà việc áp dụng các biện pháp kinh tế, hành chính khác không hiệu quả.

Thứ hai, tên tội danh được quy định tại Điều 213 BLHS năm 2015 chưa bao quát hết các hành vi khách quan của tội phạm. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm quy định hành vi khách quan bao gồm hành vi gian lận của người/pháp nhân thương mại thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm và người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm. Trong khi đó, khái niệm “hoạt động kinh doanh bảo hiểm” chỉ dành cho cá nhân/pháp nhân kinh doanh bảo hiểm. Khoản 1 Điều 4 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định: “Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”. Khái niệm gian lận hay trục lợi bảo hiểm có hai cách hiểu khác nhau.

Quan điểm thứ nhất (được thừa nhận rộng rãi) cho rằng, trục lợi bảo hiểm là hành vi gian dối nhằm kiếm lợi bất hợp pháp của các chủ thể tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Vì “hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm”, nên chủ thể thực hiện hành vi này có thể là bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Cách giải thích này cũng tương thích với khái niệm “gian lận bảo hiểm” (insuarance fraud) của các hiệp hội nghề bảo hiểm trên thế giới. Theo NIAC (Nationnal Association of Insuarance Commisioners - Mỹ) thì “gian lận bảo hiểm là một hoạt động xảy ra khi một doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, giám định viên khách hàng bảo hiểm thực hiện những hành vi gian dối nhằm thu lợi bất hợp pháp”.

Quan điểm thứ hai cho rằng, “trục lợi bảo hiểm” chỉ được hiểu là hành vi trục lợi tiền bồi thường bảo hiểm hoặc tiền bảo hiểm trả từ phía bên mua bảo hiểm, tức là hành vi gian lận bảo hiểm từ phía khách hàng bảo hiểm.

Theo tác giả, Điều 213 BLHS năm 2015 cần được sửa đổi tên tội danh là Tội gian lận bảo hiểm và quy định về hành vi khách quan cần làm rõ nội hàm của hai dạng hành vi gian lận bảo hiểm.

Thứ ba, định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm tại BLHS năm 2015 là tương đối thấp, có khả năng bỏ sót các trường hợp đủ dấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế này có thể làm phát sinh nhiều vấn đề như không đảm bảo tính khả thi của quy định, hoặc chỉ truy cứu một số trường hợp, tạo nên sự không công bằng hoặc có thể dẫn đến tiêu cực trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện tình hình vi phạm và tổng kết quá trình áp dụng quy định của BLHS năm 2015 về các tội phạm này.

Thứ tư, một số hành vi vi phạm Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa được quy định thành các tội phạm trong nhóm các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, cụ thể là: Hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan bảo hiểm sử dụng trái pháp luật đối với quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo tác giả, cần nghiên cứu xem xét bổ sung các hành vi này vào dấu hiệu hành vi khách quan của Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thứ năm, cần bổ sung trường hợp pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian lận bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 214 BLHS năm 2015.

Thứ sáu, cần có các văn bản hướng dẫn giải thích một số hành vi khách quan như: Chủ thể thực hiện và việc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên từ hành vi “lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội” trong Điều 214 BLHS năm 2015; truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại khi thực hiện các hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động; cách thức chứng minh lỗi, truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân, pháp nhân thương mại phạm các tội trên.

TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng (kiemsat.vn)
Tìm kiếm