CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT THEO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

22/06/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Sửa đổi, bổ sung quy định về trả lại đơn khởi kiện, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện theo hướng bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện được quyền kiểm sát đối với việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 168 BLTTDS hiện hành thì khi đương sự nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự cho Tòa án, nếu thấy có một trong các căn cứ nêu tại khoản 1 Điều 168 BLTTDS, Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện cho đương sự và không thụ lý vụ án. Khi trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, Tòa án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Điều 170 BLTTDS hiện hành cũng quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, quyết định giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án là quyết định cuối cùng...
 
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT THEO
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG  MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
          1. Sửa đổi, bổ sung quy định về trả lại đơn khởi kiện, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện theo hướng bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện được quyền kiểm sát đối với việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án.
  Theo quy định tại khoản 2 Điều 168 BLTTDS hiện hành thì khi đương sự nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự cho Tòa án, nếu thấy có một trong các căn cứ nêu tại khoản 1 Điều 168 BLTTDS, Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện cho đương sự và không thụ lý vụ án. Khi trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, Tòa án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Điều 170 BLTTDS hiện hành cũng quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, quyết định giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án là quyết định cuối cùng.
        Thực tiễn thi hành các quy định nêu trên cho thấy, có thể xảy ra trường hợp Tòa án áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 168 để trả đơn kiện cho đương sự không chính xác, mà pháp luật lại không quy định cơ chế bảo đảm để Viện kiểm sát thực hiện được quyền kiểm sát đối với việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Để khắc phục vướng mắc này, Khoản 2 Điều 168 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung quy định rõ “Khi trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Toà án phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”; đồng thời, Điều 170 BLTTDS cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng: bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận quyền của đương sự được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, điều luật còn quy định: trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát, Chánh án phải ra quyết định trả lời kiến nghị. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Chánh án Tòa án cấp trên phải ra quyết định giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.
         2. Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục giám đốc thẩm, theo đó quy định kéo dài thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của người có thẩm quyền kháng nghị (trong đó có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) đối với một số trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm
Điều 288 BLTTDS hiện hành quy định: thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Theo quy định này, ở bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn ba năm đó, đương sự có quyền phát hiện vi phạm và thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét, quyết định việc kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 284 BLTTDS. Thực tế áp dụng quy định này, có nhiều trường hợp, gần hết thời hạn ba năm đương sự mới gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, do không đủ thời gian xem xét nên hết thời hạn kháng nghị mà đơn đề nghị kháng nghị vẫn không được xem xét giải quyết hoặc tuy có xem xét nhưng không phát hiện được vi phạm nên đã không kháng nghị giám đốc thẩm, do đó đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Để khắc phục hạn chế này, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định sửa khoản 1 Điều 284 BLTTDS theo hướng quy định “Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”; đồng thời, sửa Điều 288 “Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” theo hướng quy định: trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị ba năm nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm hai năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị: (i) Đương sự đã có đơn đề nghị trong thời hạn một năm theo quy định tại khoản 1 Điều 284 của BLTTDS và sau khi hết thời hạn kháng nghị (hết ba năm) đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị; (ii) Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (theo Điều 283BLTTDS), xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
         3. Bổ sung một chương mới (Chương XIX a) quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong đó quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kiến nghị với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định đó. Đây là một quy định hoàn toàn mới trong tố tụng tư pháp, thủ tục này mới được quy định trong Luật tố tụng hành chính mới được Quốc hội Khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 và trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự lần sửa đổi này.
         Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định rõ, khi có kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét kiến nghị của Viện trưởng, khi đó, có thể xảy ra các trường hợp sau:
        - Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì Hội Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ra quyết định giao Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
        - Trường hợp Hội đồng thẩm phán không nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; phiên họp của Hội đồng thẩm phán xem xét kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (và cả trường hợp xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp, đề nghị của Chánh án TAND tối cao) phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
         Tất cả các phiên họp của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (kể cả trong trường hợp Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị và không có kiến nghị) phải có sự tham dự của Viện trưởng VKSNDTC.
                                                                                                                  Thu Hương
 
 
 
 
Tìm kiếm