CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Những điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát

22/06/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua Viện kiểm sát nhân dân tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật TTDS, và Luật TTHC. Trang tin điện tử VKSNDTC trích đăng nội dung bài phát biểu kết luận của đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Viện kiểm sát các cấp quán triệt và thực hiện. - Về phạm vi tham gia của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ việc dân sự So với BLTTDS hiện hành, phạm vi tham gia của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ việc dân sự theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS (sau đây viết tắt là BLTTDS (sửa đổi)) đã được làm rõ hơn và rộng hơn. Cụ thể là:

 Những điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát 

            Vừa qua Viện kiểm sát nhân dân tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật TTDS, và Luật TTHC.  Trang tin điện tử VKSNDTC trích đăng nội dung bài phát biểu kết luận của đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Viện kiểm sát các cấp quán triệt và thực hiện.
- Về phạm vi tham gia của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ việc dân sự   
So với BLTTDS hiện hành, phạm vi tham gia của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ việc dân sự theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS (sau đây viết tắt là BLTTDS (sửa đổi)) đã được làm rõ hơn và rộng hơn. Cụ thể là:
- Về phạm vi kiểm sát, Viện kiểm sát phải thực hiện kiểm sát ngay từ khi Tòa án nhận đơn khởi kiện của đương sự. Trường hợp phát hiện những vụ việc dân sự Tòa án trả lại đơn khởi kiện không đúng với quy định tại Điều 168 BLTTDS (sửa đổi), thì Viện kiểm sát có trách nhiệm kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp và Chánh án Tòa án cấp trên theo quy định tại Điều 170 của BLTTDS (sửa đổi) để khắc phục.
- Về phạm vi tham gia phiên tòa dân sự, Viện kiểm sát phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên tòa sơ thẩm trong các trường hợp quy định tại Điều 21 BLTTDS (sửa đổi) và tham gia tất cả các phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; tham gia 100% phiên họp giải quyết việc dân sự; tham gia phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, kể cả trong trường hợp Viện kiểm sát có kiến nghị và Viện kiểm sát không có kiến nghị. Lưu ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS quy định “cứng” những trường hợp Viện kiểm sát bắt buộc phải tham gia. Đây là điểm mới rất cơ bản.
- Về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính
Theo Luật tố tụng hành chính, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, cũng như phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hành chính không có thay đổi lớn so với quy định hiện nay. Tuy nhiên, có 02 vấn đề sau đây mà Viện kiểm sát các cấp cần chú ý thực hiện:
Thứ nhất, Viện kiểm sát không thực hiện quyền khởi tố vụ án hành chính như quy định hiện nay mà tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết vụ án hành chính.
Thứ hai, Luật TTHC quy định “Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính” theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; theo đó, tại Điều 28 Luật TTHC quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, chỉ trừ một số lĩnh vực đặc biệt (thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức) thay vì chỉ giải quyết 22 loại khiếu kiện như quy định tại Điều 11 PLTTGQCVAHC.
Thứ ba, Luật TTHC bỏ quy định về thủ tục “tiền tố tụng”, theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án mà không bắt buộc phải thực hiện điều kiện khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án như quy định của Pháp lệnh Tố tụng giải quyết các vụ án hành chính.
Với việc sửa đổi nêu trên, dự báo trong thời gian tới, số lượng án hành chính mà Tòa án các cấp thụ lý giải quyết sẽ tăng lên rất nhiều, đặc biệt là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý thuế, xử lý vi phạm hành chính… Theo quy định của Luật TTHC, Viện kiểm sát phải tham gia từ khi Tòa án thụ lý vụ án, tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp giải quyết án hành chính từ giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm cho đến giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành án hành chính, Viện kiểm sát các cấp cần chủ động để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
- Về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính
      Một điểm mới quan trọng trong 02 đạo luật là quy định phân biệt nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm vụ án dân sự, vụ án hành chính. Với quy định mới này, cần nhận thức rõ rằng, so với trước đây, nhiệm vụ của Kiểm sát viên khi chuẩn bị nội dung phát biểu tại phiên tòa phải kỹ hơn và cụ thể hơn so với trước.
      - Tại phiên tòa sơ thẩm, cần phân biệt nội dung phát biểu của Kiểm sát viên đối với việc tuân theo pháp luật của 02 nhóm đối tượng:
      Thứ nhất, đối với người tiến hành tố tụng, Kiểm sát viên tập trung phát biểu những vấn đề về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án cho đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án (lúc này, do chưa có bản án, quyết định của Hội đồng xét xử nên Kiểm sát viên không phát biểu về việc chấp hành pháp luật nội dung).
      Thứ hai, đối với người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của họ.
Tuy nhiên, khi phát biểu về những nội dung nêu trên, cần chú ý là Kiểm sát viên không đi sâu phân tích những căn cứ để để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự; không đề nghị Hội đồng xét xử về đường lối giải quyết vụ án.
- Tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm: lúc này đã có bản án, quyết định của Tòa án, nên khi phát biểu, Kiểm sát viên cần phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị, Kiểm sát viên phải trình bày quan điểm kháng nghị và phát biểu ý kiến để bảo vệ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát.
Những vấn đề cần lưu ý để tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định mới của pháp luật 
Với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính của Viện kiểm sát đã có một sự thay đổi lớn, có tính bước ngoặt.
Dự báo với quy định mới, số vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát có trách nhiệm phải tham gia phiên tòa sẽ tăng gấp bội, ở cấp sơ thẩm sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 70-80 %; ở cấp phúc thẩm là 100% (hiẹn nay; theo BLTTDS năm 2004, Viện kiểm sát tham gia phiên toà ở cấp sơ thẩm chỉ chiếm 0,09%; ở cấp phúc thẩm chỉ chiếm 0,12% trên tổng số vụ án được Toà án đưa ra xét xử). Việc quy định mở rộng phạm vi tham gia của Viện kiểm sát có ý nghĩa quan trọng về mặt tố tụng, nếu Kiểm sát viên vắng mặt, Hội đồng xét xử buộc phải hoãn phiên toà, phiên họp. Viện kiểm sát phải phát hiện những vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc và đặc biệt phát hiện vi phạm của người tiến hành tố tụng, để có biện pháp kiến nghị, khắc phục và xử lý kịp thời góp phần giúp Toà án ra bản án, quyết định đúng pháp luật và kịp thời.
Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát các cấp phải có nhiều biện pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ, nhưng trước hết phải tập trung làm tốt những công việc sau đây:
- Thứ nhất, Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, toàn thể cán bộ, kiểm sá viên cần quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, nắm vững những nội dung mới của Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và Luật tố tụng hành chính để tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng nhiệm vụ, đây là một nhu cầu cấp bách hiện nay của Vịên kiểm sát các cấp. Trong các đạo Luật mới, có nhiều vấn đề kế thừa nền tảng lý thuyết công tác kiểm sát đã ổn định trước đây, đồng thời có một số vấn đề mới, đòi hỏi Viện kiểm sát các cấp, phải có các hình thức, biện pháp để tổ chức quán triệt và tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên, nhất là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính nắm vững các quy định của Luật, nhận thức đúng đắn thẩm quyền và trách nhiệm của mình để thực hiện triệt để và toàn diện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
- Thứ hai, xác định đúng phạm vi để chỉ đạo công tác kiểm sát dân sự thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Theo điều 21 của BLTTDS (sửa đổi), thì phạm vi của công tác kiểm sát dân sự rất rộng. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý đối tượng của công tác kiểm sát dân sự là hoạt động tố tụng xét xử các vụ án dân sự của Toà án nhân dân. Nhìn từ bình diện thực tiễn, mặc dù có gần 200 nghìn vụ việc dân sự được thụ lý trong một năm, nhưng trên 50% số vụ việc đó được Toà án giải quyết bằng con đường không thông qua xét xử mà thông qua con đường hoà giải để các đương sự tự thoả thuận, Toà án chỉ cần ra quyết định công nhận sự tự thoả thuận. Không có kháng cáo và kháng nghị phúc thẩm đối với loại quyết định này. Phương thức hoà giải cũng được thực hiện trong suốt quá trình tố tụng, ngay cả khi vụ án đã được thụ lý giải quyết bằng tố tụng xét xử, nếu xuất hiện khả năng đương sự tự thoả thuận thì Toá án cũng thực hiện ngay việc hoà giải. Từ thực tiễn đó cho thấy: Trọng tâm, trọng điểm của công tác dân sự là kiểm sát những vụ việc được Toà án thụ lý giải quyết bằng thủ tục xét xử. Khi tham gia phiên Toà, phiên họp Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn. Đối với những việc khác, Viện kiểm sát cũng phải đảm bảo việc giải quyết của Toà án là đúng pháp luật, trên nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.
 Đối với các địa phương có số lượng thụ lý án dân sự quá lớn, mặc dù đã cố gắng tối đa mà trước mắt vẫn chưa có đủ số lượng Kiểm sát viên chuyên trách làm công tác kiểm sát dân sự để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì Lãnh đạo viện phải chủ động, linh hoạt, bố trí các Kiểm sát viên có năng lực ở các khâu công tác khác để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tham gia tố tụng dân sự, không được để xảy ra tình trạng vi phạm tố tụng, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Ngành; đồng thời, phải phát huy vai trò của kiểm sát viên khi tham gia các phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, để góp phần giảm tỷ lệ án sơ thẩm bị cải sửa và huỷ ở cấp phúc thẩm, đồng thời góp phần cùng Toà án đảm bảo việc xét xử sơ thẩm và phúc thẩm chính xác, đúng pháp luật, góp phần giảm tỷ tệ khiểu lại giám đốc thẩm.
- Thứ ba, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ có đủ năng lực thực hiện công tác kiểm sát án dân sự, hành chính cho phù hợp với việc đổi mới chức năng; tiến hành các biện pháp để xây dựng đội ngũ kiểm sát viên trong sạch vững mạnh, tinh thông về nghiệp vụ, có bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao để đảm đương nhiệm vụ.
Vụ tổ chức, cán bộ, các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW, khẩn trương hoàn thành việc rà soát đội ngũ cán bộ, đề xuất với Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao những biện pháp củng cố tăng cường cán bộ, có kinh nghiệm cho bộ phận làm công tác kiểm sát dân sự, hành chính nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
- Thứ tư, khẩn trương xúc tiển iệc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật; sửa đổi bổ sung các quy chế công tác kiểm sta và đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất các văn bản pháp luật.
- Thứ năm, xây dựng và thực hiện một cơ chế bảo đảm sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và trong việc giải quyết những vấn đề vướng mắc cả về chuyên môn, nghiệp vụ và trong tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Cả năm nội dung công việc nêu trên đều đòi hỏi những qytết sách có tính đột phá và đều đặt trên nền tảng chung của tư duy đổi mới trong tiển trình cải cách Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp của đất nước.
Thu Hương.
 


 
 
Tìm kiếm