CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

22/06/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 1998, 2006) quy định Viện kiểm sát có vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (Điều 10) và là cơ quan tiến hành tố tụng; Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng. Khi thực hiện chức năng của mình, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: khởi tố vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 18); triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (các Điều 24, 25, 33); tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính (các điều 18, 43, 63); thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật...
NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TRONG  TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
 
Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 1998, 2006) quy định Viện kiểm sát có vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (Điều 10) và là cơ quan tiến hành tố tụng; Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng. Khi thực hiện chức năng của mình, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: khởi tố vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 18); triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (các Điều 24, 25, 33); tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính (các điều 18, 43, 63); thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.
Sau 14 thi hành pháp lệnh TTGQCVAHC, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật tố tụng Hành chính (Luật này được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2010, được Chủ tịch nước ký lện công bố ngày 07 tháng 12 năm 2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2011). Luật tố tụng Hành chính (Luật TTHC) đã kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ở nước ta từ trước đến nay, thể chế hoá các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp trong hoạt động giải quyết các vụ án hành chính. Trong đó, tiếp tục quy định và có nhiều nội dung đổi mới quan trọng liên quan đến vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính.
1. Về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính
Theo quy định của Luật TTHC, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính tiếp tục được khẳng định rõ:Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính, có chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chínhnhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật (Điều 23 và Điều 34).
Căn cứ vào các quy định của Luật tố tụng hành chính và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, có thể xác định một số đặc điểm của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính như sau:
- Phạm vi kiểm sát các vụ án hành chính của Viện kiểm sát là từ khi Tòa án tiến hành thủ tục thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án;
- Đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính là sự tuân thủ pháp luật của Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án và của những người tham gia tố tụng;
- Mục tiêu của hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính là; bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính đúng pháp luật, kịp thời; qua đó, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính
Các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính phải được xác định trên cơ sở quy định của Luật TTHC và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Theo đó, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:
- Kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính của Tòa án (khoản 1 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân);
- Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án (khoản 3 Điều 78 Luật TTHC).
- Thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án để phục vụ việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (Khoản 3 Điều 78 Luật TTHC);
- Tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính ở các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt theo quy định của Luật tố tụng hành chính (các điều 23, 130, 170, 194, 220, 238 Luật TTHC)
- Tham gia hỏi người khởi kiện, người bị kiện và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (các điều 160, 204, 223, 238 Luật TTHC);
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, phiên họp của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng (khoản 1, 2 Điều 40 Luật TTHC và khoản 5 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân);
- Kiểm sát các bản án và quyết định giải quyết vụ án hành chính của Tòa án (Khoản 4 Điều 40 Luật TTHC và khoản 6 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân);
- Kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 70 Luật TTHC);
- Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính của Tòa án theo quy định của Luật TTHC (các điều 181, 212, 235 Luật TTHC);
- Yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 213 Luật TTHC); quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khi đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 213, 235 Luật TTHC);
- Thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị với Tòa án nhân dân khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án hành chính; nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 22 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân).
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kiến nghị với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó (Điều 239 Luật TTHC).
3. Về những điểm mới của Luật TTHC liên quan đến vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong TTHC
So với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung các năm 1998, 2006), vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính theo Luật tố tụng hành chính có một số nội dung mới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật TTHC không quy định quyền khởi tố vụ án hành chính của Viện kiểm sát đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (quyền này hiện đang được quy định tại Điều 18 Pháp lệnh TTGQCVAHC); thay vào đó, khoản 3 Điều 23 Luật TTHC quy định “Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu họ không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi người đó cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đó”.
         Thứ hai, Luật TTHC quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Pháp lệnh TTGQCVAHC hiện hành thì khi đương sự nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự cho Tòa án, nếu thấy có một trong các căn cứ nêu tại khoản 1 Điều31 Pháp lệnh TTGQCVAHC, Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện cho đương sự và không thụ lý vụ án. Khi trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, Tòa án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Tại khoản 3 điều luật này cũng quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải ra quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án là quyết định cuối cùng.
          Thực tiễn thi hành các quy định nêu trên cho thấy, có thể xảy ra trường hợp Tòa án áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh TTGQCVAHC để trả đơn kiện cho người khởi kiện không chính xác, mà pháp luật lại không quy định cơ chế bảo đảm để Viện kiểm sát thực hiện được quyền kiểm sát đối với việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
          Để khắc phục vướng mắc này, Khoản 2 Điều 109 Luật TTHC đã quy định rõ “Khi trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện, Toà án phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Điều 110 Luật TTHC tiếp tục quy định quyền của đương sự được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện; đồng thời điều luật còn quy định quyến kiến nghị của Viện kiểm sát đối với việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, theo đó quy định rõ:
        - Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát, Chánh án phải ra quyết định trả lời kiến nghị với nội dung giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện (khi đó phải thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp biết) hoặc nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
         - Trường hợp không đồng ý với quyết định của Tòa án giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Chánh án Tòa án cấp trên phải ra quyết định giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.
Thứ ba, Luật TTHC không quy định quyền thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát như: quyền triệu tập người làm chứng, quyền trưng cầu giám định, quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Viện kiểm sát (hiện đang được quy định tại các điều 24, 25, 33 Pháp lệnh TTGQCVAHC); thay vào đó, Luật chỉ quy định “Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Toà án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án”. Viện kiểm sát chỉ tự mình thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Toà án (Khoản 3 Điều 78). Việc Luật TTHC không quy định các quyền của Viện kiểm sát trong việc triệu tập người làm chứng, quyền trưng cầu giám định, quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… là phù hợp với nguyên tắc về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính, theo đó, nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ thuộc về người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Thứ tư,  Luật TTHC quy định phân biệt nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm vụ án hành chính (Pháp lệnh TTGQCVAHC và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định chung ở tất cả các thủ tục xét xử là “kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án”), cụ thể là:
- Tại phiên tòa sơ thẩm, Điều 160 Luật TTHC quy định “Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án
- Tại phiên tòa phúc thẩm, khoản 3 Điều 204 Luật TTHC quy định “Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm”; Tại phiên họp giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, khoản 3 Điều 207 Luật TTHC quy định “Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm và phát biểu ý kiến về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định”.
            - Tại phiên tòa giám đốc thẩm, khoản 3 Điều 223 Luật TTHC quy định “Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án”.
            Thứ năm, Luật tố tụng hành chính quy định kéo dài thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của người có thẩm quyền kháng nghị (trong đó có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) đối với một số trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm
Điều 69 Pháp lệnh TTGQCVAHC hiện hành quy định: thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là một (01) năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Theo quy định này, ở bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn 01 năm đó, đương sự có quyền phát hiện vi phạm và thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét, quyết định việc kháng nghị. Thực tế áp dụng quy định này, có nhiều trường hợp, gần hết thời hạn 01 năm đương sự mới gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, do không đủ thời gian xem xét nên hết thời hạn kháng nghị mà đơn đề nghị kháng nghị vẫn không được xem xét giải quyết hoặc tuy có xem xét nhưng không phát hiện được vi phạm nên đã không kháng nghị giám đốc thẩm, do đó đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Để khắc phục hạn chế này, Điều 211 Luật tố tụng hành chính đã quy định theo hướng quy định “Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 212 của Luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”; đồng thời, Điều 215 Luật TTHC về “Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” quy định thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 02 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị 02 năm nhưng có các điều kiện sau đây thì việc kháng nghị được kéo dài không có thời hạn, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị: (i) Đương sự đã có đơn đề nghị trong thời hạn một năm theo quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật TTHC; (ii) Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
           Thứ sáu, Luật TTHC quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong đó quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kiến nghị với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định. Đây là một quy định hoàn toàn mới trong tố tụng tư pháp nói chung và tố tụng hành chính nói riêng.
          Luật TTHC cũng quy định rõ, khi có kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét kiến nghị; trường hợp Hội đồng thẩm phán không nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; phiên họp của Hội đồng thẩm phán xem xét kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
        Khi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp để xem xét lại quyết định của Hội đồng (kể cả trong trường hợp Viện kiểm sát có kiến nghị và không có kiến nghị), thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tham dự phiên họp.
Hoàng Thị Quỳnh Chi
 
 
         
         
 
         

 
 

 
 


 
Tìm kiếm