CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng Thực hiện tốt sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác

11/01/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, năm 2011 và những năm qua, Viện kiểm sát Hải Phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của toàn Ngành và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng. Đạt được kết quả nhưu trên là do sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, sự tạo điều kiện giúp đỡ của Ủy ban nhân dân Thành phố và sự ủng hộ của các cấp, các ngành, kết hợp với sự cố gắng, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức trong Ngành...
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện tốt sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
 
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, năm 2011 và những năm qua, Viện kiểm sát Hải Phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của toàn Ngành và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng. Đạt được kết quả nhưu trên là do sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, sự tạo điều kiện giúp đỡ của Ủy ban nhân dân Thành phố và sự ủng hộ của các cấp, các ngành, kết hợp với sự cố gắng, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức trong Ngành.
1. Sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng với công tác kiểm sát
Điều 4 Hiến pháp năm 1992 khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử, là nhân tố quyết định, bảo đảm cho sự phát triển của cách mạng nước ta. Vì vậy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong đó có Viện kiểm sát nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà nội dung quan trọng là đề cao tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của nhà nước; Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, trong giai đoạn qua, Đảng đã có chủ trương, quan điểm chỉ đạo, đẩy mạnh nhiệm vụ cải cách tư pháp, cụ thể:
Ngày 02 tháng 01 năm 2002 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48- NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Mục tiêu, quan điểm của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp đã xác định rõ “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam XHCN…”. Ngày 07/7/2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đốivớicác cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, những năm qua Thành uỷ Hải Phòng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cải cách tư pháp. Ban thường vụ Thành uỷ đã ban hành các quyết định, quy chế, chỉ thị để chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp thành phố trong đó có ngành Kiểm sát Hải Phòng. Triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp của thành phố. Ngày 06/3/2007, Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành văn bản chỉ đạo ngành Kiểm sát Hải Phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan tư pháp thành phố và Văn phòng Thành ủy tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ các chức danh tư pháp, trong đó nhiều chuyên đề về nâng cao năng lực, nghiệp vụ của Kiểm sát viên (Kế hoạch số 630-KH/VPTU). Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Kiểm sát Hải Phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng được giao, Thành ủy Hải Phòng đã trực tiếp chỉ đạo ký kết các quy chế phối hợp trong giải quyết công việc (Ngày 18/7/2009 ký kết Quy chế phối hợp số 01/QCPHLN giữa Viện kiểm sát với 8 ngành liên quan trong công tác tiếp nhận, quản lý tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Quy chế số 02/QCPH phối hợp giữa CQĐT-VKS- TAND trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự); năm 2011 Thành ủy đã trực tiếp chỉ đạo các ngành ký kết ban hành 02 Quy chế phối hợp (ngày 29/10/2011 ký kết ban hành Quy chế liên ngành giữa các ngành kiểm sát - Công an - Tòa án - Thi hành án dân sự, phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về hoạt động tư pháp và Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát với Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng).
Định kỳ thường trực Thành ủy nghe báo cáo kết quả công tác kiểm sát, chỉ đạo ngành Kiểm sát tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố. Các quận uỷ, huyện uỷ đã xây dựng, sửa đổi quy chế về sự lãnh đạo của cấp uỷ đối với các cơ quan tư pháp địa phương, thường xuyên hoặc định kỳ nghe và cho ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, công tác cán bộ của các Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện.
Năm 2011 và những năm qua ngành Kiểm sát Hải Phòng đã tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Thành uỷ, Nghị quyết của các cấp uỷ địa phương để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
2. Thực tiễn công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy vµ thấm nhuần quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng là: Công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị; công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị. Viện kiểm sát hai cấp đã bám sát vào các nhiệm vụ chính trị của địa phương để triển khai thực hiện.
Về nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và các Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện thường xuyên chủ động báo cáo với cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình hình, diễn biến tội phạm và tham mưu, đề xuất các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm. Trung bình, hàng năm Viện kiểm sát nhân dân hai cấp quyết định truy tố với số lượng lớn vụ án hình sự và bị can để Toà án xét xử. Toàn ngành đã tích cực, chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra; Toà án xác định hàng chục vụ án trọng điểm mỗi năm để xử lý phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Thực hành quyền công tố tại các phiên toà hình sự đội ngũ Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp ở Hải Phòng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xét hỏi, luận tội, tranh tụng; nhiều vụ án phức tạp Kiểm sát viên đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, bám sát vào các quy định của pháp luật để đấu tranh buộc tội bị cáo, tuyên truyền pháp luật, giáo dục kết hợp với trừng trị tội phạm, góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật, toàn Ngành đã thực hiện đúng về thẩm quyền, nhiệm vụ của Viện kiểm sát được pháp luật quy định; chủ động tham gia phối kết hợp với chính quyền địa phương, đề xuất các giải pháp xử lý nhiều vụ việc phức tạp về các lĩnh vực trên đảm bảo đúng pháp luật.
Trong công tác kiểm sát thi hành án, toàn Ngành thường xuyên phối kết hợp tốt với các ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc chấp hành các quyết định, bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải thi hành. Thông qua kết quả kiểm sát việc thi hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo; cải tạo không giam giữ theo Nghị định 60/CP; 61/CP của Chính phủ tại các UBND xã, phường, thị trấn; Viện kiểm sát hai cấp đề xuất với các cấp chính quyền địa phương nhiều biện pháp để khắc phục tồn tại, vi phạm, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, giáo dục, cải tạo các đối tượng phải thi hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo; cải tạo không giam giữ. Toàn Ngành thường xuyên, chủ động phối kết hợp với các ngành chức năng giải quyết dứt điểm nhiều vụ, việc thi hành án dân sự phức tạp, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp; toàn Ngành đã giải quyết tốt các loại đơn thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát, thường xuyên chủ động đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương các biện pháp, giải quyết nhiều loại đơn phức tạp, tồn đọng. Viện kiểm sát hai cấp tích cực thực hiện nhiệm vụ rà soát việc giải quyết khiếu nại tố cáo về hoạt động tư pháp theo Chỉ thị 09-CT/TW ngày 06/3/2002 của Ban bí thư Trung ương Đảng; chủ động thành lập các tổ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương đạt kết quả tốt.
Như vậy, thực hiện nhiệm vụ, chức năng của Viện kiểm sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, ngành Kiểm sát Hải Phòng đã có nhiều cố gắng, đoàn kết, chủ động, tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp; Nghị quyết của Thành uỷ, Hội đồng nhân dân thành phố và các chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp luôn đạt kết quả tốt. Hiệu quả công tác kiểm sát đã phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của thành phố; Ngành kiểm sát Hải Phòng đã và đang được các cấp uỷ, chính quyền, các ngành và nhân dân thành phố tin cậy. Đại hội Đảng bộ thành phố và đại hội Đảng bộ các quận, huyện nhiệm kỳ 2011-2015, đồng chí Viện trưởng VKSND thành phố và 66% các đồng chí Viện trưởng VKSND quận, huyện đã được bầu vào cấp uỷ; đồng chí Viện trưởng VKSND Thành phố đã được bầu là đại biểu Quốc hội khóa XIII. Việc Lãnh đạo VKSND thành phố và nhiều VKSND quận, huyện tham gia cấp uỷ tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín của Viện kiểm sát và tầm quan trọng của công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố, ngành Kiểm sát Hải Phòng cũng còn một số hạn chế như: chưa chủ động đề xuất cụ thể với cấp uỷ, chính quyền địa phương các giảipháp hữu hiệu trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm. Công tác phối hợp giữa VKS với các cấp, các ngành ở địa phương để giải quyết một số công việc phức tạp ở một số đơn vị cũng còn chưa thật hiệu quả…
Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ thành phố Hải Phòng đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về cải cách tư pháp của thành phố đến năm 2015 là “Tiếp tục chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự quan tâm của chính quyền đối với công tác tư pháp và nhiệm vụ cải cách tư pháp; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tố tụng, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phấn đấu kiềm chế và giảm tội phạm; hạn chế tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất thực thi nhiệm vụ. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ các cơ quan tư pháp, phấn đấu đến năm 2015 thành phố có đội ngũ cán bộ chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu. Trước tình hình nhiệm vụ nêu trên toàn ngành Kiểm sát Hải Phòng đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Thông qua hoạt động công tác kiểm sát dưới sự lãnh đạo của Đảng, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hải Phòng rút ra một số bài học thực tiễn như sau:
Một là, Viện kiểm sát hai cấp phải căn cứ vào các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng để xác định phương hướng chính trị cho các hoạt động công tác kiểm sát. Hoạt động của VKS dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi cán bộ công chức, Kiểm sát viên của VKS phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương những vấn đề về đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ pháp chế XHCN.
Hai là, thông qua các hoạt động công tác kiểm sát, toàn Ngành chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương về các giải pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, hành chính, trật tự an toàn xã hội, nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của xã hội phải được thực hiện đúng pháp luật.
Ba là, tiếp tục quán triệt chủ trương lãnh đạo của Đảng là Công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị” để cho cán bộ, công chức của VKS hai cấp nhận thức đúng về nhiệm vụ công tác kiểm sát; qua đó khắc phục tư tưởng vận dụng pháp luật đơn thuần, không bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương.
(Theo tham luận của VKS Tp. Hải Phòng - Thái Hưng đưa tin)
 
Tìm kiếm