CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong giải quyết các vụ án dân sự

07/01/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện chức năng kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, qua nghiên cứu các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nhân dân cấp huyện năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổng hợp và ban hành kiến nghị gửi Chánh án Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn, Như Xuân yêu cầu khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết án dân sự. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa
kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong giải quyết các vụ án dân sự
 
Thực hiện chức năng kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, qua nghiên cứu các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nhân dân cấp huyện năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổng hợp và ban hành kiến nghị gửi Chánh án Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn, Như Xuân yêu cầu khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết án dân sự. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo.
Về căn cứ áp dụng pháp luật:Quyết định số 51/2001/QĐST-HNGĐ, ngày 17/11/2011; số 52/2001/QĐST-HNGĐ, ngày 17/11/2011; số 56/2001/QĐST-HNGĐ, ngày 28/11/2011 của Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn chỉ căn cứ vào Điều 90, Luật hôn nhân gia đình năm 2000 để công nhận thuận tình ly hôn của các đương sự là chưa đầy đủ. Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn phải nêu căn cứ pháp luật tại Điều 92, Luật hôn nhân gia đình về “Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau ly hôn” và Điều 94, Luật hôn nhân gia đình về “Quyền thăm nom con sau ly hôn” mới đầy đủ và phù hợp quy định của pháp luật.
Tại Quyết định số 06/2001/QĐST-HNGĐ, ngày 15/6/2011; số 07/2001/QĐST-HNGĐ, ngày 16/6/2011 của Tòa án nhân dân huyện Như Xuân chỉ nêu căn cứ tại Điều 27, Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án mà không áp dụng Điều 131, Bộ luật tố tụng dân sự làm căn cứ tính án phí là chưa đầy đủ. Đồng thời trong 02 quyết định nêu trên, Tòa án nhân dân huyện Như Xuân chỉ căn cứ vào Điều 90, Luật hôn nhân gia đình năm 2000 để công nhận thuận tình ly hôn cho các bên đương sự là chưa đầy đủ. Tòa án nhân dân huyên Như Xuân phải nêu căn cứ pháp luật tại Điều 92, Luật hôn nhân gia đình về “Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau ly hôn” và Điều 94, Luật hôn nhân gia đình về “Quyền thăm nom con sau ly hôn” mới đầy đủ và phù hợp quy định của pháp luật.
Về hình thức:Tại Quyết định tạm đình chỉ số 02, 03, ngày 20/5/2011/QĐST-DS của Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn ghi lý do tạm đình chỉ : “Nguyên đơn có đơn xin tạm đình chỉ giải quyết vụ án một thời gian được Tòa án chấp nhận, quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 59 của Bộ luật tố tụng dân sự ” là chưa đúng với quy định tại Mục 3, Mẫu số 10a, ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP, ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Mục 3, phần hướng dẫn mẫu 10 a quy định: “Ghi cụ thể lý do của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thuộc trường hợp nào quy định tại Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự”. Tòa án áp dụng Điểm d, Khoản 1, Điều 59, Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn là không chính xác…
            Về án phí:Tại Quyết định số 06/2001/QĐST-HNGĐ, ngày 15/6/2011; số 07/2001/QĐST-HNGĐ, ngày 16/6/2011 của Tòa án nhân dân huyện Như Xuân buộc chị Lê Thị Hải và chị Ngân Thị Chuyên phải chịu 100.000đ án phí dân sự sơ thẩm, không buộc anh Lê Hữu Hợi và anh Vi Văn Tài phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là chưa đúng quy định tại Khoản 4, Điều 131, Bộ luật tố tụng dân sự.
Từ những vi phạm, thiếu sót nêu trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân các huyện Triệu Sơn, Như Xuân khắc phục vi phạm, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
                                                                                                Thanh Tâm
 
Tìm kiếm