CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở KIÊN GIANG: THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP

09/08/2010
Cỡ chữ:   Tương phản
Theo số liệu thống kê từ ngày 01/01/2008 đến ngày 31/5/2010, ngành Kiểm sát Kiên Giang đã thụ lý 42.462 việc, trong đó năm 2008: 14.511 việc, 2009: 15.991 việc và 5 tháng đầu năm 2010: 11.960 việc. Cơ quan thi hành án đã thi hành xong 39.035 việc, đang thi hành 13.284 việc, đình chỉ thi hành 933 việc, tạm đình chỉ thi hành 358 việc, số việc chưa thi hành 12.927 việc, trong đó có điều kiện thi hành là 8.639 việc. Tổng số tiền phải thi hành là 899.105.868.988 đồng, đã thu được 261.657.281.312 đồng, đã chi trả cho đương sự 247.941.878.046 đồng, còn tồn 19.099.143.463 đồng...
CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở KIÊN GIANG:
THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP
 
1. Thực trạng công tác thi hành án
Theo số liệu thống kê từ ngày 01/01/2008 đến ngày 31/5/2010, ngành Kiểm sát Kiên Giang đã thụ lý 42.462 việc, trong đó năm 2008: 14.511 việc, 2009: 15.991 việc và 5 tháng đầu năm 2010: 11.960 việc. Cơ quan thi hành án đã thi hành xong 39.035 việc, đang thi hành 13.284 việc, đình chỉ thi hành 933 việc, tạm đình chỉ thi hành 358 việc, số việc chưa thi hành 12.927 việc, trong đó có điều kiện thi hành là 8.639 việc.
Tổng số tiền phải thi hành là 899.105.868.988 đồng, đã thu được 261.657.281.312 đồng, đã chi trả cho đương sự 247.941.878.046 đồng, còn tồn 19.099.143.463 đồng.
Qua số liệu trên cho thấy số việc thi hành án năm sau đều tăng cao hơn năm trước; tính chất vụ việc thi hành án ngày cáng phức tạp; trình độ nhận thức pháp luật của người phải thi hành án không cao; người có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành, cố tránh né nghĩa vụ của mình…lực lượng chấp hành viên chưa đáp ứng về năng lực nghiệp vụ so với yêu cầu hiện tại. Cho nên với kết quả đạt được như trên đã là một cố gắng lớn của Cơ quan thi hành án dân sự hai cấp trong tỉnh, trong đó công tác kiểm sát của Phòng Kiểm sát thi hành án của Viện Kiểm sát Kiên Giang có phần đóng góp nhất định.
2. Kết quả kiểm sát thi hành án của Viện Kiểm sát
Hàng năm căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành theo chỉ thị công tác của Viện Kiểm sát tối cao, hai cấp kiểm sát đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức phối hợp với cơ quan thi hành án để rà soát, phân loại toàn bộ quyết định thi hành án dân sự để đưa ra thi hành không để tồn đọng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm sát thi hành án của Chấp hành viên như: Kiểm tra việc thụ lý, trả đơn yêu cầu thi hành án, xác minh, kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá tài sản để thi hành án…Tiến hành kiểm sát trực tiếp đối với cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới trong việc tổ chức thi hành án theo qui định của pháp luật.
Trong hơn hai năm, ngành Kiểm sát Kiên Giang đã tiến hành kiểm sát trực tiếp cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới 41 cuộc. Qua kiểm sát cho thấy về thủ tục thi hành án, nhiều đơn vị còn mắc phải những vi phạm như: Việc phân loại án có và không có điều kiện chưa kịp thời, việc xác minh tài sản còn kéo dài thời gian, chưa chủ động ra quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án. Nhiều trường hợp người phải thi hành án có tài sản nhưng không tổ chức thi hành, nên vụ việc kéo dài nhiều năm, khi ra quyết định kê biên tài sản lại không định giá, phát mãi tài sản kịp thời, dẫn đến có trường hợp tài sản kê biên bị tẩu tán, sang bán cho người khác nên không thi hành được. Một số Chi cục thi hành án không mở sổ sách kế toán để phản ánh việc thu, chi tiền thi hành án; chứng từ thu, chi không rõ ràng, không cập nhật đầy đủ, không chi trả kịp thời cho người được thi hành, tiền tạm ứng án phí, tiền nộp ngân sách không gửi vào kho bạc mà gửi ngân hàng để lấy lãi…trên cơ sở đó Viện Kiểm sát đã ban hành 41 kết luận, 29 yêu cầu khắc phục, 12 kiến nghị và 10 kháng nghị về những vi phạm của cơ quan thi hành án và chấp hành viên. Kết quả phúc tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị cho thấy cơ quan thi hành án đều chấp nhận về những sai sót trong quá trình tổ chức thi hành án nhưng chậm sửa chữa, còn để kéo dài làm cho đương sự khiếu kiện nhiều nơi, nhiều cấp gây dư luận không tốt và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Nhiều vụ việc đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh lên tiếng chất vấn cơ quan thi hành án, Viện Kiểm sát trước những kỳ họp của Hội đồng.
3. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác Kiểm sát thi hành án
Chúng ta biết rằng Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009, Chính phủ có Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Trong đó qui định trách nhiệm hướng dẫn thi hành một số nội dung được giao trong Nghị định và một số nội dung cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự đến nay vẫn chưa có. Điều đó đã gây khó khăn không ít cho công tác kiểm sát thi hành án của Viện Kiểm sát các cấp, cụ thể như:
Việc gửi quyết định thi hành án cho Viện Kiểm sát theo Điều 38 Luật Thi hành án chỉ qui định “được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp” nhưng không qui định thời gian cụ thể là bao nhiêu ngày. Cho nên trong thực tế có nhiều trường hợp quyết định của cơ quan thi hành án để đến 12-20 ngày mới gửi cho Viện Kiểm sát. Điều đó gây khó khăn cho việc kiểm sát việc thụ lý án của cơ quan thi hành án. Vì theo Điều 160 Luật Thi hành án dân sự chỉ qui định thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Việc gửi chậm như trên làm cho Viện Kiểm sát không đủ thời gian kiểm sát và thực hiện quyền kháng nghị khi quyết định đó có vi phạm.
Về trả đơn thi hành án theo điều 51 Luật Thi hành án dân sự qui định cho Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả đơn trong nhiều trường hợp. Thấy  cần thiết phải nêu rõ sau khi xác minh người phải thi hành án không có điều kiện thi hành mới được trả. Cũng như qui định quyền xác minh tài sản của Viện Kiểm sát khi quyết định trả đơn đó có khiếu nại và thực tế người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà cơ quan thi hành án không ra quyết định thi hành để yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành.
Việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án, khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự qui định: “Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh”. Qui định như thế này rõ ràng là rất khó khăn cho người được thi hành án . Vì trong thực tế, việc tự xác minh của người được thi hành án là rất khó, nếu không nói là không thể thực hiện được như đối với việc xác minh tài sản của người phải thi hành án gửi ở ngân hàng, các tổ chức tín dụng, ở địa phương khác…Mặt khác, kết quả xác minh của người phải thi hành án cung cấp không phải trong trường hợp nào cũng đảm bảo chính xác, được Chấp hành viên chấp nhận.
Việc người được thi hành án có yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải trả chi phí thực tế, hợp lý cho việc xác minh theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 58/2009/NĐ-CP. Chúng tôi cho rằng qui định này chưa thật hợp lý. Vì không qui định chi phí đó là bao nhiêu? Tính trên căn cứ nào?...Do không có qui định cụ thể nên mỗi nơi thực hiện theo từng cách khác nhau dẫn đến dễ phát sinh tiêu cực, làm thiệt hại đến quyền lợi của người phải thi hành án. Mặt khác, Chấp hành viên là công chức được nhà nước trả lương để làm công tác thi hành án, nay lại được hưởng thêm chi phí từ người phải thi hành án là không hợp lý?!
Về điều kiện miễn giảm tiền thi hành án, Điều 61 Luật Thi hành án dân sự qui định điều kiện miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước nhưng không qui định rõ trường hợp nào được xét giảm và mỗi lần giảm là bao nhiêu so với tổng số nghĩa vụ đó. Cho nên cần phải qui định rõ ràng, tránh tùy tiện trong khi áp dụng. Luật cũng không qui định Hồ sơ đề nghị xét miễm, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước phải được cơ quan thi hành án chuyển cho Viện Kiểm sát trong bao nhiêu ngày, để Viện Kiểm sát có ý kiến bằng văn bản và trong trường hợp Viện Kiểm sát đề nghị Tòa án xét miễn, giảm đối với khoản tiền phạt thì Viện Kiểm sát phải có thời gian thẩm tra, xác minh đảm bảo tính chính xác cho đề nghị của mình. Khi kết thúc thi hành án, Chấp hành viên thường không cập nhật chứng từ thu, chi trong hồ sơ, nên khi kiểm tra không thể hiện việc thi hành xong. Do đó cần có qui định thêm ở Điều 52 Luật thi hành án dân sự là khi kết thúc thi hành án, cơ quan thi hành án phải ra quyết định và gửi quyết định đó cho Viện Kiểm sát cùng cấp nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm sát thi hành án được thuận lợi, dễ dàng đúng theo qui định của pháp luật.
4. Một số đề xuất
Để công tác kiểm sát thi hành án dân sự của Viện Kiểm sát ngày càng phát huy hiệu quả, đảm bảo cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, ngoài những điểm như đã phân tích trên đây chúng tôi thấy cần kiến nghị với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và liên ngành tư pháp Trung ương cần có những văn bản hướng dẫn, qui định cụ thể về thời gian các quyết định, thủ tục của cơ quan thi hành án phải gửi cho Viện Kiểm sát để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các quyết định đó. Vì các văn bản hiện hành gây không ít khó khăn cho Viện Kiểm sát trong quá trình kiểm sát.
Cần có qui định cụ thể thời gian phải chi trả tiền cho đương sự, số tiền mà cơ quan thi hành án được để lại là bao nhiêu? Tiền tạm ứng án phí, tiền phạt, tiền nộp vào ngân sách… khi chưa chi trả thì phải nộp vào tài khoản tạm gửi ở Kho bạc Nhà nước, không được gửi Ngân hàng lấy lãi để tiêu xài. Thực trạng này hiện đang rất phổ biến và đã dẫn đến nhiều hậu quả không tốt đối với đội ngũ cán bộ thi hành án ở địa phương trong thời gian qua.
HUỲNH ĐÔNG BẮC
VKSND tỉnh Kiên Giang
Tìm kiếm