CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CÔNG TỐ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA

29/08/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và văn kiện Đại hội XI của Đảng đã xác định ngành Kiểm sát cần “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng toàn ngành Kiểm sát đã tập trung nghiên cứu đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Khi bàn về vấn đề này đã có những ý kiến hết sức là thiết thực, hiệu quả giúp cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp nhận thức được đầy đủ hơn, toàn diện hơn về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Tuy nhiên, để thực hiện tốt trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra đòi hỏi ngành Kiểm sát phải có lộ trình mà theo tôi trước mắt chúng ta phải thực hiện tốt các nhiệm vụ như sau:
MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM
CÔNG TỐ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA
          Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và văn kiện Đại hội XI của Đảng đã xác định ngành Kiểm sát cần “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng toàn ngành Kiểm sát đã tập trung nghiên cứu đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Khi bàn về vấn đề này đã có những ý kiến hết sức là thiết thực, hiệu quả giúp cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp nhận thức được đầy đủ hơn, toàn diện hơn về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Tuy nhiên, để thực hiện tốt trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra đòi hỏi ngành Kiểm sát phải có lộ trình mà theo tôi trước mắt chúng ta phải thực hiện tốt các nhiệm vụ như sau:
          Thứ nhất: Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra và nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra được quy định tại Điều 112, 113 Bộ luật tố tụng hình sự. Thực tiễn cho thấy một số đơn vị chưa chú trọng thực hiện hết nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra theo Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự như: Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, hủy bỏ các quyết định khởi tố không có căn cứ trái pháp luật của Cơ quan điều tra và trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, ghi lời khai người làm chứng, bị hại, đối chất, nhận dạng… mà chỉ tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra được quy định tại Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự như kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng và yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm trong hoạt động điều tra, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra chưa cao, án trả điều tra bổ sung giữa cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều, có trường hợp phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội. Do đó, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát cần phải nhận thức được đầy đủ, tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn giữa thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra và kiểm sát hoạt động điều tra để từ đó có định hướng đúng đắn trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ngành. Trên cơ sở quy định tại Điều 112, 113 ta có thể phân định như sau:
          - Về căn cứ pháp lý: Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra được quy định tại Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự, còn công tác kiểm sát điều tra được quy định tại Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự.
          - Về căn cứ tiến hành: Khi thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự và các luật khác như: Luật giao thông đường bộ, đường thủy… còn kiểm sát điều tra căn cứ chủ yếu vào quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản quy định về trình tự, thủ tục tố tụng hình sự hoặc quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức hữu quan khác.
          - Về phương thức hoạt động: Thực hành quyền công tố được thực hiện thông qua việc ban hành các văn bản như: Lệnh, quyết định, cáo trạng… còn khi kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát thường ban hành các văn bản như: Kiến nghị, công văn, thông báo…
- Về đối tượng tác động: Thực hành quyền công tố có đối tượng tác động là hành vi phạm tội và người phạm tội, còn kiểm sát điều tra có đối tượng tác động là hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hình sự và cả các cơ quan, tổ chức hữu quan khác.
          - Về hậu quả pháp lý: Khi Viện kiểm sát thực hành quyền công tố sẽ dẫn đến việc truy cứu hoặc không truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn khi kiểm sát điều tra sẽ dẫn đến xử lý các vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
          Việc phân định, tách bạch giữa công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra để chúng ta thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra nhưng không có nghĩa là tách rời hai hoạt động này. Để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Viện kiểm sát nhân dân các cấp chúng ta phải biết gắn kết kiểm sát hoạt động điều tra với thực hành quyền công tố, phải thực hiện tốt các công tác kiểm sát hoạt động điều tra nhằm hỗ trợ cho công tác thực hành quyền công tố tốt hơn.
          Thứ hai: Viện kiểm sát các cấp phải có sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong hoạt động điều tra nhưng không có nghĩa là cùng với Cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án mà phải có sự bổ trợ cho Cơ quan điều tra nhằm khắc phục kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ và qua đó có biện pháp tác động yêu cầu Cơ quan điều tra, Điều tra viên thực hiện đúng pháp luật.
          Thứ ba: Phải nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Thực tiễn cho thấy ở đơn vị nào lãnh đạo quan tâm chỉ đạo thường xuyên thì đơn vị đó hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Do vậy công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phải sát sao, thường xuyên, liên tục giữa Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới, giữa Lãnh đạo Viện với Kiểm sát viên trong đơn vị. Phải có sự phân công, phân việc kịp thời đúng năng khiếu, sở trường của từng Kiểm sát viên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ. Phải thường xuyên kiểm tra Kiểm sát viên trong việc thực hiện quy chế nghiệp vụ để kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc của Kiểm sát viên và chấn chỉnh khắc phục sai sót nghiệp vụ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của ngành.
          Thứ tư: Phải tăng cường trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra và các giai đoạn tiền khởi tố kể từ khi có dấu hiệu tội phạm hoặc khi nhận được tin báo, tố giác tội phạm để qua đó nắm chắc được nội dung của từng vụ việc, nên khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra Kiểm sát viên sẽ chủ động thực hiện các quyền năng pháp lý như phê chuẩn, không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ. Từ đó nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra.
          Thứ năm: Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn rút ra những kinh nghiệm hay, những việc làm tốt nhằm phổ biến, nhân rộng, phát huy hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong hoạt động điều tra cho toàn ngành học tập. Đồng thời tập hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự để kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
          Thực hiện tốt các biện pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.
Trần Vũ Tiến Huy
VKSND tỉnh Cà Mau
Tìm kiếm