CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN, TÒA ÁN NHÂN DÂN TP HÀ NỘI KÝ KẾT QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC

12/09/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội và yêu cầu thực tiễn công tác của hai ngành, ngày 9/9/2013 Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Tp đã tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp công tác giữa VKSND Tp. Hà Nội và Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn Hà Nội trong việc giải quyết án và quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện chức năng nhiệm vụ mỗi ngành...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN, TÒA ÁN NHÂN DÂN TP HÀ NỘI

KÝ KẾT QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC
 

Lãnh đạo hai nghành VKS và Tòa án Tp. Hà Nội ký kết Quy chế phối hợp công tác

 Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội và yêu cầu thực tiễn công tác của hai ngành, ngày 9/9/2013 Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Tp đã tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp công tác giữa VKSND Tp. Hà Nội và Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn Hà Nội trong việc giải quyết án và quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện chức năng nhiệm vụ mỗi ngành. Dự Lễ ký có các đồng chí Nguyễn Quang Thành Viện trưởng VKSND Tp. Hà Nội, Nguyễn Đức Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội, đại diện các ngành Công an, Thi hành án dân sự Tp. Hà Nội cùng các Trưởng, Phó phòng ban VKSND Tp. Hà Nội.

Các đại biểu dự Lễ ký đã nghe toàn văn nội dung Quy chế phối hợp giữa hai ngành Tòa án và VKS nhân dân Tp. Hà Nội trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính; thi hành án, giải quyết khiếu nại tố cáo về tư pháp và trong lĩnh vực quản lý, điều hành và chứng kiến việc ký Quy chế của lãnh đạo hai Ngành.

 

Toàn cảnh Lễ ký Quy chế

Theo đó, Quy chế phối hợp công tác gữa hai ngành được xây dựng gồm 06 chương và 26 điều, quy định chi tiết nội dung phối hợp công tác như: Nêu rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mục đích và nguyên tắc phối hợp; quy định về phối hợp trong truy tố, xét xử án hình sự; về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị hoặc yêu cầu khởi tố; về chuyển giao hồ sơ vụ án, thông báo lịch xét xử phiên tòa; giải quyết những vụ án phức tạp, những vụ án mà hai Ngành có quan điểm khác nhau, vụ án Tòa án thấy cần trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; về việc xác định án trọng điểm, xét xử lưu động, xét xử tại phiên toà, sau khi kết thúc phiên tòa; về phối hợp trong công tác thi hành án hình sự và giải quyết đơn; về phối hợp trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; về phối hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, hội nghị rút kinh nghiệm; về hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát và Tòa án cấp huyện; kiểm tra liên ngành đối với Tòa án và Viện kiểm sát cấp huyện.

Việc ban hành Quy chế của VKS và Tòa án Hà Nội đã đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi thực tiễn công tác nhiều năm qua nhất là khắc phục nhiều vướng mắc khó khăn trong thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự, dân sự, Luật tố tụng hành chính và quan hệ công tác của hai ngành. Ngoài những điểm chung thực hiện các quy định của Bộ luật TTHS, TTDS, Luật tố tụng Hành chính, Luật thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật khác, Quy chế còn quy định thực hiện một số điểm mới khắc phục được những hạn chế mà các quy định của pháp luật chưa thay đổi và bổ sung kịp thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hai ngành thực hiện tốt nhiệm vụ như: Quy định khi VKS chuyển hồ sơ sang Tòa án, thì ngay trong ngày làm việc đó, Tòa án kiểm tra hồ sơ ngay, phát hiện thiếu sót thì yêu cầu VKS kịp thời khắc phục; vụ án có bị can tạm giam thì VKS chuyển hồ sơ sang Tòa trước 03 ngày làm việc tính đến ngày hết thời hạn tạm giam; KSV không tham gia phiên tòa được thì phải báo cho Tòa án trước 05 ngày, vắng mặt đột xuất thì phải báo ngay cho Tòa án biết không để xảy ra phải hoãn phiên tòa vì vắng mặt KSV; trước khi có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Tòa án trao đổi với KSV để khắc phục vấn đề thiếu sót, không khắc phục được mới trả hồ sơ nhằm hạn chế trả hồ sơ. Đặc biệt là quy định sau khi kết thúc phiên tòa (hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế và lao động), Thẩm phán và Thư ký Tòa án phải tạo điều kiện để Kiểm sát viên xem biên bản phiên Tòa và yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến phiên tòa nếu thấy cần thiết; và quy định trong hạn 10 ngày kết từ ngày tuyên án, Tòa án sơ thẩm gửi bản án, quyết định cho VKS để VKS có thời gian nghiên cứu kỹ bản án, quyết định mà không như Bộ luật TTHS quy định trong thời hạn 15 ngày; về KSV sau 05 ngày kết thúc phiên tòa phải gửi bài phát biểu (dân sự, hành chính, kinh tế, lao động) cho Tòa án để lưu hồ sơ cũng là điểm mới nhằm nâng cao trình độ và trách nhiệm của KSV đối với việc giải quyết vụ án.

 

Đ/c Nguyễn Quang Thành Viện trưởng VKSND Tp. Hà Nội phát biểu tại Lễ ký Quy chế phối hợp

Phát biểu tại Lễ ký, đ/c Nguyễn Quang Thành Viện trưởng VKSND Tp. Hà Nội khẳng định: Trong những năm qua, ngành Kiểm sát và Tòa án ND thành phố đã có nhiều sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động và thi hành án… Tuy nhiên, việc phối hợp mới diễn ra ở những vụ việc cụ thể, mà chưa được quy phạm hóa bằng một bản Quy chế phối hợp mang tính thống nhất, đồng bộ có hiệu lực áp dụng chung cho 2 cấp Kiểm sát, Tòa án trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vì vậy, việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật, cũng như giải quyết những vấn đề còn có quan điểm khác nhau giữa 2 Ngành, tạo ra môi trường thuận lợi cho các cán bộ của Viện kiểm sát, Tòa án 2 cấp hoàn thành nhiệm vụ. Quy định trong Quy chế sẽ là cơ sở pháp lý cho sự phối hợp giữa các đơn vị của Tòa án và Viện kiểm sát 2 cấp, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực của Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành án… nói riêng và nâng cao chất lượng công tác áp dụng pháp luật của các cơ quan tố tụng trong thời gian tới nói chung. Các nội dung trong bản Quy chế sẽ giúp cho các đơn vị thực hiện đúng, thống nhất quy định của các Luật, các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tốt mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát, Tòa án 2 cấp trong việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp.

Quy chế phối hợp công tác được triển khai thực hiện, hai ngành Viện kiểm sát và Tòa án Tp. Hà Nội sẽ có mội quan hệ chặt chẽ hơn, cùng nhau giải quyết án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, thi hành án hình sự, giải quyết đơn thư khiếu tố đạt hiệu quả, chất lượng cao, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ Ngành giao cho, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.        

Thái Hưng
Tìm kiếm