CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đổi mới về nhận thức và vận dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm sát thi hành án dân sự

05/11/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Kiểm sát Online) - Trong hai ngày 29, 30/10/2012, tại Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Vụ Kiểm sát Thi hành án dân sự - Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị công tác kiểm sát thi hành án dân sự năm 2012. Tới dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại biểu dự Hội nghị có đồng chí đồng chí Hoàng Sĩ Thành, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Bá Bắc, Phó Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Lê Minh Tuấn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh; ngoài ra còn có đại diện Lãnh đạo, cán bộ các đơn vị Vụ 10, Vụ Hợp tác quốc tế và hỗ trợ tư pháp hình sự - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Trưởng phòng làm công tác kiểm sát Thi hành án dân sự của 30 tỉnh, thành phố phía Bắc...
Đổi mới về nhận thức và vận dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm sát thi hành án dân sự
 
Đ/cí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu chỉ đạo hội nghị
(Kiểm sát Online) - Trong hai ngày 29, 30/10/2012, tại Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Vụ Kiểm sát Thi hành án dân sự - Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị công tác kiểm sát thi hành án dân sự năm 2012. Tới dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại biểu dự Hội nghị có đồng chí đồng chí Hoàng Sĩ Thành, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Bá Bắc, Phó Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Lê Minh Tuấn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh; ngoài ra còn có đại diện Lãnh đạo, cán bộ các đơn vị Vụ 10, Vụ Hợp tác quốc tế và hỗ trợ tư pháp hình sự - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Trưởng phòng làm công tác kiểm sát Thi hành án dân sự của 30 tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong diễn văn khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh: Đây là một Hội nghị quan trọng nhằm đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác Kiểm sát thi hành án dân sựđáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm sát, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới của đất nước.
 
Các đại biểu dự Hội nghị
Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14/11/2008 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2009) đến nay đã được hơn 03 năm. Sau khi ban hành, Luật Thi hành án dân sự đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội, công tác Thi hành án dân sự ngày càng có những chuyển biến tích cực. Viện kiểm sát các cấp căn cứ chức năng, thẩm quyền được pháp luật quy định đã đóng góp quan trọng để bảo đảm việc Thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng qui định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc về nhận thức pháp luật, về mâu thuẫn giữa các qui định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tiễn. Hội nghị lần này, ngoài việc đánh giá những ưu, khuyết điểm của công tác Kiểm sát thi hành án dân sự trong 03 năm qua, Hội nghị còn giải đáp một số vấn đề còn vướng mắc trong nhận thức pháp luật để việc áp dụng được thống nhất.
Hội nghị đã giành thời gian để đánh giá kết quả chuyên sâu về kết quả Kiểm sát thi hành án dân sự thời gian qua, hướng dẫn những kỹ năng cần thiết trong quá trình tiến hành kiểm sát đối với các cơ quan Thi hành án dân sự, các cơ quan liên quan khác trong lĩnh vực Thi hành án dân sự nhằm đảm bảo hoạt động của các cơ quan trên theo đúng qui định của pháp luật.Với những nội dung quan trọng trên, đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân mong muốn các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ tài liệu, đóng góp những ý kiến thẳng thắn nhằm làm rõ hơn những thành tích đã đạt được trong 03 năm qua, nêu lên những kinh nghiệm quý báu ở đơn vị mình, địa phương mình; đồng thời để xuất những giải pháp khắc phục khuyết điểm, tồn tại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Kiểm sát thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Đồng chí nhấn mạnh, Kiểm sát Thi hành án dân sự là một trong những công tác thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân nhằm bảo đảm cho các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Đồng chí Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tin tưởng rằng sau Hội nghị lần này các đồng chí sẽ có những nhận thức mới và có những biện pháp tích cực để củng cố tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác Kiểm sát Thi hành án dân sự ở đơn vị, địa phương mình, chỉ đạo chặt chẽ công tác Kiểm sát Thi hành án dân sự nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác Kiểm sát Thi hành án dân sự, góp phần thúc đẩy hoạt động Thi hành án dân sự đạt kết quả tốt hơn.
Hội nghị đã nghe đồng chí Lữ Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát Thi hành án dân sự trình bày Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự và kết quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự và Báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện Quyết định số 01/QĐ-VKSTC-V9 ngày 10/12/2010 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Báo cáo nêu rõ, ngành Kiểm sát nhân dân đã từng bước kiện toàn bộ máy, biên chế, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Phối hợp với các ngành chức năng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự và chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn trong Ngành phục vụ kịp thời công tác kiểm sát thi hành án dân sự; thường xuyên quan tâm đến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

Đ/c Lữ Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi hành án dân sự trình bày Báo cáo
Viện kiểm sát các cấp chủ động kiểm sát những vụ việc thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài và tăng cường công tác phối hợp liên ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc thi hành án nên hàng năm số việc có điều kiện thi hành đều giảm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự được chú trọng, tăng cường ở mỗi cấp kiểm sát theo kế hoạch tập trung, thống nhất. Qua công tác kiểm sát đã kịp thời phát hiện được nhiều vi phạm của cơ quan Thi hành án và kịp thời ban hành các bản yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm. Thông qua kết quả kiểm sát, nhiều Viện kiểm sát địa phương đã tổng hợp vi phạm để kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm trong công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự của các ngành chức năng thực hiện theo đúng quy định Luật Thi hành án dân sự được Cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp ghi nhận và đánh giá tốt về hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự trong 3 năm qua.
Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-VKSTC- V9 ngày 10/12/2010 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao về việc phân công nhiệm vụ kiểm sát thi hành án và quán triệt tinh thần "Đổi mới, Chất lượng, Kỷ cương, hướng về cơ sở theo" Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 01/01/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao; Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của Viện kiểm sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới đã có chuyển biến kịp thời bám sát tình hình hoạt động của Viện kiểm sát địa phương, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ.Đạt được những kết quả trên là do Viện kiểm sát các cấp đã có sự đổi mới về nhận thức và vận dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát, nên chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm sát thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, đối chiếu với nhiệm vụ, yêu cầu cải cách tư pháp và Luật thi hành án dân sự, công tác kiểm sát thi hành án dân sự còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Trước hết vẫn tồn tại một thực tế là Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp chưa có sự quan tâm đầy đủ đối với công tác kiểm sát thi hành án dân sự.Số việc thi hành án tồn đọng qua các năm còn tương đối nhiều, số việc thụ lý mới ngày một tăng, tính chất mức độ công việc ngày một phức tạp, song còn nhiều Viện kiểm sát cấp huyện bố trí cán bộ, Kiểm sát viên thiếu ổn định, trình độ còn hạn chế… Vì vậy, còn có vi phạm pháp luật chưa hoặc chậm được phát hiện; khi đã phát hiện được thì chưa có biện pháp kiên quyết yêu cầu khắc phục triệt để.
Một số Viện kiểm sát địa phương chưa áp dụng đầy đủ các phương thức kiểm sát, nội dung kiểm sát thiếu cụ thể, chưa tập trung đi vào kiểm sát lĩnh vực thường xẩy ra nhiều vi phạm. Nhiều cuộc kiểm sát đạt chất lượng thấp hoặc ít phát hiện được vi phạm. Kháng nghị, kiến nghị nêu vi phạm và biện pháp khắc phục thiếu cụ thể hoặc không khả thi. Một số kiến nghị, kháng nghị thiếu tính căn cứ hoặc có nội dung không chính xác.
Công tác phối hợp giữa các khâu công tác kiểm sát có liên quan đến kiểm sát thi hành án dân sự và các ngành hữu quan như Cơ quan thi hành án dân sự, Toà án đã có chuyển biến, song chưa được thường xuyên, có biểu hiện quan hệ phối hợp mang tính hình thức, một chiều, thiếu kiên quyết trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự.
Công tác kiểm tra, hướng dẫn, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chưa được quan tâm đúng mức.Nhiều Viện kiểm sát nhân dân địa phương, nhất là cấp huyện chưa quan tâm đến chế độ mở sổ sách thụ lý và báo cáo thống kê công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Sổ thụ lý theo dõi, quản lý quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp đã ban hành trong tháng chưa đầy đủ, kịp thời. Do vậy cán bộ làm báo cáo thống kê không sử dụng sổ thụ lý làm báo cáo mà sử dụng số liệu báo cáo tháng của Chi cục thi hành án dân sự (tính theo lũy kế) để làm báo cáo thống kê dẫn đến số liệu thống kê của đơn vị chênh lệch tăng rất nhiều so với thực tế số quyết định thi hành án do Cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành trong kỳ báo cáo. Nội dung báo cáo định kỳ, báo cáo sơ kết, tổng kết của một số Viện kiểm sát nhân dân địa phương địa phương còn sơ sài, số liệu giữa báo cáo và thống kê chưa thống nhất, việc gửi báo cáo còn chậm làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ báo cáo của toàn Ngành.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế, tồn tại trên là do: Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 01/7/2009, có nhiều nội dung mới nhưng việc ban hành văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chậm, chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, một số quy định chưa cụ thể và không phù hợp với thực tế.Sự phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong công tác thi hành án còn thiếu chặt chẽ, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành án chậm được khắc phục, tháo gỡ. Bản án chậm được giải thích, tuyên không rõ.Chưa có chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự.Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành về hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự của một số Viện kiểm sát chưa được quan tâm đúng mức. Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án dân sự còn yếu, nhiều trường hợp người phải thi hành án cố tình trốn tránh, chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, khiếu nại vượt cấp để kéo dài thời gian thi hành án, thậm chí chống đối việc cưỡng chế thi hành án.
Báo cáo tại Hội nghị đã nêu một số kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Kiểm sát thi hành án dân sự như: Về tổ chức bộ máy biên chế, về cơ sở vật chất, về Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành, về quan hệ phối hợp…

Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thi hành án dân sự giải đáp
 những vướng mắc trong việc thực hiện Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự
Sau khi nghe Báo cáo sơ kết, đại biểu tham dự hội nghị đã được đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ kiểm sát Thi hành án dân sự đã nêu một số lưu ý trong việc thực hiện Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, cuối cùng đồng chí Vụ trưởng tập trung đi sâu phân tích và giải đáp một số vướng mắc về công tác kiểm sát thi hành án dân sự sau 03 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân các địa phương.
Tại Hội nghị, đã có 12 ý kiến phát biểu thảo luận được trình bày, hầu hết các tham luận đều đi sâu làm rõ những vấn đề trong Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự, đánh giá tình hình triển khai, kết quả công tác, những khuyết điểm, tồn tại chưa được khắc phục, những điều cần phải bổ sung, hoặc điều chỉnh thêm; việc kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác kiểm sát Thi hành án dân sự để đáp ứng yêu cầu của công việc; đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự so với trước đó qua 01 năm thực hiện Quyết định số 01/QĐ-VKSTC-V9 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dântối cao về phân công nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự; việc hướng dẫn thực hiện Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự; và chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động Kiểm sát Thi hành án dân sự ở các địa phương, những phương pháp, cách làm hay cụ thể của cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác Kiểm sát Thi hành án dân sự … trong đó tham luận của các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Phòng, Thái Bình… được đánh giá cao đã thu hút nhiều sự quan tâm của Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Sỹ Thành, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp đề nghị Viện kiểm sát và Tổng cục Thi hành án cần tăng cường phối hợp trong việc kiểm sát và thi hành án. Đồng chí trân trọng cảm ơn Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã mời Tổng cục Thi hành án dân sự tham dự Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự và công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Đây là một dịp tốt cho Tổng cục Thi hành án dân sự, cũng như toàn ngành Thi hành án dân sự nhìn nhận, đánh giá toàn diện, đầy đủ về thực hiện Luật Thi hành án dân sự sau ba năm triển khai thi hành và thực trạng công tác thi hành án dân sự trong đó có những tồn tại, hạn chế về công tác thi hành án.

Đ/c Hoàng Sỹ Thành, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phát biểu
Đồng chí nhất trí cao với những đánh giá, giải pháp và kiến nghị nêu trong các Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục Thi hành án sẽ nghiên cứu kỹ và tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Hội nghị để có chỉ đạo kịp thời trong thời gian tới cho công tác thi hành án dân sự ngày càng đạt hiệu quả hơn, đồng chí Hoàng Sỹ Thành mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sự phối hợp chặt chẽ của Vụ 10, Cục Điều tra, Viện Khoa học Kiểm sát và các đơn vị chuyên môn khác trong việc tập trung hoàn thiện thể chế thi hành án dân sự. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp rà soát những bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành để thống nhất biện pháp xử lý. Tăng cường phối hợp thực hiện giao ban chuyên đề về thi hành án dân sự giữa Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khi khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với cán bộ thi hành án dân sự cần trao đổi, thông báo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự theo quy định… đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, nhất là hoạt động của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự trong việc áp dụng trình tự, thủ tục thi hành án, tạo điều kiện cho các cơ quan Thi hành án dân sự thi hành án đúng pháp luật.
Sau hai ngày làm việc khẩn chương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, Hội nghị công tác kiểm sát Thi hành án dân sự đã cơ bản hoàn thành chương trình, nội dung đề ra. Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định: Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2009, sau khi Luật được ban hành Chính phủ đã ban hành thêm 04 Nghị định để tổ chức hướng dẫn thi hành pháp luật trên; ngay sau đó, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã tổ chức quán triệt triển khai Luật Thi hành án dân sự một cách nghiêm túc, sâu rộng trong cán bộ, Kiểm sát viên . Đến nay, sau 03 năm sơ kết đã bố trí được 1346 cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành thực hiện nhiệm vụ công tác trên, thống nhất tinh thần của Luật Thi hành án dân sự, toàn Ngành đã thực hiện đầy đủ quyết định số 167 và Kế hoạch số 27 ngày 23/4/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tổ chức Hội nghị công tác kiểm sát Thi hành án dân sự toàn ngành Kiểm sát và 01 năm thực hiện Quyết định số ngày 01/10/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phân công thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm sát Thi hành án trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đến nay, về cơ bản các ý kiến phát biểu đều có sự thống nhất cao với Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự và Báo cáo 01 năm thực hiện Quyết định số 01/QĐ-VKSNDTC-V9 ngày 01/10/2010 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao .
Qua 03 năm thực hiện Luật Thi hành án, toàn ngành Kiểm sát đã tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm cho các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Thay mặt Ban Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng chí Phó Viện trưởng biểu dương và chúc mừng những kết quả của các đơn vị và toàn Ngành đã đạt được trong thời gian qua.
Để công tác kiểm sát Thi hành án thực sự có hiệu quả, bản thân ngành Kiểm sát về công tác kiểm sát Thi hành án đã xây dựng cơ chế, văn bản pháp luật, ban hành kịp thời kiến nghị thu hồi, phân công nhiệm vụ chuyên sâu, đồng thời Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành quy chế 352, Quy chế tổ chức của công tác Thi hành án và đặc biệt ban hành Qui định, Quy chế về công tác Thi hành án theo Quyết định 132 ngày 10/4/2012, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng và nhưng số quy phạm để thúc đẩy công tác kiểm sát Thi hành án của chúng ta. Thông qua việc thực hiện Quy chế đó, Hội nghị đã tổng hợp và thảo luận phát hiện 114 vấn đề còn tồn tại, vướng mắc. Theo đó, đã xác định được 59 những việc gặp vướng mắc về áp dụng pháp luật. Hội nghị đều thống nhất tháo gỡ những khó khăn, và nhất trí với giải đáp và hướng dẫn của đồng chí Vụ trưởng Vụ 10, điều đáng chú ý có 25 vướng mắc được liên ngành tiếp tục cần hướng dẫn, 22 vướng mắc về Nghị định của Chính phủ, trong 5 Thông tư liên tịch thì có 25 vướng mắc. Ở đây là do nhận thức và nội hàm của Thông tư, Quyết định chưa rõ ràng, còn nhiều vấn đề cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người Thi hành án, người được Thi hành án, người tham gia Thi hành án và các pháp luật khác. Thay mặt Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ghi nhận 114 vấn đề các vấn đề mà đại biểu các địa phương và Vụ 10 đã tổng hợp, trên cơ sở đó sẽ xây dựng sẽ xây dựng Báo cáo tổng thể trình Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chính phủ sửa đổi những điểm còn vướng mắc trong Luật và các Nghị định, Thông tư liên tịch.
Đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, tình hình tội phạm hiện nay diễn ra rất phức tạp đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, chính vì vậy đồng chí mong muốn cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát Thi hành án cần phải nỗ lực phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và thể hiện tính chuyên nghiệp cao của ngành Kiểm sát. Để công tác kiểm sát Thi hành án được tốt hơn đồng chí đề nghị: Lãnh đạo các đơn vị từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, huyện tiếp tục quán triệt đến cán bộ, Kiểm sát viên công tác này nắm chắc Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên ngành công tác Thi hành án, phổ biến toàn bộ vướng mắc đã được giải thích để triển khai có hiệu quả từng nhiệm vụ công tác. Đẩy mạnh quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, rà soát các vụ án chưa thi hành, hoặc đang được tạm hoãn để thống kê và giải quyết dứt điểm, hạn chế tồn đọng án chưa được giải quyết. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xuất hiện những khó khăn, vướng mắc đồng chí đề nghị Lãnh đạo các đơn vị báo cáo với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Quy chế, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, khắc phục những hạn chế trong Quy chế phối hợp liên ngành, chế độ kiêm nghiệm… Sau khi kết thúc Hội nghị, các đồng chí đại biểu có trách nhiệm phổ biến nội dung và quán triệt tinh thần của Hội nghị tới toàn thể cán bộ của đơn vị, địa phương mình đồng thời kết hợp cùng Vụ 10 và Trường Bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát tổ chức các lớp bồi đưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác Thi hành án cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác Thi hành án tại cơ quan. Thường xuyên quan tâm đến chính sách cho cán bộ làm công tác thi hành án, đảm bảo chế độ bồi dưỡng được tốt hơn trong phạm vi ngân sách và căn cứ theo chế độ cải cách tiền lương của Chính phủ hiện nay. Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp nội bộ trong Ngành, công tác hướng dẫn, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao với địa phương phải được tiếp tục nâng cao và thực hiện tốt hơn nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác Thi hành án. Đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình Thi hành án là lĩnh vực đặc biệt quan trọng và nhạy cảm, do vậy cán bộ, Kiểm sát viên phải quyết tâm giải quyết triệt để các đơn thư, khiếu nại tố các trong công tác nghiệp vụ, hàng năm phải thường xuyên thống kê một cách tổng thể từ Trung ương đến địa phương để từ đó phát hiện nhiều vấn đề có tính định hướng cùng tổ chức rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng các khâu ngiệp vụ công tác. Trên cơ sở đó, các đơn vị tiếp tục xây dựng chương trình phối hợp và kế hoạch công tác của năm sau, trước tiên là tạo ra những điểm nhấn nổi bật trong kết quả công tác năm 2013 sắp tới.
Song Ngư
Tìm kiếm