CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy định về việc cho thuê lại lao động

26/03/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 20/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động,...

Ngày 20/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/5/2019.

Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Doanh nghiệp gửi một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Nghị định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được tiếp nhận khi có đủ các giấy tờ quy định tại Điều 8 Nghị định này. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đảm bảo theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đối với doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ không đảm bảo theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không cấp giấy phép đối với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: Không bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định này; đã sử dụng giấy phép giả để hoạt động cho thuê lại lao động; có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động theo quy định tại các điểm d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều 12 Nghị định này trong 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng giấy phép giả.

Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động

Các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động bao gồm: Phiên dịch/biên dịch/tốc ký; thư ký/trợ lý hành chính; lễ tân; hướng dẫn du lịch; hỗ trợ bán hàng; hỗ trợ dự án; lập trình hệ thống máy sản xuất; sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy; biên tập tài liệu; vệ sĩ/bảo vệ; tiếp thị/chăm sóc khách hàng qua điện thoại; xử lý các vấn đề tài chính, thuế; sửa chữa/kiểm tra vận hành ô tô; scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/trang trí nội thất; lái xe; quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển; quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí; lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/điều độ, khai thác bay/giám sát bay.

Các trường hợp không được cho thuê lại lao động

- Doanh nghiệp cho thuê hoặc bên thuê lại lao động đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc cho thuê lại lao động để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.

- Doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với bên thuê lại lao động.

- Không có sự đồng ý của người lao động thuê lại.

- Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế.

Xem toàn văn Nghị định số 29/2019/NĐ-CP tại đây.

Thanh Hằng

(Giới thiệu)

 

Tìm kiếm