CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

TÌM HIỂU QUY ĐỊNH VỀ PHIÊN HỌP KIỂM TRA CHỨNG CỨ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

10/05/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (Luật số 92/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016...

 TÌM HIỂU QUY ĐỊNH VỀ PHIÊN HỌP KIỂM TRA CHỨNG CỨ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

 
Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (Luật số 92/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
Được bố cục thành 10 Phần, 42 chương, 517 điều (trong đó bổ sung mới 102 điều, sửa đổi, bổ sung 292 điều)quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện; yêu cầu; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Bộ luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội... có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.
Khi thực hiện công tác kiểm sát đòi hỏi kiểm sát viên phải nắm rõ nội dung kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ là nội dung mới của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử quy định tại khoản 5 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 24 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, bảo đảm việc thụ lý, giải quyết vụ ándân sự được công khai, minh bạch, đúng pháp luật. 
Tại điểm g khoản 2 điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Trình tự, thủ tục thực hiệnphiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ  được quy định từ Điều 208 đến điều 211 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, theo đó:
Trướckhi tiến hành phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp. Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên,
Về thành phần tham gia phiên họp gồm có:Thẩm phán chủ trì phiên họp; Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp; Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự; Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động đối với vụ án lao động khi có yêu cầu của người lao động, trừ vụ án lao động đã có tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập thể người lao động, người lao động. Trường hợp đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động không tham gia hòa giải thì phải có ý kiến bằng văn bản; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có); Người phiên dịch (nếu có).Trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên họp; đối với vụ án về hôn nhân và gia đình, Thẩm phán yêu cầu đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia phiên họp; nếu họ vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự.
Về trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải: Trước khi tiến hành phiên họp, Thư ký Tòa án báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp đã được Tòa án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên họp kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia, phổ biến cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ. Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:
- Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;
- Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;
- Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
- Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.
Sau khi các đương sự đã trình bày xong,Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các yêu cầu của đương sự. Trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ.
Thư ký Tòa án phải lập biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, biên bản phải thể hiện được các nội dung: Ngày, tháng, năm tiến hành phiên họp; Địa điểm tiến hành phiên họp; Thành phần tham gia phiên họp; Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự; Quyết định của Tòa án về việc chấp nhận, không chấp nhận các yêu cầu của đương sự.
Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ là phương thức để các bên trao đổi chứng cứ, bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); trao đổi ý kiến và xác nhận những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; trình bày ý kiến về những vấn đề cần thiết khác.... Do vậy, việc quy định về phiên họp chuẩn bị xét xử là một trong những nội dung bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Tuy nhiên đây là nội dung mới được quy định nên quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự kiểm sát viên cần chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm sát đối với hoạt động này.
Nguyễn Thị Hồng Oanh


 
Tìm kiếm